Người Việt dễ dụ? (Thạch Đạt Lang)
Người Mỹ gốc TQ không ủng hộ Trump thì dễ hiểu nhưng hai sắc dân Châu Á là Nhật và Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ mà không ủng hộ Trump trong khi người Việt lại ủng hộ Trump thì quả thật cần phải suy nghĩ. Người Nhật và Hàn Quốc đã trưởng thành về mặt tư tưởng và bỏ khá xa người VN chúng ta. Lý do cộng đồng người Việt ủng hộ Trump chắc chắn không đến từ suy tư mà đến từ văn hóa. Quá thất vọng với cộng sản và chán nản, mất niềm tin vào tương lai đất nước nên họ đành ủng hộ cho bất cứ ai to tiếng chống TQ, vì TQ là quan thầy của đảng cộng sản VN, chống CSTQ cũng là chống CSVN. Vấn đề là TQ không thể sụp đổ và ĐCSVN không tự nhiên biến mất nếu không có một tổ chức chính trị đối lập đủ mạnh để gây sức ép, buộc ĐCSVN thay đổi về phía dân chủ.
Lười quan sát, ngại suy nghĩ, luôn mong an phận, thủ thường vốn là những nhược điểm có tính cố hữu của con người.
Các chế độ độc tài cũng như cộng sản đã khai thác tối đa những nhược
điểm này vừa bằng tuyên truyền theo kiểu nhồi sọ, vừa bưng bít thông
tin, trừng phạt những nỗ lực tìm biết hay phổ biến những khác biệt với
hiểu biết cố hữu để duy trì quyền bính và thường thì luôn luôn thành
công vì đa số tự nguyện từ bỏ quan sát, so sánh, phân tích để thay đổi
nhận thức, cách hành xử.
Đó chính là lý do tại sao Mao Trạch Đông, Kim Jong-Il, Hồ Chí Minh,…
được sùng bái như thần thánh, thứ thần thánh mà độ “thiêng” có giới hạn
về địa lý, chỉ khu trú ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, còn trong mắt
thiên hạ bên ngoài phạm vi tác động của cường quyền thì chỉ là “tội đồ”.
Bởi là những nhược điểm cố hữu, sống trong môi trường tự do, cho dù
không bị kiểm soát, khống chế bởi bạo quyền nhưng nếu vẫn lười quan sát,
ngại suy nghĩ, thấy vừa mắt, nghe vừa tai là lập tức cho rằng có lý,
không cần đối chiếu, so sánh, phân tích lợi – hại, thiệt – hơn thì người
ta vẫn bị dụ như thường…
***
Theo một khảo sát về sự ủng hộ tổng thống Donald Trump của người Mỹ gốc Á Châu đăng trên VOA thì người Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất 64%,
kế đó là người Phi với 48%, thấp nhất là người Nhật, chỉ có 14%. Người
Tầu (không nói rõ Taiwan hay China) cũng không thích ông Trump cho lắm,
chỉ có 24%.
Lý do nào người Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất trong số người Mỹ gốc Á Châu ủng hộ ông Donald Trump?
Đa số người Việt Nam sống ở bên ngoài Việt Nam đều không ưa chế độ
cộng sản Việt Nam và đặc biệt là căm ghét Trung Cộng – quan thầy của chế độ cộng sản Việt Nam.
Cũng vì vậy, một tổng thống đã cũng như đang có những tuyên bố và hành
động “dường như” cứng rắn, nào là trừng phạt kinh tế, rồi tuyên bố ngăn
chận tham vọng bá quyền của Trung Cộng ở biển Đông của Trung Cộng khiến
họ cảm thấy hả hê, vui mừng…
Mỹ là cường quốc đứng đầu thế giới, có đầy đủ sức mạnh, phương tiện,
từ kinh tế đến ngoại giao, quốc phòng… để có thể thay mặt người Việt dạy
cho Trung Cộng một bài học, thành ra 64% người Việt được hỏi trong cuộc
thăm dò ý kiến mà VOA đã kể ủng hộ Donald Trump là lẽ đương nhiên.
Song có thật là ông Trump sẽ dạy cho Trung Cộng một bài học, thậm chí
quất sụm Trung Cộng hay không? Chẳng có gì là chắc, kể cả khi nhiệt độ ở
biển Đông nóng hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam nhiều hơn và
những đòn “trừng phạt kinh tế” mà Donald Trump liên tiếp tung ra trước
cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng tới.
Sở dĩ người viết dùng hai chữ “dường như” và bỏ trong ngoặc kép vì có
nhiều lý do để tin rằng, sau cuộc bầu cử vừa kể, chiến tranh mậu dịch
Mỹ – Trung sẽ giảm cường độ, hai bên sẽ ký một thỏa thuận hưu chiến,
hiện trạng biển Đông vẫn thế. Những lý do gây hưng phấn, mang lại tỉ lệ
ủng hộ ông Trump và Đảng Cộng hòa cao bất thường sẽ bốc hơi.
Muốn đặt hy vọng vào ông Trump thì phải xem ông Trump ở nhiều góc độ
khác. Ví dụ giảm thuế (Tax cut 2.0) vừa được Quốc hội Mỹ thông qua. Cho
dù thu nhập hàng tháng cao hơn một chút thì cũng nên khoan ghi nhận “ân
đức” Tổng thống bởi nó chẳng thấm vào đâu so với khoản lợi mà các CEO,
CFO… các đại tổ hợp của Mỹ được hưởng. Khoan còn vì rõ ràng vật giá đang
tăng đều đều, rồi nhiều phúc lợi xã hội cho người nghèo, người già sẽ bị cắt, bỏ thê thảm để bù vào chỗ thiếu hụt ngân sách.
Thấy có lý, nghe có lý là tin không suy xét đến mức mù quáng, kể cả
nhét chữ vào miệng những nhân vật cộng đồng có chút tiếng tăm như cựu
tướng thiết giáp Trần Quang Khôi của VNCH trước năm 1975, hoặc tướng
Lương Xuân Việt, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật, Bộ trưởng quốc phòng
James Mattis… để vận động người khác bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa để hỗ
trợ ông Trump thì quả là đáng ngại.
Căm thù độc tài tại sao không nhận ra khuynh hướng độc tài của Donald
Trump đang tiển triển dẫu chậm nhưng rất chắc. Tại sao cứ có bất kỳ tin
tức nào bất lợi cho mình là Donald Trump chụp ngay cho chúng cái mũ
Fake News và những người Việt phụ họa ngay rằng, đó là truyền thông thổ
tả, tay sai của đảng Dân Chủ, cố tình phá hoại các chính sách của Trump.
Thế còn chuyện Donald Trump công khai ca ngợi những lãnh đạo độc tài
trên thế giới thì sao, Trump có quyền độc tài và ủng hộ độc tài nên
những lời Trump tán tụng những lãnh đạo độc tài trên thế giới không phải
là vấn đề đáng bận tâm:
1/ Kim-jong Un: A Smart Cookie (Một người rất khôn ngoan).
2/ Putin: Very, Very Strong Man (Một người rất là mạnh mẽ).
3/ Tập Cận Bình (Xi Jinping): A Very Good Man. Who Loves China – King
Of China. (Một người tốt. Một người yêu tổ quốc. Một Hoàng Đế của Trung
Quốc).
4/ Abdel-Fattah el-Sissi: Hopefully You Like Me A Lot More (Đây là
Tổng thống độc tài Ai Cập: Hi vọng là ông ta sẽ thích tôi thật nhiều).
5/ Recep Tayyip Erdogan: He Earns Very High Marks From Me. We Have A
Great Friendship. (Tổng thống độc tài Thổ Nhĩ Kỳ: Ông ta đáng được những
lời khen ngợi của tôi. Tình bạn của chúng tôi thật vĩ đại).
6/ Rodrigo Duterte: A Great Leader (Tổng thống độc Tài Phi Luật Tân:
Ông ta là một nhà lãnh đạo tài ba). Trump từng bày tỏ hi vọng gặp gỡ
Duterte nhưng Duterte từ chối thẳng rằng… ông ta bận lắm, không thể hứa
hẹn gì được.
Nếu thành ngữ “Hãy nói cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ biết anh là
người như thế nào” đúng, thì những lời tán tụng các lãnh tụ độc tài của
Trump sẽ giúp hiểu bản chất thực của Trump. Thử tưởng tượng, nếu Trump
mà nắm được trong tay toàn bộ quyền lực như Kim Jong-un, Tập Cận Bình,
Putin… thì điều gì sẽ xẩy ra? Điều đầu tiên có thể đoán chắc là sẽ không
còn truyền thông, báo chí tự do nữa. Washington Post, New York Times,
CNBC, Huffington Post, CNN… sẽ bị đóng cửa, kế đến là các tờ báo ở địa
phương… Vậy thì có khác gì CSVN?
Tổ chức văn bút Mỹ PEN America, đầu tuần này đã kiện Donald Trump khi dùng quyền lực tối cao của mình để vi phạm hiến pháp
– tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận – cổ võ cho hành động
của Greg Giantforte hành hung ký giả Ben Jacobs. Tất nhiên Trump không
ngán, trong quá khứ Trump đã bị kiện và kiện vài ngàn lần, chưa kể nhiều lần khai phá sản.
Viết đến đây chợt nhớ câu chuyện Luộc Con Ếch. Nếu thả con ếch vào
một nồi nước đang sôi, tất nhiên nó sẽ nhẩy vọt ra nhưng nếu thả nó vào
nước lạnh, đun nóng từ từ, con ếch sẽ chậm rãi chuyển từ đang sống sang
từ trần mà không hề hay biết. Lịch sử có giá trị vì có nhiều bài để học.
Đầu thập niên 1930, không người Đức, Pháp, Ba Lan… gốc Do Thái nào nghĩ
mình có thể bị Hitler tống vào lò hơi ngạt, ngay cả khi quân đội Đức
tập trung ở biên giới Áo năm 1934, nhiều người vẫn cho là “fake news” để
rồi sau đó ôm hận mà chết.
George Santayana từng chua chát thốt ra như vầy: Một chế độ độc tài
không bao giờ xuất hiện đột ngột, nó chỉ hình thành từng bước khi các
điều kiện đã chín mùi. Những người không chịu học bài học lịch sử sẽ
phải sống lại lịch sử. Vậy đó!
22/10/2018