Khi Đồng minh đi đêm với Địch (Lữ Giang)

Những điều tác giả nói đa phần là đúng dù hơi khó nghe. Bản chất của người Việt, kể cả những người tiên phong đang đấu tranh cho dân chủ cũng đều hời hợt và cảm tính nên không đi được xa. Đây là vấn đề thuộc về văn hóa, nó đã ăn sâu vào trong tâm trí mỗi người chúng ta. Nếu không thay đổi và đoạn tuyệt với thứ văn hóa độc hại đó thì Phong trào dân chủ VN sẽ không thể thành công và VN mãi mãi sẽ không có dân chủ. Trí thức VN phải tiên phong thay đổi để dẫn đường cho quần chúng, ta phải tin vào nội lực và trí tuệ của chính ta thay vì mong chờ ai đó cứu giúp. 
 
Mới cầm quyền chưa đến hai năm, Donald Trump đã làm đảo lộn cả nước Mỹ và thế giới. 
Ông Richard N. Haass, nguyên Giám đốc Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết Trump đã gặp hay điện đàm với khoảng 130 nhà lãnh đạo trên thế giới, nhưng phần lớn họ chẳng hiểu Trump đã nói gì và muốn gì. Họ đã nói với ông : "Hãy giúp chúng tôi thấu hiểu vị tổng thống này, cho chúng tôi lời khuyên xử lý tình huống này ra sao ?". Chẳng ai dám trả lời câu hỏi đó, vì Trump đã tự nhận mình là người hành động theo bản năng (instinct), không cần kế hoạch, chiến lược hay chiến thuật gì cả !
Lãnh đạo một công ty địa ốc thì có thể làm như thế được, nhưng không thể làm như thế khi lãnh đạo nước Mỹ và thế giới. Do đó, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng như các nhà lãnh đạo ở Tòa Bạch Ốc đang kết hợp với nhau và đưa ra các biện pháp để vô hiệu hóa các quyết định và hành động của Trump có thể gây tác hại cho nước Mỹ, đợi sau bầu cử sẽ có biện pháp.
Còn người Việt đấu tranh thì sao ? Trong 43 năm qua, họ cũng thường suy nghĩ và hành động theo cảm tình (emotion) như Trump nên khi "tần số" của Trump được phát ra là họ chụp lấy ngay, và nghĩ ra một tương lai rất tốt đẹp sắp đến : "Trump là người được Thiên Chúa sai đến để cứu nước Mỹ và Việt Nam. Ông ta sẽ đánh Trung Quốc và giải phóng Việt Nam". 
Nhưng đó chỉ là hoang tưởng. Phải nhớ lại lời của Tôn Tử : "Bất tri bỉ, bất tri kỉ, mỗi chiến tất đãi", có nghĩa là "Không biết người, không biết mình, trăm trận đều thua".. Vậy cần phải nhìn lại chính mình và thế trận mà Đồng Minh và Địch đang phối trí để quyết định phải hành động như thế nào.
Não trạng phân biệt giới tuyến
Đa số người Việt tỵ nạn đều sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh lạnh, trong thời đại đó "não trạng phân biệt giới tuyến" (demarcation mentality) đã được tạo ra để hình thành hai khối đối đầu với nhau : Bạn và Thù hay Ta và Địch.
Ta là ai và Địchlà ai ?
Ta là Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ và các quốc gia đồng minh ; Địch là cộng sản Việt Nam, Tàu, Nga và khối cộng sản. Ta tốt Địch xấu, Ta hay Địch dở, Ta khôn Địch dại, Ta mạnh Địch yếu, Ta thắng Địch thua... Cả hai đều nhất quyết không đội trời chung và tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Chủ trương "Bốn Không" của Tổng thống Thiệu cũng phát xuất từ đó. Nhưng sau đó Mỹ đã biến Bốn Không thành Hai Có : "Có thừa nhận cộng sản" và "Có nhượng đất cho cộng sản". Ngày 20/06/1972 Tổng thống Nixon đã sai Kissinger đến Bắc Kinh gặp Thủ tướng Chu Ân Lai và giao Miền Nam cho Trung Quốc, rồi lừa Tổng thống Thiệu mở các cuộc hành quân "tái phối trí" làm mất Miền Nam chỉ trong 40 ngày.
Quan niệm mới về Bạn và Thù
Năm 1991, Liên Bang Xô Viết sụp đổ, khối Cộng sản tan rã, Chiến tranh lạnh chấm dứt. Thế giới lưỡng cực -Cộng sản và Tự do - đã trở thành đơn cực : Mỹ một mình lãnh đạo thế giới. Não trạng phân biệt giới tuyến cũng thay đổi.
Carl Schmitt, một luật gia và là một nhà lý luận chính trị người Đức đã đưa ra một quan niệm mới về "sự phân biệt bạn - thù" (friend-enemy distinction) có ảnh hưởng đến sự tương quan giữa các khối cũng như các quốc gia trên thế giới : Bạn hay Thù, Ta hay Địch được thay đổi tùy theo trường hợp và giai đoạn, chứ không căn cứ và một ranh giới cố định như trước nữa.
Trường hợp tương quan giữa 5 cường quốc trên thế giới hiện nay là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc là một thí dụ điển hình. Trong vụ tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc là kẻ thù của Mỹ, Anh và Pháp. Nga đứng ngoài. Trong vụ Ukraine, Nga trở thành kẻ thù của Mỹ, Anh và Pháp còn Trung Quốc đứng ngoài. Nhưng đối với Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, cả 5 nước đều là bạn.
Donald Trump đưa đến những tương quan quái đản !
Sự xuất hiện của Donald Trump đầu năm 2017 đã đem đến hai tương quan chưa từng có trong lịch sử. Với hai chủ trương "Nước Mỹ trước hết" và "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", Trump đã biến Thù thành Bạn và Đồng Minh thành Thù.
1. Coi kẻ Thù như Bạn
Hôm 7/9/2016, trong một cuộc phỏng vấn của NBC, Donald Trump khen ngợi ông Putin là nhà lãnh đạo giỏi hơn Tổng thống Mỹ Obama. Ông nói : "Tôi nghĩ tôi sẽ có mối quan hệ rất tốt với ông Putin và đồng thời có mối quan hệ rất tốt với Nga. Ông Putin kiểm soát đất nước rất mạnh mẽ. Đó là một hệ thống rất khác và chắc chắn ở hệ thống đó, ông ấy là một nhà lãnh đạo thực sự, vượt xa tổng thống của chúng ta".
Bà Nina Khrushcheva, giáo sư người Mỹ gốc Nga về quan hệ quốc tế thuộc đại học New School ở New York đã có nhận xét : "Rõ ràng là Trump mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực và mạnh mẽ, có thể uy hiếp đối phương chỉ bằng ánh mắt giống như ông Putin". 
Nói cách khác, Trump đang muốn lãnh đạo nước Mỹ theo phương thức Putin đang lãnh đạo nước Nga. Thấy Trump đã vào đúng tần số, hôm 17/06/2017 Putin gọi tỷ phú Trump là một người "đa sắc" và hoan nghênh đề xuất "khôi phục hoàn toàn" mối quan hệ Nga - Mỹ của Trump.
Trước tình trạng này, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã soạn thảo một đạo luật trừng phạt Nga lấy cớ là Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, để chận đứng sự thỏa hiệp giữa Trump và Putin. Ngày 25/07/2017 Hạ viện đã thông qua dự luật này với 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống. Hai ngày sau, ngày 27/07/2017 Thượng viện cũng thông qua với 98/2 phiếu. Trump định phủ quyết, nhưng các cố vấn cho ông biết tỷ số chấp thuận dự luật là tuyệt đối nên không thể phủ quyết được. Ngày 2/8/2017 Trump đành phải ký ban hành luật này. Tình nghĩa Trump - Putin bỗng ra mây khói !
2. Biến Đồng Minh thành Kẻ Thù số 1
Trump là một con buôn bất động sản, gần như không biết gì về kinh tế vĩ mô (macroeconomy) nên nghĩ rằng thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ và các quốc gia khác, nhất là với Liên Hiệp Âu Châu, Trung Quốc, Canada, Mexico, Nhật... là một hình thức ăn cắp của Mỹ nên ông nhất quyết lấy lại bằng cách phá bỏ tất cả các hiệp ước thương mại quốc tế hiện nay và ký lại với từng nước theo các điều kiện áp đảo của Mỹ. Mặc dầu các chuyên gia đã cho ông biết thâm thủng mậu dịch còn mang những ý nghĩa khác, nhưng Trump nhất định làm.
Liên Âu gồm 28 nước, vốn là đồng minh chí cốt và lâu đời nhất của Mỹ nay bị Trump coi là kẻ thù số 1. Trong cuộc phỏng vấn của CBS News được phát sóng hôm 15/07/2018, Donald Trump tuyên bố :
"Tôi nghĩ chúng tôi có rất nhiều kẻ thù. Liên Hiệp Châu Âu (EU) là kẻ thù vì những gì họ làm với nước Mỹ trong thương mại. Có thể bạn không nghĩ tới nhưng họ là kẻ thù".
Còn Trung Quốc tuy có thâm thủng lớn nhất và Nga lại được Trump xếp vào hàng thứ yếu :
"Nga là kẻ thù ở một số khía cạnh nào đó. Trung Quốc là kẻ thù kinh tế, chắc chắn họ là kẻ thù. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ xấu mà chỉ mang nghĩa họ là đối thủ cạnh tranh. Họ muốn làm tốt và chúng tôi cũng vậy".
Dĩ nhiên, các quốc gia bị áp lực đều không chấp nhận các điều kiện của Trump đưa ra. Họ đòi Trump phải tôn trọng các nguyên tắc vận hành của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) đã được 164 quốc gia ký kết, trong đó có Hoa Kỳ.
Bà Merkel, Thủ tướng Đức nói : "Liên Âu sẽ không đàm phán với một khẩu súng dí vào đầu". Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Cảnh Sảng tuyên bố Bắc Kinh sẽ không tham gia đàm phán kiểu "tự sát" như vậy. Ông Philippe Martin, Chủ tịch Hội đồng Phân tích Kinh tế của Liên Âu cảnh báo ý đồ phá vỡ các nguyên tắc đa phương của Donald Trump. Bà Agnès Benassy-Quéré, chuyên gia kinh tế và giáo sư đại học Paris-I cho rằng Donald Trump muốn làm tan rã Liên Âu.
Trump bỏ rơi Biển Đông
Sau khi nhận chức, ngày 23/01/2017 Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định TPP và ngày 14/03/2013 tuyên bố "chính thức chấm dứt chính sách xoay trục" về Biển Đông. Lợi dụng sự rút lui của Hoa Kỳ, Trung quốc đã phát triển một cách nhanh chóng về cả quân sự lẫn kinh tế ở Biển Đông và Đông Nam Á. Phần lớn các nước Châu Á Thái Bình Dương đã bỏ Mỹ đi theo Trung Quốc.
Bị phản đối dữ dội, ngày 30/07/2018 Trump đã cho Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố thành lập"Vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng" với một gói đầu tư trị giá 113 triệu USD để xây dựng hạ tầng cơ sở. Nhưng không ai tin rằng với số đầu tư nhỏ bé đó các nước Nam Thái Bình Dương sẽ từ bỏ Trung Quốc và quay về với Mỹ. Hiện nay Trung Quốc đang bỏ ra hơn 1.000 tỷ USD để đầu tư và xây dựng đường sắt, đường cao tốc và cảng nối liền Châu Á và Châu Âu.
Trước tình thế này, hôm 3/10/2018 tướng James Mattis Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ra lệnh cho Hải quân Hoa Kỳ lên kế hoạch tổ chức một tuần thao diễn quân sự tại Biển Đông và eo biển Đài Loan, để cảnh cáo Trung Quốc và trấn an các quốc gia trong vùng. Còn Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố : "Mỹ sẽ không để bị hù dọa tại Biển Đông". Nhưng hôm 14/10 Trump lại bắn tiếng rằng ông Mattis là người của đảng Dân chủ, ông ấy có thể ra đi... Tướng Mattis là người thường hay chống lệnh của Trump như lệnh rút quân khỏi Syria hay lệnh hủy bỏ xoay trục về Biển Đông. Ông tuyên bố sẽ không ra đi.
Người Việt đấu tranh đi về đâu ?
Khác với các cộng động di dân khác, cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ, thường tự coi mình là cộng đồng đấu tranh chính trị, có nhiệm vụ giải phóng Việt Nam khỏi chế độ cộng sản ở trong nước. Vì thế cộng đồng này thường được tổ chức và sinh hoạt giống các tổ chức chính trị và có những đặc điểm chính sau đây :
1. Vẫn ôm chặt não trạng phân biệt giới tuyến
Mặc dầu chiến tranh lạnh đã qua, cho đến nay, đa số người Việt đấu tranh vẫn ôm chặt não trạng phân biệt giới tuyến của thời đó : Ta là Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ và các quốc gia đồng minh ; Địch là cộng sản Việt Nam, Tàu, Nga và khối cộng sản.
Ngay trong sinh hoạt của nước Mỹ, não trạng phân biệt giới tuyến cũng được nhiều người Việt đấu tranh dùng để phân biệt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Khi đến Mỹ, đa số người Việt đã ghi danh theo Đảng Cộng hòa vì cho rằng Đảng này chống cộng. Còn Đảng Dân chủ bị coi là đảng thiên tả, tức theo cộng sản !
Theo sử liệu, lúc đầu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là một với một tên gọi chung là Đảng Dân chủ - Cộng hòa (Democratic - Republican Party), được thành lập năm 1791 để đối lập với Đảng Liên bang (Federalist Party) trong các cuộc bầu cử. Năm 1812 Đảng Liên bang tan rã, Đảng Dân chủ - Cộng hòa được chia thành hai đảng là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa để bảo vệ dân chủ, không cho nước Mỹ trở thành một chế độ độc đảng và độc tài như trong các chế độ cộng sản.
Luật bầu cử Hoa Kỳ cho phép cử tri, khi bỏ phiếu có quyền bầu cho bất cứ ai, không bắt buộc phải bỏ phiếu cho người của đảng mình. Tiêu chuẩn để chọn thường không phải là đảng phái mà là tư cách, khả năng, đường lối và tinh thần phục vụ của ứng cử viên.
Não trạng của người Việt bắt đầu thay đổi dần. Năm nay, số cử tri người Mỹ gốc Việt ở Orange County, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa nối dài, có khoảng 100.000 người, trong đó có 29,5% theo Đảng Dân chủ, 32% theo Đảng Cộng hòa, và 35% không theo đảng nào.
Niềm tin vào Đảng Cộng hòa đã dâng cao khi Donald Trump lên nắm chính quyền. Tuy nhiên, vì tỷ lệ cử tri người Mỹ gốc Việt quá thấp, khoảng 0,5%, nên những nỗ lực của người Việt ảnh hưởng rất ít đến các cuộc bầu cử cấp liên bang.
2. Nuôi dưỡng một chế độ Chống Cộng Giống Cộng
Vốn đi ra từ trong chế độ cộng sản, nhiều người Việt đấu tranh chống cộng sản lại thích hình thành ở hải ngoại một chế độ giống chế độ cộng sản ở trong nước.
Ở trong nước, những ai nói hay làm gì trái với chế độ đều bị coi là phản động, sẽ bị truy tố và trừng phạt về "tội tuyên truyền chống Nhà nước" hay "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Ở hải ngoại, ai nói hay làm khác những người tự xưng là chống cộng hay đe dọa "chỗ đứng" của họ đều bị kết án là "tay sai cộng sản" hay "đặc công cộng sản nằm vùng". Do đó, khi Luật sư trẻ Trần Kiều Ngọc vừa tuyên bố : công việc của tôi "không phải là chống cộng" mà là "chống cái ác"... Tiếng la hét đã vang lên. Vì thế, trong cộng đồng người Việt hải ngoại, gần như ở đâu cũng thấy có Nón Cối.
Một "đạo luật" hà khắc và vượt lên trên cả Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ đã được công bố : "Không nói, không viết, không làm những gì có lợi cho cộng sản. Diệt Việt gian trước, Việt cộng sau". Ai làm khác đều bị coi là "thi hành Nghị quyết số 36" của Đảng cộng sản Việt Nam.
Vì quyền tự do ngôn luận được Tu chính án số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm đã bị tước đoạt, nên chúng ta thấy có đến 80% các bài "bình luận chính trị" trên các cơ quan truyền thông Việt ngữ hàng ngày đều là những bài tố cộng, từ anh lớp 3 trường làng đến anh ghi danh là tiến sĩ đều viết như nhau và đi tới một kết luận giống nhau : "Chúng nó gian ác, chúng nó ngu dốt, chúng nó bán nước, chúng nó thất bại, chúng nó sắp sụp đổ rồi", v.v.
Đây là một khuôn mẫu viết bình luận thường được gọi là "quốc văn giáo khoa thư chống cộng". Những phân tích và bình luận dựa trên sự thật khách quan ít khi được tìm thấy.
Khi Đồng minh và Địch đi đêm với nhau
Từ ngày qua Mỹ đến nay, đa số người Viêt vẫn tin Mỹ chống Cộng và tôn trọng Nhân quyền nên bị CIA dùng làm công cụ. Khi Kháng chiến mới được phát động thì Mỹ lập bang giao với Việt Nam và ra lệnh bỏ chiến khu, trở về thành lập "xã hội dân sự" để "đấu tranh chính trị". Phải công nhận Đảng Việt Tân đã tiến hành công tác này rất xuất sắc. Đùng một cái, Mỹ tuyên bố "đối tác toàn diện" với Việt Nam và ra lệnh cho Việt Tân đi chỗ khác chơi.
trump2
Đã đến lúc cộng đồng người Việt phải ủng hộ các phong trào đấu tranh tư tưởng và chính trị trước rồi mới hành động sau
Bây giờ Mỹ đang biến cộng sản Việt Nam thành một "Tiền đồn chống Trung Quốc ở Đông Nam Á" nên viện trợ cho Việt Nam cả về kinh tế lẫn quân sự. Nhưng cũng như Nga, Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn do dự không muốn đưa ra những cam kết dứt khoát vói Mỹ, vì nghĩ rằng với tính bất định, sáng nắng chiều mưa của Donald Trump, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Trong năm nay, tướng Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phải đến Việt Nam hai lần. Lần này tướng Mattis đã xác định với Việt Nam về chính sách "trước sau như một" của Mỹ dù có Trump hay không có Trump, và hứa sẽ tiến hành công tác tẩy chất độc Da Cam cho Việt Nam bắt đầu từ năm tới. Đây là một yêu cầu mà Việt Nam đã đưa ra từ sau chiến tranh nhưng vẫn không được Mỹ chấp thuận. Liên Hiệp Châu Âu cũng xúc tiến nhanh hiệp ước thương mại với Việt Nam. Trước những tiến bộ đó, Việt Nam có vẻ đang mạnh dạn nghiêng phía Mỹ hơn. 
Hình như hai bên cũng đã thảo luận về vấn đề can thiệp của Mỹ vào các cuộc đấu tranh ở trong nước và Mỹ đồng ý đưa ra khỏi nước các thành phần "bất khả trị" của Việt Tân đã bị nhận diện và bị bắt. Vì thế, nhà cầm quyền đã không còn nương tay với các phong trào đấu tranh ở trong nước. Hôm 5/10/2018, Tổ chức Ân Xá Quốc tế cho biết số tù nhân lương tâm bị bắt giam ở trong nước đến nay đã lên đến 246 người, bao gồm 219 người đã bị kết án. Con số này đang tăng lên mỗi ngày.
Có thể coi đây là một trong những giai đoạn khó khăn của người Việt đấu tranh ở trong cũng như ngoài nước. Nếu người Việt đấu tranh không đổi phương thức hoạt động và thận trọng, có thể bị biến thành công cụ hay con bài thí giống như những lần trước đây.
Ngày 19/10/2018
Lữ Giang