Bị đánh nhập viện vì tố nhà thầu gian dối khi làm cao tốc 34.500 tỷ (Zing)
Suốt 5 năm qua các cơ quan ban ngành liên quan như Ban quản lý dự án, giám sát, thi công rồi chính quyền địa phương, báo chí nhà nước...ở đâu mà để một mình ông lão nông dân đối mặt với bọn mafia TQ? Đất nước này của VN hay TQ mà các nhà thầu TQ chẳng sợ ai còn đánh người tố cáo đến trọng thương hai lần nhập viện cấp cứu? Còn bao nhiêu công trình do TQ thi công trên khắp đất nước VN? Ai phải chịu trách nhiệm cho các vụ việc như thế này? Trí thức VN ăn lương từ đồng thuế của nhân dân đang làm gì và chui rúc ở đâu?
Trong lúc chụp ảnh để tố việc thi công ẩu của nhà thầu, ông
Lực liên tục bị dọa giết và bị đánh trọng thương, hai lần nhập viện cấp
cứu.
Gói thầu A3 dài 10,6 km (Km 99+500 - Km
110+100) do Công ty TNHH công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Jiangsu
Provincial Transportation Engineering Group Co., Ltd) làm nhà thầu
chính. Tổng giá trị gói thầu này khoảng 1.360 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay
của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, công ty này đã ký hợp đồng với
nhiều nhà thầu phụ để thi công các hạng mục khác nhau. Trong quá trình
thi công gói thầu này, người dân địa phương hoài nghi về chất lượng công
trình khi thấy đơn vị thi công ẩu. Vì vậy, lão nông Phạm Tấn Lực, tuổi
78, ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, đã vào cuộc "săn" chứng cứ để tố
cáo và không ít lần ông gặp nguy hiểm, thậm chí bị dọa giết, bị đánh đến
nhập viện cấp cứu.
Bốn năm đi kiện nhà thầu Trung Quốc
Ngoài
làm nông, ông Lực có thêm nghề phụ hồ ở quê nhà. Năm 2014, khi dự án
đường cao tốc triển khai qua huyện Bình Sơn, ông Lực xin vào làm bảo vệ
công trường tại gói thầu A3.
Trong khi làm bảo
vệ, lão nông Phạm Tấn Lực nhận thấy đơn vị thi công dùng loại đất không
đảm bảo để đắp nền đường. Với kinh nghiệm ít ỏi của một người từng làm
thợ hồ, lão nông này tiếp tục tìm hiểu và cho rằng đơn vị thi công có
nhiều gian dối.
Kể từ đó, lão nông này bắt đầu
hành trình tố cáo sai phạm của nhà thầu Giang Tô. Theo ông Lực, một
trong những sai phạm của đơn vị thi công là sử dụng đất không đạt chuẩn
tại các mỏ đất để đắp nền đường cao tốc.
"Lúc đó
tôi biết là mỏ đất không đạt chuẩn, có nhiều rễ cây và đá quá kích cỡ.
Đất này là đất sét pha đá vôi, dùng để đắp đường trong xã cũng không
được nói chi làm cao tốc", ông Lực nói.
Để có
chứng cứ thuyết phục, ông Lực dành dụm đồng lương ít ỏi của mình mua lại
chiếc máy ảnh cũ để ghi hình, tổng hợp chứng cứ mà ông Lực cho rằng nhà
thầu thi công gian dối.
Đưa Zing.vn
đến khu vực hầm chui dân sinh ở thôn Phú Lễ 2, ông Lực chỉ tay lên trần
hầm chui, cho rằng đường cao tốc mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng
nhưng nước mưa thấm dột từ nền đường xuyên xuống trần hầm chui... chảy
lênh láng khó chấp nhận.
"Mùa mưa lũ năm nay ập
về, cao tốc thi công ẩu sẽ phơi bày ra tất cả", ông Lực nói và cho hay
lão nông đã chụp hàng trăm tấm ảnh chứng minh những sai phạm của nhà
thầu.
Cầm xấp ảnh kèm theo chú thích chi tiết,
ông Lực cho hay đây là những xe múc, xe ben chở xà bần và đất nghĩa địa
trong vùng giải tỏa ở thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung (huyện Bình Sơn), để
làm đường cao tốc. Hay chuyện nhà thầu đưa thẳng đất phân hóa vào làm
đường cao tốc, các ống cống bị bể nát vẫn dùng cho hệ thống thoát nước…
Dùng vật liệu lẫn rễ cây để đắp nền đường
Từ
thông tin tố giác ban đầu, giám sát công trình lưu ý đến những vật liệu
nhà thầu sử dụng. Sáng 27/8/2015, trong quá trình kiểm tra, giám sát
hiện trường tên Lê Công Minh thấy nhà thầu đang đổ và san gạt đất đắp
cho lớp 30/39, đoạn Km 102+900 - Km103+00. Quan sát bằng mắt thường, vị
giám sát phát hiện nhà thầu sử dụng vật liệu có lẫn rễ cây để đắp nền.
Tiếp
tục xác minh, ông Minh xác định nhà thầu lấy nguồn đất từ mỏ số 10 về
đắp nền. Vật liệu này được cho là rất xấu, nhiều viên đá quá kích cỡ
theo quy định. Giám sát hiện trường đã lập biên bản vụ việc trên trước
sự chứng kiến của kỹ sư phụ trách, kỹ sư hiện trường và Giám đốc Ban
điều hành gói thầu A3.
Chiều
cùng ngày, đơn vị tư vấn giám sát đã có thông báo số CDM
DQE-RE1-JTEG-211-15, gửi ông Zhang Yongfeng, Giám đốc dự án gói thầu A3.
Trong thông báo, đại diện đơn vị tư vấn giám sát nêu lại nội dung biên
bản đã lập tại hiện trường vào sáng cùng ngày.
Đơn
vị tư vấn giám sát yêu cầu nhà thầu di dời toàn bộ vật liệu không đạt
yêu cầu tại Km102+900 - Km103+00 ra khỏi công trường. "Nhân sự phụ trách
thi công tại đoạn này là ông Guo Li Ping (quản lý thi công) đã nhiều
lần vi phạm nên bị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn từ chối", thông báo nêu
và đề nghị nhà thầu thay thế nhân sự quản lý thi công.
Thông
báo cũng nêu vật liệu đã chuyển về Km105+650 phải được loại bỏ toàn bộ
đá quá kích cỡ, đồng thời đất phải được thí nghiệm tần xuất đạt yêu cầu
mới được thi công. Nếu vật liệu trên không đạt yêu cầu thì phải loại bỏ
ra khỏi công trường.
Cảnh cáo đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu
Đến
tháng 6/2015, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã có các đợt kiểm tra dự án
cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và phát hiện nhiều sai phạm tại gói thầu
A3. Ngày 30/6/2015, đơn vị này có thông báo 151, gửi Bộ GTVT và Tổng
công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về những sai phạm
trên.
Tuy
nhiên, hơn một năm sau (tức ngày 11/7/2016), VEC mới có văn bản yêu cầu
Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nghiêm khắc cảnh
cáo đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu thi công gói thầu A3.
Tại
văn bản này, VEC thừa nhận nhà thầu đã để xảy ra tình trạng vật liệu
mang đến công trường lẫn rễ cây, đá, chưa được sàng lọc, kiểm soát từ
mỏ...
Chủ đầu tư chỉ đạo Ban quản lý dự án yêu
cầu nhà thầu phụ Công ty Thái Bình Dương (Pacific) đào bóc toàn bộ khối
lượng thi công nền đường tại các vị trí Km100+530, Km0+180 (nút giao
thông Dung Quất, thuộc gói thầu A3), do vật liệu mang đến công trường
lẫn rễ cây và đá. Nhà thầu thi công tại các vị trí nói trên phải đảm bảo
chất lượng công trình.
VEC cũng yêu cầu Ban
quản lý dự án thường xuyên rà soát lại năng lực của các tập thể, cá nhân
tham gia giám sát, thi công để chủ động xử lý. Trong trường hợp đơn vị
tư vấn giám sát và nhà thầu không đủ năng lực thì thay thế.
"Bồi dưỡng" người tố cáo
Lão
nông Phạm Tấn Lực cho hay năm ngày trước, một thanh niên nhiều lần điện
thoại, thuyết phục ông đừng "quậy" cao tốc 34.500 tỷ nữa.
"Anh
này tên là N.V.T., phiên dịch viên cho nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc)
muốn gặp tôi bồi dưỡng ít tiền và mong muốn tôi không gửi đơn kiện gì
nữa. Chiều 19/10, anh ta đến nhà than thở chủ đầu tư không chịu quyết
toán hồ sơ công trình nên mong tôi thông cảm, chia sẻ với công ty", ông
Lực kể.
Sau hơn một giờ thuyết
phục, anh này phát hiện máy điện thoại nhấp nháy trong túi áo lão nông
đang ở chế độ ghi âm nên hốt hoảng bước ra ngoài. "Anh ta bực tức, trách
móc sao ghi âm và ra đến đầu ngõ bất ngờ chửi tôi ăn ở mất đạo đức, ép
nhà thầu Giang Tô quá đáng", ông thuật lại.
Ông
Lực kể giữa năm 2017, nhà thầu Giang Tô từng cử người tìm vợ ông, đặt
vấn đề hỗ trợ gia đình 5-6 triệu đồng/tháng cho đến khi tuyến cao tốc Đà
Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành.
Bà Trương Thị
Cường (vợ ông Lực) nói một số người của nhà thầu từng xin được "giúp đỡ"
với hy vọng bà khuyên ngăn chồng không gửi đơn kiện đi khắp nơi, nhưng
gia đình từ chối.
Hai lần bị đánh trọng thương
Ròng
rã 4 năm chụp ảnh lưu lại chứng cứ kèm theo đơn gửi đến cơ quan chức
năng, tố cáo nhà thầu thi công cao tốc gian dối, ông Lực nhiều lần bị
người lạ đến nhà đe dọa "cắt cổ".
Tháng 9/2016,
trong lúc chụp ảnh xe vận tải vào lấy vật liệu ở mỏ đất 14 (đất xen lẫn
tạp chất) đắp đường cao tốc, ông Lực bị đánh trọng thương phải nhập viện
cấp cứu.
"Thấy tôi chụp ảnh, một thanh niên lạ
mặt giả vờ mời tôi vào quán nước rồi văng tục, tra hỏi chụp ảnh mỏ đất
để làm gì. Bất ngờ, anh ta đấm vào mặt của tôi, làm rách mí mắt và miệng
đầy máu, phải nhập viện khâu vết thương 6 mũi", anh Lực kể.
Hơn
một tuần nằm viện điều trị, cơ thể đau ê ẩm nhưng sau khi xuất viện,
lão nông vẫn tiếp tục thu thập hình ảnh thi công của nhà thầu trên cao
tốc.
Không dừng lại đó, tháng 5/2018, ông Lực
đang xem chương trình Thời sự trên tivi thì một thanh niên lạ mặt xông
vào nhà văng tục chửi thề, đánh tới tấp phải nhập viện cấp cứu, điều trị
cả tuần. Mặc dù vậy, ông Lực cho biết sẽ không dừng việc tố cáo nhà
thầu cho đến khi những sai phạm trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị đưa
ra ánh sáng.
Nhóm phóng viên