Tòa Án Hình Sự Quốc Tế điều tra về hồ sơ Rohingya (Thụy My)

Các chế độ độc tài thường không coi trọng và phớt lờ các định chế như Tòa án Hình sự Quốc tế, họ đã lầm to. Các định chế quốc tế này ngày càng lớn mạnh và có thẩm quyền lớn hơn cả các quốc gia. Mọi tội ác và hành động chống lại con người sớm muộn cũng sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt. 


Ba thành viên của ủy ban quốc tế điều tra về Miến Điện họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève ngày 18/09/2018.


Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) hôm qua 18/09/2018 loan báo bắt đầu xem xét sơ khởi về cáo buộc Miến Điện xua đuổi người Rohingya sang Bangladesh.
Công tố viên Fatou Bensouda trong thông cáo cho biết đã quyết định như trên. Đây là giai đoạn đầu tiên của tiến trình có thể dẫn đến một cuộc điều tra chính thức của tòa án quốc tế có trụ sở tại La Haye, và cuối cùng là kết án. 

Theo bà Bensouda, « việc kiểm tra sơ khởi có thể tính đến một số hành động cưỡng bức khiến người Rohingya buộc lòng phải di tản, nhất là việc vi phạm các quyền căn bản, các vụ giết người, bắt cóc, bạo hành tình dục, phá hủy nhà cửa, cướp bóc ». Bà nói : « Cơ quan chúng tôi cũng tìm cách xác định xem có các tội ác khác liên quan đến điều 7 Quy chế Roma hay không ».

Quy chế Roma xác định về các tội diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại mà ICC có thẩm quyền.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) hôm nay hoan nghênh « việc Tòa Án Hình Sự Quốc Tế mở ra một con đường quan trọng để mang lại công lý cho người Rohingya ». Theo HRW, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cần phải đưa tình hình Miến Điện ra trước ICC. 

Cách đây hai tuần, ICC đã chấp nhận thụ lý điều tra về việc đày ải người thiểu số Rohingya, có thể coi là tội ác chống nhân loại. Trong năm 2017, trên 700.000 người Rohingya theo đạo Hồi, bị quân đội và dân quân Phật giáo Miến Điện tấn công, đã phải chạy trốn sang Bangladesh. Miến Điện kiên quyết bác bỏ các cáo buộc, cho rằng ICC không có thẩm quyền xét xử.

RFI