Thái Lan sẽ cấp phép cho lao động bất hợp pháp VN (BBC)

Nhà nước VN luôn rêu rao là Thái Lan đa đảng, dân chủ nên bất ổn...Thế tại sao hơn 50.000 người Việt vẫn ở lại làm chui ở Thái Lan dù rằng trừ các khoản chi tiêu đi họ cũng chỉ đủ sống thôi? Tại sao họ lại từ bỏ "thiên đường XHCN" để sang lao động bất hợp pháp ở Thái Lan?  







Nhằm thu hút lao động nhập cư từ Việt Nam, chính phủ Thái Lan phê duyệt đề xuất cấp phép cho lao động Việt Nam bất hợp pháp, theo báo Thái Lan.

Tờ Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng Lao động Adul Sangsingkeo cho biết, đề xuất nêu trên yêu cầu những người lao động bất hợp pháp đầu tiên phải trở về Việt Nam và sau đó nhập cảnh lại vào Thái Lan theo giấy phép lao động.

Đề xuất này có lợi cho khoảng 50.000 công dân Việt Nam được ghi nhận vào Thái Lan theo thị thực du lịch 30 ngày và ở lại làm việc bất hợp pháp.

Danh sách công việc mà người Việt Nam được phép làm ở Thái Lan nay bổ sung thêm nghề giúp việc nhà và công nhân.

Các ngành ở Thái Lan rộng cửa cho lao động Việt Nam là khách sạn và du lịch.

Chính sách tương tự cũng được áp dụng đối với lao động nhập cư từ Lào, Myanmar và Campuchia. Nhưng điều này chỉ được thực thi sau khi Thái Lan ký biên bản ghi nhớ (MoU) với bốn quốc gia về hợp tác trong việc cung cấp thêm lao động cho Thái Lan. 

Thời điểm cho việc ký kết biên bản ghi nhớ sẽ được sắp xếp sớm.

Trước đây, những người di cư bất hợp pháp này được coi là người phạm luật và bị cấm nhập cảnh.

'Người nghèo mới qua Thái Lan tìm việc làm'

Nhiều người trong gần 50.000 'du khách' người Việt ở Thái Lan làm nghề bán hàng rong, phục vụ quán. Công việc của họ thường là bán các loại hoa quả bóc, gọt sẵn, nước ép trái cây, đồ ăn nhanh cho người địa phương và du khách.

Hầu hết người Việt làm nghề tự do ở Thái Lan đều không có giấy phép lao động. Hàng tháng những người này đều phải qua cửa khẩu để lấy dấu miễn thị thực vốn dành cho khách du lịch.

Ông Đỗ Hồng Quân, tiến sỹ ngành tài nguyên nước tại trường Đại Học Khon Kaen cho biết: "Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan là người nghèo. Chỉ nghèo họ mới qua Thái Lan tìm kiếm việc làm" .
Ông Quân ở trong ban điều hành nhóm công giáo nhỏ ở tỉnh Khon Kaen và đã tiếp xúc và giúp đỡ nhiều lao động Việt Nam tại đây. 

Ông cho biết tại Khon Kaen, hiện có khoảng 1000 lao động bất hợp pháp người Việt Nam. 

"Những người Việt Nam họ chỉ đi làm, họ không biết nhiều thông tin về luật. Tôi có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hơn nên tôi đăng lên trên mạng giúp đỡ mọi người." 

Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan làm việc tại các nhà hàng, hoặc giúp việc gia đình.
Một số khác bán hàng rong trên đường phố. 

"Ở Việt Nam tỷ lệ thất nghiệp cao, lương thấp, trong khi ở Thái Lan, một người không có trình độ có thể kiếm 15-20 triệu đồng một tháng," ông Quân nói thêm.

'Răn đe'

Anh Tuấn, một người Hà Tĩnh ở Bangkok cho biết:

"Chi phí có việc 'đi tò' là 1.700 baht một lần. Thường sẽ đi từ một giờ sáng tới năm giờ sáng tới cửa khẩu, làm thủ tục xuất rồi nhập cảnh, đóng dấu rồi quay về luôn. Khoảng ba giờ chiều là về tới nhà. Có điều việc đi lại này là rất mệt mỏi. Khi phía làm dịch vụ cho phép, ai cũng sẽ gửi hộ chiếu để đỡ phải đi, dù có tốn đến 2.000 hay 3.000 baht cũng gửi."

Tuy nhiên đó chỉ là một phần nhỏ trong các chi phí hàng tháng tại đây.

Cũng theo anh Tuấn chia sẻ, một tháng chi phí của của một người bán hàng rong bằng xe đẩy lên tới gần 20.000 baht. Trong đó một nửa là để "lo công an", khoản tiền này giúp họ được cảnh báo về các đợt truy quét. Tiếp đó là khoảng 3.000 tới 5.000 Baht để thuê phòng ở, còn lại là sinh hoạt phí, và 'đi tò'. Thu nhập hàng tháng thường chỉ đủ sống, không có khoản để dành.

Ngoài ra cũng có trường hợp người Việt thuê chỗ bán hàng cố định nhưng đều phải nhờ người Thái đứng tên để hơp pháp hóa. Tuy nhiên những chỗ như vậy có chi phí cao và vẫn phải nghỉ bán hàng khi có các đợt truy quét của công an. Nhiều tháng phải bù lỗ vì thời gian nghỉ bán tránh công an kéo dài.
Từ hôm 1/7/2018, giới chức Thái Lan bắt đầu yêu cầu những lao động trái phép phải rời khỏi đây, sau nhiều lần trì hoãn Luật Lao động từ 23/6/2017.

Mức phạt cho 'lao động chui' khi bị bắt có thế lên tới 100.000 baht hoặc/và bị giam giữ 5 năm với người lao động, còn với người sử dụng 'lao động chui' là 800.000 baht.

Khi được hỏi về ảnh hưởng thực tế tới người Việt bán hàng tại đây, anh Vinh (tên nhân vật đã thay đổi), quê ở Thanh Hóa, bán nước hoa quả tại Bangkok đã bốn năm nay chia sẻ rằng: "Người Việt Nam đang thực sự hoang mang dù mình bỏ sức lao động ra chứ không trộm cướp gì".
Tuy nhiên anh vẫn quyết định ở lại đất Thái vì theo kinh nghiệm của anh thì chuyện truy quét lao động bất hợp pháp là việc diễn ra hàng năm:

"Nhà nước Thái Lan họ cứ răn đe để bớt đi thôi, thực tế họ quét hết sao được. Người Việt bây giờ họ về, rồi họ lại sang. Chỉ mong là làm sao được như Campuchia, Lào, Ấn Độ hay người các nước khác, họ sang họ làm được đàng hoàng, sao Việt Nam mình không làm được thế."

Anh Vinh cũng cho biết có nghe nói Nhà nước Thái Lan chỉ cho phép lao động Việt sang làm việc tại nước này trong hai ngành nghề xây dựng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên anh cho rằng người Việt Nam ở Thái Lan có sức lao động không cao, chủ yếu người sang đây là người già, phụ nữ, bây giờ cũng có một số nam giới, thanh niên nên cũng khó làm các ngành này.

Tới trung tuần tháng 6/2018, theo thông tin từ Sở Tin tức Quốc gia Thái Lan thì vẫn còn khoảng 28.380 người chưa có đầy đủ hồ sơ xác nhận quốc tịch và khoảng 59.000 người khác đã được xác nhận quốc tịch nhưng đang đợi xin thị thực và giấy phép lao động. Số này chủ yếu là người Campuchia, Lào và Myanmar.

Trên mạng xã hội, trong các nhóm thảo luận của người Việt ở Thái Lan đã có một số người chia sẽ rằng sẽ quay về nước, tìm kiếm công việc hoặc cơ hội đi lao động ở các nước khác. 

Nhưng có lẽ sẽ vẫn còn nhiều 'du khách' Việt gắn bó lâu dài với Vương quốc Thái Lan.