Hà Nội 'nước lụt tận giường, chèo thuyền trong phố' (BBC)

Đây là hệ quả của việc quy hoạch thành phố Hà Nội một cách cẩu thả và chụp giật. "Nước nổi thì bèo nổi", giàu có mà vô tâm và không quan tâm đến đất nước rồi sẽ phải chịu chung số phận với những người kém nay mắn khác. 




 

Một nhà khoa học cho rằng dân Hà Nội sẽ phải học chung sống với ngập lụt do hạ tầng thoát nước của Thủ đô 'kém, lộn xộn' và là một 'bài học thất bại'. 

Nhiều nơi tại Hà Nội đã ngập nặng cả tuần nay trong khi đê tả Bùi có nguy cơ bị vỡ, đe dọa nhấn chìm thành phố, theo truyền thông Việt Nam. 

Ngập nặng nhất là huyện Chương Mỹ. Giới chức địa phương đã phải huy động hàng trăm bộ đội đi hộ đê và giúp di chuyển lương thực và vật nuôi cho người dân. 

Đáng lo ngại là người Hà Nội sẽ phải học chung sống lâu dài với lụt lội xảy ra thường xuyên hơn và nặng nề hơn, theo ý kiến của một chuyên gia về môi trường đã sống ở Thủ đô 20 năm.

Chung sống với lụt lội

"Có rất nhiều nguyên nhân khiến Hà Nội ngày càng lụt lội nhiều hơn, nặng hơn. Đầu tiên phải kể đến lượng mưa đầu nguồn tăng cao, mưa lớn hơn và kéo dài bất thường," ông Nguyễn Đức Tùng, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững nói với BBC ngày 31/7.

Ông Tùng nói phá rừng, biến đổi khí hậu, và việc xây dựng các đập thủy điện chắn dòng chảy từ thượng nguồn là các nguyên nhân khác khiến mưa đầu nguồn tăng cao, đổ về hạ du. 

Ngoài ra, "còn do cơ sở hạ tầng, thoát nước ở Hà Nội rất kém. Nói một cách thẳng thắn, đó là bài học lộn xộn, thất bại của thành phố", ông Tùng nói với BBC từ Hà Nội.

Ông Tùng cho hay ông sống ở Thủ đô 20 năm và không còn lạ gì cảnh 'nước lụt vào tận giường', 'chèo thuyền đi trong phố' như bà con Chương Mỹ hiện đang phải trải qua. 

"Cảnh tượng này sẽ kéo dài, rất khó thay đổi," nhà khoa học nói với BBC.

"Cần nhìn nhận nỗ lực của lãnh đạo thành phố trong giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên họ cần có cái nhìn tổng thể thay vì chỉ chạy theo sau để giải quyết vấn đề hiện tại."

"Nhiều chuyên gia nước ngoài mà tôi có dịp tiếp xúc nói chính quyền thiếu sự kết nối trong quy hoạch. Cứ khu đô thị nào mới là họ xây dựng hệ thống thoát nước mà không tính đến việc kết nối các hệ thống với nhau."

Về nguy cơ vỡ đê tả Bùi, ông Tùng nói 'hoàn toàn có thể xảy ra'. 

"Hà Nội có thể làm như Sài Gòn, lắp đặt các máy bơm khổng lồ để bơm nước 'cưỡng chế' ra sông Hồng. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời."

"Với hệ thống đê ở Hà Nội, mưa lũ sẽ làm bộc lộ những điểu yếu mà bình thường không thấy. Rồi lại 'trăm dâu đổ đầu tằm', khổ nhất vẫn là người dân," ông Tùng nói với BBC.

Nguy cơ vỡ đê

Trong khi đó, đê tả Bùi đang trong tình thế nguy cấp khi nước sông ngày càng dâng cao. Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội đã bị chia cắt. 

Hinh ảnh trên truyền thông Việt Nam cho thấy người dân huyện Chương Mỹ đi thuyền trên các ngõ phố. 

Chủ tịch TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung nói có thể phải di dời 14.000 dân, theo báo Người Tiêu Dùng

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho hay nếu không giữ được đê tả Bùi thì nước sẽ tràn vào huyện Chương Mỹ và các quận nội thành thành, theo Thanh Niên

Giới chức địa phương nói đây là trận lụt lịch sử ở Hà Nội. Đê hữu sông Bùi cao 6,5m đã bị tràn một tuần nay. Trong khi đê tả Bùi cao 7,5m nước đang mấp mé, nguy cơ vỡ.

Hiện Bộ Tư lệnh Thủ đô đã cho đắp bao cát dọc đê tả Bùi chiều dài 8km lên cao thêm 50cm.

Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ bị cô lập hoàn toàn. Cả một vùng quê chìm trong biển nước. Để duy trì liên lạc và đi lại, xã phải dùng công nông và ca nô chở người và hàng hóa qua lại.

Gần 900 hộ dân Chương Mỹ sống trong cảnh ngập nước, thiếu nước sạch, thiếu đồ ăn, điện bị cắt, hoa màu bị mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Duyên (56 tuổi, thôn Nam Hài) được trích lời trên Vietnamnet rằng bà đã ăn mì tôm một tuần rồi. 

Đê Bùi đã vỡ một lần tháng 12/2017 khiến nhiều thôn ở Chương Mỹ ngập lụt nặng nề.