Luật trói miệng người dân (Võ Ngọc Ánh)

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam như Viettel, FPT…sẽ bị giảm, mất hợp đồng, người dùng ít truy cập – cước phát sinh ít…doanh nghiệp sẽ ít doanh thu…Chính sự hạn chế tiếp cận thông tin, những tiện ích phổ thông để quảng bá, doanh nghiệp, sản phẩm sẽ làm giảm sự phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong khi đó các doanh nghiệp sẽ chi nhiều tiền hơn để đáp ứng yêu cầu của nhà nước. 


Dự thảo luật an ninh mạng một khi được thông qua thông tin trên các mạng xã hội, diễn đàn... sẽ phải ‘ngoan’ như báo đảng, hay những trang của các tổ chức thuộc chính quyền.

Sự ảnh hưởng của luật an ninh mạng sẽ còn sâu rộng hơn dự luật về đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên do tính mới mẻ, chuyên ngành nên dự thảo này chưa tạo nhận thức phổ thông để cùng lên tiếng trước nguy cơ ‘trói miệng’.

Luật ‘trói miệng’

Một khi được thông qua, thông tin trên các mạng xã hội Facebook, Twitter, Youtube... chỉ còn thông tin về ăn uống, lớp học, gặp mặt bạn bè, gia đình, clip hài, ca nhạc, chuyện của các sao... Nó thuộc nhóm thông tin tự sướng, khoe khoang chứ không phải của thông tin tiến bộ, cung cấp kiến thức đa chiều.

Việc đưa thông tin về chính kiến của mình trước các vấn đề chính trị; nhìn thông tin qua một sự kiện khác với chính quyền; kêu gọi cho một hoạt động nào đó... đều có thể bị bắt theo cáo buộc của điều 5, 8, 15, 17, 40... của dự luật này. 

Chẳng hạn với vụ việc ở Đồng Tâm trong năm 2017, hay sự việc ở Thủ Thiêm trong năm nay... tài khoản trên các mạng xã hội đưa thông tin như vừa qua đều có thể bị yêu cầu xóa bài, bị ngừng cung cấp dịch vụ và cả bị bắt, khởi tố.

Chính quyền cộng sản, các quan chức cộng sản xưa nay chắc không dễ khi những phát ngôn thiếu tầm, xem thường người dân... bị mạng xã hội phơi bày. Nhưng thưa quý vị, chính sự phản ứng của mạng xã hội đã giúp quý vị hoàn thiện mình, có tránh nhiệm hơn để trở thành những quan chức, chính khách chuẩn mực. 

Chính sự lên tiếng của mạng xã hội trước những vấn đề đất nước của lập pháp, hành pháp, tư pháp (dù ở Việt Nam điều này không rõ ràng) đã giúp những người có trách nhiệm biết điều chỉnh cho phù hợp. Nếu quan chức, chính quyền, và cả đảng cộng sản nếu biết lắng nghe từ thông tin mà người dân bày tỏ dù trên mạng sẽ làm cho đất nước mạnh lên. Ở Việt Nam hiện nay chỉ có thông tin trên mạng mới đáng quan tâm, sàn lọc, tìm kiến thức. Còn thông tin từ mấy ông quan chức lớn đến nhỏ, đoàn viên, hội viên này nọ họ chưa nói ra cũng biết nó thế nào.

Nếu không có sự lên tiếng của mạng xã hội như vừa rồi chắc luật đặc khu đã được thông qua và nguy cơ cho tổ quốc có thể nhìn thấy trước. 

Ở các nước phát triển chính quyền mạnh, dân giàu, có sự dân chủ thực sự trong một xã hội văn minh vì biết lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của đa số người dân chứ không phải quyền lực của một đảng phái nào. 

Chính quyền Việt Nam đang có rất nhiều công cụ để đàn áp trong một xã hội tự do, dân chủ chỉ là bánh vẽ. Người dân chỉ còn không gian ít ỏi trên mạng thể hiện suy nghĩ, sự hiểu biết, chính kiến của mình. Nhưng chắc chắn một khi dự luật này được ‘gật đầu’ càng khó bày tỏ trăn trở với đất nước. Càng không thể kêu gọi tụ tập để phản đối việc làm phản tiến bộ, phản dân chủ của quan chức, các cơ quan công quyền.

Biết đâu đây là âm mưu của chính quyền trói miệng người dân để thông qua dự luật đặc khu trong kỳ họp đến?

Dân Việt bị ấn sâu vào xã hội công an trị

Dù dự luật có nói đến sự bảo vệ thông tin cho các cá nhân, tổ chức nhưng chính việc trao quá nhiều đặc quyền cho cơ quan công an thì sự riêng tư sẽ không còn. Bên cạnh tuyên giáo tự cho mình quyền cung cấp thông tin trên toàn nước, dân Việt sẽ bị ấn sâu thêm vào xã hội công an trị. 

Công an hoàn có thể dựa vào một bài viết, một video, một trạng trái đâu đó trên mạng để cáo buộc tội danh tuyên truyền chống nhà nước, chống chế độ, gây khó khăn cho chính quyền, người thi hành công vụ, phá vỡ khối đại đoàn kết… Họ buộc người dùng phải cung cấp tài khoản, password… và bị ngưng, ngừng cấp dịch vụ internet. 

Điều 25 của Hiến pháp hiện hành quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Dự luật này đã ngồi xổm trên Hiến pháp sao?

Chính ông Hồ, người khai sinh ra chế độ này cũng đã nói “Nước có độc lập mà dân không có tự do thì độc lập đó cũng chẳng có ý nghĩa gì”. 

Theo điều 26 của dự luật này, sẽ làm tăng chi phí quản lý cho doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp dịch vụ. Những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực này như Google, Facebook… chắc chắn sẽ khó chấp nhận yêu cầu phi lý này theo luật Việt Nam, vì vi phạm những tiêu chí, luật lệ của họ đã được thế giới tiến bộ công nhận. Điều này buộc các ông khổng lồ với nhiều tiện ích này phải ngừng cung cấp dịch vụ, tiện ích vốn đa phần miễn phí cho người dùng phổ thông. 

Trung Quốc một thị trường hơn 1,3 tỷ dân lớn hơn chục lần thị trường Việt Nam, mà các doanh nghiệp Facebook, Google… còn không thỏa hiệp, huống chi Việt Nam một thị trường chưa phải quá lớn đối với họ. 

Khi Google, Facebook… không được tự do hoạt động tại Việt Nam sẽ là mảnh đất trống cho cách doanh nghiệp này của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc chắc dễ dàng chấp nhận yêu cầu của phía Việt Nam, cùng bắt tay với chính quyền Việt Nam… để ngu dân, tẩy não người Việt. 

Tại sao nhà nước Việt Nam cứ phải copy từ Trung Quốc mọi thứ, copy cả những cái thế giới lên án. Bài học Bắc thuộc nghìn năm, nghìn năm phụ thuộc còn chưa tỉnh hay sao? Dự luật an ninh mạng một khi được thông qua nguy cơ Hán hóa, rước giặc vào nhà gần thêm một bước. 

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam như Viettel, FPT…sẽ bị giảm, mất hợp đồng, người dùng ít truy cập – cước phát sinh ít…doanh nghiệp sẽ ít doanh thu…Chính sự hạn chế tiếp cận thông tin, những tiện ích phổ thông để quảng bá, doanh nghiệp, sản phẩm sẽ làm giảm sự phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong khi đó các doanh nghiệp sẽ chi nhiều tiền hơn để đáp ứng yêu cầu của nhà nước. 

Việt Nam đang nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mục tiêu hội nhập được với cuộc cách mạng công nghệ này. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không thể thiếu tự do thông tin. Vậy tại sao nhà nước lại đi ngược lại hạn chế thông tin, sự sáng tạo?

Trước khi có cuộc cách mạng 4.0 nhà nước Việt Nam cần có tư duy 4.0 trước đã. 

Võ Ngọc Ánh (10/6/2018)