Hướng dẫn cho nhà hoạt động làm việc với Công an/An ninh (Hatechange.org)

Nói chung là, mình phải nhất quán và coi việc bị thẩm vấn đó là việc bình thường, không tỏ ra bực tức, nóng giận thì sẽ không  làm bản thân mất kiểm soát và chỉ có như vậy thì mới buộc được họ phải tôn trọng mình.





Ngày 25/5/2018 vừa qua, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đã trải qua 15 giờ đồng hồ bị thẩm vấn liên tục bởi nhiều cán bộ an ninh khác nhau. Theo Anh Tuấn: “Nội dung buổi thẩm vấn quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những chuyện đi đâu, gặp ai, làm gì thời gian vừa qua, được lặp đi lặp lại theo một kĩ thuật có mục đích làm kiệt sức đối tượng”. Nhiều nhà hoạt động trước đó cũng trải qua những đợt thẩm vấn khắc nghiệt tương tự, thậm chí kéo dài nhiều hơn 15 giờ.


Bạn biết đấy, một khi chọn trở thành nhà hoạt động ở Việt Nam, việc phải làm việc với an ninh/công an là một trong những điều không thể tránh được. Cách tốt nhất là luôn chuẩn bị cho mình kiến thức, phương án cũng như thái độ phù hợp.

Sau khi 5 bài viết cung cấp kiến thức nền tảng về thẩm vấn và phản thẩm vấn, trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách Nhà hoạt động nên hành xử trước, trong và sau khi làm việc với công an/an ninh ở Việt Nam. Bài này cũng đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “vì sao chúng ta không nên nói dối” trong một cuộc thẩm vấn mà chúng tôi đã đề cập trước đó.

*Trước thẩm vấn

Giữ đời tư trong sạch

Lựa chọn một nghề nghiệp nguy hiểm trong đời sống xã hội chính trị ở Việt Nam, người hoạt động nên tự bảo vệ mình bằng một đời tư “sạch”. Chúng ta nên tuân theo luật pháp cũng như giữ một nếp sống không “scandal”. Hãy cố gắng có ít thông tin nhạy cảm nhất có thể. Bởi vì những điểm yếu trong đời tư có thể biến thành vũ khí chống lại và ép buộc nhà hoạt động phải hợp tác ngay tại những phút thẩm vấn đầu tiên.

Học thiền định

Khi buộc phải làm việc “một mình” với An ninh, các cảm xúc giận dữ, buồn phiền, đau khổ, lo âu sẽ chắc chắn xuất hiện. Vì vậy các nhà hoạt động cần phát triển kỹ năng để đối phó, xử lý và giảm nhẹ những cảm xúc tiêu cực kể trên bằng các bài tập thường xuyên về thiền định, lòng trắc ẩn và sự khoan dung. Bởi vì bạn không thể kiểm soát tất cả các sự kiện diễn ra, nhưng bạn có thể quyết định điều gì có thể khiến bạn căng thẳng.

Tìm hiểu pháp luật

Trong đời sống thường nhật, hiểu biết pháp luật tạo lợi thế cho bạn trong mọi hoàn cảnh, nhưng biết quyền của mình và quyền của cơ quan công quyền khi bạn phải làm việc với họ tạo cho bạn một vị thế đặc biệt trong tương quan với quyền lực nhà nước. Bạn sẽ biết việc bạn bị mời tham gia cuộc thẩm vấn là đúng luật hay sai luật để lựa chọn phương án đối phó phù hợp. Bạn sẽ biết viên an ninh đang thực hiện thẩm vấn bạn có được thu giữ tài sản của bạn, ép buộc bạn đưa mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội không?….

Cho dù các cơ quan công quyền Việt Nam nhiều khi “ít hiểu biết” và “ít tuân theo pháp luật” nhưng khi phải làm việc với nhà hoạt động hiểu biết pháp luật, họ sẽ biết giới hạn của họ.

Hiểu biết việc mình làm

Không giống như các nghi phạm trong các vụ án hình sự với hai khả năng khá rõ ràng có tội hoặc vô tội. Nhà hoạt động tranh đấu cho những vấn đề đang tồn tại trong xã hội: có thể đó là vấn đề trong lĩnh vực bạo lực gia đình, các sai phạm về môi trường hay các chính sách gây ảnh hưởng tới an sinh, phúc lợi xã hội, các vi phạm nhân quyền…Những việc làm của bạn có thể là “quá sai” trong mắt một nhóm người đang cố gắng bảo vệ lợi ích của riêng họ, nhưng lại là việc đúng phải làm và nên làm đối với người dân và xã hội. Hiểu rõ những việc này sẽ làm ý chí của bạn vững chãi trước mọi sóng gió.

*Trong quá trình thẩm vấn

Luôn tử tế và lịch sự

Cảnh sát, công an cũng là những người có cảm xúc và gia đình. Nếu bạn đối xử lịch sự với họ, họ sẽ đối xử nếu không phải là tốt đẹp thì cũng là ở mức độ tử tế với bạn. Khi họ bắt giữ và tiến hành thẩm vấn bạn, họ đang làm công việc của họ. Bạn nên tuyệt đối tránh nổi nóng, chửi bới để biến một việc thuộc về việc công- thành một mối tư thù riêng. Không có điều gì tệ hơn là khiến người thẩm vấn không coi bạn như một con người, một công dân  có gia đình và phẩm giá mà coi bạn như một “đối tượng”. Việc phi nhân hóa sẽ khiến An ninh có các biện pháp tàn bạo với người bị thẩm vấn vì lúc này họ không hề có cảm thức nhân tính giữa đồng loại với nhau.

Đây là cách nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn hành xử với những viên An ninh đã thẩm vấn anh:

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nhắn gửi tới anh Vũ và các anh an ninh khác đã làm việc với tôi (những người mà tôi không thấy sự thù địch nào nên không nêu tên ở đây) rằng dù thế nào đi nữa tôi vẫn không coi các anh là kẻ thù của tôi, ngay cả khi các anh muốn đẩy tôi vào tình thế đó. Tôi thực sự tin tưởng vào một Việt Nam trong tương lai đủ rộng cho tất cả chúng ta, nơi mà những người dù khác biệt quan điểm vẫn có thể dành cho nhau sự tôn trọng”.

Đừng nói dối

Đừng nói dối An ninh, nhất là những người được đào tạo để thực hiện thẩm vấn bạn bởi vì rất khó để nói dối. Nếu bạn đã đọc qua về các chiến thuật mà người thẩm vấn thường dùng mà chúng tôi cúng cấp ở phần số 3 và phần số 4, bạn hẳn phải kinh ngạc trước các kỹ thuật và thủ thuật phát hiện nói dối mà họ được trang bị. Bởi vì quá trình thẩm vấn là quá trình lấy thông tin và kiểm tra tin tức đó là thật hay giả. Nếu bạn không phải là một người được đào tạo để nói dối, hoặc phản thẩm vấn, bạn sẽ không thể qua mặt được những viên an ninh dầy dặn kinh nghiệm.

Hãy lựa chọn việc chỉ cung cấp một số thông tin có thật, vô hại để thể hiện sự hợp tác và tránh không khí thù địch có thể leo thang khi An Ninh có xu hương bạo lực hoặc là kiên quyết giữ im lặng.

Một lý do nữa là việc nói dối cũng có thể là bất hợp pháp và an ninh có thể sử dụng việc này này để chống lại bạn nếu họ khởi tố vụ án liên quan đến bạn.

Hạn chế bạo lực

Nếu công an bạo lực, hãy cố gắng trấn tĩnh họ bằng cách giữ cho bản thân mình càng bình tĩnh càng tốt. Có thể sự phản kháng trong tức giận sẽ khiến bạo lực leo thang. Nhưng hãy nhớ bạn đang ở trong phòng thẩm vấn và bạn không phải là kẻ mạnh ở đây.  

Sử dụng thiền định để giữ cho kiểm soát tinh thần của bạn.

Nỗi sợ hãi và sự cô đơn có thể sẽ bủa vây bạn. Hãy cố gắng kiểm soát tinh thần, tránh tỏ ra sợ hãi, ủy mị khiến người thẩm vấn được đà tấn công vào các điểm yếu của bạn. Đây lúc bạn nên thực hành thiền định để giảm căng thẳng, cũng như khơi dậy lòng khoan dung với những người đang thực hiện các biện pháp khắc nghiệt để khai thác thông tin nơi bạn.

*Sau khi tham gia thẩm vấn

Nói chuyện với công an có thể rất đáng sợ và điều này là bình thường, đừng cố gắng che giấu những nỗi bất an một mình và khiến cơ thể bạn căng thẳng. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.

Một ví dụ về cách hành xử trong khi bị thẩm vấn của nhà hoạt động Nguyễn Thị Bích Ngà 

“Mình tôn trọng công việc họ đang làm và cũng buộc họ phải tôn trọng mình. Mình quyết định không cung cấp thông tin vì việc thẩm vấn đó là sai luật. Mình bị họ bắt về đồn nhiều lần. Lần nào mình cũng tỏ ra bình thường thôi, cười nói vui vẻ.

Khi làm việc mình ngồi ngay ngắn, thẳng lưng và nói chuyện từ tốn ôn hòa.

Khi bị an ninh chọc tức, khiêu khích thì mình cười mỉm. Họ đập bàn dọa đánh thì mình khoanh tay trước ngực ngó ra cửa sổ. Họ khen mình đẹp thì mình cảm ơn.

Khi được thông tin mình bảo các anh phải xin lệnh của Viện kiểm sát trước đi rồi ta nói đến việc đó sau. Khi họ bắt mình đưa mật khẩu điện thoại thì mình lại bảo các anh cần đi xin lệnh của viện kiểm sát.

Khi người thẩm vấn chửi, văng tục với mình thì mình tuyên bố im lặng và từ đó cho đến lúc họ thả mình không nói thêm bất kỳ một từ nào nữa.

Có lần họ giữ mình cả đêm khiến mình ngồi lâu rất mỏi, họ bảo mình kê ghê lại để nằm thì mình lắc đầu từ chối rồi ghi ra giấy bảo: “Tôi là phụ nữ, và đây là cơ quan làm việc, tôi không thể nằm ngã ngốn nơi làm việc như vậy được.”

Khi họ mời mình ăn thì mình cảm ơn nhưng từ chối…

Nói chung là, mình phải nhất quán và coi việc bị thẩm vấn đó là việc bình thường, không tỏ ra bực tức, nóng giận thì sẽ không  làm bản thân mất kiểm soát và chỉ có như vậy thì mới buộc được họ phải tôn trọng mình.

Mình nghĩ, việc buộc họ phải tôn trọng mình là việc rất quan trọng bởi người đấu tranh cho dân chủ, đa nguyên phải là người thể hiện mình đáng được tôn trọng và phải được tôn trọng bởi bất kỳ ai.

Giữ gìn hình ảnh cá nhân, tổ chức để công an, an ninh, tòa án, chính quyền phải tôn trọng mình là điều rất khó, nhưng làm được nếu ta coi điều đó là quan trọng và tiên quyết trong mọi tình huống.”

Bài viết về quá trình thẩm vấn của nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn