Nông dân miền Trung điêu đứng (RFA)

Ông Lê Cả, nông dân ở Quảng Nam, chia sẻ:“Cái công đầu tư cho một sào ớt thì không thể tính được, nhiều công lắm, còn giá phân thì đắt đỏ. Ớt nếu như giá năm ngàn đồng, sáu ngàn đồng mỗi ký lô thì dân còn lãi được chút đỉnh chứ giá có hai ngàn rưỡi, ba ngàn thì nông dân chỉ có nước bán bò để bù lỗ thôi chứ không còn nước cứu nữa rồi!”.





Đầu năm 2018, giá rau củ quả rớt thê thảm, tiếp theo, những tháng giữa năm, giá heo rớt thê thảm, giá dưa hấu rớt thê thảm, giá ớt rớt thê thảm. “Rớt thê thảm” như một khái niệm gắn liền với nhà nông miền Trung nói riêng và nhà nông Việt Nam nói chung. Có thể nói rằng chưa có năm nào nhà nông Việt Nam lại cõng cái cục nạn “rớt thê thảm” nặng nề như năm nay.

Từ rau củ quả đến dưa hấu

Một nông dân tên Việt, ở ngoại ô Hà Nội, chia sẻ:“Nhiều sản phẩm làm ra mà không có chỗ bao tiêu thì vất vả đấy! Thành phố cũng có hỗ trợ cho nông dân đấy nhưng chỉ mang tính hỗ trợ để êm chuyện thôi. Vì không có chính sách tiêu thụ hợp lý, không có thị trường nên nông sản phải chết. Chuyện hỗ trợ chỉ là làm cho dân người ta bớt nói nhiều thôi...”.

Ông Việt tỏ ra thất vọng với mọi chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bởi theo ông, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đóng vai trò truyền dịch nhiều hơn là tạo môi trường sức khỏe. Nghĩa là khi nông dân không còn đường ra cho nông sản, mọi chuyện rơi vào tình trạng bế tắc, thì nhà nước kêu gọi hỗ trợ nông dân bằng nhiều cách, trong đó có cả kêu gọi thị trường Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam. Cách làm này chẳng khác gì truyền dịch để cứu bệnh nhân thoát chết.

Nhưng cái mà người nông dân cần nhất là môi trường làm việc và đầu ra của sản phẩm, nói nôm na là thị trường nông sản ổn định. Bởi thị trường nông sản ổn định đối với nhà nông cũng giống như môi trường tốt để phát triển và duy trì sức khỏe của con người. Người ta không thể sống trong môi trường ô nhiễm, độc hại cho đến bệnh để được truyền dịch. Đầu ra của nông sản không có, thị trường nông sản bấp bênh và đối tác thu mua nông sản mờ ám là một môi trường xấu và độc hại trong sản xuất nông nghiệp.

Cứ lẩn quẩn trong điều kiện thị trường đó cho đến lúc ngã quị để được truyền dịch từ phát động/kêu gọi của chính phủ thì cơ thể nông nghiệp Việt Nam sẽ càng ngày càng xuống cấp, trì trệ, mệt mỏi…

Ông Nguyễn Á, nông dân trồng ớt và dưa hấu ở Quảng Ngãi, chia sẻ:“Dưa năm ngoái khá hơn, năm ngoái tám, chín ngàn mỗi ký thì năm nay chỉ còn một ngàn, một ngàn rưỡi trên mỗi ký thôi. Năm ngoái thương lái Trung Quốc còn mua chút ít, năm nay thương lái bỏ hết nên chắc là dân Quảng Ngãi chúng tôi khổ lắm...”.

Ông Á cho biết thêm là từ đầu năm 2018 đến nay, dường như nhà nông Quảng Ngãi chưa có vụ nào là không đụng thương lái Trung Quốc chơi khăm. Khác với nhiều năm trước là nông dân trồng các loại giống theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc, năm nay, nông dân trồng cây giống theo đơn đặt hàng của thương lái Việt Nam và loại bỏ yếu tố Trung Quốc ra khỏi sản xuất nông nghiệp.

Những tưởng như vậy sẽ tốt hơn, đến khi cuối vụ mới thấy mối nguy càng cao hơn trước. Bởi vì nông dân trồng theo thương lái Việt nhưng thương lái Việt lại chọn nhà buôn Trung Quốc làm đối tác. Cuối cùng, cái lệnh chọn giống cao nhất đến với người nông dân Việt lại nằm trong tay thương lái Trung Quốc. Và thị trường, đầu ra lớn nhất cho nông sản Việt vẫn là Trung Quốc.

Một khi Trung Quốc không nhập nông sản Việt Nam, thương lái Việt Nam sẽ rơi vào ế ẩm, không có lối thoát và kéo theo hậu quả cho nông nghiệp Việt Nam. Dưa hấu rớt xuống còn 1,500 đồng mỗi ký lô, ớt chìa vôi rớt xuống còn 2,500 đồng mỗi ký lô và cũng không tiêu thụ được hàng… Đó là tình trạng chung hiện nay của nông sản Việt Nam.

Với mức giá 1,500 đồng mỗi ký dưa và 2,500 đồng mỗi ký ớt thì nông dân Việt Nam không có đường sống, nhìn đâu cũng thấy cửa tử. Thua lỗ từ phân bón, giống cây, điện tưới tiêu, công lao động cho đến tiền thuê đất để canh tác… Nhiều nông dân phải bán bò, bán trâu để trả nợ cho vườn ớt, bãi dưa.

Ớt, nỗi ám ảnh của nông dân miền Trung

Ông Lê Cả, nông dân ở Quảng Nam, chia sẻ:“Cái công đầu tư cho một sào ớt thì không thể tính được, nhiều công lắm, còn giá phân thì đắt đỏ. Ớt nếu như giá năm ngàn đồng, sáu ngàn đồng mỗi ký lô thì dân còn lãi được chút đỉnh chứ giá có hai ngàn rưỡi, ba ngàn thì nông dân chỉ có nước bán bò để bù lỗ thôi chứ không còn nước cứu nữa rồi!”.

Ông Cả cho biết thêm là tình hình thị trường ớt rớt giá một cách thê thảm đang làm cho người nông dân điêu đứng. Riêng với gia đình ông, con số thiệt hại có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Bởi từ đầu năm 2018, ông đã thuê hàng chục hecta đất màu để trồng ớt, và số tiền đầu tư cho hàng chục hecta ớt này lên đến 120 triệu đồng. Nhưng đến vụ thu hoạch, ớt chín trên đồng mà thương lái không đến mua, rồi thêm phần giá ớt vớt vát với 2,500 đồng trên mỗi ký lô do thương lái Việt Nam mua cầm chừng như vậy thì người nông dân sẽ thua lỗ thấp nhất là 1,5 ngàn đồng trên mỗi ký lô ớt.

Bởi vì theo thống kê sơ bộ của ông Cả, mỗi ký lô ớt phải đạt giá trung bình 4,000 đồng thì người nông dân mới huề vốn, nếu mỗi ký ớt cao hơn 4,000 đồng thì người nông dân có lãi chút đỉnh. Có những năm trước đây, giá ớt tăng lên 20,000 đồng mỗi ký lô, người nông dân bội thu. Nhưng đó là câu chuyện xưa cũ của nhà nông Việt Nam. Hiện tại, người nhà nông đã trải qua liên tục ba năm thất thu và cầm cự trên cánh đồng của mình như đang chống chọi với cái chết trên giường bệnh.

Đến bao giờ nông sản Việt Nam thôi rên xiết vì gia nông sản rớt thê thảm? Đến bao giờ thị trường nông sản Việt nam thôi điêu đứng vì yêu tố Trung Quốc? Đến bao giờ các cánh đồng Việt Nam trở lại thời trong lành, hiền hòa và thân thiện? Tất cả những câu hỏi đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam đều có thể đi vào bế tắc một khi tình hình thị trường nông sản Việt Nam ngày càng xấu đi và hơn hết là cánh cửa ra ngoài của nông sản Việt Nam ngày càng bó hẹp trong tầm nhìn Trung Quốc. Hơn bao giờ hết, nông nghiệp Việt Nam cần được sống một cách trọn vẹn và lành mạnh!