Người dân Thủ Thiêm: 'Thu hồi đất 18 triệu một m2, bán 350 triệu' (VNE)
Giọng nghèn nghẹn, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết nói: "Gặp được đại biểu Quốc
hội chúng tôi rất mừng, muốn bày tỏ tất cả". Bà bảo, gia đình mình từng
bám đất giữ làng, nuôi quân kháng chiến. Khi chính quyền giải toả 3.780
m2 đất nhà bà chỉ trả 568 triệu đồng, vườn cây ăn trái trả hơn 3 triệu.
Là gia đình cách mạng nên bà vận động mọi người chấp hành chủ trương..."
Bà Tuyết bật khóc. Ảnh: Phạm Duy.
Dù 14h buổi làm việc mới diễn ra, song từ hơn 12h hàng chục người dân đã
có mặt tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 2 (TP HCM). Họ cầm theo
rất nhiều tài liệu, hồ sơ, giăng bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ
Thiêm trong hội trường để chuẩn bị phát biểu.
Khán phòng rộng lớn càng lúc càng đông. Khi Đoàn đại biểu Quốc hội TP
HCM gồm Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Phan Nguyễn
Như Khuê (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố)
và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh án TAND TP HCM) đến, hội trường không
còn chỗ ngồi. Nhiều cử tri vây quanh bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phản ánh
tình trạng đất của mình bị thu hồi không đúng.
"Chúng tôi nghe nói cựu chủ tịch thành phố (Võ Viết Thanh) vừa đưa ra bộ
bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm phê duyệt lần đầu. Bao năm nay thành phố
luôn nói chưa tìm thấy bộ bản đồ ấy, giờ thấy rồi hy vọng sự việc của
chúng tôi sẽ được giải quyết dứt điểm", cử tri Lê Thị Ngọc Nga chia sẻ.
Ông Lê Văn Lung (khu phố 1, phường Bình An) cùng một số người dân nhiều
năm khiếu nại vì nhà đất ngoài ranh dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn
bị thu hồi, cũng chuẩn bị toàn bộ hồ sơ liên quan để đề đạt nguyện vọng.
Ông cho biết rất mong đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến của người dân
để đề xuất các cơ quan chức năng giải quyết hoán đổi cho những hộ đã bị
thu hồi sang khu đất 43 ha ở góc đường Lương Định Của - Trần Não (nằm
ngoài ranh quy hoạch) để người dân ổn định cuộc sống.
"Nếu không giải quyết được như đề xuất, người dân mong muốn Thủ tướng
lập đoàn thanh tra toàn diện, làm việc chính thức để làm rõ vụ việc
người dân khiếu kiện trong suốt thời gian dài, đưa ra hướng giải quyết
cuối cùng cho người dân", ông Lung nói.
Đất Thủ Thiêm thu hồi 18 triệu một m2, bán 350 triệu
Có 50 cử tri đăng ký trình bày - con số kỷ lục từ trước đến nay, các
buổi tiếp xúc khác của Đoàn đại biểu Quốc hội nhiều nhất chỉ 20 người
phát biểu. Sau nửa tiếng báo cáo việc giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm
tại kỳ họp trước, không khí buổi làm việc bắt đầu "nóng" khi cử tri phản
ánh bức xúc.
Bà Lê Thị Bạch Tuyết cho biết vừa liên
hệ phòng kinh doanh của dự án Khu đô thị Sala, tại khu vực nhà cũ của
mình, để hỏi giá. Họ nói 350 triệu đồng/m2 và đã hết hàng, đến năm sau
mới có một số căn nữa bán giá 23 tỷ đồng.
"Nhà nước đền bù cho chúng tôi 18 triệu
đồng/m2, mà giờ công ty này bán lại giá cao như vậy. Làm như thế là ép
dân quá, trong khi người dân đa số rất nghèo. Chủ đầu tư bán 350 triệu
thì ít cũng đền cho chúng tôi 50 triệu đồng/m2 mới tạm chấp nhận được. Đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội xem lại vấn đề này", bà Tuyết nói.
Còn cử tri Lê Thị Hồng Vân (phường Bình Khánh) khẳng định đất của gia đình nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng chính quyền vẫn thu hồi. Về việc này bà phải đi khiếu nại 16 năm, gửi 36 lần đơn. Hiện căn nhà của gia đình đã xuống cấp xập xệ, mưa gió không còn sinh sống được, bà đề nghị nhà nước cấp lại nhà cho bà tái định cư tại chỗ.
Cũng ngụ tại phường Bình Khánh, cử tri Lê Thị Ngọc Nga cho hay, nhà bà đã bị UBND quận 2 cưỡng chế cách đây 10 năm, không ban hành quyết định thu hồi đất mà chỉ căn cứ vào quyết định nội bộ của UBND TP HCM.
"Như thế là không đúng pháp luật, gia đình tôi đang
sống yên lành thì bị chính quyền đẩy ra đường. Đề nghị thành phố và quận
2 phải trưng bày bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm để người dân được rõ", bà
đề nghị.
Giọng nghèn nghẹn, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết nói: "Gặp được đại biểu Quốc
hội chúng tôi rất mừng, muốn bày tỏ tất cả". Bà bảo, gia đình mình từng
bám đất giữ làng, nuôi quân kháng chiến. Khi chính quyền giải toả 3.780
m2 đất nhà bà chỉ trả 568 triệu đồng, vườn cây ăn trái trả hơn 3 triệu.
Là gia đình cách mạng nên bà vận động mọi người chấp hành chủ trương.
"Nhưng sau này thấy nhà đất của chúng tôi xây toàn nhà cao tầng, có lợi
ích của một số cán bộ quận 2. Bà con hàng xóm của tôi toàn là bi đát, bị
đẩy ra đường sống cảnh không nhà cửa. Có ông cụ đến lúc chết còn hỏi
con rằng nhà của ông ấy đâu, sao như thế này. Dân với nhà nước như môi
với răng, mà giờ răng như muốn cắn môi", bà Tuyết bật khóc.
Không khí buổi tiếp xúc mỗi lúc một căng thẳng khi cử tri liên tục đề
cập đến hành trình khiếu nại kéo dài. Dù ban tổ chức quy định mỗi cử tri
có 5 phút trình bày nhưng nhiều người vì quá bức xúc nên xin được nói
thêm.
Tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1, Khu đô thị Thủ Thiêm
rộng 657 ha được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại
và mở rộng của TP HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương
mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...
Hiện, Khu đô thị Thủ Thiêm đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100
hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo
quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.
Trong các đơn thư gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, người dân Thủ Thiêm muốn làm rõ ba vấn đề .
Một là, họ muốn biết giới hạn, phạm vi
của dự án ở đâu (làm rõ ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm), bởi đất
của mình ở ngoài ranh nhưng chính quyền lại cưỡng chế thu hồi.
Thứ hai, các chính sách đền
bù, giải tỏa tái định cư còn nhiều bất cập, chưa lấy cuộc sống của dân
làm tâm điểm giải quyết. Có những căn hộ chung cư tái định cư chất lượng
chưa bảo đảm như: vào ở 2-3 tháng đã thấm dột, hệ thống tiêu thoát
nước, an ninh trật tự không bảo đảm...
Thứ ba, những khiếu nại của người dân chậm được các cơ quan tiếp nhận, phản hồi.
Trung Sơn - Phạm Duy