Lãnh đạo phục vụ: Đảm nhận và duy trì sự phục vụ (Hatechange)
Sau khi lắng nghe và trao đổi, người lãnh đạo phục vụ giúp các thành
viên nhìn ra được khả năng của mình, giúp họ làm được những điều họ có
thể làm nhưng chưa bao giờ nghĩ tới bằng cách đặt ra cho họ các mục tiêu
khả thi và đầy thử thách.
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng
những người lãnh đạo thường mang tiếng xấu bởi những vụ xì căng đan liên
quan đến nhiều vấn đề trong công tác quản lý cũng như đời sống hàng
ngày. Rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc đặt
niềm tin vào lãnh đạo để có thể làm việc cùng họ một cách hiệu quả. Tuy
nhiên trong thực tế, có những người lãnh đạo coi việc quản lý như một
phương tiện để giúp đỡ người khác thay vì coi đó như cách thức để đạt
được quyền lực cá nhân. Trong công việc của mình, họ thấy họ có thể đóng
góp được nhiều hơn, tốt hơn bằng việc gánh trách nhiệm lãnh đạo. Chúng
ta gọi họ là những người lãnh đạo phục vụ.
1. NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO PHỤC VỤ LÀ GÌ?
Có rất nhiều quan điểm đã được thảo luận
về những phẩm chất khác nhau của người lãnh đạo, chẳng hạn như tầm ảnh
hưởng đến người khác, ra quyết định hay xác định những nhu cầu cần thiết
cho tổ chức. Tất cả những phẩm chất này cũng đều cần thiết cho người
lãnh đạo phục vụ. Tuy nhiên, một người lãnh đạo phục vụ cần nhiều hơn
những phẩm chất ấy, đó thực sự là một ý tưởng độc đáo về người lãnh đạo.
Người lãnh đạo phục vụ tin rằng họ là ‘người đầu tiên trong số những người bình đẳng’ (first among equals).
Đây
không phải là điều hoàn toàn mới bởi ý tưởng của nó nó đã xuất hiện
trong những câu thơ cách đây cả ngàn năm của một nhà thơ Trung Quốc,
nhưng thực sự nó là tư tưởng cốt lõi, trọng tâm của tất cả những người
lãnh đạo phục vụ. Những người lãnh đạo phục vụ hướng dẫn người khác hoàn
thành công việc chung nhưng không coi mình tốt hơn, ở vị trí cao hơn,
đứng đầu trong tổ chức mà ngược lại, họ xem mình ngang hàng với tất cả
mọi người. Chính vì vậy, một người lãnh đạo phục vụ là người xây dựng
đội ngũ hoàn hảo. Giống như người đạo diễn, họ chỉ cho mọi người chỗ
đứng, vị trí thích hợp với từng người để phát huy tối đa khả năng trong
công việc. Họ có đức tính khiêm nhường của một nhà hiền triết. Sự dẫn
dắt người khác đặt trong bối cảnh mọi người bình đẳng thể hiện sự quan
tâm của họ, sự tôn trọng khả năng của mỗi người, làm cho những người
phía sau họ không cảm thấy áp lực trong công việc. Người lãnh đạo phục
vụ cùng chia sẻ gánh nặng và lợi ích với tất cả đồng nghiệp, và cuối
cùng đôi bên đều đều có lợi.
Người lãnh đạo phục vụ sử dụng quyền lực một cách trung thực.
Một người lãnh đạo phục vụ sử dụng vai trò lãnh đạo và quyền lực một
cách hợp pháp; vì lợi ích chung của những người họ phục vụ. Họ coi việc
lãnh đạo như một phương tiện để đạt được mục đích chung chứ không phải
lợi ích cá nhân. Trong bài luận ‘The Servant as Leader’ của
mình Robert Greenleaf đã viết: ‘Nó bắt đầu với cảm giác tự nhiên mà
người ta muốn phục vụ, phục vụ trước tiên. Rồi sau đó sự lựa chọn có ý
thức sẽ khiến người ta khao khát được dẫn dắt. Sự khác biệt thể hiện rất
rõ trong sự quan tâm của người lãnh đạo phục vụ tới việc đảm bảo và
phục những nhu cầu cao nhất của mọi người.” Liệu các nhà lãnh đạo của
chúng ta có luôn luôn có phẩm chất này? Câu trả lời là rất khó. Họ có
thể không có được điều đó, và bản thân chúng ta, với tư cách đang là một
người lãnh đạo phục vụ cũng có thể không giữ được nó lâu. Chúng ta cũng
là con người. Vì vậy, đó là một điều tuyệt vời nếu chúng ta tìm được
những người lãnh đạo phục vụ trong hàng ngũ. Bằng cách tiếp tục cố
gắng, chúng ta sẽ truyền cảm hứng cho những người theo sau hướng mong
muốn tới trở thành những người phục vụ tốt nhất.
Người lãnh đạo phục vụ hiểu được tầm quan trọng của nhưng chi tiết hàng ngày.
Khi
nói đến những người lãnh đạo vĩ đại, chúng ta có thể nghĩ về cái có thể
gọi là những “Bài nói chuyện vĩ đại”. Chúng ta nghĩ về những điều lớn
lao có thể làm được cho đất nước, những giấc mơ, những khẩu hiệu mạnh
mẽ, những cuộc cách mạng. Tuy nhiên, thực tế những bài diễn văn như vậy
chiếm một phần rất nhỏ trong sự lãnh đạo, đặc biệt đối với những người
lãnh đạo phục vụ. Thay vào đó, họ quan tâm đến những trao đổi trực tiếp
và những công việc chi tiết hàng ngày. Bạn hãy cảm nhận điều này bằng
cách suy nghĩ về những nhóm hay tổ chức hoạt động rất hiệu quả mà bạn đã
từng tham gia hay chứng kiến. Hãy nhớ lại cách mà người trưởng nhóm hay
người lãnh đạo tổ chức đó đã làm, cách mà họ quản lý công việc hàng
ngày, cách mà các thành viên trong nhóm cảm thấy hứng thú với công việc.
Những điều đó có được từ một người lãnh đạo biết quan tâm đến những
công việc, những chi tiết hàng ngày.
Người lãnh đạo phục vụ lắng nghe và quan tâm tới các thành viên của họ.
Những người lãnh đạo phục vụ sẵn sàng dành thời gian để lắng nghe những
gì người khác nói. Trên thực tế, họ còn chủ động trong việc tìm kiếm ý
kiến và ý tưởng từ các thành viên của họ. Lắng nghe là phẩm chất bẩm
sinh của người lãnh đạo phục vụ trong khi – việc chăm sóc người khác là
một phần trong cuộc sống của họ. Và từ việc lắng nghe và quan tâm này,
một mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau có thể được phát triển. Một cách tự
nhiên, người lãnh đạo phục vụ sẽ hiểu được suy nghĩ chân thành và nguyện
vọng của các thành viên, giúp các thành viên của họ đạt được điều mong
muốn. Tuy nhiên cũng có lúc người lãnh đạo mong muốn và suy nghĩ rất
khác với những thành viên trong tổ chức. Có thể mục đích chung lớn hơn
thì giống nhau, nhưng cách thức xử lí vấn đề lại khác nhau. Chẳng hạn,
trong cuộc đấu tranh chống gây ô nhiễm môi trường, một người lãnh đạo
muốn trao đổi ôn hòa với lãnh đạo công ty xả thải để tìm ra giải pháp
hợp lý, trong khi các thành viên khác lại muốn phản lãnh đạo công ty đó.
Trong tình huống đó, một người lãnh đạo phục vụ sẽ diễn đạt và giải
thích các phương pháp một cách rõ ràng, hiệu quả để làm nổi bật lên được
những ưu nhược điểm của từng phương pháp, giúp các thành viên hiểu được
vấn đề. Họ thuyết phục các thành viên bằng những lời lẽ mềm mỏng, bằng
chứng cứ hay luận điểm xác thực để thuyết phục mọi người. Có thể hiểu
đơn giản như một câu tục ngữ “Mật ngọt chết ruồi”. Nói đến đây có thể
bạn sẽ nghĩ, biết đâu một ngày nào đó, những người lãnh đạo sẽ lừa dối
mình theo ý của họ ? Hãy nhớ rằng, chúng ta đã thống nhất với nhau ở
trên rằng phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo phục vụ là phải lãnh
đạo một cách trung thực và vì những lí do chính đáng. Nếu bạn nói tiếng
Việt và muốn thảo luận với ai đó đến từ Mỹ, bạn phải thay đổi chính mình
để nói chuyện với họ. Một điều cũng đáng lưu ý là những người lãnh đạo
phục vụ luôn có suy nghĩ cởi mở. Họ cố gắng thuyết phục người khác nhìn
nhận sự việc theo quan điểm của mình, nhưng nếu quan điểm của người khác
là đúng, sau khi lắng nghe, người lãnh đạo phục vụ sẽ dũng cảm cải
tiến, thay đổi suy nghĩ của mình và chấp nhận đề nghị của người khác.
Người lãnh đạo phục vụ phát huy khả năng các thành viên của mình.
Sau khi lắng nghe và trao đổi, người lãnh đạo phục vụ giúp các thành
viên nhìn ra được khả năng của mình, giúp họ làm được những điều họ có
thể làm nhưng chưa bao giờ nghĩ tới bằng cách đặt ra cho họ các mục tiêu
khả thi và đầy thử thách.
Người lãnh đạo phục vụ truyền cảm hứng cho người khác cùng phục vụ công việc.
Người lãnh đạo phục vụ biết rằng họ không thể làm điều đó một mình
được – và cho dù nếu có thể làm việc nào đó một mình, họ cũng không
muốn. Thay vào đó, họ muốn làm việc cùng người khác. Để làm vậy, người
lãnh đạo phải có khả năng truyền cảm hứng cho những người mà họ phục vụ
để sẵn sàng phục vụ người khác. Vậy những người lãnh đạo phục vụ truyền
cảm hứng cho người khác thế nào. Nhìn chung, không nhất thiết phải thực
hiện một cách thức riêng cho những người lãnh đạo phục vụ. Nó có thể
xuất phát từ bản thân họ, nhưng cũng có thể từ nhiều điều khác nhau ;
như cách mà chúng ta truyền cảm hứng cho người khác. Bạn hãy thử viết ra
một số những người lãnh đạo hay cá nhân mà bạn ngưỡng mộ, những người
truyền cảm hứng cho bạn ở những lĩnh vực nhất định nào đó. Tại sao họ
lại chiếm được cảm tình của bạn, có phải họ đều có phong cách lãnh đạo
không, tại sao bạn ngưỡng mộ họ? Có thể với mỗi người bạn nghĩ tới sẽ có
câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, nếu quan sát kĩ, bạn có thể bắt gặp ở
họ một số phẩm chất chung mà chúng mang lại cảm hứng cho bạn. Đó là sự
trung thực, sự đồng cảm, niềm đam mê , nhận thức, khả năng vượt qua
những khó khăn mà bạn đang gặp phải, hay đơn giản chỉ là cảm giác của sự
vui vẻ, hạnh phúc.
Người lãnh đạo phục vụ luôn thích nghi để phù hợp với hoàn cảnh.
Nếu
ngôi nhà của bạn bị cháy, rõ ràng bạn không muốn người lính cứu hỏa
chạy tới và nói “theo bạn, tôi lên làm gì là tốt nhất bây giờ”? Thay vào
đó, bạn muốn nghe họ nói “thang cứu hỏa đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ giúp
bạn và lũ trẻ ra khỏi đây”. Nhưng một tình huống khác, khi đang thảo
luận về một sự thay đổi lớn trong tổ chức, “Bạn nghĩ chúng ta lên làm
gì” lại là câu hỏi thích hợp. Một người lãnh đạo phục vụ sẽ đánh giá các
tình huống khác nhau và đưa ra cách giải quyết phù hợp nhất. Có thể, họ
không phải là người giỏi nhất trong mọi việc, nhưng họ biết điểm mạnh
và điểm yếu của mình để từng bước thích nghi và vượt qua mọi tình huống
phát sinh một cách tốt nhất.
2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI LÃNH ĐẠO PHỤC VỤ
Như bạn có thể thấy, trở thành người
lãnh đạo phục vụ là một trạng thái của tâm lý chứ không phải là một bộ
qui tắc định hướng. Do đó, nó không phải là một qui trình gồm nhiều bước
tuần tự. Tuy nhiên, có những điều mà người lãnh đạo phục vụ thường
xuyên thực hiện thay vì chỉ suy nghĩ và tin tưởng. Bạn có thể thực hành
những kĩ năng này để giữ cho phần ‘phục vụ’ trong tâm trí của mình luôn tươi mới. Chúng bao gồm :
– Lắng nghe người khác
– Quan tâm đến người khác
– Khuyến khích làm việc nhóm thay vì ra quyết định riêng
– Nâng cao kĩ năng giải quyết vấn đề.
3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÌM THẤY CẢM HỨNG?
Như chúng ta đã thảo luận, người lãnh đạo phục vụ là người muốn giúp đỡ, ‘phục vụ’
người khác trước tiên, sau đó mới tới mình. Tuy nhiên, có thể đó đôi
khi là một vấn đề. Bạn muốn giúp đỡ người khác, phục vụ công việc chung,
nhưng đôi khi bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc cảm giác đang đánh mất đi vị
trí của mình. Đã lâu lắm rồi bạn không giành thời gian để chăm sóc gia
đình, để nghỉ ngơi, đi du lịch… Bạn không muốn phục vụ nữa, đã đến lúc
phải thư giãn hay ‘hư hỏng’ một chút.
Vậy chúng ta sẽ phải làm gì những lúc
như vậy ? Điều gì sẽ truyền cảm hứng, tiếp thêm năng lượng, sự hưng phấn
và kiên trì cho chúng ta để tiếp tục lôi cuốn, dẫn dắt người khác đến
với thành công ? Điều gì thúc đẩy chúng ta làm những điều đó ? Thật
không dễ dàng cho tất cả mọi người để tiếp tục có cảm hứng và động lực
trở lại. Những lúc đó, chúng ta có thể dễ dàng đốt cháy giai đoạn hay dễ
dàng từ bỏ nó. Nhưng hãy nhớ rằng nó sẽ đem lại hậu quả rất nghiêm
trọng.
Một người lãnh đạo tốt là một người
không chỉ biết giúp đỡ người khác mà còn biết chăm lo cho chính bản thân
mình. Rất nhiều người trong số chúng ta dễ dàng bị lôi cuốn vào công
việc mà quên đi mất nhu cầu của bản thân. Đến khi công việc quá căng
thẳng, mệt mỏi, chúng ta mới nghĩ đến bản thân thì lại dễ dẫn đến tình
trạng thái quá, buông bỏ công việc chung.
Để tránh tình trạng này xảy ra, người
lãnh đạo phục vụ phải biết luôn luôn cân đối giữa công việc giúp đỡ
người khác và chăm sóc nhu cầu bản thân. Điều này có vẻ mâu thuẫn, một
người lãnh đạo phục vụ phải là người ‘phục vụ trước tiên’.
Nhưng cũng như bao người khác, người lãnh đạo phải nhận được một điều gì
đó trong công việc của mình. Có điều, ranh giới giữa việc đạt được được
mong muốn cá nhân và từ bỏ trách nhiệm người lãnh đạo phục vụ rất mong
manh. Hãy quan sát biểu đồ sau để thấy được hai yếu tố song hành đó
trong người lãnh đạo tập thể.
Biểu đồ thứ nhất tượng trưng cho mong muốn được ‘phục vụ’,
trong khi biểu đồ thứ hai minh họa cho nhu cầu chăm lo cho bản thân.
Một người lãnh đạo phục vụ lý tưởng phải là người ở phần giao giữa hai
biểu đồ: Họ biết kết hợp giúp đỡ người khác với chăm lo cho bản thân.
Vậy làm thế nào để một người lãnh đạo có
thể duy trì được cảm hứng và niềm vui trong công việc của mình ? Những
gợi ý dưới đây có thể giúp bạn đạt được điều đó.
– Dành thời gian cho bản thân:
Có thể bạn nghĩ rằng mình không có thời gian cho một kì nghỉ, hay chỉ
đơn giản là giấc nghỉ trưa. Có thực sự là như vậy không ? Chúng ta luôn
cần thời gian để tái tạo và bổ sung năng lượng để có thể làm việc tốt
hơn và có rất nhiều cách để ta thực hiện điều này. Nó có thể là thời
gian ngồi thiền hàng ngày, chơi thể thao, thưởng thức bữa ăn ngoài trời
hay dành một ngày để làm những điều mình yêu thích. Dù có làm gì đi
chăng nữa, hãy làm điều đó cho chính bạn, hãy tìm kiếm niềm vui và sự
đổi mới mình.
– Đọc: Thay vì
chỉ đọc tin tức hay những nội dung công việc, bạn nên dành thời gian
đọc những thứ khác bạn yêu thích: một cuốn tiểu thuyết, một tập truyện
ngắn… Đọc giúp bạn kích thích sự sáng tạo, tưởng tượng cũng như hình
dung về những điều lớn lao một cách rõ ràng hơn. Đồng thời, nó cũng giúp
bạn liên kết được các ý tưởng, kiến thức, điều mà nếu không đọc thường
xuyên bạn khó có thể có được.
– Có người luôn hỗ trọ bên cạnh:
Một người lãnh đạo phục vụ cũng như những người khác đôi khi cảm thấy
cô đơn trong công việc cũng như vị trí của mình. Vì vậy, họ luôn cần
những người ở bên cạnh để giúp đỡ hay ủng hộ họ trong mọi thử thách,
chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Đó có thể là những người trong gia đình, bạn
bè. Tuy nhiên, nó sẽ là rất hữu ích nếu người lãnh đạo phục vụ có thể
tìm được sự hỗ trợ từ những người trong lĩnh vực của mình. Có hai đối
tượng mà họ có thể nghĩ đến là một người cố vấn hay những người lãnh đạo
đồng cấp. Nếu như một người cố vấn giúp họ học hỏi được nhiều kinh
nghiệm, mở mang kiến thức, được ‘đứng trên đôi vai’ của những người đi
trước thì những người lãnh đạo đồng cấp lại giúp họ chia sẻ những khó
khăn đang gặp phải và cảm giác rằng mình không ‘cô đơn’.
– Thách thức bản thân:
Khi những công việc cũ không còn đem lại nhiều cảm hứng, hãy tìm cho
mình những thử thách mới với những hướng đi hay khả năng mới. Đó có thể
là bắt đầu một chương trình mới, một sự hợp tác mới hay đơn giản chỉ là
sự sửa đổi dự án hiện có. Hãy thử bất cứ điều gì đem lại hứng thú cho
bạn.
– Nhìn toàn cảnh :
Đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy những khó khăn hàng ngày làm chúng ta
nản lòng mà quên đi mất mục tiêu phấn đấu. Những lúc ấy, hãy nhớ lại về
bức tranh tổng thể, tầm nhìn của công việc để coi đó như những trở ngại
nhỏ để sẵn sàng vượt qua.
– Ăn mừng những thành công nhỏ:
Mục tiêu toàn diện của chúng ta là rất lớn, có thể bạn chưa thể đạt nó
ngay được, nhưng cũng đừng quên vui mừng với những thành tựu nhỏ mà
chúng ta đang đạt được. Đó là động lực để bạn tiếp tục công việc hiệu
quả hơn.
4.TỔNG KẾT
Người lãnh đạo phục vụ nhìn thấy sự lãnh
đạo giống như người thợ mộc nhìn thấy cái búa. Nó đơn giản chỉ là một
công cụ – một công cụ rất quan trọng để họ hoàn thành công việc. Nó có
thể dùng để xây dựng, để sáng tạo, để hiện thực hóa những giấc mơ. Nhưng
nó cũng rất nguy hiểm nếu dùng sai cách. Thay vì đóng đinh vào gỗ, sự
đập sai vị trí có thể làm cái búa đập vào ngón tay một cách đau đớn.
Thay vì phục vụ công việc, giúp đỡ người khác, sự lãnh đạo tồi sẽ làm
cản trở công việc, tổn thương người khác, hay thậm chí chính người lãnh
đạo. Một người lãnh đạo phục vụ khôn ngoan luôn cẩn thận với sức mạnh
khi cầm búa để cố gắng đóng búa vào đúng đầu đinh thay vì ngón tay của
mình.