Cứ 10 ngày, mới có 1 ngày dân Hà Nội được hít thở không khí sạch (VOA)
Bà Khanh, người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng của Quỹ Môi
trường Goldman ở Mỹ, nhận định rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt
Nam khó có thể cải thiện khi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây
dựng thêm khoảng 40 nhà máy điện than từ nay tới năm 2030.
Trên trang web của mình, tổ chức phi lợi nhuận còn có tên là GreenID
nói họ phân tích dựa trên số liệu của WHO và xác định rằng người dân ở
thủ đô Việt Nam phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp hạng hai
trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á, bao
gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia.
Theo GreenID, số ngày nồng độ bụi PM 2.5 trong không khí ở Hà Nội cao hơn chuẩn của WHO trong 3 tháng đầu năm lên tới 82 ngày.
Một mét khối không khí chứa nhiều hơn 10 microgram PM2.5 được cho là không đạt tiêu chuẩn của WHO.
Thuật ngữ “bụi PM 2.5” chỉ hạt bụi siêu mịn, có đường kính chỉ bằng
2,5 micromet, trong khi đường kính sợi tóc là 100 micromet. Bụi PM 2.5
rất nguy hiểm vì có thể đi sâu vào phế nang gây viêm nhiễm đường hô hấp
và làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh
tim.
Thạc sĩ Đào Nhật Đình, một chuyên gia môi trường sống ở Hà Nội, nhận
định với VOA về nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội:
“Thực tế ở Hà Nội là do phương tiện giao thông và vấn đề xây dựng. Hà
Nội còn có than tổ ong nữa. Khu Ba Đình chúng ta thấy là lượng bụi ít
hơn hẳn vì họ xây ngon lành từ xưa rồi và bây giờ cũng ít người đập phá
[để xây dựng] hơn. Ở ngoài của [các quận] Hoàng Mai, Hai Bà người ta đập
phá vẫn nhiều, khắp nơi đào để xây đường thì lấy đâu ra mà không có bụi
được. Đương nhiên phải bụi”.
Bản báo cáo về chất lượng không khí của GreenID cũng cho biết chất
lượng không khí của thành phố Hồ Chí Minh tốt hơn Hà Nội trong cùng thời
gian. Tuy nhiên, vẫn có đến 18 ngày, nồng độ bụi mịn PM 2.5 ở trung tâm
kinh tế lớn nhất Việt Nam vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia, và 68 ngày
vượt quy chuẩn của WHO.
Trong phần giới thiệu về báo cáo, bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc của
trung tâm này, cho biết GreenID kiến nghị chính phủ “nhanh chóng tăng
cường giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí” thông qua các biện pháp
như thúc đẩy ban hành đạo luật không khí sạch đồng thời thắt chặt các
tiêu chuẩn phát thải của giao thông và các nhà máy nhiệt điện than.
Bà Khanh, người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng của Quỹ Môi
trường Goldman ở Mỹ, nhận định rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt
Nam khó có thể cải thiện khi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây
dựng thêm khoảng 40 nhà máy điện than từ nay tới năm 2030.