'Chưa an tâm' về ba đặc khu kinh tế Việt Nam (Quốc Phương-BBC)

Đội ngũ quản trị ở Việt Nam, về phía nhà nước, rất có vấn đề. Còn đội ngũ chuyên gia, tôi nghĩ cũng có, nhưng đâu phải đã là các chuyên gia thực sự giỏi giang tất cả các mặt mà làm được tất cả các mặt về quản trị. (Phạm Thị Lan)





 Quốc hội Việt Nam chưa nên thông qua dự luật về ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong kỳ này để 'loại trừ những vấn đề và sơ hở' mà dư luận đã nêu lên, một cựu lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói với BBC Tiếng Việt hôm 31/5/2018.

Không phải chờ đến chín chục năm để những 'phần tử' muốn gây hại cho an ninh, quốc phòng của một quốc gia tiến hành việc làm của họ 'khi họ đã có những động cơ', một nhà phân tích về an ninh quốc phòng và đối ngoại Việt Nam chia sẻ thêm.

Các chuyên gia có tiếng nói khác, không đồng tình hoặc e ngại với những người soạn thảo dự luật về ba đặc khu và đề nghị thời hạn giao đất 99 năm ở đó 'không được nghe' tiếng nói bằng những người ủng hộ, một chuyên gia kinh tế khác nói với BBC trong dịp này.

Trước hết, hôm thứ Năm, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện CIEM nói với BBC Tiếng Việt:

"Đặc khu như vậy, đầu tư một số tiền lớn như thế, rồi cho thuê đất đến 99 năm, rồi miễn giảm thuế, ngay cả thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ được giảm để thu hút và chúng ta chỉ có thể thu hút được casino và bất động sản thôi thì vấn đề khoa học - công nghệ sẽ là như thế nào?

"Vấn đề là chúng ta sẽ đạt được những tiến bộ gì và nếu có công nghệ cao thì ở đấy người ta sẽ lan tỏa như thế nào? Doanh nghiệp Việt Nam nào có thể sẽ tham gia chuỗi giá trị và cung cấp những phụ tùng hoặc những kết cấu cho những doanh nghiệp cao ở đấy?"

"Tất cả những vấn đề đó có lẽ cần phải được thảo luận và cần phải được xem xét một cách cẩn trọng. Và với dự thảo như hiện nay, tôi đề nghị cần phải tu bổ lại và phải bổ sung sửa đổi rất nhiều, để có thể được thông qua, bảo đảm được lợi ích quốc gia và những điều mà công luận hiện nay đã nêu lên."

Như một thông điệp gửi tới những nhà làm luật tại Quốc hội Việt Nam, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm:

"Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét một cách rất thận trọng và để bảo đảm, phản ánh được lợi ích quốc gia và loại trừ được những sơ hở và những vấn đề mà dư luận đã nêu lên, tôi đề nghị Quốc hội sẽ chưa thông qua luật này, trong kỳ này, và sẽ bổ sung, sửa đổi sâu rộng để có thể thông qua trong một kỳ sau."

'Không cần đợi chín chục năm'

Cùng hôm 31/5, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ Việt Nam, Tiến sỹ Trần Công Trục đưa ra bình luận với BBC về dự luật từ khía cạnh an ninh, chủ quyền:

"Về mặt an ninh quốc phòng và về mặt chủ quyền quốc gia, dù là 10 năm hay 50 năm, nếu chúng ta làm không chặt chẽ và có ý đồ của một số phần tử muốn gây hại cho đất nước này thì họ vẫn có thể làm được chứ không cần chờ đến chín mươi năm.

"Khi mà người ta đã có những động cơ, lợi dụng tất cả những điều đó để gây ra sự bất ổn, thì cho dù thời gian ngắn hoặc dài thì ý nghĩa nó không phải lớn.

 "Mà ý nghĩa là ở chỗ động cơ của họ làm sao, cách mà họ thực hiện như thế nào và đặc biệt là sự kiểm tra, kiểm soát và những người quản lý, những người cầm trịch, họ có đầy đủ những phẩm chất, khả năng để có thể kiểm soát điều đó không mới là câu chuyện đáng phải bàn."

Cũng trong dịp này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu quan điểm với BBC xung quanh dự luật và xây dựng dự luật, quản lý đề án, đặc biệt từ khía cạnh lắng nghe ý kiến giới chuyên gia, bà nói:

"Đội ngũ quản trị ở Việt Nam, về phía nhà nước, rất có vấn đề. Còn đội ngũ chuyên gia, tôi nghĩ cũng có, nhưng đâu phải đã là các chuyên gia thực sự giỏi giang tất cả các mặt mà làm được tất cả các mặt về quản trị.
"Tôi hỏi lại là tiếng nói của chuyên gia có phải lúc nào cũng được nghe đâu? Thí dụ như việc đặc khu này, có một số chuyên gia ủng hộ thì những chuyên gia ủng hộ có vẻ rất được nghe, nhưng những người có tiếng nói khác, không đồng tình hay là e ngại chuyện này, chuyện khác thì lại không được nghe bằng. 

"Thế thì đâu có phải là đảm bảo được hoàn toàn, thế rồi cơ chế của đặc khu này cũng đưa ra những cơ chế của đặc khu mới để tạo thẩm quyền cho người đứng đầu đặc khu, thì cái đó cũng tốt, tôi hy vọng là Việt Nam có thể chọn được những người tốt để đứng ra làm trưởng đặc khu và có thể đảm nhiệm công việc của họ được.

"Nhưng quyền hạn giao rất lớn thì trách nhiệm thế nào đây? Tuyển chọn như thế nào để tuyển chọn được những người có đủ tài, đủ tâm để lãnh đạo," chuyên gia Phạm Chi Lan nêu quan điểm với BBC.

Được biết, theo chương trình làm việc dự kiến của Quốc hội Việt Nam, ngày 15/6/2018, Quốc hội nước này sẽ biểu quyết thông qua 'Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc', như truyền thông Việt Nam đưa tin.