VN: 'Vướng mắc đất đai tước cơ hội của nông dân' (BBC)

"Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật mà dân phải sống trong khốn khó nghèo nàn thì pháp luật có ý nghĩa gì? Chính người dân họ biết sử dụng đất vào việc gì để mảnh đất có giá trị nhất với họ, gia tăng giá trị cho họ cũng là gia tăng giá trị cho xã hội. Đất của mỗi gia đình, họ tự biết cách trân trọng để tạo ra hiệu quả kinh tế, không bao giờ có việc người dân vô trách nhiệm đối với tài sản của chính mình."





Vướng mắc về đất đai vẫn là một trong những vấn đề nổi cộm trong cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 500 nông dân ngày 9/4.


Cuộc họp nhằm "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới" diễn ra tại Hải Dương, theo truyền thông Việt Nam.

Vướng mắc về đất đai vẫn vẫn đề nổi cộm, tước đi nhiều cơ hội của nông dân, theo báo Tuổi Trẻ.
Một người nông dân tên Ngọc được báo Tuổi Trẻ trích lời cho biết gia đình đang trồng tỏi bán cho Nhật, thu nhập cao hơn trồng lúa, nhưng không dám thuê đất mở rộng mặt bằng vì xã cho thuê ngắn hạn, không đủ thời gian sản xuất thực tế.

Một nông dân khác tên Võ Quan Huy đến từ Long An hỏi Thủ tướng Phúc:

"Làm thế nào đảm bảo cho nông dân có việc làm, thu nhập và cuộc sống ổn định?"; "Ngoài ra, Chính phủ có chính sách gì để những người như chúng tôi thuận lợi trong việc tích tụ ruộng đất, mở rộng ruộng đất?"

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường dẫn luật đất đai quy định trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép sẽ bị xử phạt và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, theo tường thuật của báo Dân Việt.
Bà Hoa cũng nói luật buộc nông dân nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm chuyển đổi sử dụng đất; nếu không chấp hành xử phạt sẽ bị thu hồi đất.

Bàn về việc 'cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất', luật sư Ngô Ngọc Trai từng có bài viết 'Điều gì đang xảy ra ở nông thôn Việt Nam' trên BBC.

Trong đó, ông Trai cho rằng dù có nhiều cơ hội thay đổi, nông dân Việt Nam "đang vấp phải một chướng ngại lớn", đó là "không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp."

"Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật mà dân phải sống trong khốn khó nghèo nàn thì pháp luật có ý nghĩa gì? Chính người dân họ biết sử dụng đất vào việc gì để mảnh đất có giá trị nhất với họ, gia tăng giá trị cho họ cũng là gia tăng giá trị cho xã hội. Đất của mỗi gia đình, họ tự biết cách trân trọng để tạo ra hiệu quả kinh tế, không bao giờ có việc người dân vô trách nhiệm đối với tài sản của chính mình."

"Cho nên cái quan điểm "kiên quyết phá bỏ những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp" ở nhiều địa phương là hệ quả của nhận thức ấu trĩ, lầm lạc, phản ánh tư duy dễ dãi giản đơn, cẩu thả trong quản lý đất đai, coi thường tính phức tạp của thực tiễn, vô trách nhiệm trước sự phát triển mà thôi."

"Việc ngăn cấm người dân chuyển đổi mục đích sử đụng đất đang là bất cập lớn nhất trong chính sách quản lý đất đai hiện nay, và đây đang là rào cản lớn trói buộc kìm hãm sức sản xuất trong nông nghiệp."

Giải cứu nông sản 'chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ'

Theo báo Dân Việt, nông dân Đoàn Xuân An, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang hỏi Thủ tướng Phúc về điệp khúc "Được mùa rớt giá", "Giải cứu nông sản" vẫn cứ diễn ra…

Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh truyền thông Việt Nam mới đây đưa tin về các cuộc 'Giải cứu củ cải', 'Giải cứu su hào', sau khi các sản phẩm nông sản này bị nông dân đổ bỏ vì thu hoạch nhiều, giá quá rẻ mà không ai mua. Trước đó là các vụ 'Giải cứu lợn', 'Giải cứu khoai tây'...

Về vấn đề này, Thủ tướng Phúc kể lại chuyến thăm nhà máy thu mua rau củ xuất khẩu của một nông dân ở Hải Dương ngay trước cuộc đối thoại với nông dân, và cho hay: 

"Có thể khẳng định chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như thế."
"Còn những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước."

"Chúng ta phải bán thứ thị trường cần, tìm mặt hàng thị trường đang có nhu cầu để sản xuất chứ không phải chỉ ào ào đi trồng và bán thứ anh có", báo Tuổi Trẻ trích lời ông Phúc.

Trang web chinhphu.vn cho hay nông nghiệp Việt Nam 'liên tục phát triển ổn định' với các 'con số ấn tượng' như 'kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt kỷ lục, hơn 36 tỷ USD', 'xuất siêu trên 8,5 tỷ USD' năm 2017.

Cũng theo tờ báo này, Việt Nam còn có 'kỳ tích' trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu về nông sản.

Mạng xã hội nói gì?

Phac Tran Hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Là những vấn đề quan trọng nhất đối với nông dân!

Nguyễn Ngọc Phương Trang Vẫn là một nước thuần nông sau khi mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2020 VN cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa" đã bị tịt ngòi, với 24 triệu lao động thì rõ ràng có "thành tích" nhưng vẫn dưới mức tiềm năng rất nhiều vì đầu tư cho nông nghiệp và trợ giúp từ chính phủ vẫn đi đằng nào hết ấy. Thêm nữa các nông dân hiền hậu "một nắng hai sương" tự làm tự ăn vẫn thường xuyên bị chấn đất và phải gánh nợ công hơn 30 triệu từ trên trời rơi xuống.

Ngan Vo Công nghiệp hóa hiện đại hóa là khẩu hiệu thôi. Hiện tại nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, bấp bênh lắm. Không thể tin dc

Tinh Ha Vẫn còn hạn điền thì nông nghiệp VN còn khuya mới phát triển được. 

Mãnh Đoàn Nông dân VN nhạy bén tiến rất nhanh nhưng quản lý theo không kịp. Nhà nước nên dẹp bỏ con người và hệ thống điều hành hiện nay, tạo ra hệ thống mới để theo kịp cùng đồng hành với nông dân để phát triển. Lỗi hệ thống và con người hiện nay đã thể hiện sự ù lì yếu kém chỉ làm vướng cho sự phát triển.

Manh Le Chỉ có dân chủ hóa thì giải quyết được cội rễ của vấn đề còn không dân chủ hóa thì có cải cách cũng chỉ phục vụ lợi ích nhóm mà thôi

Quyet Bui Không thể phủ nhận nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiến bộ về năng suất. Nhưng bão lụt, thiên tai, biến đổi khí hậu...luôn rình rập gây tác hại không nhỏ.

Dinh Bui Mấy con số này ông niễng nặn ở đâu ra? Rau quả VN thua trắng tay với TQ thì bán cho ai?

Nguyen QuocTien Cần phải gặp nông dân thực thụ của 3 miền . Không phải mấy ông ở hội nông dân.

Đỗ Nhân VN từ luc chuyền hướng sang kinh tế thị trường, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, và khi có internet thì người ta tự biêt tìm tòi những công nghệ mới để áp dụng nhanh hơn là chờ sự giúp đở từ chính phủ. Đa số người dân VN lên mạng để nâng cao kiến thưc về khoa học kỹ thuật hơn là cac tin tưc xuyên tạc từ hải ngoại, thông tấn nươc ngoài...

Cuong Anh Duong 1. Chi phí sản xuất cao

2. Đầu ra không ổn định, người dân tự tìm đầu ra. 

3. Đem ứng dụng máy móc vào sản xuất còn ít

Lao Ngu Nguyen Phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc giả tràn ngập, môi trường ô nhiễm, sông cạn suối cằn, mất đất đai, bị cưỡng chế đất, sạt lở bến bờ, chính quyền xã huyện thờ ơ, tham nhũng đủ thứ từ cân lạng đến con bò giống, con giống... Ác mộng của sự tăng trưởng nông thôn đó thôi.