‘Tái cơ cấu ghế’ và bi kịch công an ‘ra đường’ (Thiền Lâm)
Hệ lụy của ngân sách tồi tệ rõ ràng đang gây tác động
tiêu cực ngay với giới công chức, giới công an trị và khiến xảy ra xu hướng khó
cưỡng lại là một bộ phận trong giới này phải “ra đi tìm đường cứu thân”, đồng
thời phác ra triển vọng không chỉ công chức, công an cấp xã, mà sắp tới còn cả
công chức, công an cấp quận huyện, cấp tỉnh thành và cả cấp bộ có thể rơi vào
tình trạng “bán thất nghiệp”, “thu không đủ chi” và do đó có thể kéo nhau xin
nghỉ việc.
Đến giờ thì đã rõ là không phải bỗng
dưng mà từ cuối năm 2016 và đặc biệt trong năm 2017 lại từ lao xao đến xôn xao
tin tức về công an địa phương này địa phương nọ “tinh giản biên chế”, thậm chí
có nơi được cho là phải cắt giảm đến 30% quân số, chủ yếu ở cấp xã và thị trấn.
Đầu tháng Tư năm 2018, Đề án 106 của Đảng ủy Công an
Trung ương về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công
an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chính thức được thông qua bởi một
nghị quyết của Bộ Chính trị – cơ quan tối cao của đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Theo đó, bộ máy này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao
nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa. Về bộ máy, từ 126 đơn vị cấp cục và
tương đương sẽ giải thể, sáp nhập chỉ còn khoảng 60, tức giảm hơn phân nửa.
Vào năm 2017, báo Thanh Niên dẫn lời Đại tá Lê Tôi
Sủng, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trong 7 tháng đầu năm
2017, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 60 trường hợp công an xã, công an ấp nghỉ
việc để ra ngoài làm công nhân, bảo vệ, phụ việc nhà giúp gia đình.
Tuy báo chí nhà nước ít khi đưa tin, hoặc hạn chế
thông tin về sự thật chưa từng có trên, song tình trạng công an xã và trên cấp
xã nghỉ việc không chỉ xảy ra ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn là hiện tượng khá phổ
biến ở nhiều tỉnh và kể cả thành phố khác.
Một con số từ công an Bà Rịa – Vũng tàu đã chứng thực
cho tình trạng khốn khó của công an xã: mức phụ cấp của giới này đã rớt xuống
chỉ còn 1,6 – 1,7 triệu đồng/người/tháng, tức giảm đến phân nửa so với những
năm trước.
Một nhà hoạt động nhân quyền ở Đăk Lăk cũng kể một câu
chuyện bi hài xen kẽ: bẵng đi một thời gian không thấy “đuôi” – một nhân viên
an ninh trẻ thường theo dõi mình, bỗng một hôm anh gặp tay an ninh này trong bộ
đồ cảnh sát trật tự. Cậu an ninh có vẻ ngượng nghịu thổ lộ rằng cậu ta phải
“chuyển nghề” từ an ninh sang trật tự vì thu nhập của an ninh nghèo quá, lại
không có thu nhập thêm, trong khi làm cảnh sát trật tự thì ít nhiều còn có
“màu”.
Nhà hoạt động nhân quyền trên còn cho biết không chỉ
công an viên cấp xã mà cả công an thành phố Ban Mê Thuột cũng có hiện tượng bị
sa thải và nghỉ việc nhiều, tổng cộng có thể lên tới 30%.
Nhưng đến lúc này, thân phận “ra đường” không chỉ là
công an viên cấp phường xã, mà đã lên đến cấp tướng của các tổng cục và cục
nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.
Ngay trước mắt, việc xóa bỏ các tổng cục sẽ làm mất
ghế của rất nhiều tướng thuộc các cơ quan sau: Tổng cục An ninh (Tổng cục I),
Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục II), Tổng cục Chính trị (Tổng cục III), Tổng cục
Hậu cần – Kỹ thuật (Tổng cục IV), Tổng cục Tình báo (Tổng cục V), Tổng cục Cảnh
sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII).
Tại các tổng cục trên, không chỉ các Tổng cục trưởng
mang hàm trung tướng bị “cách chức”, mà cả các tổng cục phó – thiếu tướng cũng
không còn ghế ngồi. Đó là chưa kể hai cơ quan khác là Bộ Tư lệnh cảnh vệ (K10)
và Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động (K20) tuy không bị giải thể nhưng sẽ bị “hạ cấp”
và do đó số cấp tướng trong hai cơ quan này sẽ ít đi.
Cùng với quân đội, công an là ngành mà từ nhiều năm
qua bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ vì “lạm phát tướng”. Số lượng tướng lĩnh trong
quân đội được cho là gần 500, còn với công an thì khoảng 300 – 400.
Một số người hoạt nhân quyền từng phải nằm trong nhà
tù chế độ cho biết có nơi cán bộ quản giáo mang hàm đến trung tá. Hỏi ra mới
biết những sĩ quan cao cấp này được “biệt phái” đến trại giam canh giữ tù vì ở
các cục, vụ khác đều dư thừa biên chế.
Một tính toán vào năm 2017 của ông Tiến sĩ Vũ Quang
Việt – cựu chuyên viên tài chính của Liên hiệp quốc – đã cho biết phần chi
thường xuyên cho đội ngũ công an ở Việt Nam lên tới 12% trong tổng chi ngân
sách hàng năm, tức còn cao hơn cả phần kinh phí gần 5 tỷ USD dành cho giới quân
sự.
Hệ lụy của ngân sách tồi tệ rõ ràng đang gây tác động
tiêu cực ngay với giới công chức, giới công an trị và khiến xảy ra xu hướng khó
cưỡng lại là một bộ phận trong giới này phải “ra đi tìm đường cứu thân”, đồng
thời phác ra triển vọng không chỉ công chức, công an cấp xã, mà sắp tới còn cả
công chức, công an cấp quận huyện, cấp tỉnh thành và cả cấp bộ có thể rơi vào
tình trạng “bán thất nghiệp”, “thu không đủ chi” và do đó có thể kéo nhau xin
nghỉ việc.
Tuy thế, một tương lai không mấy mong đợi dành cho
giới công an trị là tìm việc sẽ không mấy dễ dàng. Trong lúc tỷ lệ thất nghiệp
thực tế ở Việt Nam lên đến ít ra 20% – gấp hàng chục lần con số báo cáo của Bộ
Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều cử nhân đại học còn phải chạy xe ôm hoặc
làm công nhân…, những người có xuất thân công an ít chuyên môn, kỹ năng, lại là
giới bị người dân và doanh nghiệp ít ưa nhất, sẽ rất khó để tìm được nhữn công
việc “màu mỡ” hay có mức thù lao cao. May ra chỉ có thể đi làm bảo vệ như một
số công an xã sau khi xin nghỉ công việc “bảo vệ đảng”.
Nhưng xét cho cùng, điều an ủi trong cơn “lạm phát
tướng” ở Việt Nam là số sĩ quan cấp tướng vẫn còn thua con số lên đến 5000 ở
“nước bạn” Campuchia – xứ sở của Hun Sen mà đến cả báo chí quốc tế cũng biết về
thực tế “hàm tướng cứ mua là được”.
Theo Cali Today News