Việt Nam ‘lộ’ tin một hòa thượng có 50 năm tuổi Đảng (VOA)
“Khi quy y Phật là không còn tham gia vào đảng phái chính trị của thế
gian. Nếu tham gia là phạm giới. Nhưng ở Việt Nam thì bị như vậy. Quần
chúng hiện nay nói rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một giáo hội quốc
doanh: nhà nước lập lên, làm cánh tay nối dài của Đảng để nắm giữ quần
chúng, vì họ biết rằng đa phần người dân có tín ngưỡng là Phật giáo. Họ
dùng tôn giáo làm phương tiện để nắm giữ quần chúng.”
Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam,
Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người vừa
qua đời, có 50 năm tuổi Đảng.
Hòa thượng Thích Không Tánh, một thành viên của Giáo hội Phật giáo
Việt Nam Thống nhất, nói với VOA rằng có lẽ đây là lần tiên chính quyền
Việt Nam chính thức thừa nhận một trong các lãnh đạo của giáo hội được
Hà Nội hậu thuẫn là đảng viên của Đảng Cộng sản.
“Hồi trước tới giờ, họ âm thầm đào tạo các nhà sư, trong những nhà sư
được thăng quan tiến chức, đảm nhận các chức danh lãnh đạo tôn giáo đều
có tuổi Đảng cả, nhưng họ không nói rõ ra.”
Truyền thông Việt Nam hôm 14/3 loan tin Phó Thủ tướng Thường trực
Chính phủ Trương Hoà Bình đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ đến viếng
Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Sam, qua đời hôm 12/3 tại tỉnh Bắc
Ninh.
Trước đó vào hôm 13/3, báo Nhân dân cho biết bà Trương Thị Mai, Ủy
viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, cũng đã đến viếng đám
tang Hoà thượng Thích Thanh Sam.
Theo Báo Bắc Ninh, vào năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao tặng
Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, cho Hoà thượng
Thích Thanh Sam.
Trong một cáo phó, báo Giác Ngộ nói Hòa thượng Thích Thanh Sam sinh
năm 1929, xuất gia vào năm 1942 và được kết nạp vào đảng năm 1962.
Trang này cho biết vào năm 1966, khi quân đội Mỹ bắn phá miền Bắc
Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Sam đã “trực tiếp chỉ đạo một mũi nhọn
xung kích dân công xã Cao Đức tham gia chiến dịch thủy lợi đào sông Đồng
Khởi tại huyện Gia Lương do Tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc phát động.”
Hòa thượng Thích Không Tánh nói một khi đã thọ giới thì không nên tham gia chính trị đảng phái nào cả:
“Khi quy y Phật là không còn tham gia vào đảng phái chính trị của thế
gian. Nếu tham gia là phạm giới. Nhưng ở Việt Nam thì bị như vậy. Quần
chúng hiện nay nói rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một giáo hội quốc
doanh: nhà nước lập lên, làm cánh tay nối dài của Đảng để nắm giữ quần
chúng, vì họ biết rằng đa phần người dân có tín ngưỡng là Phật giáo. Họ
dùng tôn giáo làm phương tiện để nắm giữ quần chúng.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình An Viên thuộc Bộ Thông
tin và Truyền thông, lúc sinh thời Hòa thượng Thích Thanh Sam nói: “Đã
là người đi xuất gia thì phải lấy luật Phật làm đầu. Đã tu hành thì phải
giữ đúng luật pháp của Phật dạy.”
Ông còn nói rằng trong thời chiến tranh ông đã xây hầm làm nơi trú ẩn
cho cán bộ “giúp đỡ anh em ẩn nấp, thậm chí đưa cả cán bộ ẩn nấp ngay
cả trên ban Tam Bảo, nằm trên Đại tượng.”
“Trong chiến tranh chống Pháp, giặc bắt tôi giải ra Phả Lại, bị tra
trấn nhưng tôi quyết không khai báo một điều gì vì sợ sẽ làm lộ bí mật
của cơ sở Đảng. Tôi vận động Phật tử đóng góp mọi mặt cho tiền tiến,
chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.”
Hòa thượng Thích Không Tánh nói rằng việc cài cắm Đảng viên Cộng sản
vào các tổ chức tôn giáo đã có từ trước năm 1975 và kéo dài cho đến ngày
nay, nơi đó họ ẩn mình dưới bóng nhà Phật để hoạt động theo sự chỉ đạo
của tổ chức Đảng.
“Từ trước năm 1975 họ đã cho những người Cộng sản vào nằm vùng, hoạt
động trong các chùa chiền tôn giáo, làm theo chỉ đạo của Đảng. Điều này
là một chứng thực rằng dưới chế độ Cộng sản, Việt Nam không có tự do tôn
giáo và tín ngưỡng.”
Trước khi qua đời, Hòa thượng Thích Thanh Sam từng đảm nhiệm các chức
danh như Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, Chánh
Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự
GHPGVN; Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong 4 nhiệm kỳ, và
nhiều chức danh khác.
Nhiều tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống Nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thuần túy, Đạo Cao Đài Chân
truyền… vẫn chưa được chính quyền Việt Nam công nhận.
Trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo, Bộ Ngoại giao Mỹ nói
rằng chính quyền Việt Nam thường xuyên hạn chế sinh hoạt tôn giáo của
các nhóm tôn giáo không được công nhận. Việt Nam phản bác rằng phúc
trình của Mỹ về tình hình tôn giáo Việt Nam ‘bị sai lệch.’