Hiệu trưởng nhận 300 triệu chạy việc, cắt xén lương giáo viên (VNN)

Trước đó VietNamNet đã có một số bài viết phản ánh việc 3 đời lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk (giai đoạn từ 2005 – 2016) đã ký tuyển dụng dư thừa hơn 600 giáo viên và nhân viên trường học. Để "chữa cháy", các trường học trên địa bàn đã phải chia nhỏ lớp để giáo viên có chỗ giảng dạy. Ngày 9.3, UBND huyện này tổ chức họp thông báo chủ trương sẽ chấm dứt hợp đồng đối với hàng trăm giáo viên tuyển dư thừa.

 Hàng trăm giáo viên tập trung tại trụ sở UBND huyện Krông Pắk phản đối vì bị chấm dứt hợp đồng, mất việc


Một hiệu trưởng tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã bị công an triệu tập do bị người dân, giáo viên làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo nhận tiền chạy việc, cắt xén lương giáo viên.

Nhận 300 triệu chạy biên chế

Sáng nay 15.3 thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, cơ quan điều tra đã triệu tập ông Huỳnh Bê (Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, xã Vụ Bổn) lên làm việc do người dân, giáo viên gửi đơn tố cáo nhận tiền chạy việc, cắt xén lương của giáo viên.

Thượng tá Dân thông tin vào cuối năm 2017, công an huyện nhận được đơn tố cáo của bà C.T.L (trú huyện Krông Pắk) kèm bằng chứng là giấy biên nhận tiền do ông Huỳnh Bê viết, ký tên nhận 300 triệu đồng hứa lo cho con gái bà L. vào dạy tại một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Theo thượng tá Dân, trong quá trình triệu tập lên làm việc, ông Huỳnh Bê đã thừa nhận có nhận tiền của bà L. để lo xin việc và thừa nhận chữ ký trong giấy biên nhận là của ông này.

Cũng theo thượng tá Dân, xác định đây là vụ án có tính chất phức tạp, công an huyện đã báo cáo sự việc lên Ban thường vụ Huyện ủy Krông Pắk để xin ý kiến chỉ đạo.

Xà xẻo lương giáo viên

Thượng tá Dân còn cho biết thêm, ngày 14.3, Công an huyện cũng tiếp nhận đơn tố cáo của tập thể giáo viên Trường THCS Ngô Mây tố cáo ông Huỳnh Bê cắt xén lương. Đơn tố cáo do Thanh tra huyện Krông Pắk chuyển sang.

Theo tố cáo của các giáo viên, nhiều tháng liền Trường THCS Ngô Mây chi trả lương cho giáo viên hợp đồng cứ thấp dần. Nghi ngờ, các giáo viên đã tìm hiểu, đối chiếu bảng lương được nhận tại trường với bảng quyết toán lương do Kho bạc Nhà nước huyện Krông Pắk duyệt chuyển cho trường và thấy có sự chênh lệch rất lớn.

Cô D.T.T (giáo viên môn Toán, Trường THCS Ngô Mây) phản ánh chỉ trong 5 tháng cuối năm 2017, số tiền thực nhận của cô ít hơn so với chứng từ ở kho bạc huyện là hơn 7,6 triệu đồng.

Theo cô T., trước đây, khi ký hợp đồng dài hạn, cô được nhận mức lương đầy đủ của một giáo viên nhưng rồi cứ giảm dần. Từ tháng 8-12.2017, cô T. nhận 5 tháng lương một lần với tổng số tiền 2,052 triệu đồng. Cô T. tìm hiểu và biết mức lương trên kho bạc mà lẽ ra cô được nhận là 9,675 triệu đồng.
Không chỉ riêng cô T., theo danh sách này có đến 7 giáo viên khác của Trường THCS Ngô Mây cũng bị chi trả lương sai so với số thực nhận từ kho bạc.

Trong 5 tháng (từ tháng 8-12.2017), tổng số tiền 7 giáo viên này nhận tại trường chỉ là 17 triệu đồng, còn chứng từ ở kho bạc là gần 70 triệu đồng.

Cô N.T.T.D cho biết giáo viên đã đem thắc mắc này hỏi lãnh đạo trường nhưng được trả lời do thiếu ngân sách, phải cắt tiết, cắt tiền của giáo viên để trả cho các giáo viên hợp đồng khác không được ngân sách trả lương.

Trong khi đó, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước huyện Krông Pak khẳng định đã làm đúng quy định và chuyển đúng số tiền theo bảng lương được trường gửi lên, đúng với ngân sách được UBND huyện phê duyệt.

Cũng theo Công an huyện Krông Pắk, ngoài 2 đơn tố cáo ông Huỳnh Bê nói trên chưa có thêm tố cáo nào về việc chạy tiền để đi dạy được gửi đến công an huyện. Công an huyện Krông Pắk cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành xác minh, điều tra để làm rõ thông tin này.

Cũng liên quan đến ông Huỳnh Bê, Công an huyện Ea Kar xác nhận đã nhận đơn của ông N.V.M (trú huyện Ea Kar) tố ông Bê nhận 120 triệu đồng chạy việc.

Công an huyện Ea Kar cho biết ông M. cung cấp một số giấy vay tiền, giấy nhận nợ, khất nợ chứ không có giấy tờ nhận tiền chạy việc nên công an huyện hướng dẫn ông M. khởi kiện ra tòa để đòi tiền.

Trước đó VietNamNet đã có một số bài viết phản ánh việc 3 đời lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk (giai đoạn từ 2005 – 2016) đã ký tuyển dụng dư thừa hơn 600 giáo viên và nhân viên trường học. Để "chữa cháy", các trường học trên địa bàn đã phải chia nhỏ lớp để giáo viên có chỗ giảng dạy. Ngày 9.3, UBND huyện này tổ chức họp thông báo chủ trương sẽ chấm dứt hợp đồng đối với hàng trăm giáo viên tuyển dư thừa.

Các giáo viên sau đó kéo lên trụ sở UBND huyện để phản đối. Nhiều giáo viên phản ánh đã phải chạy tiền để được nhận vào dạy hợp đồng đồng chờ biên chế.

Trả lời báo chí ngày 12.3, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng của huyện chưa nhận được phản ánh, hay tố cáo có tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên (!?).

Trùng Dương