Những Khái niệm Cơ bản và Chiến lược về Đấu tranh Bất bạo động (Chương 4) (Robert L. Helvey)

Phong trào không xem cá nhân công chức cán bộ công an cảnh sát là ‘kẻ thù của nhân dân’ trừ phi họ trực tiếp phạm tội ác (cần bị truy tố dựa trên bằng chứng.) Ngoài ra, phong trào phải cố sức trấn an họ rằng họ sẽ là những thành viên hữu ích trong một xã hội dân chủ tự do. Có như vậy thì thành phần ‘công cụ’ của chế độ mới sẳn sàng đứng về phía cách mạng.





 Chương 4: Những Sách lược và Phương pháp Tranh đấu Bất bạo động


Thay thế chế độ độc tài bằng một nền dân chủ là một tiến trình đầy cam go bất kể đường lối tranh đấu nào. Cho nên một khi phong trào tranh đấu đã chọn phương sách bất bạo động, họ cần phải hiểu rõ 4 sách lược để thay thế quyền lực thống trị: hoán cải, thoả hiệp, cưỡng bách và lật đổ.

I. Sách lược

Khi phong trào tranh đấu muốn biến ý tưởng thành hành động để tạo thay đổi về chính trị và xã hội, họ phải chọn những sách lược phù hợp để ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của chế độ nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong quan hệ giữa nhân dân và chính quyền.

Có bốn sách lược cho bốn giai đoạn tranh đấu: hoán cải, thoả hiệp, ép buộc và lật đổ.

1. Hoán cải: phong trào tranh đấu có thể tìm cách thuyết phục chế độ rằng thay đổi sẽ có lợi cho họ. Một khi chế độ ‘nghe lời’ thuyết phục, uy tín của phe cách mạng sẽ gia tăng, bớt có nguy cơ đổ máu và nhất là phe cách mạng có thể bảo tồn lực lượng. Vấn đề là một chế độ độc tài toàn trị thường rất khó được thuyết phục vì họ nghĩ là họ chẳng cần phải nghe ai.

Để cho phương pháp hoán cải có cơ thành công, phong trào tranh đấu cần thực thi những việc sau:

Phong trào không xem cá nhân công chức cán bộ công an cảnh sát là ‘kẻ thù của nhân dân’ trừ phi họ trực tiếp phạm tội ác (cần bị truy tố dựa trên bằng chứng.) Ngoài ra, phong trào phải cố sức trấn an họ rằng họ sẽ là những thành viên hữu ích trong một xã hội dân chủ tự do. Có như vậy thì thành phần ‘công cụ’ của chế độ mới sẳn sàng đứng về phía cách mạng.

Phong trào cần tuyên dương lòng can đảm của những thành viên có hành động nổi bật về đấu tranh bất bạo động. Sự quả cảm đó sẽ có tác động mạnh với thành viên của phong trào cũng như với đối phương. Khi một cá nhân sẳn sàng hy sinh tính mạng để tranh đấu cho một lý tưởng, tính thuyết phục của lý tưởng đó sẽ gia tăng.

Phong trào cần mô tả một viễn tượng thực tế về một xã hội dân chủ tự do và pháp trị.

Phong trào cần phổ cập những thông tin về các phong trào tranh đấu bất bạo động thành công trên khắp thế giới.

2. Thoả hiệp: có khi một chế độ độc tài sẽ nhượng bộ phe tranh đấu vì họ muốn giảm tình trạng căng thẳng, vì nhất thời thất thế hay vì mục đích tuyên truyền. Mọi nhượng bộ từ phía chế độ đều cho thấy sự nhạy cảm của họ và đó là dấu hiệu của sự lung lay. Về phía chế độ, họ thường cho đó là một nhượng bộ không ăn thua gì với họ.

Một khi đã chấp nhận nhượng bộ, phe tranh đấu cần phải có biện pháp kiểm chứng để bảo đảm là phía chế độ giữ lời hứa. Một thí dụ thường thấy là chế độ hay chấp nhận cho bầu cử nhưng dùng đủ mọi thủ đoạn để gian lận.

3. Ép buộc: phe tranh đấu chỉ có thể dùng biện pháp ép buộc khi chế độ đang thất thế và sẵn sàng chấp nhận yêu sách.

Tuy phong trào tranh đấu đang thắng thế, một sự ép buộc quá sớm hay thiếu thực tế khiến cho chế độ không thể thực hiện sẽ làm giảm uy tín của phong trào.

Phe tranh đấu cần phải uyển chuyển trong việc gia hạn hay thay đổi các yêu sách.

Phe tranh đấu cần phải vạch ra những phản ứng nếu chế độ không thoả mãn các yêu sách. Các phản ứng này sẽ rất hiệu quả nếu có sự tham gia của đông đảo dân chúng và sự ủng hộ của công an và quân đội.

Điều cần thiết là phải duy trì cái trớn của hoạt động tranh đấu. Lãnh đạo phong trào cần phải cập nhật tình hình và chuẩn bị những nước cờ kế tiếp.

4. Chế độ tan vỡ: một khi phong trào tranh đấu thắng thế, họ cần tấn công chế độ trên cả hai mặt trận - bất hợp tác và can thiệp – và duy trì khí thế cho tới khi chế độ hoàn toàn tan rã.

II. Phương pháp Tranh đấu Bất bạo động

Phương pháp tranh đấu cần phản ánh sách lược được áp dụng trong mỗi giai đoạn. Hành động tranh đấu bất bạo động thường bị chế độ đàn áp bằng bạo lực. Phe tranh đấu phải biết dùng truyền thông để phơi bày tất cả những hành vi tàn ác của công an mật vụ trước công luận quốc nội và quốc ngoại. Điều này làm cho chế độ đắn đo hơn khi quyết định sử dụng bạo lực vì rất có cơ nguy phản tác dụng.
Sự lựa chọn phương pháp tuỳ thuộc vào mục tiêu. Một cách tổng quát, có 3 phương pháp đấu tranh bất bạo động: phản đối và thuyết phục, bất hợp tác và can thiệp.

1. Phản đối và Thuyết phục: biểu tình là hình thức tranh đấu có tác dụng biểu tượng mạnh mẽ - nó cho thấy là dân chúng đã chán ghét chế độ và sẵn sàng chống đối ra mặt. Trước khi biểu tình, phong trào tranh đấu cấn phải chuẩn bị về mặt truyền thông vì đó là tác động chính. Trong thời đại toàn cầu hoá và Internet, phe tranh đấu cần chú trọng vào mạng xã hội và thông tấn quốc tế.

2. Bất hợp tác: đây là hình thức tranh đấu bất bạo động mạnh mẽ nhất và cần được chuẩn bị thấu đáo nhất. Nếu có sự hợp tác của đông đảo dân chúng và được điều hợp đúng đắn, nó sẽ làm tê liệt chính phủ. Ngoài chiến dịch bất hợp tác trong nước, phong trào tranh đấu cần phải vận động cho cộng đồng quốc tế áp dụng cấm vận trong nhiều hình thức, đặc biệt là những biện pháp trừng phạt đội ngũ lãnh đạo.

a. Bất hợp tác về xã hội: bất kỳ người dân nào cũng có thể tranh đấu bằng hình thức bất hợp tác này:
Tẩy chay tất cả những sự kiện liên quan đến lãnh đạo của chế độ và bộ máy tuyên truyền của họ. Không mời, không thiết lập quan hệ với quan chức độc tài.

b. Bất hợp tác về kinh tế

Tránh làm ăn với chế độ làm giảm khả năng kinh tài và mua chuộc ủng hộ viên của quan chức.

Không đầu tư và không khuyến khích nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế vốn là ‘con bò sữa’ của chế độ sẽ gây bất ổn về kinh tế và làm lung lay chế độ.

Phe tranh đấu cần có sự hợp tác của kinh tế gia để nhận định đâu là ‘tử huyệt’ của nền kinh tế độc tài.

c. Bất hợp tác về chính trị: vốn được xem là một sự tấn công trực tiếp vào thành trì của chế độ độc tài vì nó biểu hiện sự không công nhận quyền lực của chế độ và đồng thời củng cố sức mạnh của các tổ chức xã hội dân sự. Những hình thức bất hợp tác về chính trị gồm có:

Tuyên cáo, tuyên bố, văn bản,v.v… với nội dung phủ nhận thẩm quyền của các định chế nhà nước độc tài. Đình công, bãi công, lãng công.

3. Can thiệp: là những hành vi bất tuân dân sự công cộng và giàu tính cách biểu tượng như chiếm đóng, toạ kháng, v.v…

Những hành động này thường cố tình vi phạm luật pháp mà phe tranh đấu cho là bất công hay vô lý (như luật không cho người da đen đi chung xe bus với người da trắng ở Nam Phi cũ hay ở Mỹ trước thập niên 60) nên cũng hay nhận được sự đàn áp không nương tay của công an mật vụ. Hành động tàn ác của họ thường phản tác dụng và làm cho người ủng hộ tranh đấu ngày càng đông khi họ thấy rõ bản chất của chế độ.

Để thành công, phương pháp can thiệp cần được kế hoạch để duy trì cả trớn lẫn sự quyết tâm của người tham gia.

Trần Hạnh diễn dịch. (FB Nga Thi Bich Nguyen)