Kim Jong-un đàm phán với Mỹ cho cái gì? (Bùi Quang Vơm)
Như vậy, Triều Tiên sẽ phải thống nhất nhưng quyền quyết định chính trị
thuộc về thế lực sở hữu sức mạnh hạt nhân, tức là thống nhất dưới sự
kiểm soát của Bắc Tiều Tiên.
Trong bữa tiệc chiêu đãi đoàn Nam Hàn,
Kim Jong-un đã chuyển cho đại diện Nam Hàn thư đề nghị đàm phán với Mỹ
về giải trừ Hạt nhân tại Bắc Triều Tiên.
Việc đề xuất sáng kiến này khởi đầu bằng sáng kiến tham dự Olimpic mùa
đông và những cuộc gặp gỡ cao cấp, tiến tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai
miền tại Bàn Môn Điếm.
Tuy nhiên, những việc này tự thân nó chỉ là những hoạt động có tính chất
nghi lễ xúc tác, có một mục đích là dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh
giữa Mỹ và Bắc Triều.
Vậy mục đích của cuộc gặp gỡ với Mỹ theo ý đồ của Kim là gì? Xung đột của cuộc gặp này nằm ở đâu?
Có thể thấy điều kiện cho việc giải trừ hạt nhân tại bắc Triều Tiên
không phải chỉ là cam kết của Mỹ về an ninh cho chế độ Bắc Triều, như
những phân tích của các chuyên gia quốc tế gần đây: Triều Tiên sẵn sàng
tiêu huỷ chương trình hạt nhân nếu đạt được một đảm bảo của Mỹ về sự tồn
tại an toàn của chế độ.
Muốn hiểu được điều gì đang xảy ra, cần hiểu trước hết lịch sử hình thành triết lý của triều đại Kim.
Ngay sau khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Triều Tiên năm 1955, Kim
Nhật Thành đã bắt đầu một triết lý: "Vũ khí quyết định độc lập". Chính
sách "Quân sự trước hết" vì thế là chính sách "bất khả thay đổi" liên
tục suốt ba thế hệ từ Kim Nhật Thành đến nay. Độc lập ở đây không chỉ có
nghĩa độc lập với Mỹ mà độc lập với cả Trung Quốc. Suốt 70 năm từ ngày
lập nước, chưa một ngày Triều Tiên thực sự có cảm xúc của một nền độc
lập. Triều Tiên luôn bị đe doạ tái diễn chiến tranh với Mỹ bởi một Hiệp
định chỉ mới là Tạm đình chiến, trong khi luôn có một chính sách thù
địch từ phía Mỹ. Nhưng cùng một lúc, thậm chí rất khó chịu hơn là áp lực
điều khiển chính trị thâm độc từ phía Bắc Kinh, không cho sống, song
không được chết. Triều Tiên là một miếng sandwich kẹp giữa Mỹ và Trung
Quốc.
Kim Nhật Thành và các thế hệ tiếp theo, đương nhiên, không có tư tưởng
chia cắt Triều Tiên, vì vậy, triết lý « Vũ khí quyết định độc lập » bao
gồm trong đó chiến lược thống nhất hai miền.
Nhưng cũng giống như mọi quốc gia từng chịu áp lực của Trung Quốc, thiên
hướng của Triều Tiên là tìm đến phía Mỹ, chỉ đơn giản là không ai tìm
độc lập bên cạnh Trung Quốc.
Tuy vậy, bên cạnh Mỹ, người Triều Tiên đã có một nửa là Nam Hàn. Không
thể có hai Triều Tiên cùng là đồng minh, hoặc ít nhất cùng thân thiện
với Mỹ và bình đẳng trước Mỹ mà không thống nhất. Nhưng Thống nhất thế
nào? Thống nhất theo kiểu trưng cầu dân ý thì sẽ có một hiện tượng tương
tự Đông và Tây Đức.
Đây chính là bài toán được giải đáp bằng sức mạnh hạt nhân. Lô-gíc của
nó là: Mỹ cần có quốc gia hạt nhân là đồng minh của Mỹ bên cạnh Trung
Quốc.
Như vậy, Triều Tiên sẽ phải thống nhất nhưng quyền quyết định chính trị
thuộc về thế lực sở hữu sức mạnh hạt nhân, tức là thống nhất dưới sự
kiểm soát của Bắc Tiều Tiên.
Có thể dự đoán trước nội dung các cuộc thương lượng Bắc-Nam Triều Tiên
sẽ là thuyết phục Nam Hàn chấp nhận giải pháp Triều Tiên thống nhất là
Quốc gia Hạt nhân, cả hai cùng quyết tâm đòi được công nhận là Quốc gia
hạt nhân. Sức thuyết phục sẽ là một Triều Tiên độc lập với Trung Quốc.
Như vậy, có thể thấy ngay rằng, nếu Trump không hiểu được chiến lược này của Bắc Triều Tiên, thì cuộc đàm phán sẽ lại bế tắc.
Vấn đề là, Mỹ có thể chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hay
không, bằng cách gì đảm bảo Triều Tiên vĩnh viễn là đồng minh với Mỹ
hay với thế giới tiến bộ?
Với một ông Tổng thống Mỹ như Donald Trump thì việc nghi ngờ một chiều
sâu chiến lược đủ để giải đáp những bài toán trên là hoàn toàn hiểu
được. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh xảy ra mà thất bại thì cũng không quá
ngạc nhiên.
16/03/2018