Cuối năm nay triển khai dự án đường sắt cao tốc 5 tỉ USD (TN)

Ngày 2.2 qua, Viện KH-CN Phương Nam đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với quỹ Morfund của Canada với quy mô vốn đầu tư cho dự án là 6,3 tỉ đô la Canada (tương đương 5 tỉ USD hay 112.000 tỉ đồng). MOU này chính là cơ sở pháp lý để tiến hành các bước kế tiếp đầu tư tài chánh cho dự án.








Ngày 6.3, Viện Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Phương Nam thông tin dự án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành hồ sơ Dự án khả thi sau 5 năm triển khai thực hiện.

Ngày 2.2 qua, Viện KH-CN Phương Nam đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với quỹ Morfund của Canada với quy mô vốn đầu tư cho dự án là 6,3 tỉ đô la Canada (tương đương 5 tỉ USD hay 112.000 tỉ đồng). MOU này chính là cơ sở pháp lý để tiến hành các bước kế tiếp đầu tư tài chánh cho dự án.

Viện KH-CN Phương Nam cho biết đơn vị này đang tiến hành thủ tục báo cáo Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội trong năm nay, dự kiến sẽ triển khai dự án vào cuối năm.

Theo đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ cập theo đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu. Hướng tuyến mới rút ngắn còn 139 km từ ga đầu Tân Kiên (TP.HCM) đi qua các ga thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối là Cảng Cái Cui TP.Cần Thơ (ga Nam Cần Thơ). 
 
Tuyến đường sắt có 10 ga được quy hoạch thành 10 thành phố mới quy mô dân số tương đương một phường, xã với đầy đủ cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nhà ở, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị... theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
Tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Như vậy, từ TP.HCM đến Cần Thơ tàu chạy chỉ mất 45 phút. Dự án có tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD, do Viện KH-CN Phương Nam và Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) nghiên cứu thực hiện.
 
H.Mai