Vì sao nhiều ngân hàng nước ngoài tháo chạy khỏi VN? (BBC)

Không rõ có bao nhiêu ngân hàng nước ngoài gần đây đã chạy khỏi Việt Nam do lo ngại về nguy cơ chính trị tiềm ẩn của tình trạng phá sản ngân hàng đột ngột. Tuy nhiên, tất cả các ngân hàng nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam đều biết cân nhắc cẩn thận những rủi ro chính trị ở các quốc gia họ đầu tư.





 Việt Nam đang chứng kiến số lượng ngày càng tăng các ngân hàng nước ngoài rút lui, dấu hiệu mới nhất cho thấy không phải tình hình như giới chức Hà Nội khẳng định, theo một chuyên gia kinh tế.


Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập vừa có bài phân tích nguyên nhân của xu thế này trên tờ Asia Times.

Xu thế này bắt đầu từ năm 2015, và tăng tốc đang kể năm 2016, theo ông Dũng.Tháng 9/2016, HSBC Việt Nam thoái vốn khỏi Techcombank do không thu được lãi từ nguồn vốn bỏ ra.Tháng 4/2017, ANZ đóng cửa, chuyển giao chi nhánh, sáu văn phòng giao dịch và 125.000 khách hàng cá nhân sang Ngân hàng Shinhan. 

Tháng 7/2017, Ngân hàng Commonwealth Bank của Úc (CBA) bán chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (VIB), sau khi duy trì kể từ năm 2008. 

Tháng 1/2018, BNP Paribas của Pháp bán hết 18,7% cổ phần từ Ngân hàng Phương Đông (OCB) thành phố Hồ Chí Minh sau một thập kỷ hợp tác.

Cũng tháng 1/2018, Standard Chartered đóng cửa, bán toàn bộ 8,75% cổ phần trong ACB sau 12 năm hợp tác.

Các công ty con của Standard Chartered là APR Standard Chartered và Standard Chartered (Hong Kong) bán 154 triệu cổ phiếu cho một nhóm các công ty đầu tư. Trước đó, ngân hàng này rút các đại diện trong ban giám đốc của ACB vì những lý do không rõ ràng.

Các ngân hàng nước ngoài đang đổ xô đi tìm lối thoát ở Việt Nam bất chấp sự khởi sắc mạnh mẽ của thị trường chứng khoán năm qua, Tiến sỹ Dũng bình luận.

Nguyên nhân vì đâu?

Quản lý rủi ro kém, ngân hàng đe dọa vỡ nợ và rủi ro tài chính gia tăng là các nguyên nhân được Tiến sỹ Dũng đưa ra trong bài báo trên Asia Times. 

Một số nhà phân tích tài chính cho rằng các ngân hàng nước ngoài rút trong bối cảnh Việt Nam triển khai Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó cho phép ngân hàng nộp đơn xin phá sản. Quy định này có hiệu lực vào ngày 15/1 năm nay.

Thoái vốn là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi niềm tin vào hệ thống tài chính và triển vọng kinh tế của Việt Nam. Kỳ vọng lãi suất tăng ở Mỹ và Liên minh Châu Âu sau gần một thập niên duy trì gần bằng không cũng có thể là một yếu tố.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh tin rằng làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài rút lui bắt đầu năm 2016 khi các quỹ đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu lên tới 400 triệu đôla trên sàn giao dịch địa phương.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, tài chính độc lập cho rằng nguyên nhân chủ yếu do nợ xấu cao và quản lý rủi ro không hiệu quả tại các tổ chức tài chính địa phương.

Theo tờ Dân Việt, sự tháo chạy của ngân hàng nước ngoài còn có những nguyên nhân khác như thị trường không minh bạch, không ổn định, không công bằng trong việc đối xử giữa cơ quan chủ quản với ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước.

"Ví dụ như một Nghị định của Ngân hàng Nhà nước ban hành, ngân hàng nước ngoài sẽ tuân thủ 100% kể cả họ phải mất khách hàng hay mất thị phần. Nhưng các ngân hàng nội thì sẽ có độ trễ tuân thủ nhất định, hoặc không tuân thủ hoặc tìm đủ mọi kẽ hở để không tuân thủ, miễn là họ giữ được khách hàng, giữ được doanh thu, thị phần... mà điều này các cơ quan chủ quan hoàn toàn biết", bài báo trên Dân Việt viết.

"Một lý do nữa là sự cạnh tranh không lành mạnh trong những năm trở lại đây giữa ngân hàng nước ngoài và trong nước, dẫn đến thị phần của ngân hàng nước ngoài giảm xuống, các khách hàng quốc nội dần dần chia tay họ để bén duyên trở lại với ngân hàng nội địa."

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ cho rằng nguyên nhân bao gồm cả hiểu biết không đầy đủ về môi trường kinh doanh tại địa phương và mức độ tuân thủ pháp luật cao hơn.

"Giám đốc bán lẻ của ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh giải thích: "Trong khi họ có công nghệ tốt hơn và cơ chế tài chính mạnh hơn, các ngân hàng nước ngoài không thể hoạt động giống như các đối tác Việt Nam vì phải tuân theo một số quy định cụ thể đối với các tổ chức tín dụng quốc tế."

"Các ngân hàng nước ngoài không chú ý đến việc mở rộng mạng lưới ATM hoặc POS, làm cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ trở nên khó khăn."

Nhưng truyền thông nhà nước và giới chức Việt Nam lại xem việc ngân hàng nước ngoài thoái vốn là những động thái "cá nhân" chứ không phải xu hướng chung.

Rủi ro từ chiến dịch chống tham nhũng

Những rủi ro đối với ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng có thể gia tăng kể từ chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo Tiến sỹ Dũng.

Chiến dịch này đã khiến một số cán bộ cấp cao, bao gồm một thành viên Bộ Chính trị, bị bỏ tù, nhưng cũng cho thấy dấu hiệu thanh trừng đảng phái. Các báo cáo gần đây cho thấy các khoản nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam đã lên đến 6.00 nghìn tỷ đồng (26,6 tỷ đôla Mỹ), hầu hết không được khôi phục thông qua phá sản hoặc bán tài sản cố định.

Một số nhà phân tích dự đoán rằng có đến 10 trong số 30 ngân hàng thương mại chính của VN sẽ đệ đơn xin phá sản vì Luật về các Tổ chức tín dụng sửa đổi cho phép.
Các nhà phân tích suy đoán số đăng ký phá sản sẽ chiếm một nửa số tổ chức tín dụng hiện đang hoạt động.

Việc hợp nhất các ngân hàng nhất thiết là do nhà nước lãnh đạo, nhưng không rõ họ có thể duy trì được sự ổn định của hệ thống trong quá trình này hay không. 

Vào cuối năm 2016, chính phủ đề xuất kế hoạch phá sản ngân hàng được Quốc hội chính thức thông qua vào tháng 6/2017.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 21/2017 về phí bảo hiểm tiền gửi, có hiệu lực từ ngày 5/8/2017. Quyết định này cho biết mức bồi thường cho mỗi cá nhân được bảo hiểm sẽ bị giới hạn 75 triệu đồng (3.300 đô la Mỹ) nếu ngân hàng phá sản.

Hơn nữa, các ngân hàng phá sản phải nộp tài sản cho cơ quan thuế trước khi giải quyết với người gửi tiền. Các nhà phân tích tài chính cảnh báo có rất ít hoặc không an toàn chút nào cho người gửi tiền tại các ngân hàng với vốn điều lệ nhỏ.

Với nợ công cao và dự trữ ngoại tệ thấp, Việt Nam có nguồn tài chính hạn chế để giải cứu các ngân hàng bị phá sản và duy trì sự ổn định của hệ thống. 

Điều đó có thể giải thích tại sao Thủ tướng Phúc cảnh báo vào tháng 1/2017 rằng hệ thống tài chính quốc gia "có thể sụp đổ" nếu tình trạng nợ công gia tăng không được kiểm soát. 

Không rõ có bao nhiêu ngân hàng nước ngoài gần đây đã chạy khỏi Việt Nam do lo ngại về nguy cơ chính trị tiềm ẩn của tình trạng phá sản ngân hàng đột ngột. Tuy nhiên, tất cả các ngân hàng nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam đều biết cân nhắc cẩn thận những rủi ro chính trị ở các quốc gia họ đầu tư.

Công ty Maplecroft, một công ty tư vấn rủi ro của Anh, trước đây liệt kê Việt Nam (cùng với Thổ Nhĩ Kỳ) là nước có nguy cơ chính trị cao nhất trong số 15 quốc gia có nguy cơ cao trên toàn cầu.
Sự kết hợp giữa phá sản ngân hàng, sự bất hòa trong nội bộ đảng và những dấu hiệu cho thấy sự bất mãn gia tăng ở cấp địa phương có thể đủ nguy cơ để nhiều ngân hàng nước ngoài tìm đường tháo thân.

Và mặc dù giới chức Việt Nam khẳng định tình hình đang được kiểm soát tốt, vấn đề đặt ra bây giờ là ngân hàng hay nhà đầu tư nước ngoài tiếp theo nào sẽ rời Việt Nam?