'Suu Kyi chắc chẳng hiểu nỗi đau của Rohingya' (BBC)

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói rằng ông không chắc bà Aung San Suu Kyi, người cầm quyền thực sự của Miến Điện "hiểu được nỗi kinh hoàng khủng khiếp" trong cuộc khủng hoảng của người tị nạn Rohingya.

 Boris Johnson thăm trại tỵ nạn Cox's Bazar trong chuyến viếng thăm Bangladesh đầu tiên sau một thập niên trong vai trò Bộ Trưởng Ngoại Giao


"Tôi không nghĩ rằng bà ta từng đáp trực thăng để xem những gì chúng tôi đã nhìn thấy. " Ông Johnson nói với BBC sau cuộc hội đàm tại thủ đô Nay Pyi Daw.

Ông kêu gọi bà Suu Kyi tiếp tay với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc trong việc giúp người tị nạn trở về.

Bạo lực tại vùng Rakhine của Myanmar đã khiến khoảng 700.000 người Rohingya phải trốn chạy sang Bangladesh từ tháng Tám năm ngoái.

Trả lời câu hỏi của Reeta Chakrabarti, phóng viên BBC, rằng ông có tin nhà chức trách ở Myanmar - còn được gọi là Miến Điện - đang trong ở tình trạng phủ nhận cuộc khủng hoảng, ông Johnson khẳng định: "Phải nói rằng, nói chuyện với các chính trị gia ở thủ đô, và nghe Daw Suu [Aung San Suu Kyi] Tôi không nghĩ rằng bà ấy đã thấu hiểu được toàn bộ mức độ kinh dị đã xảy ra, sự tàn phá tuyệt đối. "

Ông nói thêm: "Tôi chưa từng thấy điều gì kinh khủng như thế trong suốt đời mình. Hàng trăm ngôi làng bị đốt cháy. Sự tàn phá khốc liệt, và tôi nghĩ rằng ngay lúc này chúng ta cần một lãnh đạo làm việc với các cơ quan Liên Hiệp Quốc để đưa những người này trở về nhà".

Ông cho biết đã nói với bà Suu Kyi về "tình trạng khủng khiếp" của những người tị nạn "và mối quan tâm sâu sắc của tôi về tương lai của họ".

"Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chính quyền Miến Điện thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ và độc lập về bạo lực tại Rakhine, và phải bắt những người vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ".

Ông Johnson nói ông cũng nhấn mạnh đến nhu cầu làm cho Rakhine "trở thành một nơi an toàn để người tị nạn Rohingya trở về, thoát khỏi sợ hãi và biết rằng các quyền căn bản của họ sẽ được tôn trọng".

'Hòa bình toàn quốc'

Ông Johnson nói rằng nước Anh sẽ tiếp tục sử dụng ảnh hưởng toàn cầu của mình để "tìm cách tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng Rohingya".

Bộ Ngoại giao Myanmar nói rằng hai bên đã "thảo luận một cách cởi mở và thân thiện về những phát triển gần đây nhất ở bang Rakhine, bao gồm cả kế hoạch đón tiếp những người trước đây bỏ trốn hồi hương".

Sau khi đến thăm trại Cox's Bazar ở Bangladesh, nơi có hơn 500.000 người tị nạn, ông Johnson cho biết "điều kiện sống khủng khiếp" đã khiến ông củng cố cam kết phải tìm ra một giải pháp.

Sau khi gặp Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina và Bộ trưởng Ngoại giao Abul Hassan Mahmud Ali, ông nói: "Tôi chợt nhận ra những gì Bangladesh và Anh thực sự phải góp sức trong những việc cần phải làm".

Liên Hiệp Quốc đã miêu tả cuộc di dân của người Rohingya khỏi bang Rakhine, và cuộc tấn công quân sự gây ra sự kiện này, như một "ví dụ kinh điển về việc thanh lọc sắc tộc".

Kế hoạch hai năm

Bangladesh đã cùng Myanmar đồng ý một khung thời gian để người Rohingya hồi hương.

Tuy nhiên, các tổ chức viện trợ đã bày tỏ mối quan ngại về những con số liệu dự trù cho việc chuyển giao - Myanmar đã đồng ý nhận 1.500 Rohingya mỗi tuần; Bangladesh cho biết họ muốn tất cả mọi người hồi hương trong vòng hai năm.

Và những người tị nạn đang lo lắng về điều kiện sống và quyền lợi của họ khi trở về.

Anh là một trong những nhà tài trợ trực tiếp lớn nhất của viện trợ cho nỗ lực nhân đạo giúp người tị nạn.

Chuyến thăm Bangladesh của Ngoại trưởng Boris Johnson là chuyến thăm chính thức đầu tiên trong thập niên qua.

Từ Bangladesh, ông sẽ đến Bangkok, Thái Lan, để đàm phán với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.