Nguồn cơn nạn đói ở Venezuela (VNE)
Theo Miami Herald, dù trong tình cảnh khó khăn, đối mặt nạn đói
trầm trọng, chính quyền Tổng thống Maduro không thừa nhận thực tế rằng
họ đang gặp khủng hoảng, đồng thời từ chối chấp nhận đề nghị hỗ trợ từ
các quốc gia láng giềng hay những cơ quan cứu trợ. Chính quyền phủ
nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề, đổ lỗi cho hành động phá hoại của
phe đối lập và đòn "chiến tranh kinh tế" từ phía Mỹ. Hệ quả là rất ít sự
trợ giúp được đổ vào Venezuela.
Cậu bé cố gắng thu gom số ngô rơi rớt lại sau khi một chiếc xe tải chở
ngũ cốc bị cướp trên đường phố Puerto Cabello, Venezuela. Ảnh: AP.
Lái chiếc xe chở hàng của mình đi qua một đám đông đang ẩu đả hỗn loạn,
Carlos Del Pino nín thở, tim đập nhanh vì lo lắng. Sau khi vừa đánh xe
rời khỏi Puerto Cabello, cảng lớn nhất Venezuela, Del Pino chứng kiến
cảnh 20 người lao vào "xâu xé", cướp sạch một chiếc xe tải chở ngô. Tài
xế hoảng sợ cúi gằm trước họng súng.
"Nó thực sự khiến bạn thấy kinh hoàng", AP dẫn
lời Del Pino nói. Ông đã làm công việc vận chuyển hàng hóa được 14 năm.
Những tháng thuận lợi, ông có thể kiếm khoảng 100 USD, đủ nuôi sống gia
đình với một vợ, hai con.
Tuy nhiên, dù sợ hãi, Del Pino vẫn cảm thông cho những người đồng hương
khốn khó đang lâm vào tuyệt vọng. Nạn đói hoành hành ở Venezuela đã đẩy
họ vào bước đường cùng, phải đi cướp thực phẩm để duy trì sự sống.
Tình trạng bạo lực, tranh cướp lương thực và biểu tình đang ngày càng
trở nên phổ biến tại Venezuela. Nhưng các cuộc biểu tình hiện nay khác
hoàn toàn với cuộc biểu tình do tầng lớp trung lưu phát động kéo dài
nhiều tháng hồi năm ngoái với động cơ chính trị nhằm lật đổ Tổng thống
Nicolas Maduro.
"Những người biểu tình này xuất thân từ các tầng lớp thấp trong xã hội,
đơn giản là họ không đủ ăn", ông David Smilde, chuyên gia cấp cao thuộc
Văn phòng Washington về châu Mỹ - Latin, cho biết. "Họ muốn sự cứu trợ,
không nhất thiết buộc ông Maduro từ chức".
Venezuela từng là một trong những quốc gia giàu nhất châu Mỹ - Latin và
có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Câu hỏi đặt ra là vì đâu mà một
Venezuela thịnh vượng ngày nào lại lâm vào khủng hoảng trầm trọng như
hiện tại?
Chính sách "không lành mạnh"
Được bầu làm tổng thống vào năm 1998, ông Hugo Chavez trở nên nổi tiếng
với lời hứa chia sẻ nguồn trữ lượng dầu mỏ mà Venezuela nắm giữ với
người nghèo và đảm bảo an ninh lương thực. Để có tiền hiện thực hóa
những chương trình nghị sự đầy tham vọng của mình, ông Chavez chủ yếu
dựa vào nguồn lợi nhuận đến từ dầu mỏ, chiếm tới 93% giá trị xuất khẩu,
tính riêng trong năm 2008, theo New York Times.
Chính phủ Venezuela đẩy mạnh nhập khẩu các nhu yếu phẩm và bán thực phẩm
có trợ giá để giúp tất cả người nghèo trên đất nước đều đủ ăn. Đến cuối
năm 2014, thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong
khi đó, Venezuela không tích lũy được gì nhiều từ giai đoạn giá dầu
"bùng nổ" những năm 2000.
Dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro, người kế nhiệm ông Chavez,
Venezuela phải cắt giảm nhập khẩu và dùng nguồn tiền dự trữ khá hạn hẹp
để trả nợ nước ngoài và tránh vỡ nợ. Kết quả là thực phẩm và thuốc thang
nhập từ nước ngoài dần trở nên khan hiếm.
Tình trạng thiếu lương thực cũng bắt nguồn từ việc năng lực sản xuất
trong nước bị suy yếu bởi những chính sách được cho là "không lành mạnh"
của chính phủ, giới chuyên gia đánh giá.
Chính quyền cố gắng phân phối lại tài sản bằng cách tịch thu thô bạo
hàng trăm công ty tư nhân và vô số đất đai. Chính sách trên chủ yếu nhằm
mục tiêu chuyển quyền sở hữu từ khu vực tư nhân sang cho chính phủ kiểm
soát, giáo sư Daniel Varnagy tại Đại học Simon Bolivar nhận xét. Nhưng
những tài sản bị tịch thu lại không được quản lý một cách hiệu quả, dẫn
tới làm giảm khả năng sản xuất nội địa.
Mặt khác, năm 2003, Venezuela còn ban hành chính sách kiểm soát quy đổi
tiền tệ. Chính phủ trở thành bên duy nhất nắm quyền quản lý, điều phối
dòng USD. Hầu hết các công ty tư nhân đều gặp khó khăn trong việc mua
USD từ chính phủ để nhập khẩu nguyên liệu thô và máy móc phục vụ sản
xuất, ông Ricardo Hausmann, giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế tại
Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, cho hay. Quy định trên tạo điều
kiện để thị trường chợ đen phát triển, nơi một đồng USD có thể bán cao
gấp 700 lần giá trị.
Chính phủ tiếp tục hạn chế khả năng tiếp cận với đồng USD sau khi giá
dầu sụt giảm, luôn ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước, buộc các công
ty tư nhân phải tìm đến thị trường chợ đen. Không thể đáp ứng giá cả ở
chợ đen, không ít công ty quyết định từ bỏ nhập khẩu, dẫn tới việc ngày
càng nhiều sản phẩm biến mất khỏi các kệ hàng.
Ngoài ra, chính phủ còn áp dụng Luật Giá Bình đẳng, qua đó kiểm soát cả
việc sản xuất, phân phối và định giá sản phẩm. Những biện pháp này khiến
vô số công ty lâm vào cảnh không có lãi và phải ngừng sản xuất, làm
trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt hàng hóa, ông Felix Seijas, giáo sư
tại Đại học Trung ương Venezuela, nhận định.
Bên cạnh chi phí đắt đỏ, nông dân còn phàn nàn rằng phân bón và các
thiết bị nông nghiệp hầu như không có sẵn. Vậy nên, nếu một cỗ máy bị
hỏng hóc, cả dây chuyền sản xuất có thể phải ngừng hoạt động.
Kết quả cuối cùng là khủng hoảng lương thực bùng phát. Ngay cả những gia
đình trung lưu Venezuela giờ đây cũng phải thay đổi, không chỉ chế độ
ăn uống mà còn cả tần suất các bữa ăn. Hầu hết người dân Venezuela ăn
không quá hai bữa mỗi ngày, nếu như họ may mắn.
Siêu lạm phát
Venezuela đã thiết lập những hệ thống tỷ giá khác nhau cho đồng tiền
chính thức của quốc gia này, đồng bolivar. Một tỷ giá được xây dựng cho
cái mà chính phủ cho là "sản phẩm thiết yếu", một tỷ giá dành cho "các
sản phẩm không thiết yếu" và một tỷ giá khác áp dụng cho người dân.
Hai tỷ giá đầu tiên nâng cao giá trị đồng bolivar nhưng thị trường chợ
đen lại coi đồng bolivar gần như vô giá trị. Chính phủ định giá 710
bolivar tương đương một USD, song ở thị trường chợ đen, 4.283 bolivar
mới đổi được một USD, theo số liệu năm 2017. Thực trạng trên dẫn tới
tình cảnh người dân quay lưng với đồng bolivar và chuyển sang sử dụng
USD.
Bởi chính sách của chính phủ, chi phí sản xuất các mặt hàng cơ bản bị
tăng quá cao, dẫn tới tiền mặt trong lưu thông không đủ để chi trả. Tình
hình ấy dẫn đến việc chính phủ phải liên tục in thêm tiền mặt nhằm đối
phó. Vòng tròn luẩn quẩn này đưa Venezuela đến bên bờ vực rơi vào thời
kỳ siêu lạm phát. Tỷ lệ lạm phát tính đến tháng 10/2017 đạt trên 800%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán giá tiêu dùng trong năm 2018 có thể
tăng hơn 2.300%.
Thực tế, chính phủ Venezuela có tăng lương tối thiểu cho người dân. Năm
ngoái, chính quyền Tổng thống Maduro đã ba lần tăng lương tối thiểu. Tuy
nhiên, mức tăng lại không tỷ lệ với tốc độ gia tăng giá cả.
Theo CNN, lương tối thiểu ở Venezuela hiện tại là 8 USD, trong
khi giá trung bình cho một giỏ hàng nhu yếu phẩm rơi vào khoảng 30,94
USD, gấp gần 4 lần lương tối thiểu.
Không chấp nhận viện trợ
Theo Miami Herald, dù trong tình cảnh khó khăn, đối mặt nạn đói
trầm trọng, chính quyền Tổng thống Maduro không thừa nhận thực tế rằng
họ đang gặp khủng hoảng, đồng thời từ chối chấp nhận đề nghị hỗ trợ từ
các quốc gia láng giềng hay những cơ quan cứu trợ. Chính quyền phủ
nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề, đổ lỗi cho hành động phá hoại của
phe đối lập và đòn "chiến tranh kinh tế" từ phía Mỹ. Hệ quả là rất ít sự
trợ giúp được đổ vào Venezuela.
Vì sao chính phủ Venezuela không chấp nhận viện trợ từ bên ngoài là câu
hỏi chưa có lời giải. Bất chấp những khó khăn của chính mình, Venezuela
vẫn thường xuyên cung cấp viện trợ cho các nước khác. Sau hai cơn bão
Maria và Irma hồi năm ngoái, chính phủ Venezuela đã gửi thực phẩm và các
đội cứu hộ tới Caribbe để trợ giúp. Caracas cũng viện trợ Ecuador sau
trận động đất hồi năm 2016 ở nước này.
Vũ Hoàng