Mậu Thân Huế: Tại sao phải thảm sát? (Lữ Giang)
Có
tác giả cho rằng sở dĩ Hà Nội đã đưa ra quyết định tàn sát tập thể vì
lý do an ninh. Hà Nội muốn chiếm Huế và giữ Huế lâu dài như là một căn
cứ địa, thủ đô của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Do đó, để bảo vệ an
ninh trong vùng chiếm đóng, Hà Nội đã ra lệnh thanh toán tất cả những
thành phần bị coi là có thể gây nguy hại cho an ninh của họ như tuyên
truyền chống đối, quấy rối, làm nội ứng, hình thành các nhóm võ trang
chống lại lực lượng chiếm đóng, v.v.
Trong
phần trước chúng tôi đã trình bày rõ Mỹ biết âm mưu của Cộng quân là
huy động lực lượng chiếm Huế để làm thủ đô của Mặt Trận Giải Phóng Miền
Nam, nên Mỹ đã huy động một lục lượng lớn, chờ Cộng quân rơi vào tử địa
rồi tiêu diệt.
Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày qua về tình trạng thảm sát ở Huế và phân tích lý do tại sao Hà Nội phải ra lệnh tàn sát.
Thực hiện cuộc thảm sát
Trước
khi Cộng quân mở cuộc tấn công Huế, các thành phần ly khai bỏ đi theo
Việt Cộng từ năm 1966 và các phần tử nằm vùng đã lập sẵn danh sách những
người mà chúng cho rằng cần phải thanh toán. Vì thế, khi mới vào Huế,
chúng đã mở cuộc lục xét khắp nơi để tìm kiếm những người này.
Ngoài
những người có tên trong "sổ đen", các toán an ninh đi lùng bắt các
thành phần bị coi là Việt gian, ác ôn hay phản động như công chức, binh
sĩ Việt Nam Cộng Hòa, cảnh sát, nhân viên sở Mỹ, các thành phần đảng
phái, người công giáo, v.v.
1. Tại Thành Nội (Quận 1) và một phần khu Tả Ngạn (Quận 2)
Hoàng Nguyên giao việc thanh lọc và xét xử cho cho hai sinh viên là Nguyễn Đọc và Nguyễn Thị Đoan. Hầu
hết những người bị lôi ra tòa chẳng biết lý do tại sao họ bị bắt. Nhưng
tất cả đều bị kết án tử hình sau khi bị dọa, qui chụp và kết tội. Một
số bị xử tử ngay tại chỗ.
Phiên
tòa tại Thành Nội và khu Tả Ngạn chỉ kéo dài trong 2 ngày là xong, sau
đó một chiến dịch khủng bố đã được phát động. Một người mở trộm radio
nghe đã bị đưa ra bắn giữa đường phố để làm gương. Một anh sinh viên
không tới dự lớp học tập cũng bị đưa ra bắn. Nguyễn Đọc đã bắn nhiều
người, trong đó có một bạn thân đồng lớp với anh ta, chỉ vì anh này
không chịu hợp tác với y.
2. Tại khu Gia Hội
Hoàng Nguyên giao Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường phụ trách.
Hoàng Phủ Ngọc Tường
tốt nghiệp đại học Huế, đi dạy học và là một trong các lãnh tụ sinh
viên Phật giáo đấu tranh chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa năm 1966,
sau đó Tường đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Chùa Theravada ở
đường Võ Tánh được dùng làm trụ sở để các công chức và quân nhân Việt
Nam Cộng Hòa đến trình diện. Trường Trung học Gia Hội của Dòng Mai Khôi
(Phú Xuân) được dùng làm nơi giam giữ và xét xử các thành phần bị coi là
Việt gian hay phản động.
Theo Bác sĩ Elje Vannema, các phiên tòa ở đây đểu do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ tọa.
Người đi bắt và bắn chết các nạn nhân là Diệu Linh, người Quảng Ngãi, làm nghề thầy bói và khoác cái áo Việt Nam Quốc dân đảng.
Cuộc
tàn sát tại đây được thực hiện rất bừa bãi và tàn bạo. Chẳng hạn như
hai anh Nguyễn Ngọc Lộ và Nguyễn Thiết bị hạ sát chỉ vì làm nghề nghề
dạy võ thất sơn thần quyền, bị cho là một bộ phận của Đại Việt Quốc dân
đảng. Hai anh đã bị chôn sống ngay trên con đường nhỏ rẽ vào Trường
Trung học Gia Hội sau khi bị đánh bằng cuốc vào đầu. Nghe nói vợ anh Lộ
và ba cháu gồm hai gái một trai cũng bị giết tại nhà ở xã Phú Lưu.
Trong
số những người bị giết tại Gia Hội, người ta thấy có các nhân vật sau
đây : ông Lê Văn Cư, Phó giám đốc cảnh sát quốc gia Vùng I và ông Phú
(em vợ anh Cư), Quận trưởng Quận 2 ; ông Từ Tôn Kháng, thiếu tá Tỉnh
đoàn trưởng Xây dựng nông thôn Thừa Thiên ; ông Hồ Đắc Cam và ông Kim
Phát, Việt Nam Quốc dân đảng ; ông Trần Văn Nớp, Trưởng phòng hành chánh
Ty cảnh sát Thừa Thiên. v.v.
Nguyễn Đắc Xuân
là người tổ chức và lãnh đạo "Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử" tại Huế
năm 1966 để chống lại Việt Nam Cộng Hòa. Khi bị đánh bại, Xuân đã trốn
theo Việt Cộng và trở lại cố đô vào Tết Mậu Thân, phụ trách đội "Công
tác thanh niên" nhắm mục đích khuyến dụ các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa
và cảnh sát bị kẹt ở Huế ra trình diện.
Với
số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ra trình diện này, Nguyễn Đắc Xuân thành
lập "Đoàn quân nhân Sư đoàn 1 ly khai" và bắt Đại úy Nguyễn Văn Lợi,
Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 4, Trung đoàn 2, mới từ Đông Hà trở về ăn Tết
làm Trưởng đoàn. Sau đó, Xuân lập "Đoàn nghĩa binh cảnh sát", bắt ép
Quận trưởng Hữu Ngạn là Nguyễn Văn Cán ra chỉ huy.
Tuy
nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, Bộ tư lệnh Quân khu ra lệnh giải tán
hai tổ chức này. Đột nhiên, ngày 18/2/1968, toán an ninh ra lệnh cho
các công chức và quân nhân phải ra trình diện lần hai tại trường Gia Hội
rồi giữ lại và đem đi thủ tiêu luôn.
Gia đình những nạn nhân cuộc thảm sát Tết Mậu Thân Huế đi tìm xác và nhận diện thân nhân
3. Tại khu Hữu Ngạn (Quận 3)
Toán
an ninh ở khu Tả Ngạn không lập tòa án để xét xử các nạn nhân như ở khu
Thành Nội và khu Gia Hội. Tại đây, các nạn nhân bị bắt đều bị đưa về
giam ở chùa Từ Đàm, bắt làm tờ khai và được thanh lọc rồi đưa đi thủ
tiêu. Số nạn nhân ở khu vực này đông nhất vì gồm những người đến ẩn nấp
trong khu Dòng Chúa Cứu Thế và Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.
Tại khu Dòng Chúa Cứu Thế :
khu Hữu Ngạn (tức Quận 3) do Nguyễn Mậu Hiên, bí danh Bảy Lanh đánh
chiếm. Bảy Lanh là con nuôi của nhà thuốc bắc Thiên Tường tại chợ An
Cựu. Hai con trai của nhà thuốc Thiên Tường là cán bộ Việt Cộng nằm vùng
ở cơ quan Xây dựng nông thôn. Vì thế, khi Bảy Lanh vừa làm chủ vùng An
Cựu, ông Thiên Tường và hai người con đã đi lùng bắt tất cả những công
chức, quân nhân, cảnh sát, thành phần đảng phái... trong khu vực Dòng
Chúa Cứu Thế.
Tiếp
theo, chúng lùa khoảng 150 người đang ẩn trú trong Dòng Chúa Cứu Thế ra
sân để thanh lọc. Chúng xét hỏi giấy tờ của từng người. Những ai có căn
cước ghi là quân nhân hay công chức đều được đưa ra khỏi hàng ngay,
trong đó có Thượng nghị sĩ Trần Điền.
Có khoảng 500 người trong khu vực này bị bắt đưa về chùa Từ Đàm. Về sau, cả ba cha con ông Thiên Tường đều bị bắt.
Tại nhà thờ Phủ Cam :
Nhà
thờ này lúc đó chỉ mới được xây xong phần cung thánh và hai cánh tả
hữu, nhưng có tường rất dày và trần được đúc bằng bê-tong cốt sắt, nên
có thể che chở phần nào bom đạn. Do đó, có trên 3.000 người đã đến ẩn
nấp tại đây.
Khoảng
1 giờ đêm 7/2/1968, du kích và các toán an ninh đã vào lục soát nhà
thờ, sau đó chúng bắt những người từ 15 đến 50 tuổi đứng lên, không phân
biệt thành phần. Có khoảng 500 người thuộc lớp tuổi này. Chúng tuyên bố
: "Các anh được đưa đi học tập 3 ngày rồi trở về". Sau đó chúng dẫn
những người này đi về chùa Từ Đàm và bắt làm tờ khai. Thỉnh thoảng chúng
đưa một người ra gốc cây bồ đề trước sân chùa và bắn chết rồi chôn ngay
trong sân chùa. Về sau, người ta đếm được có 20 xác.
Hai
hôm sau, vào lúc trời tối, các toán an ninh gọi mọi người ra sân, lấy
dây điện thoại trói ké lại, rồi dùng dây kẻm gai xâu 20 người lại một
xâu, và dẫn đi về phía Nam Giao.
Thân
nhân nạn nhân cuộc thảm sát Tết Mậu Thân Huế đau đớn khóc nhìn hài cốt
thân nhân, phần lớn sọ não nạn nhân bị đập bễ bằng cuốc xẻn
Ở bệnh viện :
Trò
tương tự cũng đã diễn ra. Dân quanh vùng, đặc biệt là vùng quanh căn cứ
Mỹ, Cộng quân viện lý do chiến tranh sắp xẩy ra trong vùng nên ra lệnh
cho dân chúng tập trung vào bệnh viện. Sau ba ngày, họ bảo đàn bà và trẻ
con ngồi xuống, còn đàn ông đứng dậy. Sau đó, chúng đưa hai tên nằm
vùng đến nhận diện. Hai tên này vừa mới được xổ tù khi Cộng quân chiếm
thành phố. Một số người, trẻ có già có, được cấp thẻ và dẫn về nhà thờ
chính tòa Phủ Cam và từ đó họ được đưa lên chùa Từ Đàm.
Tất
cả những người bị giam ở chùa Từ Đàm đều được dẫn về phía Tây Nam và
lần lượt bị hạ sát tại những nơi khác nhau, kể cả ở Khe Đá Mài, cách Huế
khoảng 26 cây số.
Theo tạp chí Time ngày 31/10/1969, trong số các nạn nhân bị giết tại đây có 398 người là giáo dân Phủ Cam.
Cách
giết người của Cộng quân cũng đặc biệt. Cộng quân ra lệnh cho những
người bị bắt phải đào hố, nói là để làm hầm trú ẩn tránh bom đạn, hoặc
để làm mương dẫn nước cho dân chúng cày cấy. Sau khi đào xong, Cộng quân
trói thúc ké tay chân nạn nhân và quăng xuống hố rồi lấp đất lại. Có
người cho rằng Cộng quân phải chôn sống như vậy vì sợ bắn sẽ gây tiếng
động và để lộ mục tiêu.
Con số nạn nhân
Trong
cuốn "Công và Tội", ông Nguyễn Trân cho biết : "Về phía dân chúng, có
5.800 người chết, trong đó có 2.800 người bị Việt Cộng giết và chôn tập
thể : 790 là hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán tội "cường
hào ác bá" ; 1892 là nhân viên hành chánh ; 38 là cảnh sát, hàng trăm
thanh niên trong tuổi quân dịch, một linh mục Việt (Bửu Đồng), hai linh
mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số người Phi Luật Tân".
Lễ an táng nạn nhân sau cuộc thảm sát Tết Mậu Thân Huế 1968 - Ảnh tuần báo Life
Trong
"Encyclopedia of the Viet Nam War", David T. Zabecki ghi nhận rằng số
thi hài nạn nhân tìm được trong các mồ chôn tập thể ở Huế là 2.810
người và hàng ngàn người bị mất tích.
Trong
cuốn "The Vietcong Massacre at Hue" (Vintage Press, New York, 1976),
Bác sĩ Elje Vannema, người có mặt tại Huế trong biến cố Tết Mậu Thân,
cho biết theo tài liệu kiểm kê được qua 22 mồ tập thể, số nạn nhân bị
Cộng quân giết là 2.326 người, chia ra như sau :
- Trường Gia Hội : 203 người ;
- Chùa Theravada [Gia Hội] : 43 ;
- Bãi Dâu [Gia Hội] : 26 ;
- Cồn Hến [Gia Hội] : 101 ;
- Tiểu Chủng Viện : 6 ;
- Quận Tả ngạn : 21 ;
- Phía đông Huế : 25 ;
- Lăng Tự Đức và Đồng Khánh : 203 ;
- Cầu An Ninh : 20 ;
- Cửa Đông Ba : 7 ;
- Trường An Ninh Hạ : 4 ;
- Trường Văn Chí : 8 ;
- Chợ Thông : 102 ;
- Lăng Gia Long : 200 ;
- Chùa Từ Quang : 4 ;
- Đồng Di : 110 ;
- Vinh Thái : 135 ;
- Phù Lương : 22 ;
- Phú Xuân : 587 ;
- Thượng Hòa : 11 ;
- Thủy Thanh - Vinh Hưng : 70 ;
- Khe Đá Mài : 428.
Trong
cuốn "Viet Cong Strategy of Terror" (tr. 23 đến 29), Giáo Sư Douglas
Pike cho biết qua vụ Tết Mậu Thân ở Huế, có khoảng 7.600 nạn nhân của
Cộng Sản, trong đó 1.946 người bị mất tích.
Tại sao phải tàn sát ?
Dân chúng Huế vừa được quân đội Hoa Kỳ giải thoát khỏi những vùng bị Công quân chiếm đóng trong trận Tết Mậu Thân Huế 1968
Những sự kiện cụ thể chúng tôi vừa trình bày trên cho thấy :
1.
Việc chiếm Huế làm căn cứ địa cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là một
quyết định được Hà Nội nghiên cứu kỹ càng và ra lệnh cho Khu ủy và Bộ tư
lệnh Quân khu Trị Thiên Huế thi hành. Cán bộ thi hành cũng đã được huấn
luyện trước. Do đó, không thể có chuyện các cấp chỉ huy địa phương
quyết định tàn sát mà không có lệnh từ trung ương.
2.
Đa số các cuộc thảm sát đã diễn ra trong thời gian từ 2 đến 12/2/1968,
tức trong thời gian Cộng quân còn chiếm đóng Huế. Các nạn nhân thường
được kiểm tra hay xét xử rồi mới bị giết. Rất nhiều mộ tập thể đã được
tìm thấy ngay trong thành phố Huế, nhất là tại khu Gia Hội.
Một phụ nữ gào khóc khi nhận diện xác người thân - Ảnh tuần báo Life
Điều
này cho thấy không phải vì bị vướng chân khi rút quân nên Cộng quân mới
tàn sát tâp thể để có thể rút nhanh như một số người đã biện hộ cho
Cộng Sản.
3.
Đến tối 24/2/1968, Cộng quân mới ra lệnh rút lui toàn bộ khỏi Huế. Tài
liệu của Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế nói rằng có 23.702 quân địch,
trong đó có 8.000 tên Mỹ, đã bị diệt, bắt sống và ra hàng (tr. 153).
Như vậy số quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ đã bị tiêu diệt
hoặc bắt sống lên đến khoảng 3 sư đoàn, trong khi đó số quân Việt Nam
Cộng Hòa và Mỹ được dùng để tái chiếm Huế chưa tới 2 sư đoàn !
Giả
thiết tài liệu của Cộng quân là đúng, vậy số người bị họ bắt đi theo và
bị giết tập thể để khỏi bị vướng chân..., xác của những người này đã
được chôn ở đâu ? Các cuộc tìm kiếm sau Tết Mậu Thân 1968 không thấy có
xác quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ được chôn trên đường rút lui của
Cộng quân.
Chỉ
có một trường hợp bị xử tử ngay tại chỗ là, khi Cộng quân rút lui,
những thanh niên bị bắt đi theo từ chối không chịu gia nhập quân Mặt
Trận Giải Phóng Miền Nam đều bị bắn tại chỗ. Tại Gia Hội, người ta khám
phá ra xác của 18 thanh niên bị bắn chết vì không chịu đi theo. Khoảng
600 thanh niên khác vì sợ bị giết nên buộc phải đi theo họ.
Tóm
lại, lập luận cho rằng các nạn nhân đã bị tàn sát vì làm vướng chân
Cộng quân khi rút lui là ngụy biện và hoàn toàn láo phét. Đảng cộng sản
Việt Nam đã duy trì kỷ cương rất chặt chẽ trong khi hành quân nên không
thể có chuyện các cấp chỉ huy địa phương tự ý ra lệnh tàn sát tập thể
như một số người đã biện minh cho Hà Nội. Phải có lệnh của trung ương,
các cán bộ cấp dưới mới làm như vậy.
Vấn đề được đặt ra là :
Tại sao Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra quyết định tàn sát tâp thể như thế ?
Có
tác giả cho rằng sở dĩ Hà Nội đã đưa ra quyết định tàn sát tập thể vì
lý do an ninh. Hà Nội muốn chiếm Huế và giữ Huế lâu dài như là một căn
cứ địa, thủ đô của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Do đó, để bảo vệ an
ninh trong vùng chiếm đóng, Hà Nội đã ra lệnh thanh toán tất cả những
thành phần bị coi là có thể gây nguy hại cho an ninh của họ như tuyên
truyền chống đối, quấy rối, làm nội ứng, hình thành các nhóm võ trang
chống lại lực lượng chiếm đóng, v.v.
Giả thiết thứ hai là Đảng cộng sản Việt Nam muốn tạo sự kinh hoàng trong quần chúng để mọi người hoảng sợ và tuân phục. Đây là chính sách mà Lenin đã áp dụng tại Liên Xô trước đây.
Trong
quyển "The Unknown Lenin", Richard Pipes, Giáo sư Sử học Nga thuộc
Harvard University, ghi nhận rằng yếu tố lạnh người nhất là Lenin đã ra
lệnh "tạo sự kinh hoàng" trong quần chúng trên toàn quốc. Hồi đầu tháng
9/1918, Lenin viết : "Cần thiết và khẩn cấp chuẩn bị cho sự kinh hoàng,
một cách bí mật". Tháng 8/1918, Lenin chỉ thị cho bọn cầm quyền tỉnh
Penza phải treo cổ ít nhất 100 người, một cách công khai. Lenin truyền
lệnh : "Hãy thực hiện chuyện này bằng mọi phương cách mà người ta có thể
thấy, từ xa hàng trăm dặm, run sợ, biết đến, và gào thét. Họ bị treo
cổ, và sẽ bị treo cổ đến hết bọn địa chủ hút máu".
Đảng
cộng sản Việt Nam đã bắt chước đường lối này của Lenin và áp dụng tại
Huế trong dịp Tết Mậu Thân, vì họ nghĩ rằng Cộng quân có thể chiếm giữ
Huế lâu dài. Có lẽ giả thiết muốn tạo sự kinh hoàng trong quần chúng này
là đúng hơn cả.
Quân
đội Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh đã sử dụng tối đa hỏa lực có trong
tay, bất chấp những thiệt hại có thể gây ra cho cố đô Huế, để đánh bật
Cộng quân ra khỏi thành phố.
Ngoài
những tiêu chuẩn thanh toán mà Hà Nội đã đưa ra, cũng phải kể thêm là
các nhóm Phật giáo đấu tranh chống Việt Nam Cộng Hòa bỏ đi theo Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam từ năm 1966, khi trở về lại Huế đã đi tìm và thanh
toán những người trước đây đã không đồng ý hay chống lại chủ trương của
họ, đặc biệt là những người Công giáo.
Nhưng
Hà Nội đã có nhận định sai lầm về quyết tâm của quân đội Việt Nam Cộng
Hòa và sự hưởng ứng của quần chúng Phật tử ở Huế. Quân đội Việt Nam Cộng
Hòa và đồng minh đã sử dụng tối đa hỏa lực có trong tay, bất chấp những
thiệt hại có thể gây ra cho cố đô Huế, để đánh bật Cộng quân ra khỏi
thành phố. Còn quần chúng Phật tử thì chỉ có một số nhỏ đi theo Cộng
quân, đa số còn lại ủng hộ chính quyền miền Nam. Do đó, quyết định chiếm
Huế làm căn cứ địa của Cộng quân đã thất bại.
Hà
Nội đã sử dụng những thành phần thuộc "Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết
tử" của Giáo hội Phật giáo Ấn Quang làm lực lượng tiên phong trong vụ
tàn sát, đặc biệt nhắm vào những người Công giáo, công chức, cảnh sát và
quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.
Điều
tai hại là nhà cầm quyền Hà Nội nhận ra rằng trong cuộc đấu tranh cướp
chính quyền năm 1966, Giáo hội Phật giáo Ấn Quang là một lực lượng quần
chúng có tầm vóc và có hậu thuẫn. Tổ chức này đã lấy hận thù tôn giáo,
đặc biệt là kích động sự thù hận đối với Thiên Chúa Giáo như là động lực
đấu tranh. Do đó, sau khi chiếm Huế, Cộng quân đã sử dụng các thành
phần thuộc "Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử" của Giáo hội Phật giáo Ấn
Quang đã đi theo họ, quay trở lại làm lực lượng tiên phong trong vụ tàn
sát, đặc biệt nhắm vào những người Công giáo, công chức, cảnh sát và
quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Đây là vấn đề sẽ được chúng tôi trình bày
trong một bài khác.
Ngày 14/2/2018
Lữ Giang