Lạng Sơn: Tưởng nhớ những người giữ đất biên cương phía Bắc (Tiền Phong)

Trong cuốn Lịch sử sư đoàn 3 Sao Vàng còn ghi rõ: “Ngày cuối cùng tại pháo đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả thương binh và nhân dân tới đây trú ẩn”.


Các cựu chiến binh Sư đoàn 3 Anh hùng tưởng nhớ những người đồng đội đã hy sinh trong trận chiến giữ đất


Sáng nay (17/2), rất đông du khách thập phương, trong đó có những cựu chiến binh, người dân bản địa Lạng Sơn tới đền Mẫu ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) và pháo đài Đồng Đăng để thắp nhang tưởng nhớ những cán bộ, chiến sỹ và người dân đã hy sinh trong trận chiến biên giới 1979. 

Đại tá Triệu Quang Điện, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên sỹ quan Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Rạng sáng 17/2/1979, quân Trung Quốc bất ngờ sử dụng 2 sư đoàn bộ binh với sự hỗ trợ của 1 trung đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh đã tấn công ác liệt khu vực thị trấn Đồng Đăng.
 
Khi đó, đơn vị của ông Điện chốt ở tuyến biên giới thuộc khu vực Con Voi, sát biên giới Việt- Trung. Trong bão lửa, cán bộ địa phương đưa khoảng 400 người dân vào trong hang đền Mẫu tránh pháo. Sau đó, đơn vị ông nhận được phương án đưa dân từ đền Mẫu đi theo lối mòn lên tới pháo đài Đồng Đăng trú ẩn.
 
Quân Trung Quốc dùng hỏa lực đánh phá pháo đài và gặp phải kháng cự ác liệt của quân và dân ta tại pháo đài Đồng Đăng. 

Trong cuốn Lịch sử sư đoàn 3 Sao Vàng còn ghi rõ: “Ngày cuối cùng tại pháo đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả thương binh và nhân dân tới đây trú ẩn”.

Những ngày đầu cuộc chiến, nhờ vị thế hiểm yếu của pháo đài, anh em đại đội 5 C5 (Bộ đội Biên phòng địa phương) đã đánh bật hàng chục đợt tấn công của địch hòng chiếm lấy cao điểm này. Hàng trăm tên địch gục ngã sau những đợt xông lên.

“Trong số hơn 100 người dân và chiến sĩ, chỉ có sáu người sống sót thoát ra được sau đó, còn lại đều chết ngay trong lòng pháo đài”. Thời khắc bi tráng đó sau này được anh hùng Nông Văn Pheo, chiến sĩ đại đội 5 C5, một trong số sáu người sống sót kể lại.

Năm nay, kỷ niệm 39 năm cuộc chiến giữ đất biên cương lại rơi vào ngày Mồng 2 tết Mậu Tuất, nắng ấm chan hòa, hương khói lan tỏa cùng những cánh đào đỏ tô thắm thêm truyền thống chiến đấu và bảo vệ quê hương, đất nước của người dân biên giới Lạng Sơn.

Nguyễn Duy Chiến