Kinh tế Việt Nam 2018: ‘Hóa rồng’ hay ‘hóa rồ’? (Phạm Chí Dũng)
Mười năm sau sự khởi đầu suy thoái cay đắng nhưng lại được tô hồng
bởi màu sắc chủ nghĩa thành tích của đảng cầm quyền ở Việt Nam, liệu nền
kinh tế nước này sẽ “hóa rồng” hay “hóa rồ” vào năm 2018?
Những điểm sáng “hóa rồng” của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 có
lẽ là chiến dịch “đánh lên chứng khoán”, “giải chấp bất động sản” và
“bán vốn nhà nước”.
“Thị trường cờ bạc” bất chợt “hóa rồng”…
Năm trước đó - 2017 - là thời kỳ của nạn tràn ứ tiền đồng trong hệ thống ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại cổ phần - một hệ quả và cũng là hậu quả tất yếu của nạn in tiền ồ ạt có thể lên đến 400.000 - 500.000 tỷ đồng/năm từ hàng chục năm trước, mà đã khiến ngay cả Ngân hàng thế giới - một trong những nhà tài trợ đa phương và cũng là chủ nợ lớn nhất của chính thể còn nguyên độc đảng ở Việt Nam - không dưới một lần phải khuyến cáo công khai rằng Việt Nam đừng nên in tiền nhiều quá.
Kết quả và hệ quả của nạn tràn ngập tiền đồng trong hệ thống ngân
hàng là điều được xem là “tăng trưởng tín dụng” đã rất có thể được phát
triển ồ ạt vào chứng khoán - một thị trường mà nhiều chuyên gia và nhà
đầu tư đã gọi thẳng cái tên trần trụi của nó: thị trường cờ bạc.
Đáng lý ra, “thị trường cờ bạc” đã không thể có được duyên phận lọt
vào mắt xanh của giới tài phiệt và đầu cơ để được “đánh lên” như khởi
đầu vào nửa cuối năm 2017. Nhưng trong tình thế có đến 1,2 triệu tỷ đồng
ứ đọng trong hệ thống ngân hàng mà không biết làm thế nào để khuyến dụ
hay chiêu dụ các doanh nghiệp và người dân vay mượn, cũng trong tình thế
vẫn đang tồn đọng ít nhất 600.000 tỷ đồng nợ xấu trong các ngân hàng và
trong đó có ít nhất 300.000 tỷ đồng là nợ xấu nằm trong tài sản bất
động sản mà ngân hàng siết nợ từ các con nợ kinh doanh nhà đất nhưng rao
mãi vẫn chẳng bán lại được cho ai, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
đã phải “hết sức quyết tâm”mà chỉ đạo đẩy mạnh tốc độ đẩy tiền ra lưu
thông với tỷ lệ lên đến 19 - 21% trong năm 2017.
Vậy là “thị trường cờ bạc” bất chợt “hóa rồng”, còn tâm trạng nhà đầu
tư nhỏ lẻ như “hóa rồ” vì ánh lợi nhuận lấp lánh mà đã quá lâu không
được nhìn thấy - một hình ảnh tái hiện thời kỳ tăng gấp gần ba lần của
chỉ số VN-Index vào cuối năm 2006 - đầu năm 2007 mà cây bút bình luận
Bill Bonné của một tạp chí tài chính quốc tế, khi đến Hà Nội và tận mắt
chứng kiến những gì diễn ra, đã phải kêu lên là tình cảnh “người người
chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán” đã khiến xã hội Việt Nam trở
nên phát điên.
Vì sao GDP “tăng trưởng chưa từng có”?
Chẳng cần phải đợi đến cuối năm 2018 để chứng minh “một năm thắng lợi của kinh tế Việt Nam”, vào cuối năm 2017 đã vang dội bài ca “Việt Nam đạt toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế đề ra” từ giới chuyên gia và một phần báo chí sống nhờ vào nguồn ngân sách nhà nước, cũng từ nguồn đóng thuế của một đất nước mà tỷ lệ hộ nghèo đã tăng lên gần 15% - chỉ mới được thông báo theo con số thống kê chính thức.
Cũng chưa cần hết năm 2018, bài ca thành tích đã được phía “chính phủ
kiến tạo” của Thủ tướng Phúc hoan ca ngay từ hai kỳ họp quốc hội giữa
năm và cuối năm 2017. Trong đó, “GDP tăng trưởng 6,7% - thành tích chưa
từng có” đã được ông Phúc nhắc đi nhắc lại và được báo đảng cùng báo
“thân chính phủ” lặp đi lặp lại không biết chán, bất chấp vài ý kiến lẻ
loi của vài đại biểu đơn độc trong Quốc hội bày tỏ mối nghi ngờ về thực
chất tăng trưởng của GDP, cũng bất chấp ý kiến trên vài tờ báo lẻ loi
trong tổng số hơn 800 đầu báo - của vài chuyên gia phản biện độc lập -
về thực tế nếu tính cho sát thì GDP Việt Nam chỉ tăng trưởng nhỉnh hơn
3% một chút trong năm 2017.
Những ý kiến phản biện độc lập cũng đặt nặng mối nghi ngờ với cách
“vẽ GDP” của Tổng cục Thống kê - cơ quan nằm dưới sự điều hành của Chính
phủ, cho dù người đứng đầu tổng cục này thề thốt là đã tính GDP một
cách trung thực, còn Thủ tướng Phúc cũng trần tình trên mặt báo là ông
ta không tìm cách can thiệp vào quá trình tính toán GDP.
Một cách chắc chắn, GDP đã được tính luôn cả phần “tăng trưởng tín
dụng vào thị trường chứng khoán” trong nửa cuối năm 2017, mà tỷ lệ “đánh
lên” đến 48% của thị trường này trong năm 2017 đã đưa Việt Nam trở
thành một trong những thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng cao nhất
và hấp dẫn nhất thế giới, bất chấp quy luật tự thân của thị trường này
“tiền không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chạy từ túi nhà đầu
tư này vào túi nhà đầu tư khác”.
Thực ra đã có quá nhiều trải nghiệm để minh chứng cho “các nhà đầu tư
khác” là ai. Trong một nền kinh tế ở Việt Nam mà vẫn còn chưa được các
tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế
liệt vào loạt “kinh tế thị trường” và vẫn bị Tổ chức Minh bạch quốc tế
xếp vào nhóm kém minh bạch nhất trên thế giới, một “thị trường cờ bạc”
đã đương nhiên thuộc về những “tay to” - những nhà kinh tài và tài phiệt
đầu cơ cá mập thuộc giới ngân hàng và những tập đoàn tài chính khổng lồ
trong nước lẫn nước ngoài. Chính số “tay to” này đã nắm giữ gần hết vốn
liếng tín dụng của khu vực tài chính và do đó muốn cho thị trường
“xuống” hay “lên” tùy ý.
2018: ‘Hóa rồng’ hay ‘hóa rồ’?
Năm 2018 sẽ chứng kiến ‘thành tích” tăng trưởng GDP 6,7%” một cách dễ dàng theo quyết tâm của thủ tướng Phúc, thậm chí còn có thể vượt hơn cả chỉ tiêu đó.
Năm 2018 cũng sẽ chứng kiến mặt bằng giá cổ phiếu có mức vốn hóa lớn
(large cap) tăng gấp đôi hoặc gấp ba kể từ giữa năm 2017, và sẽ khiến
nhiều ngân hàng thương mại cổ phần dễ dàng hơn trong ý đồ tống khứ những
dự án căn hộ cao cấp và đất nền đã siết nợ từ vài ba năm trước.
Năm 2018 cũng sẽ minh chứng cho một thành tích khác - ghê gớm không
kém - của Chính phủ là phát huy thắng lợi từ đà bán vốn Tổng công ty
Rượu - Bia - Nước giải khát (Sabeco) vào cuối năm 2017 được 5 tỷ USD, để
tiếp tục bán vốn còn lại còn Sabeco, của Vinamilk và của nhiều tập đoàn
lớn khác có cổ phần của nhà nước, mà dự kiến sẽ thu được từ 7 - 10 tỷ
USD nhằm “bù đắp khó khăn ngân sách”.
Vào cuối năm 2017, bất chấp tình trạng hụt thu ngân sách chưa từng có
- giảm đến hơn 3% so với dự toán đầu năm nếu không tính đến phần thu
“bán mình” từ 110.000 tỷ đồng của vụ Sabeco, Quốc hội vẫn mạnh tay dự
toán chi ngân sách năm 2018 lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Một cách chắc
chắn, tinh thần và hành động đầy tự tin đó đã được “bắn tin” trước đó
từ công tác bán vốn Sabeco được 5 tỷ USD và do đó tạm thời bớt lo lắng
việc tìm đâu ra tiền để chi trả lương cho đội ngũ công chức viên chức
gần 3 triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xã hội xem là “không
làm gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương”.
Nhưng năm 2018 cũng sẽ là năm phải chứng kiến một loạt “thành tích” khiến toàn bộ dân chúng méo mặt: lạm phát.
Hệ quả và hậu quả của cơ chế đẩy tiền ồ ạt ra lưu thông, bất kể dạng
lưu thông gì, đều khiến mặt bằng giá cả dựng ngược. Vào năm 2017 và cả
những năm trước đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê vẫn luôn “khuôn”
chỉ số tiêu dùng bình quân toàn năm chỉ “dưới 5%”. Nhưng trong thực tế,
rất nhiều mặt mặt hàng trong rất nhiều ngành hàng đã tăng bình quân 20 -
30%/năm, cá biệt một số mặt hàng “sốt” mà đã tăng gấp đôi chỉ trong một
năm. Bản chất giá trị tiền lương và tiền công của người lao động cũng
bởi thế đã bị tha hóa ít nhất 20% hàng năm.
Trong khi đó, nhiều nhân viên ngân hàng vẫn đang cố công cày cục gõ
cửa giới doanh nghiệp để chào cho vay. Nhưng cũng rất nhiều doanh nghiệp
đã lắc đầu vì “không biết vay để làm gì”. Quá nhiều doanh nghiệp vẫn
chưa thể quên được trải nghiệm suýt phải treo cổ của họ vào năm 2011 khi
phải cắn răng vay vốn ngân hàng với lãi suất cắt cổ 25 - 30%/năm. Cho
tới nay, doanh nghiệp vẫn không quên được kho từ ngữ rất đặc thù như “tự
sát”, “treo cổ”, “thuốc độc” mà giới cá mập ngồi mát ăn bát vàng ở ngân
hàng đã “kiến tạo” nên.
Trì trệ hoặc bế tắc đầu ra là một cảnh nạn đã trở nên quá phổ biến từ
những năm 2011, 2012 trở lại đây, lồng trong bối cảnh nền kinh tế Việt
Nam về thực chất đã sa chân vào năm suy thoái thứ mười liên tiếp kể từ
2008.
Mười năm sau sự khởi đầu suy thoái cay đắng nhưng lại được tô hồng
bởi màu sắc chủ nghĩa thành tích của đảng cầm quyền ở Việt Nam, liệu nền
kinh tế nước này sẽ “hóa rồng” hay “hóa rồ” vào năm 2018?
VOA