Vũ Nhôm trốn thoát: một cuộc so găng khác (Nguyễn Anh Tuấn)

Nghĩa là ông Trọng, nếu muốn đưa ai đó vào tù, vẫn phải dựa vào công an, và chấp nhận mọi bất lợi đến từ thực tế này. Bộ máy công an thì lại quá khổng lồ (với những lợi ích đan xen đã quá chằng chịt) để có thể trên dưới một lòng tuân lệnh Tổng bí thư. Thế thì, như một lẽ thường tình, ông Trọng buộc phải thiết lập một lực lượng trung thành riêng ngay trong Bộ Công an. Một kiểu Bộ Công an bên trong Bộ Công an.
 
Tháng 9 năm 2016, chỉ một thời gian ngắn sau khi có tin Trịnh Xuân Thanh trốn khỏi Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã quyết định trở thành Tổng bí thư đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia Đảng ủy Công an trung ương - cấp ủy lãnh đạo trực tiếp, toàn diện Bộ Công an.
Không khó để hiểu quyết định này của Tổng bí thư, khi mà lúc đó rất nhiều người đã đặt dấu hỏi vì sao một lực lượng điều tra được cho là "giỏi nhất thế giới" lại để lọt Trịnh Xuân Thanh. Đại biểu quốc hội Ngô Văn Minh, trong phát biểu cuối cùng của ông ở nghị trường, cũng đặt nghi vấn rằng "một người say rượu ở xã tối nay, sáng mai công an đã biết ở đâu, thì sao Trịnh Xuân Thanh bị chú ý từ lâu lại trốn thoát dễ dàng như vậy".
Tưởng rằng sau động thái chưa có tiền lệ đó của Tổng bí thư, sẽ không còn ai có thể cao chạy xa bay được nữa nếu bị rơi vào tầm ngắm. Nhưng không, Vũ Nhôm đã trở thành người thứ hai lọt lưới thành công, mặc dù bị đích thân Tổng bí thư chỉ mặt đặt tên.
Điều này cho thấy, dẫu đã hơn một năm tham gia Đảng ủy Công an trung ương, song đối với lực lượng thanh gươm lá chắn này, Tổng bí thư vẫn ’cầm chưa chắc khiên, múa chưa thạo kiếm’. Hay nói cách khác, đao kiếm có vẻ chưa thuận ý chủ nhân.
Mối quan hệ giữa Tổng bí thư và Bộ Công an hiện tại là giữa lãnh đạo chính trị và cơ quan chấp hành. Ai nghiên cứu về cách bộ máy hành chính vận hành đều không xa lạ gì với khái niệm "bất tuân/bất hợp tác hành chính" trong đó công chức thừa hành, một khi không đồng thuận với lãnh đạo chính trị, có thể nghĩ ra trăm phương ngàn cách trì hoãn hoặc thực hiện chiếu lệ, qua loa những mệnh lệnh của vị lãnh đạo chính trị đó.
Mà cũng không có gì khó hiểu. So với người đồng nhiệm ở Bắc Kinh - Tập Cận Bình, vốn cũng đang tiến hành công cuộc thanh lọc bộ máy tương tự, ông Trọng dường như vẫn đang thiếu con át chủ bài.
Ở Trung Quốc, công an/an ninh chẳng những không phải là cơ quan chủ lực chống tham nhũng, mà lại là một trong những đối tượng chính bị nhắm tới. Dĩ nhiên, để làm được điều này, Tập phải dựa vào một lực lượng nội chính khác quyền uy và trung thành hơn - Ủy ban Kiểm tra kỷ luật - với tiến trình "song quy" nổi tiếng mà cán bộ các cấp Trung Quốc, gồm cả các trùm an ninh, chỉ mới nghe thôi đã muốn tự sát.
Để dễ hình dung về quy trình này, thử tượng tượng Trịnh Xuân Thanh và Vũ Nhôm rơi vào tầm ngắm của người đứng đầu đảng ở Trung Quốc. Các thành viên của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật sẽ tiến hành điều tra bí mật để thu thập chứng cứ, và ngay khi nhận chuẩn y từ Tổng bí thư sẽ mời hoặc đưa cả hai đến "một nơi nhất định tại một thời điểm nhất định" (nghĩa đen của thuật ngữ "song quy"), nơi cả hai sẽ trải qua những ngày tháng hỏi cung ‘sống không bằng chết’ cho đến khi thừa nhận sai phạm. Số phận của họ được định đoạt ngay tại thời điểm này, và việc gửi sang Viện Kiểm sát để truy tố trước tòa chỉ là những bước sau cùng nhằm hợp thức hóa quy trình. Hoàn toàn không có chỗ cho công an/an ninh trong quy trình này.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hẳn biết rõ điều gì xảy ra ở Trung Quốc (vì hai đảng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cầm quyền), và có lẽ cũng muốn dưới quyền mình có một bộ máy như thế.
Tuy nhiên, muốn là một chuyện, có làm được hay không lại là chuyện khác. Có ít nhất 3 điểm khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến mong ước của ông Trọng, nếu có, vẫn còn xa vời :
Đầu tiên là uy thế của Ủy ban Kiểm tra. Trong khi cơ quan này ở Trung Quốc do chính Đại hội Đảng bầu ra thì ở Việt Nam, trong suốt lịch sử tồn tại của đảng cộng sản, Điều lệ Đảng luôn ghi nhận Ủy ban Kiểm tra do Ban Chấp hành trung ương thành lập, và vì thế chỉ là cơ quan thừa hành cấp dưới của Ban Chấp hành trung ương.
Hai là Tập đã tận dụng rất tốt cái đà 20 năm gia tăng quyền lực của Ủy ban Kiểm tra đối với toàn bộ hệ thống chính trị bắt đầu từ Đại hội 14 (1992), để tiến hành hàng loạt cải cách đột phá cho cơ quan này, nhất là về thẩm quyền và nhân sự, giúp nó thực sự nắm quyền sinh sát với bất kỳ đảng viên nào trong tầm ngắm của Tập. Trái lại, ở Việt Nam, đã không có bất kỳ nỗ lực cải cách tăng quyền nào cho Ủy ban Kiểm tra trong suốt hàng thập kỷ qua, và vai trò của ủy ban này, dẫu được hỗ trợ bởi uy thế cá nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai năm vừa rồi, vẫn còn quá mờ nhạt, nếu so sánh với phiên bản của nó ở Trung Quốc.
Ba, ở Trung Quốc, nối tiếp truyền thống "súng đẻ ra chính quyền", Ủy ban Kiểm tra nếu muốn xử lý công an/an ninh - lực lượng có súng bé, vẫn phải dựa vào một lực lượng vũ trang khác có súng to hơn, chính là quân đội. Trong vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương, thẩm quyền của Tập đối với quân đội là tối cao tuyệt đối như một Tổng tư lệnh, vượt trội hẳn so với vị trí Bí thư Quân ủy trung ương của ông Trọng - vốn chỉ là thành viên đại diện của một cơ chế lãnh đạo tập thể. Nói nôm na, trong khi Tập trực tiếp cầm súng, thì ông Trọng, nếu muốn bóp cò, vẫn phải chờ một nghị quyết do Quân ủy thông qua mà trong đó ông chỉ có một phiếu. Bởi vậy, nếu Ủy ban Kiểm tra ở Trung Quốc hành động tự tin trong cái bóng của Tổng bí thư đồng nhất với quân đội, thì ở Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra chỉ thấy mỗi Tổng bí thư còn hình bóng quân đội dường như vẫn mịt mờ xa xăm.
Lấp đầy 3 điểm khác biệt trên để có được một uy thế lớn như Tập trong cuộc chiến thanh lọc bộ máy hoàn toàn không đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là bất khả thi đối với ông Trọng lúc này, nhất là khi mô hình chính trị Việt Nam dẫu tương đồng song không có được một mức độ tập quyền cao như Trung Quốc. Cơ hội duy nhất cho ông Trọng để bắt đầu một tiến trình như thế đã bị bỏ lỡ ở Đại hội XII, khi Điều lệ Đảng không được sửa đổi, đồng nghĩa với việc Ủy ban Kiểm tra vẫn chỉ quẩn quanh với vai trò "thanh kiểm tra" thường lệ, chứ chưa thể trực tiếp "đánh án".
Nghĩa là ông Trọng, nếu muốn đưa ai đó vào tù, vẫn phải dựa vào công an, và chấp nhận mọi bất lợi đến từ thực tế này. Bộ máy công an thì lại quá khổng lồ (với những lợi ích đan xen đã quá chằng chịt) để có thể trên dưới một lòng tuân lệnh Tổng bí thư. Thế thì, như một lẽ thường tình, ông Trọng buộc phải thiết lập một lực lượng trung thành riêng ngay trong Bộ Công an. Một kiểu Bộ Công an bên trong Bộ Công an.
Ấy cũng là lúc bắt đầu một cuộc so găng mới.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 02/01/2018 (nguyenanhtuan's blog)