Ông Trọng đã nắm được công an chưa? (Lê Anh Hùng)
Trong hai lực lượng chính của bộ máy công an Việt Nam thì an ninh là
lực lượng nắm nhiều quyền lực hơn (giám đốc công an các tỉnh thành phần
lớn xuất thân từ an ninh). Hai lần liên tiếp bị an ninh Việt Nam làm cho
mất mặt nghĩa là ngài TBT vẫn chưa “nắm” được lực lượng an ninh nói
riêng và Bộ Công an nói chung, điều mà ông ta đã (phần nào) thành công
với lực lượng cảnh sát.
Ngoài cụm từ “đảng trị”, chế độ cộng sản ở Việt Nam còn được mô tả
như là chế độ “công an trị”. Lý do thật đơn giản: công an không chỉ nằm
trong cơ cấu bộ máy công quyền từ trung ương xuống đến tận thôn bản, mà
còn hiện diện gần như khắp mọi ngóc ngách trong xã hội, từ những “đặc tình” được “cài cắm”
nhằm đánh phá những người lên tiếng ôn hoà vì một Việt Nam tốt đẹp hơn,
cho đến những ông trùm thế giới ngầm kiêm “sỹ quan tình báo cao cấp”
như Vũ ‘Nhôm’.
Bài học Nguyễn Tấn Dũng
Trong hệ thống thang bậc quyền lực của cộng sản Việt Nam, Thủ tướng
chỉ là nhân vật đứng thứ ba, sau Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Tuy
nhiên, suốt một thời gian dài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại được coi là
nhân vật quyền lực nhất Việt Nam. Ngoài cương vị Thủ tướng, nắm trong
tay gần như toàn bộ bộ máy hành pháp quốc gia, vị thế quyền lực của
“đồng chí X” còn bắt nguồn từ một nhân tố vô cùng quan trọng – đó là ảnh
hưởng của ông ta đối với guồng máy công an.
Khi được lãnh đạo Hà Nội điều ra trung ương, chức vụ đầu tiên mà
Nguyễn Tấn Dũng nắm là Uỷ viên Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ
Nội vụ (Bộ Công an trước kia) từ tháng 1/1995 đến 8/1996.
Trở thành Thủ tướng, ngoài vai trò chỉ đạo trực tiếp về mặt hành pháp
đối với Bộ Công an, Nguyễn Tấn Dũng còn được Bộ Chính trị giao phụ trách Đảng uỷ Công an Trung ương, một vai trò gần giống với Bí thư Quân uỷ Trung ương của Tổng Bí thư.
Chưa hết, 6 năm nắm giữ trọng trách Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về
Phòng chống Tham nhũng, kể từ tháng 6 năm 2006 cho đến khi bị “truất”
khỏi vị trí này tại Hội nghị Trung ương 5 khoá XI trung tuần tháng 5 năm
2012, còn trao cho ngài (cựu) Thủ tướng quyền chỉ đạo trực tiếp hệ
thống tư pháp, mà cơ quan quan trọng nhất chính là Bộ Công an.
Vấn đề không phải nằm ở chỗ quyền lực tập trung vào tay người nào, mà
ở chỗ người đó sử dụng quyền lực như thế nào. Và đây là bài học mà hàng
chục triệu người Việt sẽ còn phải trả những cái giá rất đắt trong chí ít là nhiều thập niên tới.
Bộ Công an hậu Đại hội XII: chiến trường quyền lực
Rút kinh nghiệm xương máu từ bài học mang tên “đồng chí X”, sau Đại
hội XII, ban lãnh đạo CSVN không giao cho bất cứ ai trong “tứ trụ” phụ
trách Đảng uỷ Công an Trung ương. Thay vào đó, Bộ Chính trị đã công bố
quyết định chỉ định Đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 từ
ngày 21/9/2016. Và Ban Thường vụ Đảng uỷ gồm 7 vị thì 3 trong số đó là
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng, tức 3 quyền lực mạnh nhất Việt
Nam.
Nghĩa là, sau quyết định nói trên, trong số các uỷ viên Bộ Chính
trị, ngoài Bộ trưởng Công an Tô Lâm thì TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch
nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thậm chí cả Phó Thủ
tướng Thường trực Trương Hoà Bình (phụ trách nội chính) đều có thể chỉ
đạo trực tiếp đến các cơ quan cục, vụ thuộc Bộ Công an.
Bộ máy công an xưa nay vốn là địa chỉ quan trọng bậc nhất để các thế
lực trong đảng tranh giành ảnh hưởng. Sau Đại hội XII, càng ngày nó càng
trở thành chiến trường quyền lực nóng bỏng trong hệ thống chính trị,
khiến cơ quan nắm giữ trọng trách bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm
trật tự xã hội bị chia năm xẻ bảy. Những gì diễn ra tại Việt Nam thời
gian qua là minh chứng rõ ràng cho nhận định đó.
Cảnh sát – cánh tay đắc lực của TBT?
Tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết là các cơ quan chức năng “đang giải quyết lợi ích nhóm, sân sau của thời kỳ trước”.
Phát biểu của viên Thượng tướng phụ trách khối cảnh sát diễn ra trong giai đoạn TBT Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu đang hừng hực khí thế
(từ ngày 31/7, khi ngài TBT vung tay quả quyết “Lò nóng lên rồi thì củi
tươi vào cũng phải cháy”, cho đến thời điểm Hội nghị Trung ương 6 khai
mạc). Vì thế, đó là dấu hiệu cho thấy lực lượng cảnh sát dưới quyền chỉ
đạo trực tiếp của vị Phó Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương đang sát cánh
với ngài TBT trong chiến dịch “đốt lò” do ông ta phát động.
Điều này cũng phù hợp với những diễn biến trong thời gian vừa qua.
Cảnh sát là lực lượng đã khởi tố và điều tra vụ Ngân hàng Đại Dương.
Ngày 14/9, khi bào chữa cho cựu Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn tại toà,
luật sư Nguyễn Minh Tâm đã khiến dư luận xôn xao khi công bố văn bản do
cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng ký ngày 7/9/2010 với nội dung: “Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OeanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010.”
Bất cứ ai có “kinh nghiệm” về hệ thống tư pháp Việt Nam đều hiểu rằng
chẳng luật sư nào muốn tiếp tục hành nghề lại dám tự tiện làm thế nếu
không được ai đó “bật đèn xanh”. Và động thái này đã dọn đường về mặt dư
luận cho việc Bí thư Sài Gòn Đinh La Thăng bị bắt và khởi tố vào ngày
8/12, tất nhiên cũng do lực lượng cảnh sát tiến hành, để rồi chỉ 12 ngày
sau, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã công bố bản kết luận điều
tra “thần tốc”.
An ninh – liên tiếp làm TBT mất mặt
Tương phản với thái độ phục tùng của lực lượng cảnh sát trong bộ máy
công an, cho đến thời điểm này của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mang
“bản sắc Nguyễn Phú Trọng”, lực lượng an ninh đã ít nhất hai lần khiến
ngài TBT phải bẽ mặt.
Vụ thứ nhất liên quan đến “đại án PVN”. Trong một diễn biến chưa
từng có, tối ngày 9/12, TTXVN cùng một loạt cơ quan truyền thông nhà
nước đã đăng bài “cáo lỗi” vì đưa tin sai về vụ hai cựu TGĐ PVN Phùng
Đình Thực và Đỗ Văn Hậu bị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an khởi tố
và bắt giam chỉ vài giờ trước. Còn Cơ quan An ninh Điều tra thì thông báo
trên website Bộ Công an rằng đó là “thông tin không chính xác”, đồng
thời “đề nghị kiểm tra, xử lý những cá nhân đã đưa tin không đúng sự
thật”.
Vụ thứ hai liên quan đến cái tên Vũ ‘Nhôm’ đang gây sốt trong dư
luận. Mặc dù theo lời Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa thì “Tổng bí thư
đã trực tiếp yêu cầu Bộ Công an điều tra và trả lời” nhưng đến khi các
cơ quan báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin Cơ quan An ninh Điều tra Bộ
Công an ra lệnh khởi tố và khám xét nhà Phan Văn Anh Vũ vào tối muộn
ngày 22/12 thì vụ khám xét đã diễn ra hơn một ngày trước đó, còn đồng
chí Vũ ‘Nhôm’ thì đã “cao chạy xa bay” từ lúc nào không hay.
Trong hai lực lượng chính của bộ máy công an Việt Nam thì an ninh là
lực lượng nắm nhiều quyền lực hơn (giám đốc công an các tỉnh thành phần
lớn xuất thân từ an ninh). Hai lần liên tiếp bị an ninh Việt Nam làm cho
mất mặt nghĩa là ngài TBT vẫn chưa “nắm” được lực lượng an ninh nói
riêng và Bộ Công an nói chung, điều mà ông ta đã (phần nào) thành công
với lực lượng cảnh sát.
Bất chấp những tai tiếng về tham nhũng, mà vụ Vũ ‘Nhôm’ mới chỉ là
phần nổi của tảng băng, cũng như những tội ác mà họ đã gây ra cho nhân
dân, việc đến thời điểm này Bộ Công an chưa hoàn toàn bị Nguyễn Phú
Trọng thao túng lại là một chỉ dấu may mắn hiếm hoi đem lại hy vọng cho
tương lai đất nước. Lý do ư? Nếu điều ngược lại xẩy ra, ngài GS.TS
chuyên ngành “xây dựng đảng” sẽ thành công với mưu đồ sử dụng chiêu bài chống tham nhũng để củng cố quyền lực hòng tiếp tục ngự trên “ngôi báu” ít nhất là cho đến hết nhiệm kỳ Đại hội XII, và đất nước sẽ tiếp tục chìm sâu trong vòng xoáy “Hán hoá”.
Suy cho cùng, công an cũng chỉ là công cụ bạo lực của giới lãnh đạo
cộng sản. Việc ba nhà lãnh đạo chóp bu của chế độ tự “cơ cấu” vào Đảng
uỷ Công an Trung ương là bằng chứng không thể chối cãi cho sự thật đó.
Trước khi trở thành thủ phạm, những người đang khoác quân phục “công
an nhân dân” cũng là nạn nhân của một hệ thống tội ác theo cách này hay
cách khác.
Vậy nên chừng nào cộng sản Việt Nam còn lo sợ hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hoá”,
chừng đó chúng ta còn có quyền hy vọng vào một kết cục tốt đẹp và vì
thế cần thúc đẩy để quá trình ấy diễn ra nhanh hơn trong bộ máy công an.
VOA