Donald Trump: hiểm họa về nhân quyền (Lữ Giang)
Bản
phúc trình nói rằng việc bầu Donald Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ sau
một cuộc vận động đầy kích động hận thù và bất khoan dung, đã đặt hệ
thống nhân quyền được xây dựng từ sau Thế chiến II vào nguy cơ.
Bản
Phúc trình Thế giới của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch)
năm 2017 dày 697 trang, đã tóm tắt các vấn đề chính về nhân quyền ở hơn
90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nó phản ánh tình trạng vi
phạm nhân quyền tại các quốc gia này.
Bản
phúc trình nói rằng việc bầu Donald Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ sau
một cuộc vận động đầy kích động hận thù và bất khoan dung, đã đặt hệ
thống nhân quyền được xây dựng từ sau Thế chiến II vào nguy cơ.
Những hiểm họa được cảnh báo
Trong
bài tiểu luận giới thiệu bản phúc trình, ông Kenneth Roth, Giám đốc
điều hành của tổ chức này đã báo động rằng một thế hệ mới của các nhà
dân túy độc tài (authoritarian populists) đang tìm cách phá vỡ khái niệm
về bảo vệ nhân quyền hiện tại, coi các quyền con người không là tiêu
chuẩn để kiểm tra quyền lực chính quyền, mà là một trở ngại đối với ý
muốn của đa số.
Ông
đã trích dẫn các diễn biến trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump
tại Mỹ như một minh hoạ sống động về chính sách bất khoan dung. Ông nói
rằng những tuyên bố của Trump đã đáp ứng những người bất mãn về tình
trạng kinh tế của họ và về một xã hội ngày càng đa văn hóa, với những
lời hùng biện bác bỏ các nguyên tắc căn bản về phẩm cách và sự bình
đẳng. Chiến dịch của Trump đã đưa ra những đề xuất làm hại hàng triệu
người, bao gồm kế hoạch trục xuất những người nhập cư, hạn chế quyền tự
do báo chí, và sử dụng tra tấn... Chính quyền của Trump có nguy cơ vi
phạm nhân quyền ở Hoa Kỳ và triệt tiêu niềm tin lâu dài về chế độ lưỡng
đảng.
Tổ
chức Theo dõi Nhân quyền đã liệt kê Donald Trump như là một mối đe dọa
đối với nhân quyền. Có ba hiểm họa nghiêm trọng đã được nhấn mạnh :
(1) Hiểm họa thứ nhất : Những người theo Trump rồi sẽ bị phản bội. Ông Kenneth Roth viết :
"Chúng
ta quên đi những hiểm hoạ của quá khứ: những người phát xít, những
người cộng sản và những người giống họ, là những người đã nhân danh đặc
quyền về lợi ích của đa số, nhưng cuối cùng là chà đạp cá nhân".
Theo
ông, khi những người theo chủ nghĩa dân túy xem các quyền con người như
là những trở ngại cho tầm nhìn của họ về ý muốn của đa số, thì chỉ một
thời gian ngắn sau đó, họ trở mặt đối với những người không đồng ý với
chương trình hành động của họ.
Human
Rights Watch cho rằng các chính trị gia ở Châu Âu, cũng như Trump, có
thể dẫn đến chế độ độc tài. Tất cả họ đều tuyên bố rằng công chúng chấp
nhận những vi phạm về quyền con người như là cần thiết để đảm bảo việc
làm, tránh thay đổi văn hoá, hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố.
Joseph
Stalin, Mao Trạch Đông, Fidel Castro, Robert Mugabe... khi phát động
các cuộc cách mạng chống lại thực dân hay độc tài đã được dân chúng ủng
hộ rất mạnh mẽ, nhưng chỉ ít lâu sau khi cầm quyền, để củng cố địa vị,
họ đã dùng mọi thủ đoạn dã man để biến các tầng lớp nghèo khổ và bị áp
bức thành công cụ phục vụ chế độ. Hiện nay, sau khi được nắm
quyền, Donald Trump chỉ lo đưa ra các kế hoạch bảo vệ quyền lợi của các
giới tài phiệt, nhất là các tài phiệt về quốc phòng, súng, dầu mỏ, y tế,
tài chánh, địa ốc..., không cần biết đến những thiệt hại mà các giới đã
ủng hộ ông sẽ phải gánh chịu như thế nào.
(2) Hiểm họa thứ hai : Với
chủ trương "Hoa Kỳ trước hết", Donald Trump đã không quan tâm đến tình
trạng nhân quyền tại các quốc gia đối tác, mà chỉ cân nhắc về sự lợi hại
của các quốc gia này đối với Hoa Kỳ. Khi có các lợi ích về chính trị,
kinh tế, quân sự... với quốc gia đối tác, Hoa Kỳ sẵn sàng bỏ qua tất cả
các vi phạm về quyền con người, như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung
Quốc, Việt Nam, Miến Điện... Trái lại, khi không có lợi ích, Hoa Kỳ tìm
cách đẩy ra như trường hợp của Venezuela, Cuba...
Vào
tháng 8/2017, khi báo chí hỏi tại sao Tổng thống Nicolás Maduro Moros
của Venezuela và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đều đã
vi phạm dân chủ và nhân quyền một cách nghiêm trọng giống nhau, nhưng
Tổng thống Trump chỉ áp dụng các biện pháp chế tài đối với Venezuela mà
lại không áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Cố vấn An ninh quốc gia H.R.
McMaster đã cố gắng giải thích rằng sự khác biệt về trừng phạt này phù
hợp với chủ trương "Nước Mỹ trước hết" của Tổng thống Trump.
Thổ
Nhĩ Kỳ là nước rất quan trọng đối với các lợi ích của Hoa Kỳ như là đối
tác của NATO, người canh giữ cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria,
người điều khiển eo biển Bosphorus... Còn Venezuela không có quan hệ mậu
dịch nhiều với Hoa Kỳ, thiếu giá trị chiến lược, và có nền kinh tế đang
gặp khó khăn... Hoa Kỳ lại có thể áp đặt các giá trị của mình lên
Venezuela một cách dễ dàng vì nước này không có khả năng phản ứng ngược
lại được.
Như
vậy, dân chủ và nhân quyền chỉ là công cụ được Hoa Kỳ nại ra khi cần
gây áp lực về chính trị, quân sự hay kinh tế mà thôi. Ai tưởng nó là
"mục tiêu hàng đầu" của Hoa Kỳ như đa số người Việt đấu tranh, đều phải
bị nếm mùi cay đắng.
(3) Hiểm họa thứ ba :Donald
Trump đang có khuynh hướng ủng hộ các nhà độc tài trên thế giới. Trong
bài "Trump làm bạn bằng cách đưa Nước Mỹ trước hết và bỏ qua nhân quyền ở
Châu Á" đăng trên Business Insider, Alex Lockie nói : "Tổng thống
Donald Trump đã không cảnh cáo Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về
các vấn đề nhân quyền ở Philippines, nơi mà hàng ngàn người được cho là
đã bị cảnh sát giết chết trong một cuộc chiến tranh ma túy tàn bạo.
Thay vào đó, Trump đã ca ngợi Duterte và nhấn mạnh rằng cả hai là bạn".
Suốt
chiến dịch tranh cử tại Mỹ, ông Putin là lãnh đạo quốc tế duy nhất được
Donald Trump dành cho những lời khen và thậm chí còn gọi Putin là "nhà
lãnh đạo mạnh mẽ hơn Obama". Nhà sử học Francis Fukuyama từng viết trên
tờ Financial Times rằng không ai có thể rõ liệu Putin có trong
tay "vũ khí bí mật" gì mà khiến nhà tỷ phú bạo miệng Mỹ chưa bao giờ
buông một từ chỉ trích Putin !
Trong
chuyến viếng thăm Bắc Kinh ngày 8/11/2017, Donald Trump nói : "Quan hệ
cá nhân được tạo dựng giữa Chủ tịch Tập và tôi là rất đặc
biệt. Tôi tin sẽ có thể loại bỏ nhiều vấn đề tiềm ẩn bất
đồng".
Tập
Cận Bình nói : "Chúng tôi đã có được sự thấu hiểu sâu sắc, đã xây dựng
được một niềm tin… Tôi tin rằng, chúng tôi sẽ giữ cho sự phát triển này
ổn định, để có thể xây dựng được mối quan hệ bạn bè… Vì hòa bình và sự
ổn định của thế giới, chúng tôi cũng sẽ hoàn thành trách nhiệm lịch sử
của mình".
Donald Trump đáp : "Tôi đồng ý 100% với Ngài, thưa Ngài Chủ tịch !".
Putin
cũng tìm cách củng cố một mối quan hệ tốt với Trump như Tập Cận Bình để
lợi dụng, nhưng các nhà chiến lược Mỹ đã dùng mọi biện pháp để tách ra,
vì Nga nguy hiểm hơn Trung Quốc nhiều. Cả Putin lẫn Trump đều đang bất
bình về chuyện này.
Chuyện "nhà dân túy" hay "chủ nghĩa dân túy"
Hiện
nay, rất nhiều nhà phân tích đã coi Trump là nhà dân túy hay người theo
chủ nghĩa dân túy. Quan niệm này có đúng không? Vậy trước khi đi xa
hơn, chúng ta cần tìm hiểu hai chữ "dân túy" có nghĩa là gì.
Từ
lâu đã có nhiều bất đồng giữa các nhà khoa học chính trị về định nghĩa
thế nào là "nhà dân túy" (populist) và "chủ nghĩa dân túy"
(populism). Một số nhà phân tích cho rằng không hề có "chủ nghĩa dân
túy" mà đó chỉ là những phương thức vận động chính trị có tính cách mị
dân nhắm vào những thành phần ít có kinh nghiệm hay hiểu biết về chính
trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, văn hóa... của quốc gia. Những thành
phần này là những người dân bình thường, có thể là công dân, nông dân,
trí thức... đang bất mãn với giới cầm quyền vốn được coi là "những tinh
hoa" (elites) của đất nước, đã được bầu lên làm đại diện cho dân qua các
cuộc bầu cử dân chủ và hợp pháp.
Francis
Fukuyama cho rằng chế độ dân túy thường hội đủ ba yếu tố sau đây : Yếu
tố thứ nhất là những kế hoạch được họ đưa ra thường chỉ có tình cách
ngắn hạn và cục bộ, không có tầm chiến lược. Yếu tố thứ hai là những
thành phần họ nhắm vào không bao gồm đa số, mà chủ yếu là những kẻ được
họ coi là "chân thật", thường có đầu ốc phân biệt chủng tộc. Yếu tố thứ
ba là người đứng ra lãnh đạo là người có khuynh hướng tự sùng bái cá
nhân, coi mình không lệ thuộc vào đảng phái hay thể chế chính trị nào.
Hiện
nay, cuộc tranh luận về "dân túy" vẫn đang tiếp tục, nhưng có thể nói
một cách nôm na rằng nhà dân túy (populist) là một nhà chính trị mỵ dân,
thường tìm kiếm sự ủng hộ của quần chúng bằng cách dựa vào những ham
muốn và những thành kiến phổ biến của họ hơn là đưa ra những mục tiêu có
căn bản hợp lý.
Donald
Trump lại có ưu thế hơn : ông chỉ là một nhà làm kinh tế vi mô
(microeconomics), không có hiểu biết hay kinh nghiệm gì về chính trị và
kinh tế vĩ mô (macroeconomics), nên khi bước vào chính trường, đã dám
đưa ra những quan điểm hay kế hoạch hoang tưởng mà ông tin rằng có thể
làm cho nước Mỹ vĩ đại hơn. Những người có tầm nhìn như ông đã chụp lấy
ngay và tôn ông làm sư phụ, thổi ông lên mây xanh và bảo vệ ông bằng mọi
giá, đúng với câu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã"!
Khi ông vừa ra tranh cử, luật sư Michael Signer và là giảng sư tại Đại Học Virgina, đã viết trên tờ Washington Post
một bài dưới đầu đề "Đây là những gì các nhà mị dân như Trump làm cho
đất nước của họ khi họ nắm quyền" để cảnh cáo công luận, nhưng chuyện
phải đến vẫn đến.
Hiện nay, Nhà Trắng được biến thành nhà giữ trẻ.
Ba tướng là John F. Kelly, Chánh văn phòng Nhà Trắng, James N. Mattis,
Bộ trưởng quốc phòng, H.R. McMaster, Cố vấn an ninh quốc gia và Rex
Tillerson, Bộ trưởng ngoại giao, phải luôn canh phòng Donald Trump, đừng
để ông nói hay làm điều gì phương hại đến uy tín và an ninh quốc gia
của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với những tweets mà ông phóng lên mỗi buổi sáng
không ai có thể kiểm soát được, đang làm cả lập pháp, tư pháp lẫn hành
pháp điên đầu ! Đa số các tweets đó đều là những thứ chọc cho người ta
chửi !
Trong nước phải tùy cơ ứng biến
Bản
tin ngày 16/11/2017 của Đài RFA, dưới đầu đề "Tổng thống Trump, vị thế
nước Mỹ và nhân quyền ở Việt Nam" cho biết Hội nghị APEC 2017 họp tại Đà
Nẵng đã bế mạc không một chữ nhân quyền nào được nhắc tới. Ngoại trừ
một mẩu tin Thủ tướng Canada Justin Trudeau có đề cập vấn đề nhân quyền
nhưng là trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Việt Nam ở Hà Nội chứ không
phải Đà Nẵng, nơi đang diễn ra Hội nghị.
Ngày
7/11/2017, 17 hội nhóm xã hội dân sự và đảng phái chính trị trong
và ngoài nước đã ký tên vào một bức thư gửi các nhà lãnh đạo APEC đề
nghị lưu tâm đến tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ của quốc gia
chủ nhà, thúc đẩy Việt Nam ngưng ngay đàn áp đối với giới đấu tranh ôn
hòa.
Ngày
9/11/2017, Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam cũng gửi Thư Ngỏ đến
21 quốc gia tham dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng yêu cầu gây áp lực đối với
Hà Nội chấm dứt cuộc khủng bố Nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Một
số người mê Trump ở Mỹ đã ca tụng bà Melania như là một phụ nữ lịch
lãm, hành xử đúng cung cách phu nhân của Tổng thống một cường quốc,
trong khi báo chí Trung Quốc chỉ chú ý tới váy và giày của bà ta, như
ngày thì mặc váy Borgo De Nor giá 1090 USD và giầy Solasofia giá 595
USD, ngày khác lại mặc váy Delposo giá 3.124£, v.v. Họ coi bà chỉ là một
người mẫu không hơn không kém.
Người
Việt đấu tranh hy vọng bà Melania sẽ có mặt ở Đà Nẵng để can thiệp cho
bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trả tự do theo nguyện vọng của bé Nguyễn
Bảo Nguyên, con gái của bà, hoặc ít ra…, nhưng bà lại tránh không đến
Việt Nam để Donald Trump có thể thoải mái thổi ống đu đủ đẩy nhà cầm
quyền cộng sản Việt Nam lên!
Dưới
tiểu mục "Ông Trump không mặn mà với nhân quyền ở Việt Nam", đài RFA
cho biết thêm : "Giới quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam đều dễ nhận
thấy, từ ngày ông Trump lên làm tổng thống Mỹ thì tình trạng nhân quyền ở
Việt Nam tồi tệ hơn. Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Chỉ riêng
trong 10 tháng đầu năm 2017 đã có 25 người hoạt động xã hội dân sự bị
bắt để khởi tố. Trong tuần lễ APEC, rất nhiều người được cho là "ngòi
nổ" của các cuộc biểu tình bị canh chặn tại nhà 24/24 giờ. Đặc biệt,
trong hai ngày 11 và 12/11, khi Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc ra
Hà Nội để thăm chính thức Việt Nam, tình hình canh giữ căng thẳng hơn,
hẳn là đề phòng biểu tình đả đảo Tập và không loại trừ đề phòng... hoan
nghênh Trump. Ngoài ra, giấy triệu tập lần 1, lần 2, lần 3 tới tấp gửi
đến nhiều người đang bị canh giữ tại gia…".
Trước
tình trạng này, các nhà đấu tranh ở trong nước phải tùy cơ ứng biến,
đừng nghe Bình Ngô Đại Cáo hay Hịch Tướng Sĩ của các nhóm Chống Cộng
Giống Cộng ở hải ngoại mà mất cả chì lẫn chài.
Lá bài Donald Trump hiện tại
Tiến
trình của cuộc điều tra pháp lý về quan hệ giữa nhóm Trump với Nga đang
dồn cả Donald Trump lẫn Michael Pence vào thế chân tường, nhưng đừng
tưởng rằng Donald Trump sẽ bị luận tội, vì Donald Trump đang có một sứ
mạng khác phải thi hành, đó là lấy lại những gì mà giới tài phiệt Mỹ đã
bị mất trong thời gian Obama cầm quyền, khởi đầu là đạo luật giảm miễn
thuế cho nhà giàu. Đây
là đạo luật làm cho nghèo trở nên nghèo hơn và bệnh trở nên bệnh hơn
(xem phân tích của CBO). Chris Collins, dân biểu đảng Cộng Hòa ở New
York, kể với các ký giả : "Những người cho tôi tiền nói đại khái là ‘Làm
cho xong cái luật đó đi, nếu không thì đừng bao giờ gọi tôi để xin tiền
nữa’".
Nếu
không làm được sứ mạng giao phó, Donald Trump có thể hoặc phải đi con
đường của Nixon hay con đường của Kennedy. Luận tội là một giải pháp bất
khả thi trong lịch sử của Hoa Kỳ.
Ngày 7/7/2017
Lữ Giang