Bắt Đinh La Thăng: Cuộc đấu chính trị mới chỉ vào vòng bán kết (Thiên Điều)

“Thái độ lạnh nhạt của giới quan chức từ TW tới địa phương cùng sự im bặt của báo chí về sự kiện thân mẫu ông Nguyễn Tấn Dũng mất ngày 1/12/2017 cho thấy khả năng chính ông Dũng cũng đang trong trạng thái “bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt”


Những ngày tháng cuối cùng của năm 2018, dư luận Việt Nam được một phen quay cuồng không ngừng nghỉ. Tâm điểm cao trào là vụ B.O.T Cai Lậy bị phản đối vì đặt sai vị trí mở ra hàng loạt các tram B.O.T khác trên toàn quốc đều có thể lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra. Cùng với đó là vụ thay đổi chữ viết của ông Bùi Hiển bị phản ứng dữ dội và kết thúc là phát hiện cách phiên âm chữ kiểu mới giống tới hơn 80% cách phát âm của tiếng Hoa. Vụ tin đồn TBT Trọng bị đột quỵ, đi chữa bệnh ở Singapore sau hơn một tuần vắng bóng trên truyền thông…kết thúc bằng sự xuất hiện cùng lúc với vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng – UV BCT, cựu Tổng giám đốc PVN, bị can trong cùng vụ án với Trịnh Xuân Thanh kéo dài hơn một năm qua.

Sau vụ bắt giữ Đinh La Thăng, dư luận đang tiếp tục đồn đoán về ý đồ của ông Trọng hướng tới Vũ Huy Hoàng, cuối cùng là Nguyễn Tấn Dũng. Tất nhiên đây là lộ trình mong muốn của TW ĐCSVN mà nói chính xác hơn là của phe cánh của đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng. Nhưng việc gì cũng có những nguyên tắc và qui luật của nó. Hàng loạt các chính sách điều chỉnh về giá, thuế và các chỉ dấu liên quan tài chính cho thấy chính quyền đương nhiệm đang nỗ lực xây dựng tiềm lực kinh tế để phục vụ cho các cuộc đấu với đối thủ là một hệ thống quá mạnh khi đã qua một thời kỳ dài thâu tóm những lợi ích béo bở, dễ dàng nhất. Việc này sẽ dẫn đến các mâu thuẫn, bất đồng trong dân chúng tăng cao, mở đường cho các hoạt động xã hội dân sự phát triển. Tạo áp lực ngược lại lên chế độ vốn chỉ muốn độc quyền về mặt chính trị.

Khoản tín dụng mới nhất đến từ Trung Quốc sau một loạt văn kiện mới “chốt hạ” sau Hội nghị APEC Đà Nẵng được hé lộ qua hai đại dự án được công bố là Đường cao tốc Bắc-Nam và sân bay Long Thành cho thấy cuộc đấu hậu trường chính trị Việt Nam chính thức ít nhiều lộ rõ bàn tay tham gia của người láng giềng phương Bắc. Theo logic thì sắp tới, cuộc chiến sẽ tập trung vào truy tìm các sân sau của đối thủ. Tấn công vào những doanh nghiệp sân sau của phe lợi ích nhóm, một mặt sẽ giúp củng cố “chứng cứ”, một mặt sẽ đem lại những khoản thu không nhỏ về kinh tế để đối phó nợ công - một cửa tử khác mà chính quyền Hà Nội chưa tìm được lối thoát trong ngắn hạn. Kịch bản này sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế toàn xã hội, một số cu trúc kinh tế trọng yếu sẽ bị tổn thương nặng nề, kèm theo hệ quả là cấu trúc vốn đầu tư phát triển quay về qui mô nhỏ lẻ, những vấn nạn xã hội sẽ theo đó phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khó kiểm soát hơn.

Những logic trên là theo xu hướng “phe Đảng” thuận lợi và giành chiến thắng. Nhưng còn một logic khác là phe bị tấn công chắc chắn sẽ không ngồi yên để trói tay chờ chết. Bề ngoài, vụ B.O.T Cai Lậy thuần túy là phản ứng về một dự án sai phạm, thu phí không đúng. Nhưng diễn biến xảy ra xung quanh cho thấy rất rõ có một thế lực khác thò tay vào lợi dụng với mong muốn vì lý do khác. Nếu theo phong cách của TBT Trọng, vụ trạm thu phí Cai Lậy lẽ ra đã bị dẹp ngay tức khắc. Nhưng thái độ lưỡng lự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào phút chót khi quyết định tạm dừng thu phí 3 tháng, cho Bộ GTVT thời gian 1 tháng để đưa ra giải pháp cùng với thông tin báo chí truy tìm ông chủ thật sự của dự án này là Công ty Bắc Ái tận Yên Bái – dây mơ rễ má dẫn tới một thế lực không thua kém thế lực đã cho vụ biệt phủ Yên Bái chìm xuồng bằng quyết định “phạt cho tồn tại” . 

Những diễn biến xung quanh cho thấy xung quanh vụ B.O.T Cai Lậy có 2 kịch bản: Một ý đồ truy tìm sân sau của phe đảng hoặc phải tạm dừng hướng này do phát hiện rào chắn “tế nhị”. Nó thể hiện ở phát ngôn của bà CT Quốc hội và một loạt quan chức cao cấp khác cho rằng “B.O.T Cai Lậy không sai”, thậm chí chủ đầu tư còn thẳng thừng ra thông điệp đòi nhà nước trả lại “đủ” số tiền liên quan dự án - một yêu cầu không có bất cứ cơ sở nào về mặt luật pháp lẫn nguyên tắc đầu tư kinh doanh thông thường. Hai là hoặc phe lợi ích đã nhanh tay dụng bài “gậy ông đập lưng ông” để phản đòn khiến BCA phải điều tra vụ “một người lạ mặt” tặng chủ quán nước gần trạm B.O.T Cai Lậy 10 triệu đồng là lý do giải thích hợp lý nhất. Thông điệp đưa ra có lẽ là “các ông cũng có phần” - một thông điệp có lợi nhưng không hiệu quả đối với bên đang vào thế yếu phải phòng thủ.

Trở lại vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng. Đây không phải là tiền lệ đầu tiên một lãnh đạo cấp UV BCT bị kỷ luật nặng trong thể chế CS ở Việt Nam nhưng là lần đầu tiên lãnh đạo trong hàng ngũ chóp bu là BCT chính thức bị bắt giam một cách công khai. Trong thời điểm hiện tại, vụ bắt giữ giúp ông Trng củng cố minh chứng cuộc chiến chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Đồng thời là lối thoát cho cuộc khủng khoảng với Đức liên quan vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh khi chứng minh Thanh là một tội phạm trong một vụ án lớn cùng với những người khác còn lớn hơn cả Thanh. Mọi thủ tục và quyết định bắt giữ đều được thực hiện trong cùng một ngày, khi mà dư luận đang râm ran với tin đồn ông Trọng bị đột quỵ cho thấy mức độ bí mật lẫn độ thận trọng ra sao. Mặc dù ngay sau cú ngã ngựa của ông Dũng, khi ông Đinh La Thăng được vào BCT, sau đó được giao cho ghế Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã có dự đoán ông Thăng sẽ bị “trảm” sau khi bên thắng cuộc ổn định được bộ máy. Việc rút ông Thăng về HN với một chức vụ lơ lửng trước khi bắt giữ cho thấy “vòng kim cô” đã xiết chặt xung quanh ông Thăng và cả những nhân vật liên quan từ trước, khiến ông Thăng không thể lẩn trốn như trường hợp Trịnh Xuân Thanh mặc dù không khó để đoán ra kết cục của mình. Thái độ lạnh nhạt của giới quan chức từ TW tới địa phương cùng sự im bặt của báo chí về sự kiện thân mẫu ông Nguyễn Tấn Dũng mất ngày 1/12/2017 cho thấy khả năng chính ông Dũng cũng đang trong trạng thái “bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt”.

Hành động bắt giữ em trai của ông Đinh La Thăng cùng lúc cho thấy cuộc tiến công các sân sau bắt đầu vào vòng 2: Hướng thẳng vào đầu não các phe nhóm. Nó có thể ví như cuộc chiến để tiến vào bán kết, bước chuẩn bị cho đòn quyết định phân thắng bại của chính trường Việt Nam.

VNTB