Một trăm năm Cách mạng Nga: Ba sai lầm chết người và một lời hứa vô căn cứ của Karl Marx (3) (Phạm Nguyên Trường)
Cuối cùng, tất cả các nước từng đi theo con đường mà Marx và các
đồ đệ của ông ta vẽ ra đều phải quay trở về với chế độ dân chủ và kinh
tế thị trường tự do. Nhưng, do con người trong những xã hội đó đã quen
với lối sống tùy tiện, vô đạo đức, hối lộ, móc ngoặc, coi thường pháp
luật, cho nên ở các quốc gia đó người ta thường thấy chế độ độc tài và
nền kinh tế tư bản hoang dã cực kì vô liêm xỉ.
4. LÀM THEO NĂNG LỰC HƯỞNG THEO NHU CẦU
Nói đấy là lời hứa vô trách nhiệm vì 2 lí do sau đây:
1. Con người, cho đến nay, là sinh vật duy lí và tư lợi, muốn thỏa
mãn một cách cao nhất những nhu cầu của mình với ít đau khổ nhất, hay
nói nôm na là muốn ăn mà không muốn làm. Chính vì thế người ta mới lừa
dối nhau, tranh giành nhau, chém giết nhau; các quốc gia thì gây chiến
tranh hao người tốn của với nhau để tranh giành đất đai, tài nguyên
thiên nhiên. Nếu được LÀM THEO NĂNG LỰC mà lại được HƯỞNG THEO NHU CẦU
bạn có thức khuya dậy sớm, có cố gằng học cho bằng được một kĩ năng hay
một môn ngoại ngữ nào hay không? Bạn có bắt con, em mình đi học thêm đến
mụ người như hiện nay hay không? Và nói chung là có cố gắng tiết kiệm,
cố gắng làm bất cứ chuyện gì hay không? Câu trả lới tất nhiên là KHÔNG.
Khi mọi người đều không cố gắng làm bất cứ chuyện gì thì lấy đâu ra
mà HƯỞNG THỤ? Đấy là chưa nói HƯỞNG THEO NHU CẨU, ngày nào cũng tôm hùm,
trứng cá hồi đen, thịt bò Úc, rượu vang Pháp, whisky Scotland… Cá nhân
tôi, nếu được hưởng theo nhu cầu thì không những chỉ ăn những món ngon
như thế mà thìa dĩa cũng phải bằng bạc nguyên chất, bồn tắm mạ vàng, mỗi
năm phải đi Hawaii tắm biển vài lần..v.v. Và làm sao đáp ứng được cái
nhu cầu khủng khiếp như thế của tất cả mọi người?
2. Đây là lúc chúng ta bàn về nguồn lực. Nói chung, tất cả các nguồn
lực, kể cả thời gian sống của một con người, đều là của hiếm và có giới
hạn. Hiện nay mới chỉ có đa số người dân ở các nước Bắc Mỹ, Tây Âu,
Nhật, Australia, New Zealand và một phần dân chúng ở một số nước khác là
có cuộc sống xứng đáng với đời sống của con người mà thôi. 3 tỷ người
hiện sống với thu nhập chưa tới 2 USD một ngày, trong đó 1,2 tỷ người có
thu nhập chưa bằng nửa số đó; 2 tỷ người sống thiếu điện, 1,5 tỷ người
thiếu nước sạch. Thế mà tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt, nước và
không khí đã bị ô nhiễm trầm trọng. Chỉ cần hơn một tỉ dân Trung Quốc và
hơn một tỉ dân Ấn Độ được hưởng mức sống như người dân Tây Âu thì thế
giới chắc chắn sẽ mất cân bằng thật sự, thậm chí là cạn kiệt tài nguyên
và loài người có thể bị diệt vong.
Như vậy là, LÀM THEO NĂNG LỰC HƯỞNG THEO NHU CẦU là lời hứa vô trách
nhiệm, quá nhẩm nhí, một cái utopia, không thể nào xứng đáng với một
người tự nhận hay vẫn được coi là triết gia biện chứng số 1. Nhưng tác
hại và di hại của nó thì vô cùng khủng khiếp. Những nước mắc phải cái bả
utopia này đã phải gánh chịu biết bao nhiêu đau thương, cà về người, về
của, lẫn đạo đức, phong tục.
5. VĨ THANH
1. Lịch sử nhân loại là lịch sử của quá trình vươn tới tự do, vươn
tới tình trạng ngày càng tự do hơn. Không cần đọc lịch sử, cũng chẳng
cần đọc triết học cũng có thể cảm nhận được điều này. Có thể nói, hiện
nay những người trên bốn mươi tuổi ở nước ta đều cảm thấy chân trời tự
do ngày càng mở rộng ngay trước mắt mình, làn gió tự do đang mơn man
ngay trên da thịt mình, tuy chân trời tự do chưa thật rộng và làn gió tư
do chưa đủ mạnh như một số người mong muốn. Nhưng, có thể nói, bằng
tuyên bố “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một
luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu”, Marx và các đồ đệ của
ông ta muốn đưa nhân loại vào chế độ nô lệ toàn triệt chưa từng có
trong lịch sử nhân loại. Bởi vì, như lịch sử thành văn đã cho thấy, ngay
cả thời của các pharaoh, trong các chế độ nô lệ hay các bạo chúa khủng
khiếp nhất vẫn có những người giữ được khoảng cách nhất định với nhà
nước, giữ được quyền tự kiếm sống. Khi nhà nước nắm tất cả phương tiện
sản xuất thì không có cá nhân nào còn được độc lập với nhà nước nữa.
Trotsky, một trong những lãnh tụ của cuộc Cách mạng Tháng mười Nga từng
nói: “Ở đất nước mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất thì đối
lập nghĩa là chết đói một cách từ từ. Nguyên tắc cũ: Không làm việc thì
không được ăn, đã được thay bằng nguyên tắc mới: Không vâng lời thì
không được ăn”. Xã hội loài người, nếu thực hiện triệt để nguyên tắc này
của Tuyên ngôn cộng sản, sẽ trở thành một tổ mối vĩ đại với những con
người chẳng còn chút nhân tính nào, tức là trở thành những con vật vẫn
đi bằng hai chân, nhưng không phải giống người trong quan niệm của chúng
ta hiện nay.
2. Lý thuyết về giá trị lao động và công thức tính giá trị thặng dư
là hoàn toàn sai, còn lời hứa về “làm theo năng lực, hưởng theo lao
động” là hoàn toàn vô căn cứ. Nhưng đây lại là những khẩu hiệu tuyên
truyền, kích động, là động lực của “đấu tranh này là trận cuối cùng”.
Giai cấp công nhân, được những đồ đệ của Marx - thực ra đều là những
người chỉ biết lí thuyết suông, chưa từng sản xuất hay kinh doanh bất cứ
thứ gì - kích động, đã làm được những cuộc cách mạng bạo lực long trời
lở đất và đã thiết lập được các chế độ chuyên chính vô sản với kinh tế
tập thể là chủ đạo. Nhưng hóa ra kinh tế tập thể và kế hoạch hóa, không
sử dụng cơ chế thị trường, không thể phân bố một cách hiệu quả các nguồn
lực (tức là chẳng biết trồng cây gì nuôi con gì cho hiệu quả). Xã hội
lâm vào khủng hoảng thiếu triền miên. Tình trạng khủng hoảng kinh tế
thường trực như thế sẽ dẫn đến những lời kêu gọi kế hoạch hóa nhiều hơn
nữa. Nhưng kế hoạch hóa kinh tế thù địch với tự do. Vì trong xã hội tự
do, người ta không thể đồng ý với nhau về một kế hoạch duy nhất, việc
tập trung hoá quá trình ra quyết định về kinh tế phải song hành với tập
trung hóa quyền lực chính trị vào tay một nhóm nhỏ. Cuối cùng, thất bại
của kế hoạch hóa tập trung trở thành hiện tượng không thể nào phủ nhận
được, các chế độ toàn trị thường bịt miệng những người bất đồng chính
kiến - đôi khi bằng những vụ giết người hàng loạt. Đàn áp và dối trá gia
tăng. Còn thiếu thốn thì tạo ra nạn ăn cắp, móc ngoặc và hối lộ. Thiệt
hại lớn nhất mà chủ nghĩa xã hội gây ra không phải là kinh tế mà là tinh
thần.
3. Cuối cùng, tất cả các nước từng đi theo con đường mà Marx và các
đồ đệ của ông ta vẽ ra đều phải quay trở về với chế độ dân chủ và kinh
tế thị trường tự do. Nhưng, do con người trong những xã hội đó đã quen
với lối sống tùy tiện, vô đạo đức, hối lộ, móc ngoặc, coi thường pháp
luật, cho nên ở các quốc gia đó người ta thường thấy chế độ độc tài và
nền kinh tế tư bản hoang dã cực kì vô liêm xỉ. Có thể nói, chủ nghĩa xã
hội chính là con đường rất dài và đầy đau khổ để đi từ chủ nghĩa tư bản
có trật tự sang chủ nghĩa tư bản hoang dã. Nghe đồn rằng cách đây 40-50
năm người ta đã thấy trên bàn sinh viên trong trường đại học ở Đức có
câu: “Vô sản toàn thế giới hãy tha tội cho tôi!”.
HẾT. (Dân Luận)