Mặt trái của nỗ lực làm sạch môi trường ở Trung Quốc (Chánh Tài)

Việc tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường ở Trung Quốc đang làm tăng chi phí sản xuất, khiến giá cả nhiều mặt hàng gia tăng, ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng trên toàn cầu, theo Bloomberg.

 Khói nhả lên từ các nhà máy thép ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: CFP
 Các công ty sống sót được hưởng lợi

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh cuộc chiến chống ô nhiễm không khí, các công ty ở nước này đã phải hối hả điều chỉnh lại hoạt động để tuân thủ quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, đồng thời, phải đầu tư cho nguồn năng lượng sạch.

Ông Cui Li, Giám đốc bộ phận nghiên cứu vĩ mô của công ty dịch vụ đầu tư CCB International ở Hồng Kông cho rằng các diễn biến trên đang định hình lại môi trường kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Nỗ lực làm sạch môi trường đang và sẽ là động lực quan trọng cho quá trình củng cố hoạt động sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc”, ông nói.

Ông dự báo nỗ lực này sẽ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất sắt thép, giấy và dược phẩm.

“Khi chi phí tăng từ việc trả lương, thuê đất đai đến tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cấp để tồn tại. Những công ty sống sót sẽ được hưởng lợi”, ông nhận định.

Công ty dệt may Shenzhen Yabi Textile là một trong số đó. Nhờ quy định bắt buộc sử dụng nồi hơi khí đốt thay cho nồi hơi đốt than, công ty này đang gặt hái thành quả từ những khoản đầu tư trong quá khứ và giành lấy thị phần của các đối thủ nhỏ, không trang trải nổi chi phí đầu tư.

Ông He Wenyong, Giám đốc công ty Shenzhen Yabi Textiles, cho biết giờ đây công ty của ông có thể nâng giá sản phẩm lên 8%.

“Những nhà máy nhỏ, gây ô nhiễm chiếm 30% thị phần. Giờ đây, chúng đã bị đóng cửa nên mọi thứ tốt hơn nhiều đối với chúng tôi”, ông nói.

Các công ty lớn hơn như công ty sản xuất túi hành lý Samsonite International cho biết áp lực chi phí từ việc tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường ở Trung Quốc đã tác động đến tất cả đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, theo ông Ramesh Tainwala, Giám đốc điều hành Samsonite International, quy mô lớn đã giúp ích cho công ty này.

“Sự cạnh tranh gay gắt để thu hút nguồn nhân lực có tay nghề và chi phí nhân công tăng cũng đang tạo thêm áp lực. Những nhà máy ngưng hoạt động đa phần có quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực để tuân thủ các biện pháp kiểm soát môi trường ngày càng gắt gao”, ông nói.

Giá cả hàng hóa leo thang


Các hoạt động chấn chỉnh nhằm bảo vệ môi trường bắt đầu diễn ra trong các ngành công nghiệp nặng vào năm 2016. Lúc này, chính phủ Trung Quốc đóng cửa các nhà máy thép, nhà máy luyện nhôm và mỏ than hoạt động trái phép hoặc sử dụng công nghệ lạc hậu, nhằm giảm sản lượng dư thừa và kiểm soát ô nhiễm.

Các biện pháp này đã đẩy giá thép tăng 20% trên toàn cầu trong năm nay và dẫn đến các hoạt động sáp nhập trong ngành công nghiệp thép rộng lớn của Trung Quốc.

Giờ đây, đến lượt các nhà sản xuất hàng tiêu dùng thấm thía sức ép này. Ngoài việc cắt điện đối với các xưởng sản xuất gây ô nhiễm, hồi tháng 7, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng ra quyết định cấm nhập khẩu phế liệu chưa phân loại bao gồm nhựa và giấy nhằm ngăn chặn nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến môi trường.

Giá của nhựa và giấy tăng vọt sau quyết định này vì việc sản xuất chúng bằng cách khai thác dầu và chặt gỗ, đắt hơn nhiều so với việc tái chế từ phế liệu.

Những nhà sản xuất trụ lại được trong chiến dịch làm sạch môi trường đang chuyển chi phí sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá hàng hóa. Sự thay đổi này thể hiện rõ ở Hội chợ xuất khẩu Trung Quốc (Canton) tại thành phố Quảng Châu, do Bộ Thương mại Trung Quốc và chính quyền tỉnh Quảng Đông tổ chức vào hồi tháng 10. Năm nay, khách hàng nước ngoài nhận thấy giá nhiều mặt hàng tăng mạnh nhưng các nhà cung cấp không sẵn sàng thương lượng hạ giá bán.

Công ty sản xuất vali Anhui Technology đã nâng giá bán các vali lên gần 10% vì loại nhựa dùng để sản xuất lớp vỏ cứng của vali tăng vọt 80% trong tháng 8 và tháng 9.

“Ban đầu, khách hàng không chấp nhận mức tăng giá cao như vậy. Nhưng giờ đây họ phải đồng ý vì mọi nhà cung cấp đều nâng giá”, ông Ren Yuyang, đại diện kinh doanh của Anhui Technology, nói.
Cô Roxana Fernandez, vị khách hàng Argentina đến từ công ty bán lẻ trang phục thể thao Montagne Outdoors, cho biết cô và các đồng nghiệp như muốn ngã ngửa khi chứng kiến giá các sản phẩm tăng từ 20-30% trong năm nay tại hội chợ Canton.

“Tất cả họ đều giải thích rằng giá tăng là do chính sách siết chặt quản lý môi trường và họ không thể làm gì khác. Về phần mình, chúng tôi phải đánh giá lại xem Trung Quốc chiếm bao nhiêu trong nguồn cung của chúng tôi”, Fernandez nói.

Mức độ tăng giá khác nhau tùy theo ngành. Các nhà sản xuất cấp thấp trong lĩnh vực giày dép, áo quần cho biết họ không đủ mạnh để chuyển hết chi phí sản xuất tăng thêm vào giá sản phẩm.
Người tiêu dùng lĩnh đòn

Tuy nhiên, một điều tất yếu là lạm phát giá cả từ các nhà máy Trung Quốc cuối cùng rồi sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng khắp thế giới thông qua các chuỗi cung cấp toàn cầu. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) đã tăng 6,5% trong 10 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá hàng hóa xuất khẩu từ nước này tăng theo.

Ông Lim Lian Hoon, Giám đốc công ty tư vấn AlixPartners ở Hồng Kông cho rằng về dài hạn, giá cả tăng từ nguồn cung có thể khiến người tiêu dùng toàn cầu tránh xa hàng hóa Trung Quốc trong một số ngành như áo quần. Trong khi đó, chi phí mua của các nhà bán lẻ sẽ tăng lên trong một số mặt hàng của Trung Quốc như đồ chơi trẻ em vì không có nhiều sự lựa chọn thay thế.

Các khách hàng lớn như Walmart, Target và Disney đang đa dạng hóa hoạt động thuê gia công sang các nước khác ngoài Trung Quốc để tiết kiệm chi phí.

“Làn sóng đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc chỉ tác động hạn chế đối với Samsonite International vì chúng tôi hợp tác với các nhà cung cấp lớn và uy tín. Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Samsonite International cũng nỗ lực gia tăng hoạt động gia công bên ngoài Trung Quốc, bao gồm mở rộng các cơ sở sản xuất của chúng tôi ở châu Âu và Ấn Độ”, ông Ramesh Tainwala, Giám đốc điều hành Samsonite International, nói.

Ông He Wenyong, Giám đốc công ty dệt may Shenzhen Yabi Textiles, cho biết đang cân nhắc chuyển bớt hoạt động sản xuất sang các nước khác, chẳng hạn như Pakistan, nơi chi phí nhân công còn rẻ và có vị trí địa lý sát với châu Âu.

“Chỉ có hai con đường cho các công ty trong ngành sản xuất sử dụng nhiều nhân công ở Trung Quốc: hoặc phát triển đi lên hoặc ngưng hoạt động. Chúng ta sẽ thấy số lượng nhà sản xuất còn lại sẽ ít hơn và họ trụ vững nhờ thương hiệu và chất lượng hàng hóa của họ”, ông Zhu Haibin, nhà kinh tế trưởng của chi nhánh ngân hàng JPMorgan Chase ở Hồng Kông, nhận định.

TBKTSG