Donald Trump đổi nhân quyền lấy bạc cắc (Phạm Trần)
Vì vậy hành động của ông Trump đã xóa đi tất cả những thành tích bảo vệ
và tôn trọng quyền con người là điều kiện quan trọng trong quan hệ ngoại
giao với Mỹ mà các vị Tổng Thống Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng Dân chủ và
Cộng hòa đã đặt ra với Chính phủ Việt Nam trong 24 năm, từ thời Tổng
thống Bill Clinton (Dân chủ); George W. Bush (Cộng hòa) và Barack Obama
(Dân chủ).
Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald
Trump đã tạt gáo nước lạnh vào mặt các Tổ chức đấu tranh dân chủ, nhân
quyền và các nạn nhân của chế độ Cộng sản Việt Nam đang bị giam cầm chỉ
vì muốn được sống tự do và dân chủ.
Hành động của ông Trump không những chỉ diễn ra trong Diễn văn trước 20
Nhà lãnh đạo các nền kinh tế của khối Á châu-Thái Bình Dương (APEC,
Asia-Pacific Economic Cooperation) dự hội nghị tại Đà Nẵng ngày
10/11/2017 mà còn trong Tuyên bố chung Việt-Mỹ, đưa ra tại Hà Nội ngày
12/11/2017 sau chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam.
Lập trường coi nhân quyền không quan trọng và cần thiết bằng dollar của
Chính quyền Trump còn diễn ra ở Bắc Kinh, nơi ông Trump gặp và thảo luận
hợp tác kinh tế với Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Tàu Tập Cận
Bình nhưng không hề nói gì về nhân quyền, trước khi sang Việt Nam. Thay
vào đó là 15 thỏa thuận kinh tế trị giá 250 Tỷ dollars đã được ký kết
giữa các công ty Mỹ và công ty Tàu.
Và sau đó, vào ngày 12/11/2017, khi thăm chính thức Phi Luật Tân, ông
Trump cũng không hé răng nửa lời về những vụ tàn sát khoảng 7000 người
Phi trong chiến dịch bài trừ băng đảng và ma túy hơn năm qua của Tổng
thống Rodrigo Duterte. Nhiều Nhà Lập pháp Mỹ và các Tổ chức nhân quyền
của Mỹ và Thế giới đã lên án ông Duerte hà khắc, coi thường mạng sống
con người vì đa số các nạn nhân đã bị vây bắt để hành quyết ngay tại
những khu nhà ổ chuột, trước mặt mọi người mà không được đưa ra xét xử
trước tòa án.
Tại cả 3 nước Việt Nam, Tàu cộng và Phi Luật Tân, ông Trump, một tỷ phú
giàu lên vì biết “có tiền mua tiên cũng được” nên đã không ngại quay
lưng trước những ánh mắt đau khổ và gương mặt tang thương của nhiều tầng
lớp người dân bị chính phủ của họ cướp đi quyền sống và các quyền tự do
ở Việt Nam, Tàu và Phi Luật Tân.
Vì vậy hành động của ông Trump đã xóa đi tất cả những thành tích bảo vệ
và tôn trọng quyền con người là điều kiện quan trọng trong quan hệ ngoại
giao với Mỹ mà các vị Tổng Thống Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng Dân chủ và
Cộng hòa đã đặt ra với Chính phủ Việt Nam trong 24 năm, từ thời Tổng
thống Bill Clinton (Dân chủ); George W. Bush (Cộng hòa) và Barack Obama
(Dân chủ).
Rất tiếc ông Trump đã bịt mắt, che tai trước những vi phạm nhân quyền
nghiêm trọng ở Tàu cộng, Việt Nam và Phi Luật Tân để dành thời gian kiếm
bạc cắc cho các công ty Mỹ và nước Mỹ.
Hợp tác theo kiểu Trump
Trong diễn văn dài khoảng 30 phút ở Đà Nẵng, ông Trump đã tập trung cổ
võ chính sách mậu dịch “song phương”, trái với lập trường “đa phương và
hội nhập” của Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Tàu Tập Cận Bình.
Ông Trump nói:
“Mỹ sẵn sàng phối hợp với từng lãnh đạo trong hội trường này hôm nay
để đạt được thương mại cùng có lợi mang lại lợi ích cho cả nước bạn lẫn
nước tôi. Đó là thông điệp mà tôi muốn truyền tải ở đây.
Tôi sẽ ký các thỏa thuận thương mại song phương với bất cứ quốc gia
Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của Mỹ và sẽ tuân thủ
nguyên tắc thương mại công bằng và có đi có lại. Điều chúng tôi không
tiếp tục làm là tham gia vào những thỏa thuận lớn trói tay nước Mỹ, ảnh
hưởng đến chủ quyền, cũng như khiến việc thực thi điều đó một cách có ý
nghĩa trở nên bất khả thi trong thực tế...”
“...Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và
bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi sẽ
luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn
trong hội trường này đưa tổ quốc mình lên trên hết.” (theo APEC-Việt Nam)
Lập trường Tập Cận Bình
Ngược với chủ trương co cụm của ông Trump, Tập Cận Bình đã nhiệt liệt cổ
võ hợp tác “đa phương” và “hội nhập toàn cầu” để mưu cầu phúc lợi cho
các dân tộc.
Ông Tập nói:
“Chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương cùng theo đuổi phát
triển chung thông qua xây dựng các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng
đồng chung vì tương lai của mọi người. Tôi tin rằng đây là điều cần phải
làm.
Đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong kinh tế toàn cầu chúng ta
nên dẫn đầu toàn cầu hóa kinh tế hay chỉ ngờ vực và do dự, bỏ lỡ cơ hội.
Chúng ta có nên cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực hay mỗi người, mỗi
nước đi một đường. Đây là câu trả lời của chúng ta: chúng ta phải đi
cùng với thời đại, đáp ứng được trách nhiệm của mình.”
“...Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế mở có lợi cho tất cả
mọi người, sự mở cửa mang lại tiến bộ còn đóng cửa khiến chúng ta ở lại
phía sau, các nền kinh tế chấu Á - Thái Bình Dương hiểu điều này quá
rõ.” (APEC-Việt Nam)
Trump-Việt Nam
Sau Đà Nẵng, ông Trump đến Hà Nội để chính thức thăm Việt Nam 2 ngày 11 và 12/11/2017.
Trong thời gian ngắn ngủi này, đoàn Mỹ đã tập trung vào ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỷ dollars với Việt Nam.
Trong tất cả các cuộc họp chính thức với Chủ tịch nước CSVN Trần Đại
Quang, hay 2 cuộc thăm xã giao với Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề nhân quyền và nhu cầu tự do dân chủ
của người dân Việt Nam đã không được nói tới.
Trong Tuyên bố chung 14 điểm phổ biến trước giờ Donald Trump rời Hà Nội, hai bên chỉ ghi 19 chữ ngắn ngủi:
“Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.”
Thật tẻ nhạt và tầm thường. Tổng thống một cường quốc đứng đấu thế giới
về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản của con người mà chỉ
biết “ghi nhận” thì sự quan tâm về tình hình nhân quyền ở Việt
Nam của ông Trump quá tệ hại, hay là ông ta đã bị Trần Đại Quang xỏ mũi
lôi đi mà vẫn thỏa mãn với chuyến đi Việt Nam đầu tiên trong cuộc đời
ông?
Tất nhiên, khi hành động như thế, ông Trump đã chà đạp lên những giá trị
truyền thống của nước Mỹ về quyền con người. đồng thời cũng dung dưỡng
nhà nước Cộng sản Việt Nam được tự do đàn áp những ai chống chính sách
cai trị độc tài và phản dân chủ của đảng CSVN.
Càng nghiêm trọng và mất thể diện hơn là chủ trương không quan tâm đến
những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam của ông Trump đã đi ngược với lập
trường của Bộ Ngoại giao Mỹ trong phúc trình đưa ra hồi tháng 3/2017,
sau 2 tháng ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc.
Bản phúc trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2016 viết rằng:
“Những vấn đề nổi bật nhất về quyền con người ở Việt Nam là sự hạn
chế nghiêm ngặt của chính quyền đối với quyền chính trị của công dân,
đặc biệt là quyền của công dân trong việc thay đổi chính quyền thông qua
các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế các quyền tự do của công
dân bao gồm tự do hội họp, tự do lập hội và tự do biểu đạt; chưa có sự
bảo vệ đầy đủ đối với các quyền về quy trình tố tụng hợp pháp của công
dân, bao gồm sự bảo vệ chống giam giữ tùy tiện. Những vi phạm quyền con
người khác bao gồm việc tước đoạt sinh mạng tùy tiện và trái luật; công
an tấn công và dùng nhục hình; bắt giữ người và giam cầm tùy tiện do các
hoạt động chính trị; công an tiếp tục ngược đãi nghi can trong quá
trình bắt và giam giữ, kể cả việc sử dụng vũ lực làm chết người, cũng
như các điều kiện khắc khổ của trại giam; từ chối quyền được xét xử
nhanh chóng và công bằng.”
Bản phúc trình viết tiếp:
“Chính quyền hạn chế tự do ngôn luận và trấn áp những người bất đồng
quan điểm; thực hiện kiểm soát và kiểm duyệt báo chí; hạn chế quyền tự
do sử dụng Internet và tự do tôn giáo; duy trì việc theo dõi chặt chẽ
thường xuyên các nhà hoạt động; tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền
tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại. Chính quyền tiếp tục kiểm
soát chặt chẽ việc đăng ký của các tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó
có các tổ chức nhân quyền. Nhà chức trách hạn chế sự thăm viếng của các
tổ chức phi chính phủ về nhân quyền.” (Trích bản tiếng Việt của Sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Việt Nam))
Thất vọng
Ngoài ra, khi ông Trump coi các mối lợi kinh tế to hơn bảo vệ quyền con
người cho các dân tộc bị đàn áp, như trường hợp Việt Nam, thì ông còn
bôi tro trát phấn vào mặt 17 Tổ chức Phi Chính phủ và 40 Học giả trên
Thế giới. Họ là số người đã gửi thư yêu cầu ông Trump và lãnh đạo các
nước APEC đặt vấn đề vi phạm nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam và
đòi cộng sản Hà Nội trả tự do cho những nhà đấu tranh đang bị giam giữ,
đặc biệt hai bà Trần Thị Nga, và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm. Bà
Quỳnh, bị bắt hồi tháng 10 năm 2016 và bị kết án 10 năm tù, trong khi bà
Nga, bị bắt hồi tháng giêng năm nay, bị tuyên án 9 năm tù.
Trong số người còn bị giam giữ có các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Luật sư
Nguyễn Văn Đài và ông Nguyễn Văn Oai. Ông Oai bị kết án 5 năm tù và 4
năm quản thúc tại gia vì kháng cự công an và rời khỏi nhà trong thời
gian quản chế.
Riêng Luật sư Đài, người đã ra tù vào khám từ năm 2007 với tội bị gán
cho là "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", vẫn còn ở tù từ
tháng 12/2015.
Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, một trong số lãnh đạo của Tổ chức “Con đường
Việt Nam” bị bắt vào ngày 24 tháng 5 năm 2009 với tội danh ban đầu là
“trộm cắp cước điện thoại”, sau đó với các cáo buộc hoạt động chính trị
nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân.” Cùng với một số nhân vật như Ls. Lê
Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long bị tòa án nhân dân TP. Hồ
Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010, riêng cá nhân ông
Thức bị tuyên án 16 năm tù giam và tịch thu một phần tài sản.
Ông Nguyễn Tiến Trung, bị án 7 năm, nhưng được phóng thích trước thời
hạn ngày 12 tháng 4 năm 2014. Ông Lê Thăng Long, bị án 5 năm tù, được tự
do từ tháng 6 năm 2012. Luật sư Lê Công Định nhận án 5 năm đã được tự
do năm 2013.
Con gái Mẹ Nấm
Ngoài ra, bên cạnh những vấn đề gọi là “quốc gia đại sự” quanh chuyến
công du 11 ngày qua Á Châu của ông Donald Trump, Văn phòng Tòa Bạch Ốc
đã không đả động gì đến bức thư cầu cứu của con gái mẹ Nấm gửi đệ nhất
phu nhân nước Mỹ, bà Melania Trump kêu gọi can thiệp giúp Mẹ Nấm ra tù
về với 2 con nhỏ và mẹ già.
Trong thư phổ biến rộng rãi trên mạng điện tử, cháu Nguyễn Bảo Nguyên, 10 tuổi viết:
"Chỉ còn vài ngày nữa là đã tới sinh nhật con và em con là Gấu, thế
là một lần sinh nhật nữa mà không có mẹ bên cạnh chúng con, chúng con
yêu mẹ nhiều lắm và chỉ mong muốn mẹ về với chúng con."
"Xin bà hãy giúp gia đình con được đoàn tụ vì con biết mẹ con chẳng
làm gì sai cả và vì chính Bà cũng đã trao tặng giải thưởng 'Phụ nữ can
đảm' cho mẹ con, con và gia đình con xin thay mẹ cảm ơn Bà lần nữa."
Bà Melania không theo chồng qua Việt Nam mà đã quay về Mỹ sau chặng dừng
chân và thăm danh lam thắng cảnh ở Bắc Kinh. Cả phát ngôn viên của bà
Trump và phát ngôn viên báo chí Tòa Bạch Ốc, Sarah Huckabee Sanders
không nói gì đến lời cầu cứu của cháu Bảo Nguyên.
Một sự lạnh nhạt đến rung mình và đáng bị lên án từ phía Chính quyền Donald Trump đối với những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Nhưng đây không phải là lần thứ nhất ông Trump đã coi thường vấn đề nhân
quyền ở Việt Nam. Cách nay 6 tháng, ông Trump cũng không hé răng nói
chuyện nhân quyền với Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc trong 3 ngày ông
Phúc thăm Hoa Kỳ từ 29 đến 31/05/2017, gồm cả cuộc gặp tay đôi
Trump-Phúc tại Tòa Bạch Ốc.
Ngược lại, thì Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hân hoan khoe rằng: “Chúng tôi đã ký hợp đồng gần 15 tỷ USD, chủ yếu từ nhập khẩu các thiết bị dịch vụ từ Hoa Kỳ”.
Nhân Quyền Từ Bush Tới Obama
Khác với cách ứng xử của ông Trump, là người đến Hà Nội tham dự Hội nghị
APEC rồi thăm chính thức Việt Nam năm 2006, Tổng thống George W. Bush
cũng đã họp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và thăm xã giao Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư đảng Nông Đức Mạnh.
Sau đó hai nước cũng ra Tuyên bố chung, trong đó có đoạn viết:
“Tổng thống George Bush thông báo về Chiến lược An ninh Quốc gia của
Hoa Kỳ, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng đầy đủ các
quyền con người và các quyền tự do cơ bản đối với hoà bình thế giới cũng
như đối với sự phát triển ổn định của mỗi quốc gia. Chủ tịch Nguyễn
Minh Triết thông báo cho Tổng thống George Bush về các luật và quy định
mới được ban hành về tự do tôn giáo cần được thực thi tích cực tại tất
cả các địa phương của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận tầm quan
trọng của việc tiếp tục đạt tiến bộ trong đối thoại song phương về quyền
con người và tái khẳng định rằng đối thoại cần được tiến hành một cách
toàn diện, xây dựng và có kết quả.”
Sau đó năm 2007, trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh
Triết, Thông cáo của Tòa Bạch ốc viết về tuyên bố của Tổng thống Bush về
nhân quyền như sau:
“I also made it very clear that in order for relations to grow deeper
that it's important for our friends to have a strong commitment to
human rights and freedom and democracy. I explained my strong belief
that societies are enriched when people are allowed to express
themselves freely or worship freely.”
(Tạm dịch: “Tôi cũng nói rất rõ là để có được mối quan hệ vững chắc
hơn, tôi nghĩ rất quan trọng là những người bạn của chúng ta cũng cần có
những cam kết về nhân quyền, các quyền tự do và dân chủ. Tôi cũng đã
giải thích tôi mãnh liệt tin rằng xã hội chỉ có thể phồn vinh khi con
người hoàn toàn được phép bày tỏ quan điềm của mình và quyền được tự do
thờ phượng.”)
Đến năm 2013, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ và gặp Tổng thống Obama tại Bạch Ốc, bản Tuyên bố chung cũng viết:
“Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề còn khác biệt, trong đó có
vấn đề quyền con người; nhất trí tiếp tục thông qua đối thoại xây dựng
và tôn trọng lẫn nhau để tăng cường hiểu biết, giảm thiểu khác biệt,
không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa
hai nước.”
Và sau cùng, trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Tổng Bí thư đảng CSVN
Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015, hai bên đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn
chung, trong đó khẳng định:
“Hai nước hứa hẹn tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con
người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng
về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác
biệt.
Hai nước khuyến khích sự hợp tác hơn nữa nhằm bảo đảm rằng mọi người,
bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân
biệt giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính, và bao gồm
cả người tàn tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người.”
Như vậy, tại sao đến lượt ông Donald Trump thì hai nước chỉ nói vỏn vẹn có 19 chữ: “Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.”
Theo Đại từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì “ghi nhận” có nghĩa là “ghi lại để nhớ”. Nhưng nếu chỉ “ghi để nhớ” mà không có hành động để bảo vệ, bênh vực và tôn trọng thì cũng chỉ như “nước đổ đầu vịt” mà thôi.
Ông Donald Trump cũng nên biết trong dân gian người Việt Nam có câu “đồng tiền không mua được nhân cách con người”.
14.11.2107