TQ sắp 'sửa điều lệ Đảng' và 'bổ sung' tư tưởng Tập Cận Bình (BBC)

Vài ngày trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, tin cho hay Trung Quốc sắp sửa đổi điều lệ của Đảng Cộng sản và có thể sẽ bổ sung 'tư tưởng chính trị' của Chủ tịch Tập Cận Bình vào các văn kiện then chốt của Đảng.
Một hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa 18 nhóm họp từ ngày 11-14/10/2017 tại Bắc Kinh hôm thứ Bảy đã thông qua một dự thảo sửa đổi điều lệ của đảng này vốn đã được thông báo từ trước và sẽ trình lên Đại hội lần thứ 19, dự kiến nhóm từ hôm 18/10 để 'phê chuẩn', theo hãng tin Reuters.
Thông cáo do Đảng Cộng sản loan báo và được truyền thông nhà nước đăng tải đề cập tới tinh thần của nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình qua một loạt các diễn văn, phát biểu quan trọng của ông được cho là đã có 'các tân khái niệm và tư tưởng mới' cũng như các 'tư tưởng chiến lược' có tính mới về quản lý, lãnh đạo nhà nước.
Một phóng viên của BBC Tiếng Trung cho hay dường như đây là một chỉ dấu, nhưng cần chờ khẳng định tại Đại hội bắt đầu vào hôm thứ Tư tới đây, về việc các 'tư tưởng chính trị' của ông Tập Cận Bình sẽ được 'bổ sung' vào điều lệ đảng và các văn kiện khác về đường lối, cũng như tuyên huấn, tuyên truyền.
Truyền thông Trung Quốc cuối tuần này cũng cho hay một thông báo sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa 18 của đảng cho biết Đảng Cộng sản đã khai trừ đảng của một nguyên lãnh đạo bộ tư pháp.
Thông báo hôm thứ Bảy đưa chi tiết nói bà Ngô Ái Ái, nguyên Bộ trưởng Tư pháp và một số quan chức khác đã bị khai trừ khỏi đảng vì tham nhũng, vẫn theo Reuteurs.

'Chắc chắn được bổ sung'

Hôm 15/10, một nhà phân tích chính trị và bang giao quốc tế từ Việt Nam nêu quan điểm với BBC cho rằng 'tư tưởng' của ông Tập chắc chắn sẽ được đưa vào Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Về tư tưởng của Tập Cận Bình, tôi nghĩ chắc chắn sẽ được đưa vào Đại hội 19 này, vì đưa vào trong Đại hội nên nó sẽ được chính thức hóa trong Chính cương và Điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc," Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Trung nói.
"Điều đó là tất nhiên rồi, bởi vì ta thấy rằng là ngay trong 'nhiệm kỳ đầu tiên', ông Tập Cận Bình đã xác nhận là 'hạt nhân lãnh đạo', điều đó Giang Trạch Dân chỉ được xác nhận ở nhiệm kỳ thứ hai và Hồ Cẩm Đào không được gọi đến. Tức là vị trí của Tập Cận Bình đã được đặt lên rất cao!"
Về bản chất của điều được cho là 'tư tưởng Tập Cận Bình', Tiến sỹ Vũ Cao Phan nêu nhận định:
"Cái mà gọi là 'tư tưởng Tập Cận Bình' là gì tôi nghĩ là Đại hội đảng 19 của Trung Quốc sẽ thảo luận và sẽ đưa ra một định nghĩa rõ ràng, nhưng tư tưởng Tập Cận Bình đã được nói đến như trong cuốn sách của một giáo sư, Học viện Quốc phòng Trung Quốc, được công bố đồng thời ở Anh và ở Trung Quốc.
"Cho thấy đó là tư tưởng vĩ đại phục hưng nước Trung Hoa, muốn nói rằng Tập Cận Bình là người tạo nên thời đại thứ ba từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Mao Trạch Đông là người lập quốc, Đặng Tiểu Bình là người thực hiện cuộc cải cách vĩ đại, còn Tập Cận Bình là người phục hưng nước Trung Hoa.
"Nếu nói theo quan điểm ông Đặng Tiểu Bình đã nói là thời kỳ ấy là 'giấu mình chờ thời', thì đến thời kỳ của Tập Cận Bình chuyện đó không còn nữa, nước Trung Quốc bước ra vũ đài của thế giới, cho thế giới thấy là ai và Tập Cận Bình là người đại diện."
Tiến sỹ Vũ Cao Phan bác bỏ quan điểm cho rằng Tập Cận Bình là một lãnh đạo theo phong cách 'bạo chúa' hay độc tài, trái lại ông nêu quan điểm cho rằng có thông tin nói ở Trung Quốc công việc chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình được nhân dân Trung Quốc hoan nghênh và ủng hộ 'nhiều nhất', nhà nghiên cứu nói:
"Gần đây tôi nghe được rất nhiều người bạn của tôi đi Trung Quốc về nói rằng nhân dân Trung Quốc rất hoan nghênh và một trong những vấn đề mà Tập Cận Bình được ủng hộ nhiều nhất đó là vấn đề chống tham nhũng.
"Và thực ra ông đã làm được và làm thật... Tôi không nghĩ và hoàn toàn không đúng nếu coi Tập Cận Bình là 'bạo chúa' và những biện pháp mà ông đối xử với những kẻ tham nhũng vẫn còn có những điều ta có thể thấy là nhẹ tay.
"Nhẹ tay có thể bởi rất nhiều nguyên nhân, có thể bởi nguyên nhân là những lợi ích của các phe nhóm thỏa thuận với nhau điều này, điều khác, điều đó chắc chắn là có... Và một điều nữa cũng nói là cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc được nhân dân rất hoan nghênh," TS Cao Phan nói với BBC.
Hôm thứ Sáu, trong một chương trình trực tuyến trên kênh Facebook Live của BBC Tiếng Việt, nhà báo Vincent Ni, thành viên ban biên tập của BBC Tiếng Trung, cũng chia sẻ với khán giả và độc giả của BBC Việt ngữ về đánh giá cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập, ông nói:
"Từ lâu nhiều người cho rằng trong Đảng Cộng sản có vấn đề tham nhũng, do đó một trong những mục tiêu cao nhất của ông Tập Cận Bình là làm trong sạch đảng, trong sạch bộ máy. Những nhà chỉ trích, đăc biệt là giới bất đồng ở hải ngoại thường cho rằng các chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập có mục đích chính trị, nhằm loại bỏ những kẻ thù chính trị của ông.
"Cho nên điều quan trọng là người ta không quan tâm đến cái gì là thực chất bên trong chiến dịch chống tham nhũng, mà người dân chỉ quan tâm đến làm sao cho cuộc sống của họ được dễ dàng hơn mà thôi," nhà báo Vincent Ni nói với BBC hôm 13/10."Thế nhưng nếu bạn đến Trung Quốc và nói chuyện với mọi người dân, thì họ rất hài lòng và hạnh phúc về việc chống tham những, bởi vì trước đây ngay ở cấp độ đô thị, thành phố, để sửa nhà, sửa cửa, người dân phải có hầu bao đỏ lót tay cho các quan chức, nhưng bây giờ không ai dám nhận phong bì như thế nữa.
Được biết, theo một tập san về Nghiên cứu Xây dựng Đảng của Trung Quốc năm nay, một số thành tố chính trong tư tưởng Tập Cận Bình có thể tìm thấy trong nguyên lý ưu tiên xây dựng "5 trong một" với các chính sách tích hợp trong gói lý luận được gọi là bốn đại diện.
Nội dung của '5 trong một' là 'phát triển hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái', còn các chính sách thúc đẩy mục tiêu này được tích hợp và tổng kết trong Lý luận "Bốn toàn diện" bao gồm việc 'xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện và quản lý đảng nghiêm khắc toàn diện'.
Nếu được bổ sung đưa vào các văn kiện then chốt sửa đổi của đảng Trung Quốc, Tập Cận Bình sẽ là lãnh tụ đầu tiên sau hàng chục năm qua được nêu trong các văn kiện chính thức của Trung Quốc như một lãnh đạo có 'tư tưởng' của Đảng, trước đó, các văn kiện, tài liệu lý luận và tuyên truyền của Trung Quốc chỉ nêu 'tư tưởng Mao Trạch Đông' và 'lý luận Đặng Tiểu Bình'.