Học để làm thầy, làm để thành lãnh đạo (Sơn Tùng)

Tuần trước, báo Tuổi Trẻ đưa tin 38/45 công chức ở Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc là lãnh đạo, tỷ lệ hơn 84%, nghĩa là cứ 10 người có hơn tám người là quản lý. Nhưng con số này vẫn còn kém “trường hợp điển hình” năm 2016 khi báo chí rộ lên loạt bài viết về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hải Dương. Trong số 46 nhân sự tại sở này, 44 có chức danh quản lý, tỷ lệ gần 96%, nghĩa là cứ 10 người làm việc thì gần như cả 10 đều là lãnh đạo - có phòng không có nổi một nhân viên.


Xin bắt đầu bài viết bằng câu chuyện của một Việt kiều. Tháng trước, bà đi du lịch Nhật Bản trước khi ghé về Việt Nam. Bà kể trong chuyến đi, người lái xe cho nhóm của bà là một người Nhật lớn tuổi, chắc đã phải hơn 65. Khi có người trong đoàn giúp ông chuyển hành lý vào xe, ông cám ơn và bảo người đó đừng làm vậy. Ông nói đó là công việc của ông, nếu để người khác làm thay, ông sẽ không chu toàn nhiệm vụ của mình.

Câu chuyện nhỏ trên lại vô cùng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh “lạm phát lãnh đạo” tại các cơ quan nhà nước của chúng ta. Năm nào chuyện thừa lãnh đạo cũng được xới lên nhưng vẫn chưa thấy có cách giải quyết căn cơ. Tuần trước, báo Tuổi Trẻ đưa tin 38/45 công chức ở Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc là lãnh đạo, tỷ lệ hơn 84%, nghĩa là cứ 10 người có hơn tám người là quản lý. Nhưng con số này vẫn còn kém “trường hợp điển hình” năm 2016 khi báo chí rộ lên loạt bài viết về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hải Dương. Trong số 46 nhân sự tại sở này, 44 có chức danh quản lý, tỷ lệ gần 96%, nghĩa là cứ 10 người làm việc thì gần như cả 10 đều là lãnh đạo - có phòng không có nổi một nhân viên.

Một trong những nguyên tắc cơ bản để tổ chức hoạt động tốt là từng thành viên của tổ chức phải làm tròn nhiệm vụ. Nền công vụ quốc gia cũng không thể là ngoại lệ. Nhân viên phải thực hiện tốt sự vụ hàng ngày - như người tài xế Nhật kể trên - còn lãnh đạo, quản lý phải làm công việc lãnh đạo, quản lý; thông thường, lãnh đạo không làm tác vụ của nhân viên và ngược lại. Lãnh đạo vạch ra đường hướng, chiến lược là tối quan trọng trong một tổ chức, nhưng chỉ có thể là một hay vài người, chứ không thể là đa số nhân sự trong tổ chức đó. Ở vế bên kia, nhân viên thực hiện sự vụ hàng ngày phải chiếm số đông vì khối lượng công việc rất lớn. Trên thực tế, tại các công ty cũng có ngoại lệ khi vài bộ phận chỉ có “toàn lãnh đạo”, thường đó là phòng giao tế nhân sự. Đa số bộ phận này chỉ có một người, vừa là trưởng phòng cũng là... nhân viên, và phải làm hết mọi việc, từ vạch kế hoạch cho đến nhập văn bản, đưa thư. Nhưng bộ phận đó chỉ là ngoại lệ, chứ không thể là phổ biến.

Thông thường trong số rất lớn nhân sự chỉ có thể chọn ra được một lãnh đạo tốt dựa trên năng lực vượt trội. Ấy vậy mà trả lời báo chí hồi đầu năm nay về trường hợp một phó phòng được bổ nhiệm không đúng nguyên tắc, một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hải Dương nhận xét rằng người này “không có gì nổi trội nhưng nhìn chung tư cách phẩm chất, đạo đức tốt”. Cần nói thêm rằng người ký quyết định bổ nhiệm vị phó phòng này lại là thân phụ của đương sự.

Tại sao nhiều người Việt lại cứ mơ làm lãnh đạo. Có lẽ não trạng này chính là sự nối dài của tình trạng khi đi học, ai cũng muốn làm thầy; rồi khi đi làm, ai cũng muốn thành lãnh đạo.

Nhưng có lẽ hơn cả chuyện háo danh và sính chức vụ, người ta thích làm lãnh đạo vì vị trí nắm giữ mang lại quyền lợi vật chất cho họ. Ngoài “bổng” (lương, phụ cấp...) từ quy định của Nhà nước, “lộc” từ vị trí lãnh đạo còn lớn hơn nhiều. Ở đây không thể không nói đến vấn đề rất thời sự hiện nay, đó là thâm hụt ngân sách. Có lẽ cũng nên làm rõ chuyện ngân sách quốc gia đang phải gánh bao nhiêu để chi cho toàn bộ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan nhà nước - một con số chắc không hề nhỏ.

Dựa trên cổng thông tin điện tử Chính phủ và các nguồn khác, người viết bài thống kê hiện có 80 thứ trưởng ở 18 bộ thuộc Chính phủ và 15 vị trí cấp phó ở bốn cơ quan ngang bộ. Đây là sự tinh giản đáng kể so với con số 135 thứ trưởng năm 2013 đã được các báo trích dẫn. Tuy nhiên, so với các nước có nền hành chánh công hiệu quả, con số này còn có thể được hạ thấp hơn nữa để làm gương cho cấp dưới. Chính phủ kiến tạo cũng cần thắt chặt biên chế, trước hết là phải chấm dứt ngay tình trạng “lạm phát lãnh đạo”. 

TBKTSG