Hành trang của người tranh đấu! (Việt Hoàng)

 Chúng ta nợ tiền nhân và con cháu rất nhiều. Để đất nước ra nông nỗi như ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta đều có lỗi. Chúng ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử của dân tộc, chọn lựa con đường nào để dấn thân là quyết định của mỗi người. Điều mà chúng tôi muốn chia sẻ nhiều nhất với mọi người đó là hãy tranh đấu có tổ chức và có lý tưởng. Nên đánh giá một người, một tổ chức bằng việc người đó, tổ chức đó đã làm được những gì để góp phần xây dựng nên các tổ chức chính trị dân chủ đối lập thật sự cho Việt Nam.


Chính trường Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp và không biết sẽ đi về đâu. Tốt đẹp thì chắc chắn là không mà chỉ có thể là xấu, hoặc rất xấu. Một vấn đề mà ai cũng thấy được đó là sự bế tắc, không chỉ mỗi đảng cộng sản bế tắc mà ngay cả phong trào dân chủ Việt Nam cũng bế tắc.
 Đáng lẽ ra với sự khủng hoảng ngày càng trầm trọng của đảng cộng sản thì phong trào dân chủ phải phát triển nhanh mạnh và sớm trở thành đối trọng ngồi vào bàn đàm phán với đảng cộng sản để dân chủ hóa đất nước như ở Ba Lan trước đây. Quyết định ly khai ‘đảng của Nguyễn Phú Trọng’ để trở về với đảng Lao động và tư tưởng Hồ Chí Minh của giáo sư Tương Lai là một ví dụ cho sự bế tắc của một bộ phận trí thức Việt Nam.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) luôn cố gắng tìm hiểu và mổ xẻ nguyên nhân bế tắc của phong trào dân chủ Việt Nam để từ đó tìm kiếm một giải pháp chung cho tất cả mọi người. Nhiều câu hỏi quan trọng vẫn chưa có câu trả lời : Chúng ta (phong trào dân chủ Việt Nam) đang ở đâu ? Chúng ta là ai ? Chúng ta muốn gì và cần làm gì ?...
Hôm nay chúng tôi cùng chia sẻ với độc giả năm vấn đề mà blogger Bùi Quang Minh đăng trên FB cá nhân (1) :
1. Đừng bao giờ cho địch tỏ ra có chính nghĩa hơn mình. Đó là phương pháp chiến thắng đầu tiên và lâu dài nhất.
Nói về chính nghĩa thì chắc chắn phần thắng nghiêng về phía chúng ta, những người đang dấn thân cho dân chủ. Đảng cộng sản đã ‘hoàn thành’ vai trò lịch sử của mình trong chiến tranh và bây giờ là công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Thời gian từ năm 1975 đến nay chứng minh rằng đảng cộng sản đã thất bại hoàn toàn trong công cuộc xây dựng đất nước. Họ chỉ ‘giỏi đánh nhau’ chứ không giỏi làm kinh tế. Trong thời đại mới thì tính chính danh của một đảng cầm quyền phải đến từ lá phiếu của người dân chứ không thể áp đặt hoặc nói khơi khơi rằng ‘chúng tôi có công giành độc lập nên chúng tôi phải cầm quyền suốt đời’.
Chúng ta cần khẳng định rằng tự do và dân chủ là nhu cầu tất yếu của người dân Việt Nam, mỗi người dân cần lên tiếng và đòi hỏi mạnh mẽ yêu cầu này. Phải có cạnh tranh chính trị lành mạnh, nếu đảng cộng sản chiến thắng một cách minh bạch và đàng hoàng trong các cuộc bầu cử công khai thì đảng cộng sản vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước. Không ai muốn và có đủ phương tiện hoặc vũ lực để lật đổ chế độ cộng sản. Tất cả mọi người chỉ muốn và yêu cầu đảng cộng sản chấp nhận luật chơi dân chủ trong môi trường đa đảng. Đất nước là của chung chứ không phải chiến lợi phẩm của người chiến thắng. Dân chọn đảng nào thì đảng ấy sẽ trở thành đảng cầm quyền.
2. Người ta chỉ chiến đấu hăng hái khi cảm thấy mình không đơn độc.
Nhiều người dấn thân tranh đấu cho dân chủ sau một thời gian thì bỏ cuộc và một trong những lý do quan trọng khiến họ bỏ cuộc đó chính là sự cô đơn. Muốn không cô đơn thì chỉ có mỗi cách là tham gia vào một tổ chức chính trị. Một câu nói mà ai cũng biết đó là ‘muốn đi nhanh thì nên đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhiều người’. Dấn thân cho dân chủ là một cuộc hành trình dài, buồn tẻ, mệt nhọc…như băng qua sa mạc, nếu không có đồng đội và sự động viên chia sẻ thì sớm muộn gì cũng bỏ cuộc. Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Một cá nhân dù xuất chúng đến đâu mà không có tổ chức thì cũng chỉ là một nhân sĩ, cũng giống như một ngôi sao cô đơn hay một ông ‘tướng không quân’.
Đảng cộng sản không sợ người tài, người hùng mà chỉ sợ những người có tổ chức. Tổ chức là chổ dựa tinh thần và cả vật chất. ‘Mãnh hổ nan địch quần hổ’, một người có tổ chức sẽ vững tin hơn là người không có tổ chức. Có lẽ người Việt đã nhận ra sự cần thiết của tổ chức tuy nhiên để có thể tham gia vào trong tổ chức mà không bị thất vọng thì cũng cần có sự chuẩn bị, ít nhất là về mặt tâm lý. Cuộc sống độc thân khác với cuộc sống gia đình. Bao dung và chấp nhận các ý kiến khác biệt là nguyên tắc căn bản để mỗi người có thể ‘sống chung’ trong môi trường tổ chức.
3. Chiến đấu không lý tưởng là kẻ cuồng tín, ngông cuồng và điên dại.
Một trong những lý do khiến phong trào dân chủ Việt Nam không thể hình thành nên những tổ chức chính trị đủ lớn và có tầm vóc mà Tập Hợp nhiều lần nói đến đó là chúng ta không ý thức được sự quan trọng của ‘tư tưởng chính trị’. Không có Kinh thì không thể có Đạo. Không có ‘tư tưởng chính trị’ được cụ thể hóa bằng một ‘Dự án chính trị’ thì không thể có một tổ chức chính trị đúng nghĩa. Để hình thành nên một ‘tư tưởng chính trị’ mà mọi người có thể chấp nhận được cần rất nhiều thời gian, nó chiếm gần hết thời gian của một cuộc cách mạng. Có lẽ vì quá khó nên nhiều tổ chức chính trị của người Việt đã bỏ qua giai đoạn này vì thế các tổ chức đó không thể đi được xa.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều tổ chức ra đời một cách vội vã và tàn lụi cũng rất nhanh chóng. Nhiều cá nhân cũng vậy, sau một thời gian ngắn nổi đình nổi đám rồi lặng lẽ rút lui không kèn không trống. Nhiều người thì mất phương hướng nên lạc lối vào những chuyện cãi vã cá nhân tầm phào. Cũng có những người ban đầu rất hăng hái nhưng rồi dần dần mệt mỏi vì không biết nói gì, làm gì nữa…
4. Một khi người ta cảm nghĩ mình hy sinh chiến đấu cho kẻ khác thụ hưởng thì cuộc chiến đấu ấy chẳng còn sự hào hứng, ý nghĩa gì.
Chính vì không có tư tưởng dẫn đường nên vẫn có người nghĩ rằng ‘mình chiến đấu cho kẻ khác thụ hưởng’. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng và xác quyết rằng, dân chủ hóa đất nước là bổn phận của tất cả mọi người Việt Nam còn ưu tư đến tương lai giống nòi. Tùy theo khả năng và điều kiện của mình mà mỗi người có một cách đóng góp khác nhau. Không có chuyện ai cũng có thể làm giống ai. Mỗi người, mỗi tổ chức có một phương pháp và sự chọn lựa khác nhau và đó là quyết định của mỗi người, mỗi tổ chức. Mọi sự hy sinh sẽ được người dân ghi nhận và không có sự hy sinh nào là vô ích. Chúng ta cũng không nên quá áy náy hay dằn vặt bản thân khi mình không làm được như người khác. Chỉ đáng trách nếu bạn không làm gì hay im lặng, mũ ni che tai. Phong trào dân chủ cũng như một đội quân chiến đấu bao gồm nhiều bộ phận khác nhau như chỉ huy, tham mưu, trinh sát, chiến đấu, tiếp viện, cứu thương, hậu cần…bộ phận nào cũng cần thiết và quan trọng.
Chúng ta cũng cần xác định rõ là sự dấn thân của chúng ta là vì chính bản thân chúng ta, vì gia đình chúng ta, vì tương lai con cháu chúng ta và sau cùng là vì tổ quốc của chúng ta, vì danh dự của chúng ta. Quan tâm và dấn thân cho dân chủ bằng cách tham gia vào chính trị luôn là quan tâm và ưu tư của một thiểu số nhỏ tinh hoa của đất nước. Vì vậy nếu bạn đã dấn thân tranh đấu thì đừng bao giờ nghĩ là ‘mình hy sinh cho người khác hưởng’, nếu tính toán thiệt hơn như vậy thì tốt nhất là không tham gia vì sớm muộn gì bạn cũng sẽ chán nản vì ‘mất hào hứng và ý nghĩa’.
5. Hãy nghĩ đến những thế hệ trước đã hy sinh cho mình. Bây giờ đến lượt mình phải hy sinh cho những thế hệ sau. Mọi người đều có một ý nghĩa ấy thì không một thứ giặc nào có thể áp đảo được ta.
Thế hệ chúng ta đã rất may mắn khi được thụ hưởng những thành quả tranh đấu không ngừng nghĩ của lớp cha ông đi trước. Không chỉ mỗi vật chất và phương tiện dồi dào mà tư duy chúng ta cũng đã được khai phóng rất nhiều. Thời phong kiến chỉ cần phạm húy (hay khi quân) là có thể mất mạng ngay lập tức.
Ngày nay thế giới đã thay đổi chóng mặt, với internet và mạng xã hội chúng ta có thể bày tỏ chính kiến của mình tự do mà không bị ai kiểm duyệt. Điều đáng nói là trong thế giới cởi mở đó thì dân tộc Việt Nam vẫn còn bị chế độ cộng sản kìm kẹp và ngăn cấm đủ thứ đặc biệt là ngăn cấm tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do bày tỏ quan điểm trái nghịch với chính quyền.
Vụ bắt giữ mới nhất một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ là Nguyễn Văn Túc nói lên một điều rất quan trọng là chính quyền cộng sản đã lấy quyết định đàn áp các tiếng nói bất đồng dù ôn hòa đến đâu đi chăng nữa. Đảng cộng sản nhất định không thay đổi. Nguyễn Văn Túc là người thực thà, thẳng thắn và khiêm tốn. Túc kiên trì tranh đấu dù sức khỏe kém và rất nghèo. Túc trước hết là một dân oan và chỉ quan tâm tới các đòi hỏi dân chủ sau khi nhận ra rằng công lý thực sự chỉ có thể có trong một chế độ dân chủ. Trước đây cũng chỉ vì thân với Nguyễn Xuân Nghĩa (Hải Phòng) và vì muốn tiếp tay với anh em mà Túc bị xử bốn năm tù trong vụ rải truyền đơn và căng biểu ngữ. Túc hoàn toàn không âm mưu lật đổ chế độ và cũng không có lực lượng và phương tiện để làm việc đó. Túc chỉ nói lên tiếng nói phẫn nộ của lương tâm.
Chúng ta cần chấm dứt ý định ‘khuyên nhủ’ đảng cộng sản thay đổi vì nó sẽ vô ích mà làm mãi một việc biết chắc là vô ích thì rất là vô duyên và vô nghĩa.
*****************
Chúng ta nợ tiền nhân và con cháu rất nhiều. Để đất nước ra nông nỗi như ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta đều có lỗi. Chúng ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử của dân tộc, chọn lựa con đường nào để dấn thân là quyết định của mỗi người. Điều mà chúng tôi muốn chia sẻ nhiều nhất với mọi người đó là hãy tranh đấu có tổ chức và có lý tưởng. Nên đánh giá một người, một tổ chức bằng việc người đó, tổ chức đó đã làm được những gì để góp phần xây dựng nên các tổ chức chính trị dân chủ đối lập thật sự cho Việt Nam.
Một thân hữu của Tập Hợp vừa đưa ra ý kiến rằng ‘Tập Hợp chỉ mới tập trung đi sâu vào đường lối chính trị (tư tưởng chính trị) còn những vấn đề khác chưa được chú trọng đúng mức’. Những vấn đề khác đó là ‘chiến lược về nhân sự, tiếp thị, tài chính để đảm bảo bộ máy vận hành tốt và thực hiện thành công’ mục tiêu đề ra.
Thật ra là Tập Hợp vẫn tiến về phía trước, đành rằng Tập Hợp không tiến nhanh như nhiều người mong muốn và trông thấy.
Về nhân sự, tức là ‘xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt’ (bước thứ hai trong lộ trình năm bước của một cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp đề nghị trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai) thì Tập Hợp vẫn đang tiếp tục một cách bền bỉ trong cố gắng. Quá trình tìm kiếm và xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt của Tập Hợp rất cần thời gian và không thể ầm ĩ hay công khai. Những thành viên này đến với Tập Hợp vì muốn chia sẻ với lý tưởng của Tập Hợp và muốn làm tác nhân của lịch sử thay vì nạn nhân của lịch sử. Có thể tự tin để nói rằng trong Tập Hợp có nhiều người nắm vững tư tưởng của tổ chức và hiểu rõ về chính trị (Việt Nam cũng như thế giới) nhất so với các tổ chức khác.
Về tiếp thị, hiện tại Tập Hợp có ba cơ quan truyền thông chính là :
- Website Thông Luận (https://www.thongluan-rdp.org/)
- Blog Thông Luận (http://thongluan2016.blogspot.com)
- Fanpage Thông Luận (https://www.facebook.com/thong.luan.1/)

Ngoài ra còn có các trang Facebook cá nhân của các thành viên Tập Hợp, nhất là một vòng đai thân hữu rộng lớn của Tập Hợp. Chúng tôi vẫn bền bỉ và đều đặn nói lên tiếng nói của một tổ chức đối lập dân chủ.

Về tài chính, để đảm bảo 'bộ máy vận hành tốt và thực hiện thành công’ mục tiêu đề ra, đây là một vấn đề rất tế nhị mà bất cứ tổ chức nào cũng đã và đang trải qua, dù là tổ chức chính trị hay xã hội dân sự. Điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rất tự hào từ ngày thành lập đến nay, nghĩa là đã hơn 35 năm qua, là sự độc lập về tài chính. Nguồn tài chính của Tập Hợp là do sự đóng góp tự nguyện của các chí hữu, tuy không nhiều nhưng đủ để tài trợ cho những sinh hoạt phát triển nội bộ.

Tập Hợp tin rằng với lý tưởng và lộ trình đấu tranh xây dựng một chế độ dân chủ đa nguyên, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bằng đường lối bất bạo động, khi đến giai đoạn 5 (tiến công giành chính quyền) sự ủng hộ và đóng góp về nhân sự cũng như tài chính sẽ rất dồi dào và không giới hạn.

"Một nhận xét rất quan trọng là hai giai đoạn đầu, xây dựng một cơ sở tư tưởng và hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, chiếm gần hết thời giờ và công lao của một cuộc cách mạng. Phải vài thập niên mới có nổi một cơ sử tư tưởng đúng đắn, lành mạnh, được quần chúng chia sẻ và một đội ngũ cán bộ chừng vài trăm người với vài chục người là những cán bộ thực sự nòng cốt, nắm vững cơ sở tư tưởng, có bản lãnh, có quyết tâm, có kỹ thuật và kỷ luật đấu tranh. Nhưng một khi hai yếu tố này đã có, tổ chức có thể dựa vào một vận hội lịch sử mà phát triển rất nhanh chóng và giành được thế chủ động trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2).

Việt Hoàng

(03/09/2017)