Giảng đường đại học khiến nhiều người trẻ bị xô dạt bất định (VNE)

Chính giảng đường đại học là nơi đã làm thui chột chứ không phải là nơi nuôi dưỡng hay ấp ủ những hoài bão của tuổi trẻ. Bởi vì một thanh niên sẽ nghĩ rằng mình tốt nghiệp đại học mà không được làm công việc tương xứng với bằng cấp, phải làm thợ, làm cửu vạn, tương lai chả biết thế nào, thì sống trong chán nản.

Một sinh viên khi tốt nghiệp mà không được làm công việc tương xứng với bằng cấp, phải làm thợ, làm cửu vạn thì sống cũng bằng chết. 

Tôi đồng cảm với tác giả bài viết "Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi" về sự hoài nghi của mình khi nhìn vào thế hệ trẻ. Chúng ta còn hoang mang, hỏi tại sao các em không hoang mang? Nhưng tôi hy vọng rằng đây sẽ là lời cảnh tỉnh để thế hệ trí thức trẻ (sinh viên), hiện đang nhạt nhòa ở đâu đó trở nên mạnh mẽ hơn, cháy bỏng hơn.

Cá nhân tôi cho rằng chính sự cào bằng trong giáo dục đại học đã sản sinh ra một đám đông người trẻ tuổi xô dạt bất định như hiện nay. Tuổi trẻ đã không được đặt đúng vị trí của họ. Người có kiến thức, trình độ cũng được đặt ngang hàng với những người năng lực kém hơn, bởi tất cả họ đều cùng là sinh viên trong một trường đại học nào đó, có thể là công lập hay dân lập, hệ chính thức hay hệ dự bị. 

Chính sự cào bằng này đã làm nhụt chí những người có năng lực và làm ảo tưởng những người kém hơn (tất nhiên là có ngoại lệ) vì suy cho cùng ai cũng tốt nghiệp và có một cái bằng đại học, rồi nghiễm nhiên họ đều trở thành tầng lớp trí thức trẻ, tương lai của đất nước…

Ngày trước, mỗi sinh viên chúng tôi phần lớn đều tự hào và ý thức được mình là sinh viên đại học. Khi ra đường, chúng tôi biết ngay ai là sinh viên, ai là “những người trẻ tuổi khác”. 

Còn bây giờ, tôi thấy hình như tất cả những người trông trẻ ngoài đường đều là sinh viên (hoặc sinh viên đã tốt nghiệp). Họ có thể xuất hiện ở những nơi sang trọng và sành điệu (khi gia đình có điều kiện) hoặc nhem nhuốc, nhếch nhác phục vụ trong một quán cơm bụi nào đó để kiếm tiền.

Chính giảng đường đại học là nơi đã làm thui chột chứ không phải là nơi nuôi dưỡng hay ấp ủ những hoài bão của tuổi trẻ. Bởi vì một thanh niên sẽ nghĩ rằng mình tốt nghiệp đại học mà không được làm công việc tương xứng với bằng cấp, phải làm thợ, làm cửu vạn, tương lai chả biết thế nào, thì sống trong chán nản. 

Chính cái sự ảo tưởng về bằng cấp đó đã giết chết tinh thần lạc quan sống của một con người. Trong khi thanh niên nước ngoài họ được giáo dục để biết yêu cuộc sống và yêu công việc. Dù đó là anh thợ máy hay người làm vườn, họ vẫn làm việc hết mình, sống lạc quan vui vẻ.