Giảng dạy nhân quyền, Bộ Chính trị hãy nêu gương trước (Bùi Tín)

Hãy trả ngay tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo, như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Nguyễn Hữu Vinh, Mẹ Nấm – Như Quỳnh, Trần Thúy Nga… những chiến sĩ tiêu biểu kiên cường đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ của nhân dân và chống bọn ngoại xâm bành trướng Trung Quốc.

 
Theo tin của Bộ Giáo dục, một giáo trình giảng dạy về Nhân quyền sẽ được thực hiện từ cấp mẫu giáo cho đến cấp đại học, được thí nghiệm kể từ năm 2018 cho đến năm 2025 thì hoàn chỉnh.

Đây là một tin làm dư luận xã hội bàn tán theo các xu thế khác nhau. Có ý kiến hoan nghênh, vì cho đó là một tiến bộ, một thiện chí của chế độ muốn hội nhập với thế giới văn minh hiện đại.

Trái lại dư luận nổi lên nhiều nghi ngờ, và đặt ra nhiều câu hỏi. Một chế độ hèn với giặc, ác với dân, đàn áp thô bạo mọi người có chính kiến khác mình, chuyên vi phạm nhân quyền, nay lại dám đề ra việc giảng dạy nhân quyền có hệ thống, liệu có đáng tin hay không?

Trước hết tin này được đưa ra đúng vào lúc Liên Hợp Quốc chuẩn bị cuộc rà soát định kỳ phổ quát (5 năm 1 lần) về thực hiện quyền Con Người trên toàn thế giới, gọi tắt là cuộc rà soát UPR- Universal Periodic Review, trong đó có việc xem xét tình trạng tôn trọng quyền con người tại Việt Nam. Theo yêu cầu của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sắp phải lên mâm để Hội đồng xem xét hạnh kiểm về mặt này, trong khi các cơ quan quốc tế như bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bộ Ngoại giao CHLB Đức, bộ Ngọai giao Hà Lan, tổ chức Amnesty International, Phóng viên không biên giới RSF… đều phàn nàn là Việt Nam đang xuống cấp một cách tệ hại, tự do ngôn luận bị cấm đoán, có quá nhiều tù chính trị trá hình là tù hình sự, nhiều công dân bị tra tấn đến chết trong đồn Công an… Họ đòi phải đưa Việt nam trở lại là nước CPC – Đáng quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern) về tôn trọng nhân quyền.

Cũng đúng vào lúc này Việt Nam Thông tấn xã ra một bản tin tổng hợp kể lể về «Việt Nam đã tôn trọng ra sao cam kết tôn trọng nhân quyền trong mấy năm qua,» khoe khoang trâng tráo không biết hổ thẹn là gì, theo kiểu lừa bịp, nói lấy được, nhưng vải thưa không sao che được mắt thiên hạ.

Nếu như thật sự chính quyền độc đảng muốn đưa việc giáo dục giảng dạy nhân quyền vào nhà trường từ cấp mẫu giáo lên đến cấp đại học, thì trước tiên Bộ Chính trị và Quốc hội hãy làm gương mẫu.

Hãy ban hành sớm Luật về biểu tình, về Lập hội, lập Công đoàn độc lập bị trì hoãn quá lâu, làm cho việc thi hành nhiều điều khoản then chốt của Hiến pháp bị đình trệ suốt 70 năm nay.

Hãy phục hồi gấp quyền sở hữu đất đai đồng ruộng cho nông dân bị đảng tịch thu theo chính sách «đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, do Nhà nước thay mặt quản lý» để cướp ruộng đất của nông dân, dưới danh nghĩa «thu hồi» và bồi thường rẻ mạt.

Hãy trả ngay tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo, như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Nguyễn Hữu Vinh, Mẹ Nấm – Như Quỳnh, Trần Thúy Nga… những chiến sĩ tiêu biểu kiên cường đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ của nhân dân và chống bọn ngoại xâm bành trướng Trung Quốc.

Đây là những việc làm cấp bách của Bộ Chính trị và Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi Liên Hợp Quốc sắp xem xét nghiêm khắc hạnh kiểm Nhân quyền trong cuộc rà soát kiểm điểm định kỳ UPR, và khi Việt Nam sắp đăng cai cuộc họp quốc tế APEC cuối năm nay, nếu không muốn bị cô lập và tẩy chay.

Chỉ sau khi làm những việc trên, sự giảng dạy về nhân quyền trong các trường học mới có cơ sở chân thực đáng hoan nghênh, giữa lúc một số sinh viên trong nước vừa đứng ra lập nên «Hội Sinh viên Nhân quyền» để đấu tranh giành quyền con người và nhân phẩm bị chà đạp. Một việc làm đúng lúc, đáng ca ngợi.

Việc tôn trọng nhân quyền càng trở nên cấp bách khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ CHLBĐức và vụ doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình kiện Nhà nước CHXHCN Việt Nam ra trước vành móng ngựa của Tòa trọng tài Quốc tế đang phơi bày rõ hơn bao giờ hết bộ mặt nhọ nhem rất khó coi của một nhà nước độc đảng ngang nhiên chà đạp nhân quyền có hệ thống, coi thường các cam kết quốc tế của mình giữa thế giới văn minh, hiện đại.

VOA