Công an Việt Nam bắt và khởi tố 'Dũng Phi Hổ' (BBC)

Nhân vụ ông Nguyễn Viết Dũng bị bắt, một luật sư bình luận với BBC rằng việc bắt và khởi tố "theo Điều 88" thì "có thể nhắm vào bất cứ ai vì điều khoản này rất mơ hồ".


Báo điện tử Công an Nghệ An hôm 27/9 cho hay, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã bắt khẩn cấp ông Nguyễn Viết Dũng, 31 tuổi, về hành vi "Tuyên truyền chống Nhà nước" quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự. 

"Việc bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Hiện Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Nguyễn Viết Dũng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật."

Hồi tháng 11/2015, Nguyễn Viết Dũng, tự Dũng Phi Hổ, bị khởi tố tội 'Gây rối trật tự công cộng' do mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội.

Ông được miêu tả "mặc áo thun có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và đằng sau in dòng chữ tiếng Anh với nghĩa "Dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân".

Ông bị tuyên án 15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng nhưng sau đó được giảm án còn 12 tháng tù vì "có sự chuyển biến về nhận thức nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt," theo báo Tuổi Trẻ hôm 27/9.

Báo này cũng dẫn nguồn cơ quan chức năng Nghệ An nói "thời gian gần đây, Dũng trở về quê nhà lại có hành vi xuyên tạc, tuyên truyền chống Nhà nước."

Nhà hoạt động Lê Văn Sơn cho biết ông Dũng "bị bắt tại một quán ăn gần giáo xứ Song Ngọc thuộc địa phận giáo hội Vinh ở Nghệ An".

'Răn đe'

Hôm 28/9, trả lời BBC, Luật sư Võ An Đôn, người từng bào chữa cho ông Dũng trong phiên tòa hồi năm 2015 nói: "Tôi chưa nắm chi tiết vụ bắt giữ ông Dũng hôm qua, nhưng nếu báo chí nói ông ấy bị bắt về hành vi "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 88 thì ai cũng có thể bị bắt và khởi tố theo điều khoản mơ hồ này".

Luật sư cũng bình luận: "Gần đây, các trường hợp bị xét xử theo Điều 88, 258 đều nhận mức án nặng hơn những năm trước trong lúc họ đều là những người lên tiếng phản biện xã hội. Đó là chỉ dấu cho thấy chính quyền muốn răn đe, giảm bớt những người nói ra sự thật." 

Luật sư Đôn nói thêm rằng nếu gia đình ông Dũng yêu cầu ông bào chữa thì ông sẽ nhận lời.

Tờ Guardian của Anh hôm 26/9 có bài về việc chính quyền Việt Nam "khởi động cuộc đàn áp lớn nhất nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến trong nhiều năm."

Báo này ghi nhận "ít nhất 11 nhà hoạt động đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án trong vài tháng qua, trong khi một người khác bị tước quyền công dân và bị trục xuất sang Pháp [Giáo sư Phạm Minh Hoàng]"

Hồi tháng Bảy, bà Trần Thị Nga, tức blogger Thúy Nga bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên 9 năm tù và 5 năm quản chế theo Điều 88.

Hồi tháng Sáu, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 10 năm tù theo Điều 88.

Hồi tháng 10/2016, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc phát đi thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ điều 88, và các điều 79, 87, 245 và 258 luật hình sự mà tổ chức này nói là "vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế".

Thông cáo cũng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho "toàn bộ các cá nhân bị giam giữ liên quan các điều luật này".