Vì sao Mỹ cần nhiều nhân viên ngoại giao ở Nga? (Tara McKelvey-BBC)

Thế nhưng hầu hết những người làm việc tại Tòa đại sứ và tại các văn phòng khác của Hoa Kỳ tại Nga lại không phải là gián điệp hay trùm gián điệp. Hầu hết họ trên thực tế thậm chí còn không phải là công dân Mỹ, Họ là người Nga.


Hàng trăm người làm việc cho Hoa Kỳ tại Moscow và tại các thành phố khác của Nga. Họ đang làm những gì?

Trong dịp cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Mỹ phải cắt bớt hơn 750 nhân viên ngoại giao của mình tại Nga.

Đây là diễn biến gây sửng sốt; tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia phát sinh từ việc Hoa Kỳ áp các lệnh trừng phạt mới lên Nga, và từ những nghi ngờ về việc Nga can thiệp vào kỳ bầu cử Mỹ.

Với nhiều người, nó cũng khiến người ta đặt câu hỏi tại sao lại có nhiều nhân viên đến thế làm việc tại Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Moscow và các nơi khác trên đất Nga? Theo một số ước tính, có 1.200 nhân viên ngoại giao Mỹ hoạt động tại nước này.

Con số thoạt nghe có vẻ cao. Nhưng nó cũng khá là hợp lý theo cách nhìn của những người làm việc tại Nhà Trắng hiện đang tìm cách xử lý thách thức mới, đầy xáo trộn trong quan hệ với Nga.

Hoa Kỳ và Nga hợp tác với nhau trong những lĩnh vực quan trọng: hai bên hợp tác để cùng chống các nhóm dân quân, để đảm bảo an ninh cho các vũ khí hạt nhân ở cả hai quốc gia, và để giảm tình trạng bạo lực tại Syria.

Cạnh đó, Hoa Kỳ xuất khẩu hàng hóa trị giá hàng tỷ đô la sang Nga mỗi năm.

Tuy nhiên, Washington còn phải đối phó với các thứ khác nữa: bên cạnh cuộc tranh cãi về chuyện can thiệp bầu cử thì họ cũng đang nỗ lực xử lý các vấn đề như tham vọng lãnh thổ của Nga và việc Nga bành trướng trong khu vực.

Các quan chức Mỹ nói rằng để kiểm soát các hoạt động của Nga đồng thời bám sát được những khía cạnh khác biệt trong quan hệ hai nước thì họ rất cần đến sự hỗ trợ của các nhân viên hoạt động tại Moscow.

Để đạt được điều đó, các nhân viên Hoa Kỳ tại Nga đang tham gia vào nhiều mảng khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau.

Đa số làm việc tại Moscow, nhưng một số làm việc tại các văn phòng khác ở Vladivostok, St Petersburg và Yekaterinburg.

Tại Moscow và các thành phố khác, các nhân viên xử lý đơn xin visa của công dân Nga muốn tới Mỹ. Thêm nữa, họ viết điện tín về cho các quan chức ở Washington về các vấn đề nhân quyền, lao động và các chủ đề khác.

Một số người làm việc trong các chương trình như sáng kiến nông nghiệp, khoa học, y tế cộng đồng, giúp bảo vệ các loài động thực vật hiếm, và chống bệnh dịch truyền nhiễm.

Một số người làm việc tại Nga cho các cơ quan khác của chính phủ, một cách dùng uyển ngữ để chỉ CIA hay các cơ quan tình báo khác.

Có một lượng đáng kể tại Nga làm việc cho các cơ quan tình báo Mỹ, tuy ta không biết được cụ thể con số là bao nhiêu.

Angela Stent từ Đại học Georgetown, người từng là một nhân viên tình báo, cười lớn khi nghe câu hỏi.

"Không ai biết," cô nói.

Thế nhưng hầu hết những người làm việc tại Tòa đại sứ và tại các văn phòng khác của Hoa Kỳ tại Nga lại không phải là gián điệp hay trùm gián điệp. Hầu hết họ trên thực tế thậm chí còn không phải là công dân Mỹ, Họ là người Nga.

Trong số 1.279 người làm việc tại Tòa đại sứ trong 2013, theo số liệu từ phúc trình của Tổng thanh tra hồi 2013, thì có 934 người được tuyển dụng tại chỗ.

Các nhân viên người Nga giúp tổ chức sự kiện, xử lý đơn xin visa, sửa chữa máy tính và các việc khác để văn phòng vận hành suôn sẻ. Với họ, tuyên bố của ông Putin đang gây ảnh hưởng trực tiếp.

"Những người này sẽ mất việc," Yuval Weber từ Wilson Center tại Washington nói.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người Nga sẽ phải chờ xét đơn xin visa lâu hơn nếu muốn vào Mỹ.