Vì sao các nhà hoạt động nhân quyền bị khởi tố tội “lật đổ chính quyền” ? (Hòa Ái)
Trong
vòng một tuần lễ, 5 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có 4 cựu tù nhân
lương tâm bị bắt giữ với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”,
theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Giới đấu tranh nhân quyền và các
tổ chức bảo vệ nhân quyền Việt Nam trong và ngoài nước nói gì về động
thái bắt bớ mới nhất của nhà cầm quyền Hà Nội ?
Bắt bớ với sự tính toán ?
Lên
tiếng với Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 31 tháng 7, từ Hoa Kỳ, Tổng
Giám đốc kiêm Chủ tịch của PBSOS-Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói rằng nhà
cầm quyền Việt Nam có sự tính toán khi trong tuần lễ vừa qua liên tiếp
bắt giữ 5 nhà hoạt động nhân quyền, bao gồm ông Lê Đình Lượng cùng 4
thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập “Hội Anh Em Dân Chủ” là Mục
sư Nguyễn Trung Tôn, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Nhà báo tự do Trương Minh Đức
và Luật sư Nguyễn Bắc Truyển.
Tiến
sĩ Nguyễn Đình Thắng đưa ra nhận định như vừa nêu vì theo ông động thái
bắt bớ này của Chính quyền Hà Nội nhằm để đánh đổi với sự cân bằng
trong việc trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính, người bị tuyên án 11
năm tù vào năm 2010 với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”.
Người
sáng lập và điều hành tổ chức PBSOS cho biết hồ sơ Mục sư Nguyễn Công
Chính là một trong những hồ sơ đầu tiên được đệ trình hồi tháng 3 trong
việc áp dụng Luật Magnisky Toàn cầu đối với giới chức Chính quyền Việt
Nam liên can đến tra tấn và Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế chọn
hồ sơ Mục sư Nguyễn Công Chính, là hồ sơ đàn áp tiêu biểu trong năm
2017, để thúc đẩy đưa Việt Nam trở lại vào danh sách các “Quốc gia cần
đặc biệt quan tâm”, gọi tắt là CPC ; đồng thời Quốc Hội Hoa Kỳ cũng lên
tiếng mạnh mẽ và can thiệp trực tiếp cho trường hợp của Mục sư Nguyễn
Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng bị tra tấn.
Dưới
các áp lực nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng nhà cầm quyền
Việt Nam quyết định trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính với điều kiện
sống lưu vong cùng gia đình tại Mỹ thay vì một tháng trước đây, nhưng
phải kéo dài vì :
“Thay
vì trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính sớm hơn, cách đây một tháng
nhưng họ kéo dài và có thể xem như họ đưa ra hồ sơ này để cân bằng trở
lại việc họ bắt bớ những người họ buộc tội về chính trị. Chúng tôi ước
đoán rằng khi quốc tế lên án thì Việt Nam nói rằng họ có sự thay đổi và
nhượng bộ về nhân quyền, nghĩa là không những trả tự do cho Mục sư Chính
mà còn để cho cả gia đình còn được đi định cư tại Hoa Kỳ. Đây là động
thái có tính toán từ phía Việt Nam”.
Cùng
quan điểm rằng nhà cầm quyền Việt Nam có sự tính toán trong việc liên
tiếp bắt giữ 5 nhà hoạt động nhân quyền với cáo buộc theo Điều 79 Bộ
Luật Hình sự Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động đấu tranh
dân chủ-Bác sĩ Nguyễn Đan Quế từ trong nước nêu lên sự chú ý động thái
bắt bớ mới nhất và đông nhất kể từ đầu năm 2017 trong bối cảnh chính trị
hiện nay của Việt Nam mà theo ông là rất bấp bênh, nhất là căng thẳng
với Trung Quốc tại Biển Đông qua vụ Bắc Kinh cảnh báo không cho Hà Nội
tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí ở lô 136-3 Bãi Tư Chính. Bác sĩ
Nguyễn Đan Quế nói :
“Bản
chất của những người Cộng sản là rất đa nghi. Theo suy luận của tôi thì
ở thời điểm này họ tính rằng cần phải có những hành động như thế để
ngăn chặn nhiều chuyện, trong đó có những việc như biểu tình chống Trung
Quốc ở Biển Đông…Điều đó là có thể và rất nhiều khả năng theo hướng
đó”.
Bác
sĩ Nguyễn Đan Quế còn nhấn mạnh nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng lạm
dụng trong việc sử dụng các điều luật như Điều 88, Điều 258 và Điều 79,
là các điều luật bị quốc tế cho là mơ hồ để đàn áp những tiếng nói đối
lập và các hoạt động ôn hòa của những người vận động chính quyền xây
dựng xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh.
Triệt tiêu phòng trào dân chủ nhân quyền ?
Cũng
từ trong nước, cựu tù nhân lương tâm, Luật sư Lê Quốc Quân chia sẻ ông
Lê Đình Lượng là một người luôn hăng say tham gia các hoạt động chống
lại tiêu cực ở địa phương, như đấu tranh về việc thu thuế nông nghiệp
không đúng luật định, phản đối chính quyền phạt vạ người dân trong
trường hợp sinh đẻ hơn 2 con hay chính quyền lạm thu trong các vấn đề xã
hội hóa về giáo dục và y tế. Luật sư Lê Quốc Quân cho biết các hoạt
động như thế thường mang lại kết quả khả quan cho dân chúng trong vùng
trong các năm qua.
Tuy
nhiên, Luật sư Lê Quốc Quân khẳng định ông Lê Đình Lượng bị bắt với cáo
buộc theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam vì cùng với các nạn nhân của
thảm họa môi trường khu vực biển Bắc miền Trung, do nhà máy thép
Formosa xả thải có độc tố ra biển, tuần hành kêu gọi đóng cửa Formosa
cũng như khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Luật
sư Lê Quốc Quân nhắc lại Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự, cô Lê Thu
Hà bị bắt giữ hồi trung tuần tháng 12 năm 2015 vì tội “tuyên truyền
chống nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Thế nhưng,
truyền thông nhà nước vào ngày 30 tháng 7 loan tin Cơ quan Điều tra Bộ
Công An ra quyết định khởi tố 6 bị can trong vụ án Nguyễn Văn Đài cùng
những người khác hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
Luật
sư Lê Quốc Quân lý giải hành động Chính quyền Hà Nội tùy tiện diễn giải
các điều luật để truy tố người dân, qua động thái bắt bớ trong tuần
trước, để đạt được mục đích của họ :
“Điều
79 là điều có cấu thành tội phạm nặng hơn so với Điều 88 và có mức án
cao đến mức tử hình. Cho nên Nhà nước áp dụng Điều 79 đối với nhiều
người thì rõ ràng có tính răn đe cao hơn. Thứ hai nữa là họ muốn đưa ra
thông điệp cứng rắn rằng tính chất tổ chức sẽ bị triệt hạ và họ sẽ kiên
quyết đánh phá vào các tổ chức”.
Tưởng
cần nhắc lại, hồi trung tuần tháng 7, tờ Quân đội nhân dân, cơ quan
ngôn luận của Đảng Việt Nam, đăng tải một bài xã luận xác nhận sự phát
triển của các tổ chức xã hội dân sự và tập trung vào các biện pháp để
ngăn chặn hoạt động lợi dụng xã hội dân sự chống phá Đảng và Nhà nước
Việt Nam. Các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước phản biện rằng
Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam gia tăng các biện pháp trấn áp những
họat động tự do dân chủ của các tổ chức xã hội dân sự độc lập qua bài
bài xã luận này và có thể xem động thái bắt bớ 5 nhà hoạt động dân chủ
nhân quyền mới nhất là một bằng chứng.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 31/07/2017