Một cuộc đối đầu không thể tránh khỏi giữa Trung Quốc và Ấn Độ? (Ls Nguyễn Văn Thân)
Để đối trọng với thách thức từ Bắc Kinh, Ấn Độ đẩy mạnh chính sách
''hướng Đông" thành ''hành đông" và thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật,
Úc và Việt Nam. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng 9 năm ngoái,
Thủ Tướng Modi công bố khoản tín dụng 500 triệu cho Việt Nam trong lãnh
vực hợp tác quốc phòng.
Theo bản lên tiếng chính thức từ Vương Quốc Bhutan, vào ngày 18 tháng 6, kỹ sư quân đội Trung Quốc tiến hành xây dựng con đường để cho xe sử dụng gần tiền đồn Bhutan tại Zompelri trong khu vực cao nguyên Doklam. Doklam là biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan và cũng là nơi mà Trung Quốc đang chiếm đóng nhưng Bhutan đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy nó là khu vực đang có tranh chấp. Bhutan và Trung Quốc đang trong tiến trình thương lượng biên giới nhưng có những thỏa thuận bằng văn bản vào năm 1988 và 1998 là hai bên sẽ giữ nguyên nguyên trạng và duy trì tình trạng ổn định cho tới khi nào hai nước hoàn tất phân định biên giới. Bằng cách đơn phương tiến hành xây dựng cơ sở và cấu trúc, Bhutan cho rằng Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận giữa đôi bên liên quan tới các vấn đề về biên giới. Cũng như những gì đã xảy ra tại Biển Đông, Trung Quốc là vua phá vỡ nguyên trạng.
Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao khẳng định công trình
xây dựng đường xá tại Doklam là việc hành xử chủ quyền chính đáng. Mặc
dù có tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan nhưng không có tranh chấp
biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Vì vậy, việc quân lính Ấn Độ vượt
qua biên giới Trung Quốc và ngăn cản kỹ sư Trung Quốc xây dựng đường xá
là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc một cách nghiêm trọng. Do
đó, Trung Quốc đòi hỏi Ấn Độ lập tức rút quân ra khỏi biên giới và cao
nguyên Doklam vô điều kiện trước khi có những thỏa thuận ngoại giao.
Một vài ngày sau khi Bắc Kinh chính thức lên tiếng phản đối hành động
của quân lính Ấn Độ, New Delhi thú nhận là quân lính của họ đã vượt biên
giới theo lời yêu cầu của Bhutan để ngăn cản quân đội Trung Quốc tiến
hành xây dựng đường tại khu vực Doklam. Ấn Độ cho rằng chính quyền Trung
Quốc và Ấn Độ đã đạt thỏa thuận vào năm 2012 là các quốc gia liên hệ sẽ
được tham khảo ý kiến trước khi có những quyết định quan trọng liên
quan tới tam điểm biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Việc Trung
Quốc đơn phương tiến hành xây đường là vi phạm thỏa thuận này. Do đó,
Ấn Độ có quyền can thiệp chính đáng. Tam điểm biên giới này có vai trò
chiến lược trọng yếu đối với Ấn Độ vì gần với hành lang Siliguri. Khi có
xung đột, Trung Quốc có thể dùng làm bàn đạp để cắt đứt tiểu bang phía
đông với lãnh thổ Ấn. Việc tiến hành xây đường không chỉ có nghĩa là
Trung Quốc đơn phương phá vỡ nguyên trạng đã được đồng thuận mà còn đe
dọa đến vị trí chiến lược và an ninh của Ấn Độ.
Bhutan là một tiểu vương quốc tại dãy núi Hy Mã Lạp Sơn có diện tích
khoảng 45,000 cây số vuông nằm giữa hai nước khổng lồ Trung Quốc và Ấn
Độ. Dân số Bhutan ước lượng chưa tới 1 triệu so với 1.4 tỷ của Trung
Quốc và 1.3 tỷ của Ấn Độ. Từ thế kỷ 17, Bhutan đã thành lập vương quốc
và nhiều lầu đấu tranh giành giữ độc lập từ quốc vương Tây Tạng. Đế Quốc
Anh bắt đầu xuất hiện và can thiệp vào nội tình Bhutan từ năm 1772. Vào
năm 1907, Bhutan ký hiệp ước trao quyền đối ngoại cho Anh. Khi Ấn Độ
giành độc lập từ Anh vào năm 1947, Bhutan là quốc gia đầu tiên công nhận
Ấn Độ. Lo ngại trước ý đồ xâm lược của Trung Quốc, Bhutan ký Hiệp Ước
Thân Hữu (Treaty of Friendship) với Ấn Độ vào năm 1949 khi Bắc Kinh bắt
đầu xua quân xâm lược Tây Tạng và sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc vào
năm 1950. Dưới Hiệp Ước Thân Hữu, Bhutan trao quyền quyết định quốc
phòng và ngoại giao cho Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ có trách nhiệm bảo vệ
Bhutan nếu bị Trung Quốc xâm lược.
Quan hệ giữa Bhutan và Ấn Độ tiếp tục phát triển chặt chẽ. Cho đến nay,
Bhutan vẫn chưa thành lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Bhutan và Ấn
Độ là hai quốc gia chưa hoàn tất phân chia ranh giới với Trung Quốc.
Trong chuyến viếng thăm Bhutan vào năm 1958. Thủ Tướng Jawaharlal Nehru
xác nhận lập trường ủng hộ chủ quyền độc lập của Bhutan và sau đó tuyên
bố trong Quốc Hội là New Delhi sẽ coi bất cứ cuộc tấn công nào vào
Bhutan như là cuộc tấn công vào Ấn Độ. Mãi cho tới năm 2007, hai nước
mới điều chỉnh lại Hiệp Ước Thân Hữu để Bhutan theo đuổi một chính sách
ngoại giao độc lập hơn. Còn về an ninh và quốc phòng thì vẫn dựa vào sự
hậu thuẫn của Ấn Độ. Từ cái nhìn của Ấn Độ, chống lưng cho Bhutan là một
hình thức đối đầu với Trung Quốc trước thái độ ngày càng hung hăng của
Bắc Kinh.
Thật ra, Bhutan chỉ là triệu chứng mà nguyên nhân là chính sách chiến
lược của Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng đối chọi với nhau. Trung Quốc có
thể đã suy đoán trước phản ứng của Ấn Độ nên mới hạ lệnh cho quân lính
khiêu khích phá vỡ nguyên trạng. Sự việc bắt đầu từ ngày 18 tháng 6
nhưng hơn một tuần lễ sau khi Thủ Tướng Modi viếng thăm Hoa Thịnh Đốn và
hội đàm với Tổng Thống Trump thì Trung Quốc mới cho báo chí tung ra
cuộc đối đầu tại Doklam. Trong thời gian qua, Trung Quốc đang xây dựng
quan hệ khắng khít với Pakistan là kẻ thù truyền kiếp của Ấn Độ. Sáng
kiến Đới Lộ của Tập Cận Bình dẫn đến sự hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng
trị giá 50 tỷ Mỹ kim giữa Trung Quốc và Pakistan tại Kashmir là khu vực
mà Ấn Độ và Pakistan đang có tranh chấp chủ quyền. Vì vậy, Ấn Độ quyết
định tẩy chay Sáng kiến Đới Lộ. Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng gia tăng
sự hiện diện tại Ấn Độ Dương và tìm cách đưa lực lượng hải quân vào các
nước láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh và Sri Lanka qua hình thức thuê
mua hải cảng tại các nước này. Đó là chưa kể Trung Quốc đã tiến hành
thành lập căn cứ hải quân tại Djibouti, Châu Phi có thể sử dụng để triển
khai lực lượng hải quân xuyên qua Ấn Độ Dương.
Để đối trọng với thách thức từ Bắc Kinh, Ấn Độ đẩy mạnh chính sách
''hướng Đông" thành ''hành đông" và thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật,
Úc và Việt Nam. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng 9 năm ngoái,
Thủ Tướng Modi công bố khoản tín dụng 500 triệu cho Việt Nam trong lãnh
vực hợp tác quốc phòng. Trong tháng 7 này, Ấn Độ vừa tổ chức thành công
diễn tập Malabar trong vịnh Bengal là hải trận lớn nhất trong lịch sử
với sự tham gia của Mỹ và Nhật cùng với 3 hàng không mẫu hạm, 20 chiến
hạm và gần 100 phi cơ chiến đấu. Qua cuộc tập trận này, New Delhi muốn
gửi một thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh là Ấn Độ sẽ không để Trung Quốc
dẽ dàng tự tung tự tác bành trướng lực lượng hải quân xuống Ấn Độ
Dương.
Cuộc đối đầu hiện nay tạo Doklam có thể dẫn đến chiến tranh. Cả hai bên
đã huy động hàng ngàn quân lính đóng gần biên giới. Chiến tranh Trung Ấn
đã xảy ra vào năm 1962 khi Trung Quốc khai pháo tấn công và chiếm đóng
hai tỉnh Razang la ở mặt trận miền tây và Tawang ở mặt trận miền đông.
Cuộc chiến kết thúc sau khoảng một tháng khi Trung Quốc đơn phương tuyên
bố ngừng bắn và rút quân khỏi mặt trận miền đông.
Từ đó thì thỉnh thoảng vẫn có các màn gườm nhau tại biên giới. Thật ra
quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng phức tạp gồm có vừa hợp tác
vừa cạnh tranh. Ấn Độ là thành viên của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải do
Trung Quốc lãnh đạo mà trong đó có Nga và cá quốc gia trong Liên Bang Xô
Viết như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan có phạm vi
ảnh hưởng kinh tế và chiến lược tới khoảng 1/3 dân số thế giới. Nhưng Ấn
Độ vẫn cho phép Đức Đạt Lai Lạt Ma hoạt động trên đất Ấn làm Trung Quốc
rất tức tối. Thương mại hai chiều Trung Ấn lên tới 70 tỷ Mỹ kim hồi năm
ngoái. Ấn Độ xuất sang Trung Quốc 9 tỷ nhưng nhập tới 60 tỷ. Tức cán
cân mậu dịch nghiêng về Trung Quốc hơn 50 tỷ mỗi năm. Trung Quốc luôn
tìm cách ngăn cản không cho Ấn Độ gia nhập thành viên Nhóm Cung Cấp Hạt
Nhân (Nuclear Suppliers Group) vì lý do chiến lược. Ngoài ra, Trung Quốc
ngày càng siết chặt quan hệ đồng minh với Pakistan. Đáp lại, Ấn Độ xích
lại gần Mỹ và Nhật.
Một cuộc chiến hiện nay đều không có lợi cho đôi bên. Tập Cận Bình đang
lo củng cố vị trí trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào cuối năm
nay còn chính quyền Modi đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm
2019. Lực lượng quân sự giữa hai bên vần còn khá chênh lệch nghiêng về
phía Trung Quốc. Nhưng chiến tranh biên giới với Ấn Độ sẽ tác hại đáng
kể đến chiến lược Đới Lộ của Tập Cận Bình. Vào ngày 26/7 vừa qua, Cố Vấn
An Ninh Quốc Gia Ấn Độ Ajit Doval đã có chuyến viếng thăm Trung Quốc và
thảo luận với Dương Khiết Trì Ủy viên Quốc vụ Viện để tìm một giải pháp
giữ được thể diện không để cho bên nào bị mất mặt. Hai bên đang đánh
bài phé và chờ xem bên nào nháy mắt trước. Báo của Trung Quốc gần đây
cho đăng tin là Bắc Kinh đang chuẩn bị một cuộc đánh nhỏ để đuổi quân Ấn
độ về bên kia bên giới nhưng với địa thế hiểm trở tại đây thì chưa biết
bên nào sẽ thắng bên nào. Cũng có thể đây chỉ là một đòn rung cây nhát
khỉ của Tập trước khi đón Thủ Tướng Modi tham dự Hội Nghị Thượng đỉnh
BRICS tại Hạ Môn vào đầu tháng 9 sắp tới đây.
Thật ra, Doklam chỉ là triệu chứng mà nguyên nhân chính là tham vọng
bành trướng của Trung Quốc trên đất liền và xuống Ấn Độ Dương. Những
bước cờ chiến lược của Bắc Kinh và New Dehli ngày càng đối chọi với
nhau. Cứ theo đà này thì một cuộc đụng độ tàn khốc giữa hai gã khổng lồ
tại châu Á chắc không thể tránh khỏi.
Theo Danlambao