Chưa có cơ sở thuyết phục để tăng thuế giá trị gia tăng (Phan Minh Ngọc)

Về tư duy về quản trị tài chính quốc gia, để đảm bảo tài chính quốc gia được lành mạnh, thể hiện ở việc cải thiện không ngừng mức thâm hụt ngân sách tiến tới cân bằng và ít chịu tác động từ bên ngoài thì không chỉ có duy nhất một giải pháp là tăng thuế, phí. Các giải pháp hữu hiệu thường phải làm là cắt giảm chi tiêu, nâng cao hiệu quả chi tiêu, giảm thất thoát, lãng phí trong chi tiêu và đầu tư công.


Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế, trong đó có việc tăng thuế GTGT. Giải trình cho sự cần thiết của luật này, Bộ Tài chính đưa ra ba lý do, đó là: (1) Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, (2) Thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, và (3) Khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Riêng với thuế GTGT, Bộ Tài chính nêu thêm rằng: "Mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia”, để rồi lấ đó làm lý do chính cho đề xuất nâng thuế suất thuế GTGT từ 10% lên 12%.

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố không hợp lý đằng sau đề xuất nâng thuế suất thuế GTGT như đã được nhiều người chỉ ra, kể cả nếu chiếu theo ba lý do mà Bộ Tài chính lấy làm cơ sở cho sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật thuế như nêu ở trên thì vẫn có thể thấy rằng đề xuất nâng thuế suất thuế GTGT từ 10% lên 12% là chưa có cơ sở thuyết phục, như được chỉ ra dưới đây.

Cơ cấu lại nguồn thu không có nghĩa là tăng thuế

Cụ thể hơn, với lý do thứ nhất, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ TW của Bộ Chính trị mà Bộ Tài chính trích dẫn có đề ra mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Các giải pháp thực hiện mục tiêu là tập trung cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, tăng tỷ trọng thu nội địa. Tuy nhiên các giải pháp này không có nghĩa là phải tăng thuế suất. Chẳng hạn, việc tăng thu từ thuế có thể đạt được thông qua tăng đối tượng chịu thuế và tăng cường các biện pháp chống trốn thuế, gian lận thuế.

Không có cái gọi là “thông lệ quốc tế”

Về lý do thứ hai, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế. Cần lưu ý rằng ngay ở các nước châu Âu có thuế suất thuế GTGT cao như Đức và Czech thì họ vẫn áp dụng các mức thuế suất GTGT khác nhau cho các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau.

Quan trọng hơn, lý do này cũng không có nghĩa là phải tăng thuế suất thuế GTGT, bởi ngay trong thống kê mà Bộ Tài chính đưa ra hoặc trích dẫn trong dự thảo vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa các nước và khu vực để có thể nói thực ra là chẳng có cái gọi là “thông lệ quốc tế" nào, trừ một thực tế là có nhiều nước đang có thuế suất thuế GTGT cao hơn của Việt Nam.  Thực ra, thuế GTGT ở mỗi nước như thế nào là tùy vào hoàn cảnh cụ thể của nước đó, chứ chẳng có mô hình chung nào để áp dụng cho “phù hợp” cả!

Tăng thuế sẽ làm khó thêm cho doanh nghiệp

Đối với lý do thứ ba, “khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, thì sự tăng thuế GTGT là đi ngược lại tinh thần mà Bộ Tài chính nêu ra. Vì sự tăng thuế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp khi người tiêu dùng buộc phải thu hẹp hành vi mua sắm, tiêu dùng để đương đầu với chi phí đắt đỏ hơn do tăng thuế.

“Khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia” là lý do nữa vời, chưa được kiếm chứng

Theo dự thảo nói trên, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế suất 10% là “khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia” để có thêm căn cứ đề xuất tăng thuế GTGT. Tuy vậy, nếu muốn chứng minh mức thuế 10% này là thấp, chưa đủ để bảo đảm nguồn thu ngân sách thì Bộ Tài chính cần chứng minh thêm rằng việc tăng thuế GTGT lên, ví dụ 12%, sẽ không gây tác động tiêu cực đến thu ngân sách, dù vẫn biết rằng tăng thuế hầu như chắc chắn sẽ làm giảm tiêu dùng, giảm các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, và thậm chí còn làm giảm ngay cả số thuế GTGT có thể thu được do các hoạt động kinh tế bị tác động.

Nói cách khác, Bộ Tài chính cần phải đưa ra những tính toán khoa học cho thấy tác động của các kịch bản khác nhau về thuế GTGT lên nền kinh tế và thu ngân sách để cho thấy muốn tăng thu, giảm thâm hụt ngân sách thì chỉ còn cách tăng thuế.

Và lẽ ra Bộ cũng cần tính toán liệu việc tăng thuế có làm giảm tăng trưởng GDP, dẫn đến sự đánh đổi giữa “giải cứu” ngân sách với "hy sinh" tăng trưởng, vốn rốt cuộc lại làm giảm “an toàn tài chính quốc gia” nếu căn cứ vào tỷ lệ nợ công tính trên GDP sẽ tiếp tục tăng lên do GDP sẽ tăng chậm lại vì tăng thuế.

Về tư duy về quản trị tài chính quốc gia, để đảm bảo tài chính quốc gia được lành mạnh, thể hiện ở việc cải thiện không ngừng mức thâm hụt ngân sách tiến tới cân bằng và ít chịu tác động từ bên ngoài thì không chỉ có duy nhất một giải pháp là tăng thuế, phí. Các giải pháp hữu hiệu thường phải làm là cắt giảm chi tiêu, nâng cao hiệu quả chi tiêu, giảm thất thoát, lãng phí trong chi tiêu và đầu tư công.

Tóm lại, qua dự thảo, vẫn chưa thấy được một lý do thỏa đáng nào để giải thích cho sự cần thiết phải tăng thuế GTGT, dù là để tăng thu nhằm cứu nguy cho ngân sách (khi đó thì việc tăng thuế cũng phải xếp sau việc cắt giảm chi tiêu).

Theo TBKTSG