Vượt sức tưởng tượng của Dân (TS Nguyễn Sĩ Dũng)
Sự tha hóa vì quyền lực còn dẫn đến thói kiêu ngạo, phô trương. Bất
cử quan chức nào cũng thừa hiểu là với thu nhập hợp pháp, chẳng ai có
thể xây được biệt phủ. Tiền xây biệt phủ là không thể giải trình. (Trừ
trường hợp có ai đó có đủ ngây thơ để tin vào tài nuôi lợn, tài nuôi gà
của các quan chức). Không giải trình được nhưng vẫn thích phô trương. Rõ
ràng, sự cẩn trọng đã bị tính kiêu ngạo lấn át.
“Vượt
sức tưởng tượng của dân” không phải là sự hy sinh, phấn đấu, cũng không
phải những thành tựu to lớn của địa phương. “Vượt sức tưởng tượng của
dân” là các biệt phủ nguy nga, tráng lệ, là sự giàu có không che đậy của
các quan chức. Đây là bức xúc được cử tri bày tỏ với Chủ tịch nước
trong một buổi tiếp xúc vừa qua. Điều đang nói là ở các địa phương càng
nghèo khó, thì sự phô trương của các quan chức về biệt phủ, về sự giàu
có càng lộ liễu.
Tại sao lại xảy ra một hiện tượng như vậy?
Phải chăng quyền lực ở nhiều địa phương là không bị giám sát? Khi các
quan chức đã được sắp xếp vào các vị trí chủ chốt, thì họ kết thành một
khối thống nhất. Cho dù, nắm giữ quyền lực ở các cơ quan khác nhau như
Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Công an, Tòa án hay Mặt trận…, họ
đều là thành viên của một ban thường vụ và chịu sự lãnh đạo của một bí
thư. Nếu thường vụ thống nhất ý chí, không thể có chuyện “kiểm soát giữa
các cơ quan nhà nước” ở địa phương mà Hiến pháp năm 2013 mong muốn. Nếu
ở Trung ương, báo chí còn có vai trò giám sát ở mức độ nào đó, thì ở
nhiều địa phương, vai trò báo chí là hết sức mờ nhạt. Thậm chí, các cơ
quan báo chí ở một số địa phương chỉ làm được mỗi chức năng là “đưa tin
cung đình”. Trong lúc đó các tổ chức thuộc xã hội dân sự lại kém phát
triển và không có năng lực giám sát. Sự bất khả xâm phạm khi quyền lực
đã được xác lập làm cho nhiều quan chức bị tha hóa rất nhanh chóng. Họ
không còn biết tự kềm chế và giữ gìn là gì nữa.
Sự tha hóa vì quyền lực còn dẫn đến thói kiêu ngạo, phô trương. Bất
cử quan chức nào cũng thừa hiểu là với thu nhập hợp pháp, chẳng ai có
thể xây được biệt phủ. Tiền xây biệt phủ là không thể giải trình. (Trừ
trường hợp có ai đó có đủ ngây thơ để tin vào tài nuôi lợn, tài nuôi gà
của các quan chức). Không giải trình được nhưng vẫn thích phô trương. Rõ
ràng, sự cẩn trọng đã bị tính kiêu ngạo lấn át.
Sự giàu có của các quan chức “vượt sức tưởng tượng của người dân”
đang phản ánh một vấn đề rất lớn của hệ thống chúng ta. Đó là vấn đề
quyền lực vẫn chưa được giám sát hiệu quả. Chính vì vậy, tập trung xây
dựng cơ chế giám sát quyền lực phải là nhiệm vụ không thể trì hoãn của
những cố gắng cải cách thể chế mà chúng ta đang tiến hành.
Ngoài ra, muốn hay không, sự giàu có “vượt sức tưởng tượng của người
dân” đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chính danh của chính quyền.
Ngày trước, nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Đã rằng vì nước, vì dân/ Nước,
dân còn khổ thì thân sướng gì”. Từ ngày đó đến bây giờ, nước và dân đã
đỡ khổ rất nhiều. Tuy nhiên, sự no đủ vẫn chưa đến với tất cả mọi người
dân. Một số tỉnh thậm chí còn phải xin Trung ương trợ cấp gạo để cứu đói
cho dân. Tại sao, nước và dân còn chưa hết khổ, mà các “công bộc của
dân” lại giàu sụ lên như vậy? Như vậy thì có còn vì nước, vì dân hay
không? Hay ngày nay, thân cứ sướng, còn nước, dân thế nào thì mặc kệ? Và
câu hỏi tiếp theo cứ hiển hiện trước mắt, không muốn chúng ta vẫn phải
đối mặt là: “Tại sao người dân lại phải tiếp tục nghe theo các quan chức
như vậy mà không rút lại sự ủy quyền của mình?”.
Rõ ràng, để lấy lại lòng tin của dân, để bảo đảm tính chính danh của
toàn bộ hệ thống, xử lý tất cả các quan chức có biệt phủ và tài sản
“vượt sức tưởng tượng của người dân” phải là nhiệm vụ chính trị cấp bách
của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.