Tại sao căng thẳng TQ-Ấn Độ ngày càng leo thang?

Truyền thông một tháng nay quan tâm đến việc leo thang căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Thậm chí có lúc giới chức đôi bên đã đề cập đến khả năng xung đột quân sự. Báo chí nói về việc hai nước căng thẳng biên giới với giọng điệu lên gân cũng khiến không khí bi quan và căng thẳng đẩy lên cao độ.


Một tờ báo ở thủ đô Delhi của Ấn Độ nói Trung Quốc cảnh báo là đụng độ "có thể leo thang đến đỉnh điểm". Trong khi một tờ báo khác cũng nói tương tự : "Trung Quốc đang chuẩn bị khả năng đối đầu trực diện".

Tờ Hoàn Cầu (Global Times), phụ san của Nhân Dân Nhật Báo (People's Daily), cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, nhắc lại việc nước này đánh bại Ấn Độ vào năm 1962. Tờ báo này cũng dẫn lời tuyên bố của Trung Quốc nói nước này không sợ "chiến tranh" với Ấn Độ và sẵn sàng đối đầu lâu dài.

Tranh chấp bùng lên hồi tháng 6, thời điểm Bắc Kinh bắt đầu xây dựng đường trên cao nguyên có tên Doklam theo Ấn Độ, còn có tên là Động Lãng theo tiếng Trung.
Ngã ba đường

Trung Quốc và Ấn Độ lâu nay vẫn thường xuyên nổ ra tranh chấp tại những nơi tiếp giáp đường biên giới dài gần 4.000 km giữa hai nước và chưa được phân định rõ ràng.

Căng thẳng hiện nay bùng phát gần nơi mà Ấn Độ gọi là "cổ gà", dải đất nhỏ đóng vai trò đường kết nối trực tiếp duy nhất đến vùng đất bị chia cắt phía đông bắc nước này, đồng thời phía bắc tiếp giáp Trung Quốc.

Bắc Kinh đầu tháng 6 khởi công xây dựng một con đường mới dẫn tới cao nguyên Doklam đang tranh chấp với New Delhi.

Nó tiếp xúc vùng "ngã ba" nơi Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan giao nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên hai người khổng lồ châu Á này đối mặt với nhau ở biên giới, nơi các vụ đụng độ, xô xát lẻ tẻ giữa biên phòng hai nước vẫn thường xuyên diễn ra. Bản quyền hình ảnh AFP Image caption Một binh lính Ấn Độ canh gác tại biên giới với Trung Quốc

Khu vực này đã chứng kiến cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1967, sau đó là thời kỳ căng thẳng và điều binh dọc biên giới bang Arunachal Pradesh giai đoạn 1986-1987.

Trong cuộc khủng hoảng ở Doklam lần này, New Delhi tin rằng Bắc Kinh đang thử thách cam kết của Ấn Độ với nước láng giềng Bhutan, theo chuyên gia phân tích Ajai Shukla.

"Trung Quốc luôn bực bội với mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ với Bhutan và thường xuyên gây sức ép để gây chia rẽ", Shukla viết.

Thế nhưng lần này, Trung Quốc có tư thế sẵn sàng hơn. Hôm 18/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng yêu cầu quân Ấn Độ rút ngay lập tức khỏi khu vực biên giới Doklam để tránh "tình hình leo thang căng thẳng xa hơn".

Không phải trò đùa
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc nói với tôi.

"Thông thường, thái độ khiêu khích đi kèm với cảnh báo cùng bố ráp lực lượng hùng hậu là phong cách của Bắc Kinh. Vì thế chúng ta không nên coi thường các động thái hiện tại của Trung Quốc đối với Ấn Độ.

Trung Quốc thì dựa trên một hiệp ước năm 1890 để đòi chủ quyền trên vùng Doklam nhưng theo Ấn Độ, hiệp ước đó đã không còn hiệu lực sau các cuộc đàm phán năm 2012.

Trung Quốc là một đồng minh lâu năm, và là nhà cung ứng vũ khí cho Pakistan, một đối thủ bị Ấn Độ ghét cay ghét đắng.

Sự hiện diện của lãnh tụ tinh thần lưu vong của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, tại thị trấn Dharamsala của Ấn Độ cũng là một trong những nguồn cơn gây căng thẳng giữa hai nước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng Ấn Độ đã phạm sai lầm khi công khai đưa quân vào Doklam để bảo vệ Bhutan.

"Tôi đồng ý rằng họ có những lo ngại về an ninh, cũng có thể nói rằng Trung Quốc đã vi phạm hiện trạng. Nhưng việc điều quân đến khu vực tranh chấp của nước khác dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh có thể là cái cớ để Trung Quốc khai thác", một chuyên gia phân tích của Ấn Độ nhận định
Khu vực chiến lược

Những lo ngại trên là có cơ sở.

Long Xingchun, chuyên gia tại một tổ chức tư vấn của Trung Quốc, cho rằng "nước thứ ba" cũng có thể lấy danh nghĩa này để đưa quân vào khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ với Pakistan, quốc gia vốn là đồng minh của Trung Quốc.

"Ngay cả khi Ấn Độ được yêu cầu bảo vệ lãnh thổ Bhutan, họ cũng chỉ có thể đưa quân đến lãnh thổ đã phân định, không phải là khu vực tranh chấp", ông Long nói.

Như vậy một giải pháp vẹn toàn giữ được thể diện cho cả ba phía lúc này là bất khả thi và cần nhiều thời gian hơn nữa. Đó chính là lý do vì sao quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Hai nước bỏ lỡ cơ hội hạ nhiệt căng thẳng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Đức đầu tháng 7. Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Hai người đồng nhiệm là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi and Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều có mặt tại Hội nghị G20 tại Hamburg

Chuyên gia Srinath Raghavan, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Delhi, này cho rằng chuyến thăm Bắc Kinh của Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cuối tháng này trong khuôn khổ cuộc họp các nước BRICS là cơ hội tuyệt vời để hai nước tháo ngòi nổ căng thẳng.

"Hai bên đều coi đây là vấn đề về uy tín. Nhưng vai trò của ngoại giao là tìm giải pháp hòa bình trong những hoàn cảnh khó khăn", nhà cựu ngoại giao này nói.

Để làm được điều đó, Ấn Độ không thể để xảy ra một cuộc chiến với Trung Quốc vào thời điểm này.

Điều quan trọng là cả Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan phải cùng tìm ra một giải pháp giải quyết căng thẳng nhưng vẫn giữ được thể diện cho tất cả các bên.

"Tôi không cho rằng hai bên muốn chiến tranh xảy ra. Cuộc khủng hoảng hiện này không có gì đáng để xung đột nổ ra, nhưng cả hai đều coi trọng thể diện, khiến căng thẳng có thể kéo dài," ông Raghavan nhận định.

Nguồn: BBC