Hiếm có nước nào quân đội làm kinh tế (BBC)
Hiện
nay ở trong Asean và các nước châu Á khác ở Đông Bắc Á như Hàn Quốc,
Nhật Bản, Đài Loan, ngoài Việt Nam ra, không có một nước nào mà quân đội
tham gia làm kinh tế cả.
Từ các nước trong khu vực Đông Nam
Á, Đông Á, cho tới Hoa Kỳ, không ở nước nào mà quân đội 'tham gia làm
kinh tế' như ở Việt Nam, theo các khách mời nói với BBC.
Từ California, Hoa Kỳ, hôm 06/7/2017, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói về quân đội Mỹ:
"Ở
Hoa Kỳ, quân đội không đi làm kinh doanh, họ có thể có những nhiệm vụ
nghiên cứu, làm sao để giải quyết những bài toán của tương lai. Và một
số kết quả nghiên cứu đó cho đến bây giờ đưa ra chuyện chúng ta mới dùng
iPhone, điện thoại thông minh...là xuất phát từ quân đội ra.
"Nhưng quân đội Mỹ làm lĩnh vực nghiên cứu, tại vì họ vì nhu cầu bảo
vệ tổ quốc của họ đi vào..., họ tìm những giải pháp gọi là tiên tiến
nhất, sau đó người dân được hưởng kết quả của những giải pháp đó và tôi
không nghĩ rằng chúng ta (Việt Nam) không nên bắt chước nước Mỹ để thực
hiện việc cải cách của nước ta.
"Tại vì mỗi quốc gia có hoàn cảnh
khác, tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta nên thảo luận về chuyện này để
thấy xem rằng trong một đất nước có từng thành phần dân chúng, mỗi người
có nhiệm vụ ra làm sao.
"Người mà bảo vệ sức mạnh của Tổ quốc có bảo vệ được hay không và
người và làm cho Tổ quốc, đất nước giàu mạnh hơn, thí dụ như thành phần
tư nhân đã có thể làm được chuyện ấy chưa?
"Và nếu chưa làm được
những chuyện đó mà bây giờ vẫn còn loanh quanh trong những vấn đề mà
Trung Quốc đã nhìn thấy từ mười mấy năm trước, biết rằng là sai và đã
muốn sửa, mà nó lại gây những sức ép rất lớn cho đất nước mình, mà mình
vẫn còn loay hoay về những chuyện lặt vặt đó, tôi cho rằng đó là một
điều không phải đáng buồn đâu, nó đáng lo," ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói
với Bàn tròn của BBC.
'Không đâu như Việt Nam'
Từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đưa ra quan sát kinh nghiệm ở khu vực này và một số quốc gia ở châu Á:
"Hiện
nay ở trong Asean và các nước châu Á khác ở Đông Bắc Á như Hàn Quốc,
Nhật Bản, Đài Loan, ngoài Việt Nam ra, không có một nước nào mà quân đội
tham gia làm kinh tế cả.
"Nước gần đây nhất mà bỏ kinh tế trong quân đội đi, tất
nhiên người ta bỏ không hết, người ta có che lấp đi một chút, tức là
Thái Lan, thì việc mà các quan chức quân đội làm kinh tế, thì người ta
cho phép là không phải những người ấy đứng ra, mà là một người nào đó
được ủy quyền đứng ra lập một doanh nghiệp hoặc một công ty làm gì đó
liên quan đến quân đội.
"Nhưng bản thân những người ấy khi đang
đương chức thì không làm, đấy là cách mà người ta vận dụng, người ta che
lấp, như kiểu quân đội Thái Lan có hơi khác. Còn ngoài ra thì không có
một quân đội của nước nào ở trong các nước Asean này làm kinh tế cả.
"Tại
Nhật Bản thì sau Chiến tranh Thế giới 2 thì 100% bỏ hết, không có làm
gì đến quân đội hết, còn những người trước đây từng tham gia quân đội, ở
chỗ này chỗ nọ mà người ta còn trẻ, thì người ta ra lập doanh nghiệp.
"Thí
dụ như những doanh nghiệp rất nổi tiếng như Sony hay Toyota..., những
người sáng lập ra Mitsubishi đã từng đi lính, Nam Triều Tiên cũng y hệt
như thế...," Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với Bàn tròn Thứ Năm.
'Như hai chiếc cánh chim'
Tin cho hay, hôm 06/7 tại Hà Nội, một Tọa đàm chuyên đề
đã được tổ chức tại báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam với tựa đề "Kết
hợp kinh tế với quốc phòng- nhiệm vụ chiến lược lâu dài."
"Kết hợp
kinh tế với quốc phòng vì sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân
dân là khẳng định của các đại biểu tham dự Tọa đàm," tờ báo là cơ quan
của Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng Việt Nam cho hay.
Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam, được báo này dẫn lời nói:
"Phát triển kinh tế và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng
như hai chiếc cánh của một con chim. Nếu bỏ đi cánh nào thì con chim
cũng không thể bay được.
"Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ quốc
phòng phải được coi là "gen trội", và việc phát triển kinh tế là "gen
bổ sung", ông Vũ Khoan được trích thuật nói.
Tham dự tọa đàm dưới
sự chủ tọa của Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập
Báo Quân đội, còn có một số đại biểu khác như Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên
gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh
đạo một số địa phương và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Bộ Quốc
phòng.
"Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường
Sơn gửi tham luận về tọa đàm. Cùng dự tọa đàm có các đồng chí trong Đảng
ủy, Ban biên tập và đại diện chỉ huy các phòng, ban của Báo QĐND," tờ
báo của Quân đội Việt Nam cho biết.