Nhà cầm quyền ngăn cấm người dân Đông Yên xây dựng hệ thống nước lọc (GnPS)

Nhà cầm quyền Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh liên tục đưa công an, dân phòng, an ninh chìm nổi, côn đồ… cản trở, ngăn cấm giáo dân giáo xứ Đông Yên xây dựng hệ thống lọc nước ngầm phục vụ cho bà con cũng như vùng lân cận.



Mục đích bà con giáo dân xây dựng hệ thống lọc nước tại sân nhà thờ giáo xứ Đông Yên đảm bảo cho người dân có nguồn nước ngọt sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Một người dân Đông Yên cho Pv.GNsP biết: “Mấy ngày nay bà con giáo xứ Đông Yên cũ liên tục bị nhà cầm quyền sách nhiễu, yêu cầu tháo dỡ ngay công trình đang xây dựng hệ thống lọc nước. Biển bị ô nhiễm trầm trọng, bà con không còn con đường mưu sinh và không có nguồn nước để uống, do đó bà con quyết định xây dựng nhà máy nước lọc lấy từ nước ngầm để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân. Bên phía nhà nước không quan tâm, giúp đỡ cho bà con lại còn cho lực lượng đến sách nhiễu và yêu cầu phải tháo dỡ công trình này. Chính quyền làm vậy chẳng phải là chặn đường sống của chúng tôi hay sao? Chúng tôi sẽ làm hệ thống nước lọc này cho bằng được.”

Tuy nhiên, giới cầm quyền cấm cản với lý do cho rằng “phát hiện một công trình đang xây dựng trái phép trên đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng” nên “cấm xây dựng cơ nới công trình nhà cửa, vật kiến trúc, trồng cây lâu năm vi phạm quy hoạch đất đai, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh”. Nhưng hành vi cấm cản này là sai pháp luật.


Bà con giáo dân giáo xứ Đông Yên xây dựng hệ thống lọc nước tại sân nhà thờ giáo xứ Đông Yên đảm bảo cho người dân vùng lân cận có nguồn nước ngọt sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Hệ thống nước lọc được xây dựng tại sân nhà thờ giáo xứ Đông Yên cũ.

Nhà cầm quyền Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh liên tục đưa công an, dân phòng, an ninh chìm nổi, côn đồ… cản trở, ngăn cấm giáo dân giáo xứ Đông Yên xây dựng hệ thống lọc nước ngầm.


Vào năm 2012, nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh cho triển khai dự án di dời dân tái định cư đối với 1000 hộ dân thuộc Giáo xứ Đông Yên. Nhưng, cho đến nay, có hơn 840 hộ di dời, còn lại 158 hộ vẫn chưa di dời bởi họ phản đối với các lý do sau: Thứ nhất, mục đích di dời, giải tỏa chưa được sáng tỏ. Thứ hai, nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh đã định mức tài sản vật chất của người dân không đúng giá bồi thường theo quy định của pháp luật. Thứ ba, khu tái định cư không đáp ứng được các điều kiện tối thiểu về đời sống như y tế, giáo dục, công ăn việc làm, thực hành các lễ nghi tôn giáo. Thứ tư, vùng đất thôn Đông Yên đã được ông cha xây dựng hơn 100 năm nay… Và, 158 hộ dân này kiên quyết không nhận tiền bồi thường để giữ đất.

Bà con giáo dân giáo xứ Đông Yên chủ yếu làm nghề chài lưới, đánh bắt cá nhưng cuộc sống của bà con đã rơi vào bế tắc khi thảm họa ô nhiễm môi trường biển xảy ra vào tháng 4.2016 vừa qua, do công ty Formosa xả thải độc tố với khối lượng lớn ra biển, phá hủy toàn bộ hệ sinh thái môi trường biển ở Việt Nam. Sự tàn phá môi sinh này do sự tiếp tay của các quan cộng sản đã cho phép Formosa hiện diện, tồn tại và hoạt động tại VN và đặt cơ sở chính ngay sát bên cạnh giáo xứ Đông Yên.

Mất nghiệp khi biển chết, không chuyển đổi được nghề nghiệp, chật vật bữa cơm qua ngày, bệnh tật tràn lan, thất học… là những hậu quả người dân Đông Yên đang phải gánh chịu bởi chính sách sai lầm, “hèn với giặc, ác với dân” của nhà cầm quyền cs.

Huyền Trang, GNsP