Trí thức Việt Nam : dấn thân để trưởng thành (Giang Hoàng - Thông Luận)

Cuộc đấu tranh loại bỏ chế độ độc tài này là cuộc đấu tranh tôn vinh những giá trị cao cả, tôn vinh con người, nó chỉ thành công nếu chúng ta sử dụng những phương tiện cao cả, tốt đẹp chứ không phải "xây trên điếm nhục" nên không có gì phải xấu hổ cả. Nhưng đây là sự nghiệp lớn lao, trọng đại nhất trong lịch sử nước ta, do vậy, để thành công, nhất định mỗi người đấu tranh sẽ phải chấp nhận một đánh đổi nào đó. Sự đánh đổi của mỗi người sẽ giảm đi khi số người tham gia tăng lên và hành động đúng phương pháp. Sự đánh đổi này, nêu suy nghĩ sâu xa hơn, thực ra, chỉ là sự vượt thoát khỏi sự tầm thường để trưởng thành.

 
Nét nổi bật của nền chính trị Việt Nam hiện nay là sự tồn tại đầy vô lý của chế độ cộng sản. Đối với những người có chút quan tâm đến chính trị Việt Nam là điều không có gì phải bàn cãi ; tập đoàn cộng sản Việt Nam chỉ quan tâm một mục đích duy nhất là cố gắng duy trì sự tồn tại của chính nó, dù phải đưa ra những quyết định tàn phá đất nước. Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một chính đảng dân tộc ; nó hành xử như một lực lượng chiếm đóng, một chính quyền thực dân.
Sự tồn tại vô lý này thật ra không vô lý, cái khiến nó tồn tại mới là sự vô lý. Nó đặt ra cho chúng ta một câu hỏi gay gắt : Liệu chúng ta có phải là một dân tộc không ?! Trong thời đại ngày nay, điều quan trọng để được coi là một dân tộc là phản ứng tập thể của cả dân tộc đối với các vấn đề liên quan đến sự tồn vong của nó. Đảng cộng sản Việt Nam đã, đang là tai họa của đất nước là điều không thể chối cãi. Nhưng tại sao, sau hơn nửa thế kỷ hiện diện trên đất nước -  với những đập phá kinh khủng mà nó đã làm – vẫn chưa gặp phải một chống đối quy mô nào ?
Lý do chính là vì, một dân tộc dù lớn hay nhỏ muốn có phản ứng tập thể, nó cần có lực lượng lãnh đạo, định hướng hành động của nó. Điều mà cho đến nay – dù nhu cầu rất bức thiết – chúng ta vẫn chưa có. Cần phải khẳng định dứt khoát, vấn đề bản chất nhất của chúng  ta hiện nay là vấn đề chính trị, phải có giải pháp chính trị, và như vậy, hệ luận tất yếu là phải có tổ chức chính trị để giải quyết vấn đề. Không thể khác.
Nhưng tại sao, trí thức Việt Nam – những bộ não của dân tộc – vẫn dị ứng với tổ chức chính trị, nghĩa là từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình ?
Lý do thì rất nhiều, tôi cũng đã phân tích trong bài "Bàn về dân chủ và dân trí"; ở đây, tôi chỉ muốn "cập nhật "thêm vài lý do theo quan sát và kinh nghiệm cá nhân.
Thứ nhất, theo tôi, trí thức Việt Nam vẫn hiểu một cách khiên cưỡng khái niệm trí thức, nói đúng hơn, họ hiểu một cách máy móc yếu tố "độc lập "trong khái niệm trí thức. Họ cho rằng, trí thức là phải độc lập, nghĩa là phải đứng ngoài các tổ chức, hoặc phải có thái độ trung lập hoàn toàn với tổ chức, nghĩa là không lên tiếng ủng hộ công khai tổ chức nào cả. Thực ra, sự độc lập của người trí thức là sự độc lập về tư duy, nghĩa là, dù anh tham gia hay ủng hộ một tổ chức nào đó đi nữa, nhưng nếu anh có ý tưởng mới, cách nhìn, cách tiếp cận độc đáo thì anh vẫn là con người có tư duy độc lập ; và cái tư tưởng độc đáo của anh sẽ được thăng hoa nhờ vào sự hổ trợ của tổ chức mà anh là thành viên, hoặc cảm tình viên. Ngược lại, dù không tham gia hay ủng hộ tổ chức nào, nhưng nếu không chỉ ra vỉa sáng mới về tư tưởng thì anh cũng chỉ là con người của một xu hướng, một quan điểm chính trị nào đó, dần dần, anh sẽ bị đám đông tiêu hóa trở thành quần chúng bình thường.
Trong lịch sử thế giới, nhiều nhà tư tưởng lớn là người sáng lập hoặc tham gia tổ chức chính trị nhưng không ai nói họ không phải là trí thức cả.
Thứ hai, đa số thành phần trí tuệ của chúng ta vẫn chưa vượt qua được áp lực từ chính bản thân. Dĩ nhiên áp lực từ chính quyền độc tài là điều tôi không muốn nói ở đây, bởi vì, khi một người đã khiếp nhược trước chế độ chuyên chính thì ta phải gạt họ ra khỏi thành phần mà tôi đang bàn tới, nghĩa là trí thức.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết, ở Việt Nam hiện nay, khi một người có chút quan tâm tới đất nước, mới chỉ đưa ra quan điểm của riêng mình là phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè, người thân…, chứ chưa nói tham gia hay ủng hộ công khai một tổ chức chính trị đối lập. Bản thân tôi nhiều khi cảm thây cô đơn ngay giữa đám bạn bè cùng trang lứa ; những gì tôi nói  chỉ khiến họ dị ứng. Tôi hiểu, mình đang sống trong một đất nước mà những giá trị đúng đang chết ngạt giữa vô số những xô bồ hổ lốn tầm thường.
Trí thức là người tiên phong, vì lẽ đó, vượt lên trên những cảm xúc, suy nghĩ, hành động  của đám đông là điều bắt buộc phải có. Nhân vật Gia Long trong truyện ngắn lịch sử "Vàng lửa "của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có câu nói đầy triết lý : "Vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục". Cuộc đấu tranh loại bỏ chế độ độc tài này là cuộc đấu tranh tôn vinh những giá trị cao cả, tôn vinh con người, nó chỉ thành công nếu chúng ta sử dụng những phương tiện cao cả, tốt đẹp chứ không phải "xây trên điếm nhục "nên không có gì phải xấu hổ cả. Nhưng đây là sự nghiệp lớn lao, trọng đại nhất trong lịch sử nước ta, do vậy, để thành công, nhất định mỗi người đấu tranh sẽ phải chấp nhận một đánh đổi nào đó. Sự đánh đổi của mỗi người sẽ giảm đi khi số người tham gia tăng lên và hành động đúng phương pháp. Sự đánh đổi này, nêu suy nghĩ sâu xa hơn, thực ra, chỉ là sự vượt thoát khỏi sự tầm thường để trưởng thành.
Khi đã nhận ra vai trò lịch sử của mình, trí thức sẽ hiểu rằng, những e ngại đến từ sức ép dư luận xung quanh chỉ là biểu hiện của con người chưa trưởng thành, đôi khi chỉ là cảm giác chủ quan. Người Mỹ có câu : "Khi bạn hai mươi tuổi, bạn thường lo lắng không biết mọi người nghĩ về mình như thế nào ; đến bốn mươi tuổi, bạn mặc xác ai nghĩ về mình thế nào cũng được ; đến sáu mươi tuổi, bạn mới nhận ra, thực ra, chả có ma nào nghĩ tới mình cả".
Ông Nguyễn Gia Kiểng từng đưa ra nhận xét rất đúng rằng : "Trí thức Việt Nam lúc nào cũng sợ người khác nghĩ về mình hơn là mình nghĩ về mình, nên không dám làm điều mình cho là đúng vì thấy nhiều người không làm, nhưng sẵn sàng làm điều xấu xa nếu không bị phát hiện". Cần nhận thức rằng, sự trưởng thành của người trí thức đồng nghĩa với sự trưởng thành của dân tộc. Chúng ta phải chấm dứt tình trạng ”nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con".
Thứ ba, tôi có cảm giác, trí thức Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu vai trò của mình trong tiến trình lịch sử dân tộc. Vài thân hữu nói với tôi là những bài viết của cá nhân ông Nguyễn Gia Kiểng và một số thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên khiến giới trí thức cảm thấy bị xúc phạm. Thật ra, chúng tôi luôn coi trí thức là thành phần quyết định trong hành trình lịch sử dân tộc. Nhưng  thực tế phũ phàng là dân tộc ta luôn đánh mất cơ hội để thăng tiến một cách đáng tiếc, và chúng ta hiện đang là quốc gia dưới đáy của thế giới về mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, khoa học kỷ thuật. Đau lòng hơn, chúng ta là số ít dân tộc trên thế giới không có cả quyền con người cơ bản. Chúng ta, với dân số xấp xỉ một trăm triệu dân bị một băng đảng mà sự mục rữa đã cùng cực công khai tuyên bố áp đặt một thứ chủ nghĩa ngoại lai đã phá sản, bị thế giới lên án là chủ nghĩa tội ác. Tất cả điều đó nếu người trí thức không lãnh trách nhiệm thì ai sẽ là người nhận lãnh đây ? Những  gì chúng tôi viết ra chỉ là để nhận diện một thực tế mà chúng tôi tin rằng chỉ khi người trí thức Việt Nam can đảm đối diện với nó, chất vấn với bản thân mới có thể  vượt thoát.
Tôi không phải là một trí thức, và cũng không có mong muốn trở thành một trí thức. Có thể vì thế mà những nhận xét về người trí thức của tôi có phần khắt khe, bởi độ lượng với bản thân, nghiêm khắc với người khác là đặc tính chung của con người. Đó là vì tôi luôn muốn Việt Nam có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa, khái niệm trí thức được nhắc đến trong ngôn ngữ Việt Nam với sự hãnh diện như nó phải có. Trí thức phải thực sự là bộ não của dân tộc, là người cầm lái quốc gia, chứ không phải là những người "chỉ biết tuân theo những quy ước, nên trong thâm tâm đã không thắng nỗi chính mình "như lời thú nhận của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Điều kiện bắt buộc để đất nước tồn tại và vươn lên trong thế giới đầy thử thách này.
Giang Hoàng
(03/05/2017)
Tập hợp Dân chủ Đa nguyên