Bảo hộ mậu dịch cản trở quan hệ thương mại Mỹ-Việt (Lê Đăng Doanh)
Hiện
giờ, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2016 đã đạt đến 38,5 tỷ đô la, chiếm
gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chiến
tranh Việt Nam đã kết thúc đúng 42 năm, hai kẻ thù cũ là Washington và
Hà Nội đã bình thường hóa quan hệ từ lâu và bang giao giữa hai nước đã
đặc biệt phát triển mạnh dưới thời tổng thống Barack Obama, trong bối
cảnh Hoa Kỳ xoay trục sang Châu Á và can dự nhiều vào vấn đề Biển Đông.
Thế nhưng, nay đang có nhiều quan ngại là chính sách bảo hộ mậu dịch của
tổng thống Trump sẽ cản trở mối quan hệ thương mại Mỹ-Việt. RFI phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Mặc
dù gần đây Việt Nam đã có thái độ hòa dịu hơn với Trung Quốc trên vấn
đề Biển Đông (hai nước vào tháng Giêng năm 2017 đã đồng ý sẽ thảo luận
với nhau về vấn đề này một cách chính thức hơn), nhưng Hà Nội vẫn cần
đến sự hỗ trợ của Mỹ để bớt phụ thuộc Bắc Kinh về mặt kinh tế. Hiện
giờ, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2016 đã đạt đến 38,5 tỷ đô la, chiếm
gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trước
mắt, quan hệ giữa Washington và Hà Nội có vẻ như vẫn tiến triển tốt.
Tổng thống Donald Trump đã mời thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang
thăm Hoa Kỳ. Ông Trump theo dự kiến cũng sẽ đến dự thượng đỉnh Diễn Đàn
Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC ở Việt Nam vào tháng 11 năm
nay. Trong bức thư gởi cho chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng
2/2017, tổng thống Mỹ đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam
về kinh tế, mậu dịch cũng như trên các vấn đề khu vực và quốc tế.
Thế
nhưng, đang có nhiều quan ngại là chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng
thống Trump sẽ cản trở mối quan hệ thương mại Mỹ-Việt. Ngay ngày đầu
tiên sau khi nhậm chức tổng thống, Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi
hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định tự do mậu
dịch mà nếu có hiệu lực sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế
Việt Nam. Theo một số ước tính độc lập, hiệp định TPP nếu được thực thì
sẽ giúp tăng 11% tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam, tương đương với
gần 36 tỷ đôla và tăng xuất khẩu lên đến 28% trong thập kỷ tới.
Tổng
thống Donald Trump cũng đã yêu cầu bộ Thương Mại điều tra về 16 đối tác
thương mại của Mỹ bị xem là cạnh tranh không công bằng khiến Hoa Kỳ bị
thâm hụt mậu dịch quá nhiều. Trong số 16 đối tác đó có cả Việt Nam.
Trong
một bài viết đề ngày 10/04, trang Asia Times cho biết Hà Nội muốn được
hưởng những ưu đãi thương mại của Mỹ, và đang hy vọng sẽ bắt đầu đàm
phán về một hiệp định thương mại tự do song phương để thay thế TPP. Tổng
thống Trump đã nói rõ là ông muốn thương lượng với các đối tác thương
mại trên cơ sở song phương hơn là đa phương. Đó là một trong những lý do
chính khiến ông tuyên bố rút Hoa Kỳ khỏi TPP.
Asia Times
cho biết là các quan chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau vào cuối tháng
3 trong khuôn khổ Hiệp định Khung về Thương Mại và Đầu Tư, một cơ chế
đối thoại mà nhiều người cho rằng có thể tạo ra một khuôn khổ sẵn sàng
để đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương.
Tuy
nhiên, trước một chính quyền Mỹ chủ trương bảo hộ mậu dịch mạnh mẽ như
chính quyền Trump, Việt Nam sẽ buộc phải đa dạng hóa thị trường để không
phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, nhất là không phụ thuộc vào
Trung Quốc. Sau đây xin mời quý vị nghe ý kiến của chuyên gia kinh tế,
tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
*****************
RFI : Thưa
ông Lê Đăng Doanh, theo ông biết thì Việt Nam có đã dứt khoát không
tham gia TPP, cho dù hiệp định này có được duy trì bởi các nước khác
ngoài Hoa Kỳ ?
Lê Đăng Doanh : Cho
đến nay, Việt Nam chưa tỏ thái độ là sẽ dứt khoát không tham gia TPP.
Nhật Bản hiện nay đang cố gắng để có thể tiếp tục TPP mà không có Mỹ và
tôi cũng không biết được là ông Donald Trump, với sự thay đổi hết sức
bất ngờ của ông ấy trong rất nhiều việc, không biết có hy vọng mong manh
rằng đến lúc nào đấy quay trở lại TPP hay không.
Ông
ấy đầu tiên đã dọa đánh thuế 43% vào hàng Trung Quốc và đánh 20% vào
Mexico. Nhưng bây giờ ông rất vui vẻ với Trung Quốc. Ông ấy cũng đã bác
bỏ chính sách một nước Trung Quốc, nhưng bây giờ lại công nhận chính
sách đó. Tôi cũng rất hy vọng là đến một lúc nào đó sẽ có một ông Donald
Trump quay lại TPP, vì đây là một nỗ lực do Mỹ dẫn đầu và Mỹ là thị
trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đến
22% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu có TPP thì các doanh nghiệp Việt Nam
sẽ được hưởng một số ưu đãi. Và tôi hy vọng là xuất khẩu của Việt Nam
sang Mỹ sẽ tăng lên và Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hơn nữa từ Mỹ.
RFI : Nhưng
trước mắt, trong chiều hướng bảo hộ mậu dịch, chính quyền Trump dự định
sẽ điều tra một số quốc gia bị xem là cạnh tranh không công bằng với
Hoa Kỳ, khiến cho Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại lớn. Trong số các quốc
gia bị điều tra thì có Việt Nam. Việt Nam có sẽ là một trong những nạn
nhân của chính sách bảo hộ mậu dịch này ?
Lê Đăng Doanh : Ông
Donald Trump đã giao cho bộ Thương Mại trong vòng 90 ngày phải điều tra
16 nước đang xuất siêu sang thị trường Mỹ. Trước đây ông cũng đã nhiều
lần nói rằng Trung Quốc là vô địch về thao túng tiền tệ, nhưng bây giờ
ông lại không nói như thế nữa. Cho nên tôi không rõ là điều tra sẽ như
thế nào.
Nhưng
nếu sau khi có kết quả điều tra 16 nước đó, ông Trump có những biện
pháp như đánh thuế và hạn chế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, thì điều đó
sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Hiện
giờ Hoa Kỳ đã có một số rào cản kỹ thuật đối với thủy sản của Việt Nam
như tôm và cá ba sa. Việt Nam sẽ phải có những nỗ lực rất cao để có thể
tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Và có lẽ Việt Nam sẽ phải đa
dạng hóa thị trường để tránh quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
RFI : Đa dạng hóa thị trường, tức là Việt Nam sẽ phải nhắm đến những thị trường nào khác ?
Lê Đăng Doanh : Đó
là thị trường Liên Minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và cũng
có thể là Trung Đông và Châu Phi. Đó là những nỗ lực mà Việt Nam phải
tiếp tục để có thể mở rộng được thị trường.
RFI : Khi
rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, tổng thống Trump có nói là ông sẵn sàng thương
lượng về các hiệp định tự do thương mại song phương với từng nước. Việt
Nam có thể thương lượng một hiệp định riêng với Mỹ để có thể tiếp tục
đẩy mạnh xuất khẩu sang nước này ?
Lê Đăng Doanh : Hiện
nay Hoa Kỳ đã bắt đầu thăm dò hiệp định tự do thương mại song phương
với Nhật Bản và với Trung Quốc. Tôi nghĩ là nếu không có TPP thì Việt
Nam sẵn sàng thương lượng để có một hiệp định tự do thương mại với Hoa
Kỳ, nâng cấp hiệp định song phương giữa Việt Nam với Mỹ đã được ký kết
năm 2001.
Nhưng
về mặt kinh tế học, việc ký kết quá nhiều hiệp định tự do thương mại
song phương sẽ làm rối thương mại thế giới, bởi vì cứ hai nước ký hiệp
định song phương với nhau thì lại chấp nhận một số điều kiện ưu đãi khác
nhau. Nếu cứ tiếp tục như thế thì các quy chế thương mại trên thế giới
sẽ trở nên rất phức tạp. Tôi hy vọng là tổ chức thương mại thế giới sẽ
có một số gợi ý để tránh tình trạng quá lộn xộn.
RFI : Nếu
không tham gia TPP, Việt Nam như vậy sẽ mất một cơ hội lớn để vừa thúc
đẩy phát triển kinh tế, vừa bớt phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc ?
Lê Đăng Doanh : Vâng,
nếu không có hiệp định TPP, Việt Nam sẽ mất một cơ hội rất lớn để mở
rộng thị trường, đồng thời mất một sức ép từ bên ngoài để thực hiện cải
cách một cách mạnh mẽ. Có nguy cơ là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc
nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Đấy là những vấn đề mà Việt Nam cần
có những biện pháp, những phương án để xử lý ngay trong thời gian tới.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 01/05/2017