Doanh nghiệp muôn nẻo gian truân (Tư Giang)

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường kinh doanh phải đáp ứng ba yếu tố then chốt là thuận lợi, an toàn, và chi phí thấp để doanh nghiệp yên tâm phát triển. Ông nói: “Đó là tam giác tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển”. Tuy nhiên, xét về từng yếu tố, thì đâu cũng có vấn đề. Chẳng hạn, yếu tố an toàn đang là... đại vấn đề. “Vấn đề mà cộng đồng kinh doanh lo lắng nhất là an toàn, sự bất ổn của môi trường kinh doanh. Thiết chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp là rất thấp để họ yên tâm bỏ vốn đầu tư”, ông nói.

 
Với số lượng doanh nghiệp mới thành lập đạt kỷ lục trong hơn một năm qua, phong trào khởi nghiệp có vẻ đang nở rộ ở nhiều nơi. Song, không phải tất cả đều đi trên thảm đỏ...

Từ Hà Nội, An Giang, tới Hòa Bình...

Bà Nguyễn Minh Thu, phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần Sông Potomac ở Hà Nội, đang ngồi trên lửa. Bà không biết làm thế nào với con tàu Potomac, nơi từng là nhà hàng nổi trên hồ Tây, khi chính quyền Thủ đô không cho kinh doanh nữa. Trong một nỗ lực làm sạch cảnh quan hồ Tây, nhất là sau vụ cá chết kỷ lục năm ngoái, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu Potomac và hơn chục doanh nghiệp khác đang kinh doanh trên mặt nước hồ Tây phải “chấm dứt hoàn toàn hoạt động”. Các văn bản đã ban hành, việc cưỡng chế đã diễn ra. Nhưng đó mới chỉ là một mặt của vấn đề. Bà Thu nói: “Chúng tôi đã đầu tư vốn liếng vào con tàu, mà nay không được kinh doanh nữa, thì chắc chỉ còn nước phá sản”. Hầu hết trong hơn chục doanh nghiệp liên quan cũng đang ở tình trạng như Potomac.

Những doanh nghiệp trên lo lắng, quyền tài sản của họ không được đảm bảo, và chính sách không tiên liệu được làm họ gặp rủi ro trong kinh doanh, dù thừa nhận Hà Nội có thể đúng khi muốn khôi phục lại cảnh quan hồ Tây.

Không như câu chuyện ở Hà Nội, các doanh nghiệp ở tỉnh An Giang lại gặp một vấn đề khác với quy định từ trung ương. Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Lê Văn Nưng kể có gần chục doanh nghiệp ở tỉnh muốn được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không thể cấp giấy chứng nhận cho họ do đây là thẩm quyền của các bộ, ngành. Sau một thời gian ra Hà Nội, các doanh nghiệp đó thôi không xin đăng ký nữa do tốn thời gian quá nhiều và thủ tục quá phức tạp. Theo ông Nưng, một doanh nghiệp khác ở tỉnh muốn nâng công suất nhà máy xi măng cũng phải ra Hà Nội xin phép Bộ Xây dựng. Vị phó chủ tịch có đôi lần kiến nghị các bộ, ngành cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương nhưng không được. Ông kể trong một hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tổ chức cuối tuần trước, rằng “các bộ đều nói không sửa được, khó lắm”, rồi bình luận “cái mình tạo ra thì mình sửa được, sửa để tạo động lực cho các tỉnh phát triển sao không sửa?”.


Ông Nưng cho biết thêm, từ nay đến năm 2020, An Giang “được giao” phải có 10.000 doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với mức 6.000 doanh nghiệp mà địa phương này dự tính có được. Những chính sách như trên, ông Nưng nói, đang “trói buộc” sự tự chủ của chính quyền địa phương, và làm rầy rà cho doanh nghiệp. Ông nói: “Địa phương chúng tôi phấn đấu, nhưng trung ương cũng phải phấn đấu chứ”.
Câu chuyện ở An Giang cho thấy, những chính sách ưu đãi doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp còn lâu mới đi vào thực tế, nếu các bộ, ngành còn ôm đồm quyền như thế nào. Chính sách có nhưng không thể đi vào thực tiễn do thủ tục quá rầy rà.

Những quy định trói buộc

Những khó khăn của doanh nghiệp như trên là muôn hình vạn trạng. Nhận thức được thực tế này, Chính phủ đã cam kết trở thành Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy khởi nghiệp bằng việc liên tục ban hành các nghị quyết 19 và 35 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Trong một cuộc họp về Nghị quyết 19 gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đã có hai bộ đưa ra một vài thay đổi nhỏ nhằm hưởng ứng nghị quyết quan trọng này của Chính phủ. Ví dụ, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 23 ngày 12-10-2016 bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyte trên sản phẩm dệt may, giúp “tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng và hàng vạn ngày công” cho các doanh nghiệp dệt may. Bộ này cũng bãi bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất, giúp doanh nghiệp không còn phải khai tới 55.000 tờ khai mỗi năm, nhờ đó họ tiết kiệm được “hàng trăm tỉ đồng”. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm; miễn ghi nhãn tiếng Việt đối với thực phẩm, nguyên liệu, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. “Đó là những thay đổi nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả xã hội lớn”, Phó thủ tướng khích lệ. Nhưng cần biết rằng những thay đổi đơn giản đó đã mất tới trung bình năm năm sau nhiều kiến nghị mòn mỏi của doanh nghiệp.
Và, những thay đổi đó là quá nhỏ trong danh sách dài những bức xúc mà doanh nghiệp trải qua hàng ngày. Ông Đào Huy Giám, đại diện Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, phản ánh với rất nhiều nhóm thủ tục khác ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, quản lý và kiểm tra chuyên ngành, tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng, đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch... doanh nghiệp vẫn mòn mỏi kiến nghị được đáp ứng hay phúc đáp, chờ cải cách. Trước đòi hỏi cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, một số bộ rất tích cực, nhưng đa số bộ thiếu chủ động, phối hợp kém hiệu quả. Ông Giám cho rằng, thực tế đó dẫn đến đẩy kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc khi vấn đề không bị công luận phản ánh mạnh mẽ thì không được ghi nhận, điều chỉnh kịp thời.
Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy có nhiều ví dụ để chứng minh cho nhận định này. Ông Thúy kể, Thông tư 35 của Bộ Công Thương về quy trình và hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu phân bón đẩy thương nhân nhập khẩu vào tình thế phải làm trái luật vì những quy định rất “tùy tiện” và chỉ mang tính quyền lực của cơ quan nhà nước.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường kinh doanh phải đáp ứng ba yếu tố then chốt là thuận lợi, an toàn, và chi phí thấp để doanh nghiệp yên tâm phát triển. Ông nói: “Đó là tam giác tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển”. Tuy nhiên, xét về từng yếu tố, thì đâu cũng có vấn đề. Chẳng hạn, yếu tố an toàn đang là... đại vấn đề. “Vấn đề mà cộng đồng kinh doanh lo lắng nhất là an toàn, sự bất ổn của môi trường kinh doanh. Thiết chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp là rất thấp để họ yên tâm bỏ vốn đầu tư”, ông nói.
Theo TBKTSG